POPULARITY
Tầm nhìn Kinh tế Đạo đức của Giáo hoàng Francis - Một Lời Kêu Gọi Cải Cách Hệ ThốngGiáo hoàng Francis không chỉ là một lãnh đạo tôn giáo mà còn là một nhà phê bình sắc sảo về hệ thống kinh tế toàn cầu. Với góc nhìn từ Mỹ Latinh, ngài chỉ trích chủ nghĩa tư bản hiện đại vì đã đánh mất la bàn đạo đức, đặt lợi nhuận trên con người và dẫn đến bất bình đẳng, nghèo đói, cùng suy thoái môi trường. Thay vì bác bỏ hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, ngài kêu gọi tái định hướng kinh tế dựa trên nền tảng đạo đức, nhấn mạnh rằng kinh tế không chỉ là kỹ thuật mà là một hệ thống phản ánh các giá trị nhân văn.Giáo hoàng Francis gọi hệ thống kinh tế hiện nay là “một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng” – một hệ thống “giết chết” khi phục vụ lợi ích của một số ít thay vì cộng đồng. Từ trải nghiệm ở Argentina, ngài chứng kiến sự tàn khốc của bất công kinh tế: cộng đồng tan rã, bất bình đẳng gia tăng, và các tệ nạn xã hội lan rộng. Ngài chỉ trích sự tập trung của cải, cho rằng thị trường, thay vì tạo ra giá trị chung, đang trở thành công cụ bóc lột. Quan điểm này thách thức các giả định tân cổ điển về tính tự điều chỉnh của thị trường, khẳng định rằng nghèo đói và bất công là “tội lỗi cấu trúc” cần được sửa chữa.Trong thông điệp Laudato Si', Giáo hoàng Francis gắn kết kinh tế với sinh thái, coi suy thoái môi trường là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế biến thiên nhiên thành hàng hóa và bỏ rơi người nghèo. Ngài gọi Trái Đất là “người nghèo bị ngược đãi nhất”, nhấn mạnh rằng kinh tế và sinh thái là hai mặt của trách nhiệm đạo đức. Cách tiếp cận này không chỉ phê phán mô hình tăng trưởng vô hạn mà còn kêu gọi một nền kinh tế tôn trọng cả con người lẫn thiên nhiên.Giáo hoàng Francis không dừng lại ở phê bình mà đưa ra tầm nhìn về một nền kinh tế dựa trên đoàn kết, công lý và quản lý sinh thái. Hội nghị Kinh Tế của Francesco năm 2020 là minh chứng cho nỗ lực này, khuyến khích các nhà kinh tế đặt câu hỏi cơ bản: “Chúng ta muốn loại thị trường nào, và vì ai?”. Ngài kêu gọi tái thiết hệ thống kinh tế từ nền tảng đạo đức, thay vì chỉ sửa chữa bề mặt. Các đề xuất cụ thể bao gồm từ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ trong y tế (như vắc-xin COVID-19) và xóa nợ cho các nước đang phát triển, xem đó là vấn đề công lý hơn là từ thiện.Tầm nhìn của Giáo hoàng Francis không phải là một sáng tạo riêng lẻ mà nằm trong truyền thống tư tưởng kinh tế nhân văn. Ngài chia sẻ quan điểm với các nhà kinh tế như Joseph Stiglitz, Amartya Sen, và Thomas Piketty, những người nhấn mạnh công lý, năng lực con người, và quản trị dân chủ trong kinh tế. Ngay cả Adam Smith, với lời cảnh báo về sự đồng cảm và lòng tin, được ngài viện dẫn để nhắc nhở rằng kinh tế phải phục vụ lợi ích chung. Quan điểm này bác bỏ ý tưởng về kinh tế “trung lập giá trị”, khẳng định mọi chính sách đều phản ánh một hệ giá trị đạo đức.Là tiếng nói cho Thế giới phía Nam, Giáo hoàng Francis đã trở thành một lực lượng đạo đức toàn cầu, nhắc nhở thế giới rằng kinh tế tồn tại để phục vụ con người và phẩm giá. Di sản của ngài nằm ở việc đặt nền móng cho một hệ thống tài chính quốc tế công bằng hơn, thông qua các sáng kiến như Ủy ban Năm Thánh. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, thông điệp của ngài mang tính cấp bách: kinh tế cần được “cứu chuộc” bằng cách đặt công lý, đoàn kết và trách nhiệm sinh thái làm trung tâm. Thách thức đặt ra là liệu thế giới có sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi tái định hình này hay không.Tầm nhìn kinh tế đạo đức của Giáo hoàng Francis là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, thách thức các nhà kinh tế và lãnh đạo toàn cầu nhìn nhận lại mục đích của kinh tế. Bằng cách kết nối bất công kinh tế, suy thoái môi trường và trách nhiệm đạo đức, ngài không chỉ phê phán mà còn truyền cảm hứng cho một mô hình kinh tế nhân văn hơn. Trong một thế giới đối mặt với bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, thông điệp của ngài không chỉ là lý thuyết mà là kim chỉ nam cho hành động, hướng tới một tương lai công bằng và bền vững. To hear more, visit changngocgia.substack.com
Năm 2023, Pháp có ba nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời, chật vật đối phó với cạnh tranh từ Trung Quốc. Đến đầu năm 2025, Photowatt, nhà máy cuối cùng, cũng ngừng hoạt động. Cùng lúc, Pháp rộng tay chào đón DAS Solar - một “đại gia” Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nhà máy đầu tiên có quy mô lớn của DAS Solar tại Pháp sẽ đi vào hoạt động vào tháng 06/2025 ở vùng Montbéliard. Đây cũng là “gigafactory” đầu tiên ở Liên Hiệp Châu Âu để hướng đến thị trường châu Âu và châu Phi. Theo nhật báo Pháp Les Echos, dự án nhà máy đầu tiên của DAS Solar bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc được thông báo ngày 18/11/2024 khi công ty này ký với vùng Montbéliard (tỉnh Doubs) một thỏa thuận mua lại khu công nghiệp bỏ hoang rộng 100.000 m2 ở Mandeure, trị giá 1,2 tỉ euro chưa tính thuế, dự kiến đầu tư 109 tỉ euro vào nhà máy tương lai có công suất hàng năm 3 gigawatt (GW), tạo ra từ 450 đến 600 việc làm trực tiếp. Ông Jean-Pierre Hocquet, thị trưởng Mandeure (Doubs), nhấn mạnh đến việc “đôi bên cùng có lợi” : “Trước hết, đây là một cơ hội tốt bởi vì nhà máy này đã bị bỏ hoang từ khi nhà máy Forvia rời đi và chờ nhà đầu tư mới trong suốt nhiều năm qua”.Khu vực từng là biểu tượng của ngành công nghiệp địa phương, là nơi xuất xưởng những chiếc xe đạp Peugeot đầu tiên, sau này trở thành nhà máy sản xuất ống xả cho nhà cung cấp phụ tùng ô tô đến năm 2021. Việc DAS Solar “tới (Pháp) là sự trở lại công bằng của mọi chuyện”, theo nhận định của Charles Demouge, chủ tịch cộng đồng đô thị Vùng Montbéliard. “Cách đây 50 năm, Peugeot mang công nghệ của mình đến Quảng Châu. Bây giờ, Trung Quốc mang đến cho chúng ta kinh nghiệm của họ về sản xuất tấm pin mặt trời để tránh phải trả thêm thuế”.Pháp đã chủ động mời DAS Solar đến đầu tư vào lúc tập đoàn Trung Quốc tìm địa điểm ở Đức, Tây Ban Nha… Bà Shi Si, giám đốc DAS Solar Pháp, giải thích trong phóng sự của chương trình C dans l'Air ngày 04/02/2025 : “DAS Solar quyết định chọn đầu tư vào đây (Mandeure) để rút ngắn thời hạn xây dựng, bởi vì các tòa nhà đã có sẵn để khởi động sản xuất sớm nhất có thể. Tôi đã thăm rất nhiều nước trước đó như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, nhưng cuối cùng tôi chọn Pháp, bởi vì chúng tôi được văn phòng tổng thống tiếp đón nồng hậu ngay từ lúc đầu, cũng như các bộ ngành khác, trong đó có cả bộ Tài Chính. Họ quan tâm đến dự án của chúng tôi”.Pháp cần Trung Quốc chuyển giao công nghệ pin mặt trờiÔng Frédéric Barbier, nguyên dân biểu tỉnh Doubs, hiện là đại diện của DAS Solar Châu Âu, giải thích “DAS Solar muốn tiến nhanh và điện Elysée sẵn sàng bật đèn xanh, với điều kiện phải chuyển giao công nghệ”. Điều này nói lên tất cả thực tế về lĩnh vực này tại Pháp, cũng như tại châu Âu nói chung, theo giải thích của kinh tế gia Sébastien Jean, giám đốc liên kết tại Viện IFRI : “Yếu tố mấu chốt để thành công được ở Pháp là có sự chuyển giao công nghệ, bởi vì trên thực tế Trung Quốc tiến bộ vượt trội, bỏ xa các đối thủ về công nghệ năng lượng mặt trời”.Trung Quốc gần như chiếm độc quyền tấm pin mặt trời trên thế giới vì sản xuất đến 80%, trong khi 20 năm trước đây chỉ chiếm 6% thị phần. Theo văn phòng Wood Mackenzy, 10 nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới là của Trung Quốc. Tốc độ phát triển chóng mặt, giá thành giảm đã khiến các đối thủ của Trung Quốc không cầm cự được và lần lượt ngừng hoạt động. Năm 2022, Trung Quốc đã tăng gấp ba sản lượng và tiếp tục tăng gấp đôi trong năm 2023 đến mức sản xuất dư thừa so với nhu cầu.Trong phóng sự ngày 12/02/2024 của trang Euronews, tổng thư ký Johan Lindahl của ESMC (European Solar Manufaturing Council), giải thích : “Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp này từ hơn mười năm qua. Họ đưa ra một quyết định mang tính chiến lược cách đây hơn 15 năm, xem pin mặt trời là một ngành công nghệ chiến lược. Họ cũng làm tương tự trong nhiều lĩnh vực khác như xe điện, pin…”Tại sao lĩnh vực sản xuất pin mặt trời lại bi đát đến như vậy ở Pháp ? Trong khi ngay từ năm 2013, Liên Hiệp Châu Âu đã ý thức được mối đe dọa từ pin mặt trời Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường chung châu Âu. Ngày 27/11/2013, Liên Hiệp Châu Âu đã áp mức thuế tạm thời lên tới 42,1% đối với sản phẩm pin mặt trời nhập từ Trung Quốc sau cuộc điều tra từ năm 2012 về đơn kiện của EU Pro Sun ( Hiệp hội Doanh nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu), theo đó sản phẩm của Trung Quốc được bán tại thị trường châu Âu có giá thấp hơn 45% so với sản phẩm cùng loại do châu Âu sản xuất nhờ được trợ giá không công bằng từ chính phủ Trung Quốc.Nhưng ba năm sau, lại là bước ngoặt 180 độ, theo giải thích của tổng giám đốc tập đoàn Total Patrick Pouyanne :trong buổi điều trần tại Thượng Viện Pháp ngày 29/04/2024:“Chúng tôi cũng sản xuất tấm pin mặt trời, trong một doanh nghiệp có tên SunPower, vì thế chúng tôi đã trải qua quá trình đó : đầu tư vào các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở châu Âu và cuối cùng phải đóng cửa hết. Các vị có biết tại sao tôi phải đóng cửa các nhà máy đó ? Tại vì năm 2016 hoặc 2017, Châu Âu quyết định dỡ bỏ mọi rào cản đối với tấm pin mặt trời Trung Quốc. Tôi đến Bruxelles, tôi cũng đi gặp bộ trưởng Kinh Tế để nói với ông ấy rằng nếu dỡ bỏ tất cả những rào cản thuế quan đó, chúng tôi sẽ phải đóng cửa hết nhà máy có ở Toulouse và Carling, như các đồng nghiệp khác. Cuối cùng Liên Hiệp Châu Âu vẫn đưa ra lựa chọn. Châu Âu chọn gì ? Người ta nói với chúng tôi là “phải để cho pin mặt trời Trung Quốc vào, các vị đóng cửa nhà máy bởi vì lựa chọn của chúng tôi (Liên Âu) là khiến cho giá của năng lượng mặt trời xuống mức thấp nhất có thể”. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy một vài nhà sản xuất quay lại với tấm pin mặt trời cách đây 2, 3 năm. Mỗi lần họ hỏi tôi, tôi đều kể cho họ kinh nghiệm của mình. Tôi sợ là bây giờ chuyện sẽ tái diễn”.Pin mặt trời Trung Quốc được rộng đường ở châu ÂuCả một lĩnh vực gần như nằm trong tay DAS Solar, ít nhất là cho tới năm 2027, vì Photowatt, một trong những nhà sản xuất tấm pin mặt trời cuối cùng ở Pháp, cũng đành đóng cửa do không có người mua lại. Từ một doanh nghiệp gia đình được thành lập năm 2018 ở Thượng Hải, DAS Solar trở thành nhà xuất khẩu tấm pin theo công nghệ loại N lớn thứ 3 trên thế giới. Việc các nhà sản xuất năng lớn của Pháp (EDF, Engie và TotalEnergies) cam kết mua sản phẩm của DAS Solar cũng mang tính quyết định.Chính phủ Pháp vận động các tập đoàn năng lượng hỗ trợ cho mục tiêu pin mặt trời “Made in Europe” trong khuôn khổ “Thỏa thuận 2030”. Ngoài ra, tập đoàn Trung Quốc khẩn trương sản xuất tại Pháp, vì từ năm 2025, quy định mới của Châu Âu Net-Zero Industry Act (NZIA) đã chính thức có hiệu lực. Được thông qua đầu năm 2024, NZIA có mục đích đưa sản xuất các loại công nghệ phát thải thấp trở lại châu Âu.Liên Hiệp Châu Châu Âu đặt tham vọng sản xuất 40% tấm pin mặt trời tiêu thụ trong khối vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, một mặt, “các nước thành viên có thể cấp hỗ trợ gián tiếp và đưa thêm những tiêu chí mới trong việc gọi thầu”, theo giải thích của chủ tịch nghiệp đoàn ngành nghề điện mặt trời. Mặt khác, việc Ủy Ban Châu Âu có thể tăng thuế hải quan đối với pin mặt trời được xuất trực tiếp từ Trung Quốc, cấm nhập khẩu sản phẩm do lao động cưỡng bức, cũng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch mở nhà máy ở Châu Âu.DAS Solar không muốn dừng ở việc lắp ráp ở Châu Âu, mà dự kiến nhanh chóng phát triển “cả một chuỗi sản xuất tấm pin mặt trời hoàn chỉnh”, từ sản xuất các tế bào quang điện đến sản xuất silicon. Tập đoàn đã tính đến việc mở rộng thêm cơ sở để tiếp nhận các nhà thầu phụ, cũng từ Trung Quốc, chuyên về dây cáp và đầu nối. Mỗi doanh nghiệp Trung Quốc mở một chi nhánh ở Pháp và có thể kết hợp với các đối tác Pháp.Pin mặt trời Trung Quốc tiếp tục được rộng đường ở châu ÂuTuy nhiên, với năng suất 3 GW, DAS Solar sẽ chỉ chiếm khoảng 3% thị trường châu Âu. Trong lộ trình năng lượng nhiều năm (PPE) được công bố tháng 11/2024, thị phần điện mặt trời đã được đẩy cao hơn 54-60 GW vào năm 2030 và đạt đến 100 GW ngay năm 2035 thay vì 2050 như ban đầu. Ngoài ra, phải “sản xuất tại chỗ 40% tấm pin mặt trời mà Pháp sử dụng từ nay đến năm 2030”.Chính phủ kỳ vọng các nhà công nghiệp Pháp hoặc châu Âu cũng được hưởng kinh phí dành cho phát triển điện mặt trời. Hai nhà máy Carbon ở Fos-sur-Mer và HoloSolis ở Hambach, tỉnh Moselle, đang được phát triển, là nằm trong kế hoạch này. Tập đoàn Carbon kỳ vọng khởi công xây dựng nhà máy ngay trong năm 2025 để sản xuất vào năm 2027. Còn HoloSolis, được dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2026 và đi vào hoạt động năm 2028, có khả năng cung cấp cho thị trường Pháp và châu Âu 10 triệu tấm pin mặt trời hàng năm, tương đương với 5 GW (6).Trong khi hai đại dự án còn trên kế hoạch, thì nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời cuối cùng ở Pháp đã phải ngừng hoạt động từ đầu năm 2025. Photowatt ở tỉnh Isère, trực thuộc tập đoàn EDF Renouvelables, đã không cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc. Dù dư địa cho các nhà sản xuất châu Âu vẫn còn rất lớn, trước mắt DAS Solar sẽ vẫn thống lĩnh thị trường Pháp, ít nhất trong vài năm tới.
Pháp không muốn bị thụt lùi so với Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua Trí tuệ Nhân tạo - AI. Tuần lễ và Thượng đỉnh Hành động về AI - đồng tổ chức với Ấn Độ - ở Paris là cơ hội để Pháp bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số, đặc biệt với những thông báo quan trọng của tổng thống Emmanuel Macron : 109 tỉ euro đầu tư vào AI tại Pháp, quảng bá "sản phẩm Pháp" - chatbot Le Chat của Mistral AI, hiện trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn. Trong ba ngày sau khi được tổng thống Pháp quảng bá trong buổi trả lời phỏng vấn với đài France 2 (ngày 09/02), Le Chat trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên Apple Store. Ứng dụng Pháp, cạnh tranh với ChatGPT của Mỹ và DeepSeek của Trung Quốc, đã tóm tắt buổi phỏng vấn của tổng thống Macron theo yêu cầu của RFI Tiếng Việt :« Trả lời phỏng vấn đài France 2, tổng thống Emmanuel Macron thông báo khoản đầu tư lớn 109 tỉ euro trong lĩnh vực AI tại Pháp. Quỹ này được hình thành từ nhiều nguồn đóng góp khác nhau, trong đó có Ả Rập Xê Út, Canada, nhiều doanh nghiệp Pháp và nước ngoài.Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý AI toàn cầu, nói rằng mọi nội dung do phần mềm AI tạo ra phải được xác định rõ ràng. Ông kêu gọi một chiến lược AI đầy tham vọng, ở cả cấp độ Pháp và châu Âu, với các mục tiêu xã hội, kinh tế và ngoại giao.Tổng thống cũng nhấn mạnh đến chatbot “Le Chat”, do công ty khởi nghiệp Mistral AI của Pháp phát triển, đồng thời kêu gọi người dân Pháp tải xuống. Ứng dụng này được giới thiệu là đối thủ cạnh tranh của ChatGPT.Cuối cùng, ông Macron bày tỏ sự lạc quan về tác động của AI đối với việc làm, tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ giải phóng thời gian bằng cách phân công các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, giúp "đưa yếu tố con người trở lại" trong các mối quan hệ ».Điểm đặc biệt là Le Chat dẫn ngay các nguồn được sử dụng ngay dưới câu trả lời để người sử dụng dễ kiểm chứng. Và ứng dụng Le Chat khẳng định trả lời được bằng tiếng Việt và sử dụng các nguồn tiếng Việt.Pháp “chán” phải chạy theo Mỹ và Trung QuốcKhoản đầu tư 109 tỉ euro trong vòng 5 năm tới được tổng thống Macron thông báo nhằm mục đích giúp Pháp duy trì « cuộc đua về Trí tuệ Nhân tạo », « sáng tạo những giải pháp, những công nghệ riêng, nếu không, sẽ bị phụ thuộc vào những nước khác » :« Chúng ta (Pháp và châu Âu) có những lợi thế tuyệt vời. Phải nói là tất cả các nước đều bị trễ so với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Do đó, về đào tạo, chúng ta có những quan hệ đối tác, như với Ấn Độ, một cường quốc về đào tạo Trí tuệ Nhân tạo. Chúng ta đã đào tạo 40.000 thanh niên trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo nhưng con số này sẽ tăng lên thành 100.000 người. Chúng ta cũng có những nhà khoa học về dữ liệu, những nhà toán học. Pháp có rất nhiều tài năng. Và đó là một sức mạnh to lớn. Nhưng Pháp cũng bị thụt lùi về các trung tâm dữ liệu, có nghĩa là khả năng tính toán. Để làm được việc này, cần phải có những siêu máy tính, thu thập khối lượng dữ liệu lớn. Và cần khẩn trương thực hiện. Do đó, tôi muốn thông báo tối nay rằng châu Âu và Pháp sẽ thúc đẩy tiến trình này. Pháp thông báo tại Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo 109 tỉ euro đầu tư vào lĩnh vực AI trong những năm tới. Đây là chuyện chưa từng có. Khoản đầu tư này tương xứng với những thông báo của Mỹ về quỹ Stargate với 500 tỉ đô la đầu tư. Trong số các nhà đầu tư, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đầu tư vào một trung tâm dữ liệu lớn ở Pháp. Ngoài ra còn có những quỹ đầu tư lớn của Mỹ, Canada cùng với rất nhiều doanh nghiệp Pháp ». Đọc thêm : AI : Bài toán khó để Pháp và Liên Âu không bị loại khỏi bàn cờ quốc tế về Trí tuệ Nhân tạoCụ thể, theo trang Les Echos, Quỹ MGX của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đầu tư 50 tỉ euro xây dựng một trung dữ liệu lớn có công suất 1 GW. Trên tổng số 20 tỉ euro đầu tư vào AI tại Pháp, quỹ đầu tư Canada Brookfieal dành 15 tỉ euro để xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu, trong đó có một trung tâm có công suất 1 GW ở Cambrai, nơi trở thành phòng thí nghiệm ở miền bắc Pháp. Theo điện Elysée, « những dự án này cho thấy lực hấp dẫn của Pháp, cũng như chất lượng mạng lưới điện và đường truyền internet, đủ lớn và vững chắc để tiếp nhận tất cả những nhà máy về AI trong tương lai ».Ngoài ra, rất nhiều dự án xây dựng mới liên quan đến AI cũng được các quỹ đầu tư Fluidstack của Anh, Equinix, Digital Realty và Prologis của Mỹ, Evroc của Thụy Điển, Sesterce của Pháp lần lượt thông báo tại Thượng đỉnh Hành động về AI. Công ty khởi nghiệp Mistral AI, chủ sở hữu Le Chat, cũng thông báo « đầu tư vài tỉ euro » vào một trung tâm dữ liệu lớn, được đặt tại Saclay, khu đại học nổi tiếng ở tỉnh Essonne, ngoại ô Paris.Le Chat - cạnh tranh với DeepSeek và ChatGPT Phần mềm Le Chat là sản phẩm của Mistral AI, start-up được cho là còn non trẻ so với những đối thủ. Arthur Mensch, từng làm việc cho Google và DeepMind và hai cộng sự Guillaume Lample và Timothée Lacroix, từng làm việc cho Meta, thành lập Mistral AI tháng 04/2023 và đã kêu gọi được đầu tư hơn 6 tỉ euro. Bộ trưởng Kinh Tế Éric Lombard không ngần ngại quảng bá cho « sản phẩm Pháp » là đã chuẩn bị một buổi phỏng vấn nhờ ứng dụng Le Chat. Cách thực hiện giống như « kiểu đóng vai », theo giải thích của nhà sáng lập Arthur Mensch khi trả lời phỏng vấn đài France 2 ngày 10/02 :« Le Chat có thể tìm những câu hỏi ở đâu ư ? Phần mềm Le Chat thông minh, nên cô đọng được kiến thức nhân loại. Le Chat biết y học là gì, lịch sử là gì và truyền thông là gì. Le Chat cũng biết tất cả các ngôn ngữ nên có thể dùng ứng dụng này để dịch mọi thứ. Và khi bạn đưa ra chỉ dẫn, chẳng hạn như tôi phải chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, Le Chat có thể giải thích chuẩn bị một cuộc phỏng vấn như thế nào, hình dung ra những câu hỏi và giúp chuẩn bị. Đó là một ví dụ có có thể truyền tải nhanh trong giáo dục. Ví dụ một sinh viên ngành toán hay triết học có thể nhờ Le Chat đặt câu hỏi ôn tập và về lâu dài là để củng cố kiến thức của mình. Đúng là có trường hợp gian lận, nhờ Le Chat làm hộ bài tập. Nhưng cần phải đặt câu hỏi là tại sao phải làm bài tập ? Đó là để học hỏi điều gì đó. Cho nên cần phải coi trí tuệ nhân tạo mà Le Chat cung cấp là một cách học nhanh hơn, không phải để gian lận. Cần phải giữ đúng mục đích chính của việc làm bài tập, chứ không đề cao vào thành phẩm cuối cùng ». Đọc thêm : Trí tuệ Nhân tạo và những rủi ro khó có thể kiểm soátPháp cần tập thể để cạnh tranh Trước khi diễn ra Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo, Pháp cũng như Liên Hiệp Châu Âu hứng cú sốc DeepSeek. Ông Bruno Bonnell, tổng thư ký France 2030 - kế hoạch tài chính của Pháp về khả năng cạnh tranh - thừa nhận : « DeepSeek giống như lời cảnh tỉnh mà chúng ta cần ». Mô hình AI tạo sinh từ Trung Quốc được quảng bá ít tốn kém hơn rất nhiều nhưng hiệu quả hoàn toàn không kém nếu so sánh với những khoản tiền khổng lồ được đổ vào các tập đoàn AI của Mỹ.Arthur Mensch, nhà đồng sáng lập công ty Mistral AI, giải thích Le Chat, được khởi động cùng lúc với DeepSeek của Trung Quốc, có lợi thế về chi phí thấp hơn so với những ứng dụng của Mỹ. Điều này cho thấy Pháp cũng như châu Âu có điều kiện tham gia cuộc đua AI :« Tôi nghĩ châu Âu có vai trò thực sự, đặc biệt là vì có nguồn nhân tài đặc biệt đáng chú ý, điều này cho phép chúng ta hiệu quả hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ trong việc xây dựng công nghệ, với chi phí ít hơn. Vì thế phải vun đắp lợi thế này và cũng tương tự như vậy trong môi trường AI. Quá trình này sẽ được xây dựng nhanh hơn nếu các công ty châu Âu nhận ra rằng họ có lợi khi hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu khác để đẩy nhanh lộ trình Trí tuệ Nhân tạo của mình. Và vì thế châu Âu thực sự có vai trò quan trọng với phần còn lại của thế giới. Ví dụ, chúng tôi đã mở chi nhánh tại Singapore và có những khách hàng đầu tiên ở đó. Có thể thấy là có một cơ hội thực sự, không phải của Mỹ và không phải của Trung Quốc ». Đọc thêm : Trí tuệ Nhân tạo : Hủy hoại hay thân thiện với môi trường ?Dù được cho là phong phú nhưng hệ sinh thái công nghệ châu Âu vẫn còn khiêm tốn so với những gã khổng lồ Trung Quốc và Mỹ. Theo Les Echos, chỉ cần nhìn vào những định giá toàn cầu lớn nhất để thấy châu Âu vắng bóng như thế nào. Pháp, nơi có khoảng 750 start-up về AI với 35.000 người làm việc trong lĩnh vực này, không giấu tham vọng muốn đứng đầu Liên Âu về AI. Tuy nhiên, khi trả lời RFI ngày 10/02, bà Anne Bouverot, đặc phái viên của tổng thống Pháp về Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo, lưu ý đến tinh thần « tập thể » :« Có những chuyện người ta không thể làm một mình. Dĩ nhiên Pháp có tham vọng đứng đầu về Trí tuệ Nhân tạo và Pháp có nhiều lợi thế. Người ta nói đến Mistral hoặc các công ty khởi nghiệp như Hugging Face, poolside, Pigment… có tầm quan trọng trong lĩnh vực AI, cũng như những tài năng, những nhà nghiên cứu, kĩ sư một cách rất ấn tượng. Chúng ta có vị thế tốt về Trí tuệ Nhân tạo. Nhưng khi nhìn vào những khoản đầu tư cần thiết để phát triển AI thì có rất nhiều việc phải làm theo tập thể, ở tầm mức châu Âu ».Tổng thống Macron muốn Pháp và Liên Hiệp Châu Âu tiến nhanh theo « mô hình tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris » trong 5 năm, huy động mọi nguồn lực để bù khoảng thời gian chậm trễ so với Mỹ và Trung Quốc. Theo chuyên gia Charleyne Biondi, Viện Montaigne, châu Âu hiện chỉ chiếm 18% trung tâm dữ liệu trên thế giới, chưa đầy 5% trong số này là thuộc về các doanh nghiệp châu Âu, phần còn lại đều thuộc về các đại tập đoàn Mỹ như AWS, Google và Microsoft Azure. Ngày 11/02, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen công bố một « chiến lược châu Âu về AI » với ngân sách 200 tỉ euro, mục đích là để « tăng tốc », « đơn giản hóa quy định » và « tăng cường thị trường chung duy nhất », cùng với nhiều biện pháp khác.
Chính phủ và doanh nghiệp Đài Loan đang cố gắng chuẩn bị cho các bước đi nhằm tránh tác động xấu của cuộc chiến thuế quan mà tổng thống sắp nhậm chức của Hoa Kỳ, Donald Trump, dọa sẽ đánh vào mọi hàng hóa từ Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu 2016-2020, tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump đã tạo cơ hội cho Đài Loan thực hiện nhiều mục tiêu ấp ủ suốt hai thập niên : đa dạng hóa các điểm đến đầu tư để giảm bớt phụ thuộc vào Hoa Lục, khuyến khích các doanh nghiệp của Đài Loan trở về nguyên quán. Cũng trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump, Đài Bắc đã mua vào 18 tỷ đô la vũ khí của Mỹ, cao hơn đến 4 tỷ so với cả 2 nhiệm kỳ Barack Obama (2008-2016). Đó là chưa kể về mặt ngoại giao, đạo luật Taiwan Travel Act năm 2018 đã dỡ bỏ một số rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến công tác của quan chức mọi cấp từ cả hai phía.Ngày 20/01/2025, ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng trong cương vị tổng thống Mỹ thứ 47 vào lúc căng thẳng tại eo biển Đài Loan đang gia tăng từng ngày. Liệu chính quyền ở Đài Bắc trong tay tổng thống Lại Thanh Đức có thể chờ đợi kinh tế và công nghiệp của hòn đảo này vẫn được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Công nghệ bán dẫn của Đài Loan từng được Mỹ « ve vãn » liệu có thể là lá bùa hộ mạng cho hòn đào này trước những tính toán của chính quyền Trump trong 4 năm sắp tới ? Hay trái lại, với đầu óc con buôn, vì một lý do nào đó, ông Trump có thể dùng lá bài Đài Loan để mặc cả với Bắc Kinh ? Cuối cùng chủ trương đánh thuế đến 60 % vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ có là một cơn ác mộng với các nhà sản xuất của Đài Loan hay không ?Thông tín viên Nguyễn Giang từ Đài Bắc nêu bật những bước chuẩn bị của phía chính quyền Đài Loan về mặt kinh tế, thương mại và kể cả trên hồ sơ nhậy cảm nhất là chiến lược công nghệ bán dẫn để chuẩn bị cho thời kỳ Trump 2.0. Không dễ rút khỏi Hoa Lục Ngay sau khi có tin cựu tổng thống Donald Trump thắng cử lần hai ở Hoa Kỳ, giới chức ở Đài Loan, hòn đảo 23 triệu dân nhưng có dự trữ ngoại tệ lớn và thặng dư mậu dịch rất cao với Mỹ, đã nói tới những lo ngại của tương lai cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ 4 năm từ tháng 1/2025 của ông Trump.Điểm mấu chốt cho quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Đài về kinh tế là lời đe dọa khi còn tranh cử của ông Trump : áp thuế nhập khẩu 60% (tariffs) lên mọi mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc bán vào thị trường Hoa Kỳ. Vấn đề của Đài Loan là tuy khác biệt về thể chế, và thậm chí đối đầu về quân sự với Trung Quốc, Đài Loan đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đôla vào Trung Quốc trong mấy chục năm qua.Ví dụ chỉ một tập đoàn Foxconn của Đài Loan đã thuê 1 triệu nhân công Trung Quốc với doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ đôla. Hàng chục nghìn công ty lớn nhỏ khác của Đài Loan có nguy cơ “dính lệnh trừng phạt” Trung Quốc của Trump nếu ông thực hiện lời cam kết tranh cử.Ngay trong tháng 11/2024, bộ trưởng Kinh Tế Đài Loan Quách Trí Huy nói chính phủ sẵn sàng trợ giúp các công ty Đài Loan rút dần khỏi Trung Quốc, “sang các thị trường không bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu 60%”.Chi tiết của kế hoạch này ra sao thì hiện chưa ai rõ.Giới chức Đài Loan hiện trấn an các nhà đầu tư trong nước rằng thuế quan cao bất thường có thể là chiến thuật của ông Trump để áp đảo Trung Quốc, nhưng có thể trên thực tế sẽ không cao như vậy.Chia trứng vào các giỏ khác nhauHợp tác trong lĩnh công nghệ cao của Đài Loan và Mỹ hiện nay ra sao?Như đã nói ở trên, trong các năm 2022 và 2023, Đài Loan đã chọn bước đi chiến lược là “chia trứng vào các giỏ khác nhau” – tức là chuyển một phần ngành công nghệ bán dẫn sang Nhật Bản với một nhà máy của tập đoàn TSMC xây ở ở Kumamoto và sang Hoa Kỳ, với công trình xây mới ở Arizona. Lý do địa chính trị cho việc này là Đài Loan không muốn để ngành bán dẫn bị Trung Quốc bao vây, chặn xuất khẩu nếu xảy ra xung đột quân sự ở Eo biển Đài Loan. Nhưng cũng còn lý do khác là Đài Loan hy vọng làm hài lòng Mỹ khi chia sẻ công nghệ semiconductor. Ngược lại, Đài Loan cần được Hoa Kỳ hỗ trợ công nghệ cao trong ngành quốc phòng, nhưng là theo cách mua giấy phép để tự sản xuất. Trên thực tế, một chương trình quân khí lớn (Sea-Air Power Improvement Plan), trị giá 7,4 tỷ đô la, đã được Đài Loan thông qua từ 2021 để tự sản xuất hỏa tiễn theo công nghệ Mỹ và có tiêu chuẩn tương thích với hệ thống đạn dược, định vị và thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.Đài Loan "chết" vì thuế 60 % đánh vào Trung Quốc ? Chiến tranh thương mại của Trump có thể gây khó khăn cho Đài Loan như thế nào?Điều đầu tiên là Đài Loan phải tìm cách giảm sự mất cân đối thương mại với Hoa Kỳ với phần lợi hiện nay nghiêng về phía Đài Loan. Năm ngoái, thặng dư mậu dịch của Đài Loan với Mỹ tăng lên 51 tỷ đô la, theo đánh giá trang Global Taiwan.Điều thứ nhì là làm sao bảo vệ các công ty vừa và nhỏ xuất khẩu sang Mỹ. Các chuyên gia Đài Loan tin rằng các đại tập đoàn trị giá hàng nghìn tỷ đô la thì có thể tránh được “búa rìu” thương chiến, hoặc chịu đựng được bốn năm cầm quyền của Trump. Ví dụ như TSMC, công ty semiconductor hàng đầu thế giới, và các doanh nghiệp công nghệ cao của họ, vì rất có ích cho Hoa Kỳ trong cả kinh tế và quốc phòng, vừa có vốn rất lớn.Nhưng các công ty nhỏ hơn, như giới chức Đài Loan đánh giá, ví dụ trong ngành thực phẩm, đóng gói, chế tạo máy móc, dịch vụ bán lẻ, vốn dựa vào nguồn nhân lực và cung ứng bộ phận thay thế ở Trung Quốc... thì mức thuế quan 60% là quá nặng, sẽ giết chết họ. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc), ông Dương Kim Hùng, hai nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, cả Trump và Biden, thuế quan của Mỹ đánh vào hàng có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ từ Trung Quốc đã là 19,3% và với các nước khác là 3%. Nếu đánh thuế quan thêm 20-60% thì “không ai chịu nổi”, theo ông Dương.Không dễ đi khỏi Trung Quốc Đài Loan chuẩn bị đi tìm những đối tác mới Việt Nam, Ấn Độ ...để lách Trung Quốc? Một số nhà nghiên cứu Đài Loan phát biểu tại một hội thảo về ảnh hưởng của nhiệm kỳ Trump 2.0 với châu Á và Đài Loan, tổ chức hôm 29/11/2024 ở Đại học Chính trị Đài Loan (NCCU), việc chuyển cơ sở sản xuất của Đài Loan sang các nước khác không hề dễ. Lý do là trong 10 quốc gia bị ông Trump cho là “có thặng dư mậu dịch” với Mỹ thì trong sáu nước nằm ở châu Á, với các nước được nêu tên gồm Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ...đều đã là nơi Đài Loan đầu tư nhiều. Ví dụ, tính đến tháng 7/2024, dòng vốn FDI của Đài Loan vào Việt Nam là 40 tỷ đôla trong bốn ngành chính là chế xuất, sản xuất, xây dựng và bất động sản. Hai ngành đầu tiên liên quan đến công nghệ cao của Đài Loan để bán hàng sang Mỹ và nếu Việt Nam bị Trump áp thuế xuất khẩu sang Mỹ thì công ty Đài Loan sẽ trở tay không kịp. Truyền thông Đài Loan cũng nói vào thời Biden, Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” và sang thời Trump, quy chế này hẳn khó mà thay đổi, tạo rủi ro gián tiếp cho các công ty Đài Loan nếu muốn dùng Việt Nam làm thị trường thay thế Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.Ngay cả Đức, nước nhận đầu tư từ Đài Loan tăng lên tới 3,9 tỷ đôla trong 2023, cũng đang có thặng dư mậu dịch với Mỹ và dễ bị Trump áp thuế nhập. Lối thoát duy nhất có lẽ là Đài Loan phải tăng thêm đầu tư vào Mỹ, từ con số đã rất lớn là 9,6 tỷ đôla chỉ trong ba quý của năm 2023.Có gây thiệt hại cho Đài Loan, Mỹ cũng "lãnh đủ"Về mối bang giao hỗ tương Mỹ-Đài, tình hình kinh tế có thực sự sẽ khó khăn cho Đài Loan vì ông Trump?Nếu chỉ nhìn vào các con số thì nguy cơ Đài Loan bị ông Trump ép buộc phải “trả lại cho Hoa Kỳ”, điều ông gọi là “công bằng thương mại” là rất cao. Thế nhưng nếu nhìn vào nội dung của mối quan hệ thì Hoa Kỳ sẽ cần Đài Loan, quốc gia thuộc nhóm đi đầu trong các ngành mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), và chế tạo máy tính cho ứng dụng AI (gồm GPU và máy chủ).Ngoài ra, về tài chính, hiện chính phủ và các nhà đầu tư Đài Loan đang nắm trong tay con số khổng lồ 717 tỷ đôal trái phiếu Mỹ (gồm 241 tỷ của Bộ Tài chính Mỹ), khiến Đài Loan trở thành chủ nợ lớn thứ 10 thế giới của Mỹ. Đổi lại, trái phiếu Đài Loan cũng rất có giá và Hoa Kỳ nắm trong tay 245 tỷ đôla loại trái phiếu này.Chính vì quan hệ này mà nếu ông Trump có hành động gây hại cho kinh tế Đài Loan thì chính Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại. Đài Loan hy vọng tân tổng thống Trump và các bộ trưởng của ông sẽ hiểu ra điều này.
Đồng rúp mất giá so với đô la : Đây là hiện tượng nhất thời hay là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng ngầm đe dọa kinh tế Nga ? Làm thế nào để kinh tế vững mạnh khi « thiếu hụt hàng triệu nhân công », « đầu tư bị đóng băng » và phần lớn tăng trưởng có được là nhờ « đơn đặt hàng của nhà nước » ? Đâu là những giới hạn của mô hình « kinh tế phục vụ chiến tranh » mà Matxcơva đề xuất ? Hôm 06/12/2024, Hermann Gräf, lãnh đạo Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, báo động « kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại », thậm chí có thể « vừa đối mặt với suy thoái đồng vừa bị lạm phát hoành hành », « nhiều người đi vay gặp khó khăn, đẩy các ngân hàng vào cùng cảnh ngộ ».Không chỉ điều hành ngân hàng lớn nhất nước Nga, Hermann Gräf nguyên là bộ trưởng bộ Phát Triển Kinh Tế từ 2000-2007. Một tuần trước đó, tổng thống Vladimir Putin trấn an công luận rằng Matxcơva hoàn toàn « làm chủ tình hình », « không có bất kỳ một lý do nào để phải lo lắng » vì một đợt trừng phạt mới Hoa Kỳ ban hành hôm 21/11/2024 nhắm vào nhiều ngân hàng của Nga đã khiến đồng rúp mất giá.Khả năng linh động của một nền kinh tế đồ sộ Giữa những phát biểu trái ngược nhau của tổng thống Vladimir Putin và cựu bộ trưởng bộ Phát Triển Kinh Tế Hermann Gräf, trả lời RFI Việt ngữ hôm 02/12/2024, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga trụ sở tại Matxcơva, Igor Delanoë, phác họa toàn cảnh kinh tế Nga hiện nay:Igor Delanoë : « Kinh tế Nga tiến triển tốt hiểu theo nghĩa trong lịch sử, chưa bao giờ một nền kinh tế lại đang phải đối mặt với nhiều đòn trừng phạt như Nga hiện tại. Nga đang hứng chịu hàng ngàn biện pháp trừng hạt của Âu, Mỹ và các nước thân phương Tây. Trong hoàn cảnh đó, Nga đã thích nghi với tình hình, tổ chức lại cả hệ thống giao thương với phần còn lại của thế giới ngay từ năm 2022 và cho đến cuối 2023. Tăng trưởng của Nga năm nay dự trù ở mức từ 3 đến 4 %. Tuy nhiên, bắt đầu có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.Trước hết, kinh tế Nga đang hoạt động hết công suất, cung cao hơn cầu. Thất nghiệp gần như không có, với tỷ lệ 2,3 %. Đây là một tin vui, song Nga đang trong tình trạng thiếu hụt lao động. Từ nay cho đến cuối thập niên 2020, Nga cần thêm 400.000 nhân viên du lịch, 400.000 người cho các nhà máy sản xuất vũ khí, 500.000 trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực được thể hiện cả trong hàng ngũ cán bộ có chuyên môn cao lẫn trong giới lao động chân tay. Điều đó tự nhiên đẩy lương của người đi làm lên cao, gây ra lạm phát ».Lãi xuất ngân hàng 21 % bóp ngạt tiêu thụ và đầu tưNhư ở tất cả mọi nơi trên thế giới, lạm phát luôn khiến các giới chức tài chính và kinh tế, tư nhân và cả các doanh nghiệp đau đầu. Riêng ở Matxcơva, bài toán thêm phức tạp. Sau một giai đoạn tương đối « dễ thở » trong năm 2023, lạm phát tại Nga tăng cao trở lại, ở mức trung bình gần 9 % theo thống kê chính thức của Ngân Hàng Trung Ương. Cuối tháng 10/2024 thống đốc Elvira Nabioullina nhìn nhận lạm phát trong một năm sẽ « cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 4 % như đã đề xuất ». Trên thực tế, giá thực phẩm từ 1 năm qua tăng đến mức chóng mặt. Bơ sửa chẳng hạn, đắt hơn đến 25 % so với hồi mùa thu 2023. Chính vì thế mà để khống chế lạm phát phi mã, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nga đã từng bước đẩy lãi suất chỉ đạo lên 19 rồi 21 % trong những tháng gần đây.Igor Delanoë : « Lạm phát hiện giao động ở mức gần 9 %, chính xác hơn là 8,7 %, theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương. Chính vì thế, thống đốc Elvira Nabioullina phải tăng lãi suất chỉ đạo. Hiện tại thì lãi suất ngân hàng ở Nga là 21 %. Đây là lãi suất còn cao hơn cả so với thời kỳ đầu chiến tranh Ukraina. Lạm phát ở Nga, như vừa nói, xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nhân công và lương của người lao động được đẩy lên cao, kèm theo đó chính phủ đầu tư rất nhiều. Matxcơva mạnh mẽ bơm tiền vào các hoạt động kinh tế, chủ yếu vào cỗ máy công nghiệp quốc phòng (...) Có nhiều hệ lụy kèm theo. Trước hết đây không phải là lúc để tính đến chuyện đi vay tiền mua nhà, vì lãi suất ngân hàng quá đắt. Thậm chí lãi ngân hàng để mua nhà bị đẩy lên đến gần 30 %. Kèm theo đó là cả ngành xây dựng bị đình đốn. Hiện tại cũng không ai dám đi vay ngân hàng để mua xe hơi vì lý do tương tự. Tiêu thụ nội địa cũng bị chựng lại. Các doanh nghiệp tạm gác lại một số các dự án đầu tư vì lãi ngân hàng quá cao. Tựu chung khu vực sản xuất của Nga hiện tại trông đợi nhiều vào các đơn đặt hàng của nhà nước –nhất là các tập đoàn công nghiệp quốc phòng ».Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng Hôm 21/10/2024, khi mà lãi suất ngân hàng của Nga mới chỉ là 19 %, lãnh đạo Rostec, một tập đoàn công nghiệp lưỡng dụng của nhà nước (cung cấp các sản phẩm phục vụ trong lĩnh vực dân sự và quân sự) báo động « lãi suất cao như vậy là một trở ngại cho tăng trưởng và trong tương lai nhiều tập đoàn bị đe dọa phá sản ». Thông tín viên của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (13/11/2024) ghi nhận bơ sữa ở Nga đang trở thành hàng xa xỉ, phần lớn các siêu thị chỉ còn bán những gói bơ 100 g thay vì 250 g, để « phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng ».Trong phiên giao dịch 27/11/2024, tỷ giá hối đoái giữa rúp và đô la rơi xuống mức « thấp nhất từ khi Nga khởi động chiến tranh Ukraina » 110 rúp mới mua được một đô la, gợi lại nỗi ám ảnh hồi mùa xuân 2022 : trong vài tuần lễ, đơn vị tiền tệ của Nga mất 1/3 trị giá so với đô la và euro. Tài sản của Nga ở nước ngoài bị phương Tây phong tỏa, Nga bị gạt ra khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT và các biện pháp trừng phạt được ví là những « vũ khí hạng nặng » của Hoa Kỳ, của Liên Âu, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới bắt đầu tập trung nhắm vào Matxcơva.Trên mặt trận kinh tế và tiền tệ, vị tướng đắc lực nhất giúp tổng thống Putin chính là thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nga, Elvira Nabioullina : Bà đòi các nhà xuất phải hoán chuyển 80 % dự trữ ngoại tệ sang đồng rúp (tức phải bán euro, đô la để đổi lấy rúp) và quy định tư nhân không được rút ngoại tệ quá mức tương đương với 10.000 đô la/ năm. Cùng lúc đó cũng là thời điểm mà Châu Âu hối hả tích trữ thêm dầu khí của Nga trước khi « quá trễ và tình hình trở nên xấu đi hơn ». Giá năng lượng trên thế giới trong năm 2022 và một phần lớn của 2023 đã được đẩy lên cao. Ngoại tệ và thu nhập từ dầu hỏa, khí đốt vẫn « đổ vào » ngân sách của Liên bang Nga. Nhờ những biện pháp này đồng tiền Nga từng bước được ổn định. Đó cũng là thời điểm lạm phát tại Nga vượt ngưỡng 10 % trước khi rơi xuống khoảng 7 % trong năm 2023.Các viện nghiên cứu Nga hoài nghi về thực trạng của nền kinh tế nước nhà ?Cuối 2024, chiến tranh Ukraina chuẩn bị bước sang năm thứ ba. Ngay tại Matxcơva, một vài viện thống kê e rằng lạm phát khó mà giữ được ở ngưỡng dưới 9 % như thẩm định của Ngân Hàng Trung Ương. Lý do : Mô hình kinh tế phục vụ cho chiến tranh của tổng thống Vladimir Putin huy động 40 % ngân sách quốc gia cho an ninh và quốc phòng, trong khi các khoản chi tiêu xã hội cho tài khóa 2025 dự trù còn bị cắt giảm thêm nữa, khi mà « 1/3 người dân Nga không có tiền tiết kiệm » theo thăm dò gần đây của Viện Levada.Cùng lúc dự trữ tiền tệ của nước Nga (không kể khoản tài sản 350 tỷ đô la ở hải ngoại đang bị phong tỏa) trong ba năm qua đang từ 118 tỷ đô la nay chỉ còn 55 tỷ, thu nhập từ các nguồn xuất khẩu năng lượng của Nga giảm mạnh. Hôm 21/11/2024, hai tháng trước khi rời khỏi quyền lực, chính quyền Joe Biden ban hành thêm một đợt trừng phạt mới, nhắm vào một trong những tập đoàn ngân hàng hiếm hoi mà đến nay vẫn là nhịp cầu để đưa ngoại tệ vào Nga. Theo Igor Delanoë, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp Nga, đây là một trong những đòn mạnh làm khuynh đảo đồng rúp trong tuần lễ cuối tháng 11 - đầu tháng 12/2024.Igor Delanoë : « Có nhiều yếu tố giải thích vì sao đồng rúp trượt giá. Như vừa nói, đó là do Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo, để kềm hãm lạm phát. Tác động kèm theo là đồng tiền quốc gia mất giá. Thoạt nhìn, điều đó có lợi cho xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, bên cạnh đó, từ khi bị phương Tây trừng phạt, đô la và euro trở nên khan hiếm. Theo luật cung cầu, đơn vị tiền tệ của Nga bị suy yếu tức là càng lúc càng phải huy động nhiều rúp để đổi lấy đô la hay là đồng euro của châu Âu. Yếu tố thứ ba xuất phát từ quyết định của Washington đưa thêm ngân hàng Gazprobank, cổng vào tài chính của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, vào danh sách trừng phạt. Cho đến nay, Gazprobank là một trong những ngân hàng hiếm hoi của Nga không bị phương Tây trừng phạt, vẫn được thanh toán với các khách hàng bằng đô la hay euro. Nhờ vậy mà Gazprom vẫn hoạt động gần như bình thường. Nhưng quyết định vừa qua của Mỹ nghiêm trọng đến nỗi, ngay lập tức, nhiều nước như Nhật Bản hay Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức đàm phán với Hoa Kỳ để xin được hưởng ưu đãi, tức là vẫn được giao dịch với Gazprom bằng ngoại tệ qua trung gian của ngân hàng Gazprobank. Đây là một đòn mạnh Mỹ nhắm vào đồng rúp. Lý do thứ tư khiến đồng tiền của Nga mất giá trong những ngày cuối tháng 2024 là các tính toán đầu cơ. Nhiều người đánh cược là khi đồng rúp bị mất giá, Nga và các bạn hàng sẽ chuyển sang thanh toán bằng đồng rupi của Ấn Độ thay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc … mà không cần qua trung gian của đô la hay euro. Hình thức thanh toán này sẽ cho phép Nga xuất khẩu nhiều hơn, có thêm ngoại tệ và đồng tiền của Nga qua đó sẽ mạnh lên trở lại nhờ xuất khẩu ».Ít lạc quan hơn Igor Delanoë, một số tiếng nói khác e rằng, đồng rúp mất giá so với đô la trong tuần lễ cuối tháng 11 - đầu tháng 12/2024 không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà đó là « dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng ngầm đe dọa kinh tế Nga ». Đành rằng một đồng rúp « yếu » so với euro và đô la có lợi cho xuất khẩu của Nga, nhưng đừng quên rằng Nga cũng cần nhập khẩu hàng: Năm 2022, Nga nhập khẩu 81 triệu đô la điện từ Litva, Latvia, Azerbaijan, Kazakhstan và Mông Cổ.Song các doanh nghiệp ở Nga, các hộ gia đình ở nước này, cũng như các giới chức tại Matxcơva đã nhiều lần chứng minh rằng « cái khó ló cái khôn » và ở mỗi cấp, mọi người đều tìm cho mình một ngõ thoát hiểm. Ngân Hàng Trung Ương Nga chẳng hạn đã quyết định « đình chỉ các dịch vụ mua vào ngoại tệ trên thị trường nội địa từ nay đến cuối năm (2024) » để giữ giá cho đồng rúp.
Trung Quốc, Mêhicô và Canada là ba nạn nhân đầu tiên của chính sách bảo hộ mậu dịch dưới chính quyền Trump 2. Bắc Kinh biết trước là sẽ bị Hoa Kỳ nhắm tới. Thỏa thuận tự do mậu dịch USMCA đạt được dưới chính quyền Trump không giúp Ottawa và Mêhicô tránh được hai « phát súng đầu tiên ». Giám đốc viện nghiên cứu CEPII Antoine Bouët phân tích « phương pháp vừa đánh phủ đầu vừa khủng bố » đối phương trong cái mà nhà tỷ phú Trump gọi là « nghệ thuật đàm phán ». Ngày 25/11/2024, trên mạng xã hội, tổng thống tân cử Donald Trump loan báo, trong nhiệm kỳ sắp mở ra, « một trong những sắc lệnh đầu tiên là áp thuế hải quan 25 % vào TẤT CẢ các sản phẩm nhập từ Mêhicô và Canada đánh vào Mỹ ». Trong một tin nhắn thứ nhì, ông viết tiếp thuế đánh vào hàng Trung Quốc sẽ là 10 %.Mêhicô-Canada sợ một đòn chí tử Căn cứ vào hai tin nhắn trên mạng Truth Social, tổng thống tân cử Hoa Kỳ có vẻ mạnh tay với Canada và Mêhicô, hơn nhiều so với Trung Quốc. Một thỏa thuận tự do thương mại chính Donald Trump đàm phán với hai đối tác Bắc Mỹ đang gắn kết Washington, Ottawa và Mehicô. Đối với chính quyền của nữ tổng thống Claudia Sheinbaum, bị đánh thuế 25 % vào hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là một « thảm họa », bởi chỉ một mình nước Mỹ mua vào 80 % xuất khẩu của Mêhicô. Mêhicô là « nguồn cung cấp và cũng là khách hàng lớn thứ nhì » của Mỹ.Canada choáng váng vì dòng tin nhắn của ông Trump : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều hàng năm lên tới gần 1.000 tỷ đô la và mỗi ngày khoảng 3 tỷ đô la Mỹ hàng hóa và dịch vụ hai chiều đi qua các cửa khẩu. Hoa Kỳ là thị trường mua vào 77 % hàng xuất khẩu của Canada. Riêng về ngành năng lượng, Canada phụ thuộc đến 81 % vào các khách hàng Mỹ. Nếu ông Trump đánh thuế 25 % vào 150 tỷ đô la vào kim ngạch xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là dầu hỏa) của Canada sang Mỹ, « kinh tế của ba tỉnh Alberta, Saskatchewan và Terre Neuve et Labrado/ Newfoundland and Labrador chắc chắn sẽ phá sản ». Tại Ottawa, thủ tướng Justin Trudeau hối hả thu xếp để bay sang Florida hội kiến tổng thống 47 tương lai của nước Mỹ. Tổng thống Mêhicô Claudio Sheinbaum điện đàm với Donald Trump vừa cam kết tăng cường các biện pháp ngăn chận người nhập cư trái phép tràn vào Hoa Kỳ qua đường biên giới giữa hai nước, vừa cảnh báo là Mêhicô sẽ « đáp trả » các hàng rào thuế quan mà nước láng giềng áp đặt, « cho đến khi nào đôi bên tìm ra đồng thuận để giải quyết vấn đề với nhau ». Nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mêhicô ngụ ý chính quyền Trump không dễ bắt nạt Mêhicô.Về phía Trung Quốc, qua lời đại sứ tại Washington, Bắc Kinh bình tĩnh cảnh báo « một cuộc thương chiến bất lợi cho tất cả các bên ». Từng phải ráo riết đàm phán với chính quyền Trump hồi 2018/2019, có lẽ Trung Quốc chờ đợi chính sách thương mại của Mỹ được định hình để cân nhắc các đòn đáp trả.Tính khả thi các đòn áp thuế uy hiếp đối phương Chính quyền Trump luôn xem Trung Quốc là một đối thủ thương mại, là nguồn cướp đi công việc làm của người lao động Mỹ … Nhưng liệu có dễ để Washington dùng thuế hải quan trừng phạt Ottawa và Mêhicô khi mà thỏa thuận tự do mậu dịch USMCA gắn kết ba quốc gia Bắc Mỹ này ? Những đe dọa của tổng thống tân cử Hoa Kỳ qua đó có thể nguy hiểm đến mức độ nào ? Trên đài RFI tiếng Việt, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế- CEPII, chuyên gia người Pháp Antoine Bouët trả lời :Antoine Bouët : « Đe dọa đó có đáng tin cậy hay không ? Câu trả lời là có, hiểu theo nghĩa Donald Trump có thể sử dụng hàng rào quan thuế cho dù điều đó đi ngược lại với những quy định tự do mậu dịch USMCA gắn kết ba nước Bắc Mỹ. Có thực là Washington sẽ đánh thuế hàng của Canada và Mêhicô nhập vào Mỹ? Theo tôi đây là một đòn để ông Trump mặc cả, để gây áp lực nhằm đổi lấy một cái gì khác. Đối với Mêhicô chẳng hạn, bị đánh thuế vào hàng bán sang Hoa Kỳ sẽ một cú sốc rất mạnh, bởi vì Mỹ chiếm 75 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Mêhicô. Trump gây sức ép đòi Mêhicô tích cực ngăn chận các làn sóng người nhập cư tràn vào Mỹ qua đường biên giới giữa hai nước, đòi Mêhicô tăng cường các biện pháp chống ma túy, chống ma túy tổng hợp fentanyl. Tương tự như vậy Trump cũng đòi phạt Trung Quốc, vì Bắc Kinh không ngăn chận các đường dây xuất khẩu fentany sang Hoa Kỳ. Các bên bắt đầu đàm phán để xem Canada, Mêhicô và Trung Quốc có thái độ hợp tác hay không ». Màn đánh phủ đầu ? Trong trường hợp của Canada, chính sách của ông Trump không mấy rõ ràng, bởi Canada không phải là cửa ngõ cho lao động rẻ tràn vào Mỹ, cướp công việc làm của người Mỹ. Nhập cư lao động từ Canada là người có trình độ cao. Canada cũng không là đất dụng võ của các đường dây ma túy và fentanyl để chuyển vào Hoa Kỳ như trong trường hợp của Mêhicô hay Trung Quốc mà giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII Antoine Bouët vừa nêu. Nhưng 2026 là năm mà Washington và Ottawa sẽ đàm phán lại về các điều khoản trong thỏa thuận USMCA, cho nên chuyên gia Pháp cho rằng, rất có thể ông Trump chơi trò « đánh phủ đầu ».Chính sách của Trump với Trung Quốc chưa định hình ?Thế còn đối với Trung Quốc, phải chăng vì nhà tỷ phú Elon Musk có cơ sở tại Hoa Lục, từ nhiều tháng qua theo sát chân ông Trump như bóng với hình, nên tổng thống tân cử Mỹ đã « nhẹ tay » hơn khi chỉ đòi đánh thuế 10 % vào hàng Trung Quốc bán sang Mỹ ? Giám đốc trung tâm nghiên cứu Pháp CEPII nhấn mạnh đến lập trường không nhất quán của tổng thống tân cử Hoa Kỳ. Antoine Bouët : « Điểm lại tất cả những tuyên bố của ông Trump về chính sách thuế quan trong 12 tháng vừa qua, chúng ta thấy đầy những mâu thuẫn. Lúc thì ông dọa đánh thuế 60 % hàng Trung Quốc, rồi bây giờ thuế nhập khẩu chỉ còn là 10 %. Riêng với xe hơi Trung Quốc sản xuất tại Mêhicô thì Donald Trump đòi đánh thuế 200 %, nhưng có lúc ông chỉ nói đến mức thuế 100 %. Đồng thời Trump chủ trương áp dụng toàn bộ 10 % thuế với hàng hóa của toàn cầu – gồm cả hàng của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc … nhưng có lúc lại khẳng định là 20 % … Tóm lại, ông Trump đưa ra rất nhiều các con số nhưng không bao giờ nhất quán. Trump rất thường xuyên mang hàng rào quan thuế ra đe dọa… Tôi không nghĩ rằng Trump sẽ áp dụng các biện pháp này, mà đây chỉ là một màn để uy hiếp các đối tác thương mại của Mỹ. Hơn nữa, lúc thì ông giải thích rằng đánh thuế nhập khẩu để trừng trị các đường dây ma túy và fentanyl, lúc thì là công cụ để chống nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Khi thì tổng thống tân cử Hoa Kỳ xem thuế hải quan là phương tiện để tài trợ cho các dự án đầu tư, để làm sống lại cỗ máy công nghiệp và thậm chí để tài trợ cho các vườn giữ trẻ …Điều nực cười là chưa chi thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Christine Lagarde đã vội vã kêu gọi mua thêm hàng của Mỹ, hàm ý Liên Âu nhượng bộ trước các đòn hù dọa của Washington trước khi ngồi vào bàn thương lượng ».Về phần chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong nỗ lực làm vừa lòng Donald Trump, từng đề nghị Liên Âu « mua khí đốt của Mỹ thay vì khí đốt của Nga ».Cũng Antoine Bouët nhắc lại, trong cuộc thương chiến lần thứ nhất với Trung Quốc, chính quyền Trump đã rất ồn ào, nhưng kết quả đạt được với Bắc Kinh không nhiều. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, cho đến ngày Donald Trump để lại chìa khóa Nhà Trắng cho ê kíp của Joe Biden tháng 1/2021 vẫn chưa được thực thi hoàn toàn. Bắc Kinh cam kết mua thêm hàng của Mỹ để thu hẹp thâm hụt mậu dịch bất lợi cho Washington, nhưng trên thực tế Trump đã gây khó khăn cho nông dân Hoa Kỳ. Nhập khẩu đậu tương, đậu nành của Trung Quốc từ Mỹ giảm 13 % và cùng lúc tăng thêm 29 % với bạn hàng Brazil.Thiệt hại nặng nề cho tăng trưởng và thương mại Trung Quốc Giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII thẩm định chiến tranh thương mại gây nhiều tổn thất cho tăng trưởng vào mậu dịch toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc thiệt hại ngang nhau. Antoine Bouët : « Tại trung tâm nghiên cứu CEPII, chúng tôi đã lập ra một quy trình để thẩm định tác động từ một cuộc chiến thương mại, dựa trên cơ sở Mỹ đánh thuế 10 % toàn bộ hàng nhập khẩu sang Hoa Kỳ và với mức thuế 60 % đánh vào hàng của Trung Quốc. Đương nhiên là thế giới sẽ đáp trả một cách tương xứng các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump. Kết quả cho thấy, tổng sản lượng toàn cầu sẽ giảm từ 0,5 đến 1 %. Riêng GDP của Trung Quốc giảm 1,5 % và đối với Mỹ cũng giảm tương tự. Tình hình không đến nỗi quá tệ đối với một số quốc gia khác, như trường hợp của Việt Nam hay Mêhicô, nhưng điều này chỉ đúng nếu như Trump giữ thuế hải quan 10 % với Mêhicô và 60 % với hàng Trung Quốc. Nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế 60 % mà hàng Việt Nam bán vào Mỹ chỉ bị đánh thuế 10 % thì Trung Quốc sẽ nhanh chóng di dời sản xuất sang Việt Nam để tránh 60 % thuế hải quan của ông Trump ».Mỹ cũng bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh thương mạiThiệt hại đối với Mỹ cũng nặng không kém, vì cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp Mỹ cùng phải trả giáAntoine Bouët : « Người tiêu dùng phải trả giá, bởi vì hàng ngoại quốc bán sang thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, trong lúc mà dân Mỹ đã phải đối mặt với lạm phát (và đừng quên rằng, lạm phát là yếu tố khiến một phần cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ đã quay sang bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa trong đợt bầu cử tháng 11 vừa rồi). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ rất chật vật bởi cần nhập khẩu nguyên liệu, cần mua vào hàng thiết bị … để phục vụ các nhà máy sản xuất ở Mỹ. Giá thành các mặt hàng sản xuất ở Mỹ bị đẩy lên cao. Hàng đắt, kém hấp dẫn và các doanh nghiệp Mỹ mất khả năng cạnh tranh. Đó là chưa kể các đối tác thương mại của Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ … ».Coi chừng các đòn phản công lợi hại của Bắc KinhTrong bài tham luận What Trump's Tariffs Will Mean for China đăng trên Foreign Policy (26/11/2024), phó tổng biên tập tạp chí chuyên về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, James Palmer, nêu thêm hai yếu tố cho thấy Bắc Kinh không vội tung đòn phản công : Thứ nhất là trong quá khứ, ông Trump từng chơi trò « giơ cao đánh khẽ » như trong các biện pháp trừng phạt các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc. Tỷ phú địa ốc New York thích dùng đòn uy hiếp đòi đối phương nhượng bộ để thu hoạch những thắng lợi chính trị tượng trưng nhưng hiệu quả về thực chất không nhiều (từ mục tiêu xây tường ngăn chận nhập cư bất hợp pháp ở đường biên giới với Mêhicô đến mục đích giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc). Thứ hai là, theo chuyên gia Mỹ James Palmer, « điều tối kỵ đối với các lãnh đạo ở Bắc Kinh là họ được chỉ đạo phải xử lý các vấn đề nội bộ như thế nào ». Nói cách khác, chắc chắn không vì những đe dọa của Washington mà Trung Quốc can thiệp vào hồ sơ fentanyl.Điều đó không cấm cản chính quyền Trump sắp tới sẽ dùng các đòn thuế quan để « đánh vào Trung Quốc » bởi hai siêu cường kinh tế thế giới này vẫn đang trong thế « cạnh tranh không ngơi nghỉ ». Đây cũng không chỉ là một cuộc chiến thương mại giữa hai Washington và Bắc Kinh.Các chuyên gia ở Mỹ cũng như Pháp đồng loạt cho rằng Hoa Kỳ có sử dụng chiến thuật nào đi chăng nữa thì các đòn trả đũa của Bắc Kinh giờ đây đã phong phú hơn nhiều so với thời điểm 2018/2019. Trung Quốc giờ đây được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với một cuộc chiến thương mại mới: Antoine Bouët : « Tôi tin là Trung Quốc đã sẵn sàng hơn để đối mặt với một cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh nhập khẩu ít hẳn đậu tương, đậu nành của Mỹ, khiến chính quyền Trump nhiệm kỳ trước đã phải đền bù cho các nông gia đến 14 tỷ đô la trong giai đoạn 2018-2019, để lấp vào chỗ trống mà thị trường Trung Quốc để lại. Hơn nữa chúng ta thấy là Trung Quốc đã chuyển sang thế công và nhắm vào những mắt xích yếu kém trong dây chuyền sản xuất của Mỹ. Đứng đầu trong số đó là nhu cầu của Mỹ về kim loại hiếm. Bắc Kinh có thể hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu đất hiếm gây trở ngại cho các nhà máy của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đánh vào những lĩnh vực mà nền công nghiệp của Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc ». Trước mắt các đòn « đánh hỏa mù » của tổng thống tân cử Mỹ đặt toàn thế giới trong tình trạng bất an, từ Trung Quốc cho đến các đồng minh thân thiết nhất của Washington.
Kết quả bầu cử Quốc Hội Nhật Bản ngày 28/10/2024 gây thêm hoang mang cho các nhà đầu tư vào lúc cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đẩy Tokyo vào thế kẹt giữa một bên là đồng minh quân sự và bên kia nền kinh tế « gắn kết » chặt chẽ nhất với Nhật Bản. Bài toán càng thêm phức tạp khi mà Tokyo phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt xã hội để vẫn là nền kinh tế thứ 3 toàn cầu, để vẫn tiên phong về công nghệ mới. Sau 15 năm liên tục cầm quyền, đảng Dân Chủ Tự Do LDP cánh hữu với lập trường bảo thủ mất đa số ở Quốc Hội. Thủ tướng Shigeru Ishiba mới nhậm chức hôm 01/10/2024 có hai giải pháp : hoặc là thành lập một chính phủ liên minh với đa số rất sít sao và rất dễ bị bất tín nhiệm, hoặc phải từ chức. Ở góc đài bên kia, đảng Dân Chủ Lập Hiến CDP cánh trung tả về đầu với 148 dân biểu nhưng không hội đủ đa số tuyệt đối 233 ghế và cũng không dễ thành lập chính phủ liên minh thay thế nội các Ishiba.Yếu tố chính trị này bất lợi cho kinh tế Nhật Bản vào lúc nền kinh tế lớn thứ nhì tại châu Á mới vừa phục hồi. Trả lời đài RFI tiếng Việt, giáo sư Brieuc Monfort, giảng dậy tại đại học Sophia -Tokyo và hiện là khách mời của Quỹ Nghiên Cứu Pháp-Nhật, trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội EHESS Paris phác họa về toàn cảnh kinh tế Nhật Bản hiện nay :Brieuc Monfort : « Nhìn chung, kinh tế Nhật Bản còn chưa vững chắc lắm nhưng đã có nhiều tiến bộ trong ba năm từ 2021 đến 2024 dưới thời thủ tướng Fumio Kishida. Đấy cũng là thời điểm sau đại dịch Covid và trung bình, GDP tăng khoảng 1,2 % một năm. Nợ công bắt đầu giảm và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 2,5 % tức là mức thấp chưa từng thấy. Bên cạnh những chỉ số khả quan đó thì như đã biết trong một thời gian dài, Nhật Bản phải đối mặt với hiện tượng giảm phát. Cố thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu lật ngược tình thế, đẩy lạm phát lên được đến 1 %. Dưới chính quyền Kishida, Nhật Bản hoàn toàn thoát khỏi giảm phát và khi ông rời phủ thủ tướng, thì lạm phát ở Nhật Bản là 3 %. Tuy nhiên một phần dân chúng bị thiệt thòi vì lương của họ không tăng nhanh như vậy. Thêm vào đó là hiện tượng đồng yen bị mất giá khiến đời sống càng thêm đắt đỏ. Trong khi đó một số khó khăn trong giai đoạn Nhật Bản phải đối mặt với đại dịch Covid vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục ». Tác động kép đè nặng lên sức mua của người dân Theo giới quan sát, đảng cầm quyền LDP đã bị cử tri trừng phạt qua lá phiếu lần này, chủ yếu do những tai tiếng tham nhũng trong bối cảnh mãi lực của người dân sụt giảm dưới tác động kép của lạm phát và nhất là hiện tượng đồng yen trượt giá so với đô la Mỹ. Brieuc Monfort : « Trong năm nay tỷ giá của đồng yen Nhật Bản trồi sụt thất thường. Đầu năm, 140 yen đổi lấy 1 đô la Mỹ nhưng đến tháng 7 vừa qua thì phải cần đến 160 yen mới mua được 1 đô la. Thế rồi chúng ta đang trở lại với tỷ giá hối đoái 140-150 yen ăn 1 đô la như hồi đầu năm. Đơn vị tiền tệ của Nhật bị mất giá do lãi suất ngân hàng của Nhật rất thấp so với tại châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng trong tháng 3/2024 và tháng 7/2024, Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo trở lại. Dù vậy, lãi suất ngân hàng ở Nhật vẫn thấp hơn so với ở các nơi khác, cho nên các nhà đầu tư Nhật Bản và nước ngoài rút vốn khỏi xứ hoa anh đào, để mua đô la và euro, ký gửi vào các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu để kiếm lãi nhiều hơn. Một khi có lãi, họ đem euro và đôla đổi trở lại sang đồng yen và do tiền tệ của Nhật bị mất giá, các nhà đầu tư này lại càng lãi nhiều hơn nữa. Đó là hiện tượng đầu cơ carry trade - giao dịch chênh lệch lãi suất. Hiện tượng này càng làm suy yếu đồng yen ».Trên nguyên tắc một đồng yen mất giá có lợi cho các nhà sản xuất xứ hoa anh đào bởi Nhật Bản là một quốc gia xuất khẩu công nghiệp - đặc biệt là trong lĩnh vực hàng cao cấp, nhưng nguy hiểm đối với đảng cầm quyền trong thời gian gần đây, theo giới sư Monfort, là ở chỗ công luận Nhật « khó thở » vì những tai tiếng tham nhũng. Hai ẩn số lớn : Trung Quốc và Hoa Kỳ Bất ổn chính trị từ sau cuộc bầu cử lần này càng gây thêm lo ngại cho các doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đây chỉ là một thách thức mới vào lúc mà Nhật Bản bị xem là quốc gia chịu áp lực lớn nhất từ cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế và siêu cường thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc tranh hùng giữa Washington và Bắc Kinh khuấy động tình hình tại châu Á Thái Bình Dương với hai điểm nhậy cảm nhất hiện tại là Biển Đông và eo biển Đài Loan. Cuối tháng 9/2024 lần đầu tiên một tàu chiến Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan, nơi mà theo thẩm định của hãng tin Mỹ Bloomberg « gần 50 % trong số các tàu chở hàng của thế giới phải đi qua ; 88 % giao thương đường biển cũng phải trung chuyển qua eo biển Đài Loan » vào lúc Bắc Kinh luôn xem việc thống nhất Đài Loan là một mục tiêu phải đạt được.Đài Loan cũng là nguồn cung cấp chính trên thế giới chip điện tử tân tiến nhất, một tử huyệt của ngành công nghiệp Nhật Bản. Giáo sư Brieuc Monfort nhấn mạnh, hai câu hỏi lớn đang đặt ra tại Tokyo hiện nay là kịch bản nào trong trường hợp Trung Quốc đưa quân xâm chiếm Đài Loan và Mỹ cần bao nhiêu thời gian để can thiệp.Brieuc Monfort : « Nhật Bản và Trung Quốc là hai nền kinh tế có những mối liên hệ chặt chẽ. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng hôm mồng 01/10 Shigeru Ishiba đã lập tức điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đôi bên nhấn mạnh đến các mục tiêu tăng cường hợp tác, duy trì ổn định trong khu vực… Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản ; 20 % xuất và nhập của Nhật là để hướng sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra Tokyo còn là bên tham gia Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực -RCEP, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và khối ASEAN… Tầm ảnh hưởng của hiệp định này có thể chỉ giới hạn nhưng điều đó thể hiện quyết tâm của Nhật hội nhập vào mạng lưới thương mại mà ở đó Bắc Kinh cũng hiện diện. Trong điều kiện đó, nếu có xảy ra xung đột thì bên nào cũng sẽ phải trả giá đắt ».Như phần còn lại trên thế giới, Tokyo cũng rất hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 05/11/2024 khi biết rằng 55.000 lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Nhật Bản và ứng cử viên của bên đảng Cộng Hòa từng đem cả vế an ninh ra để mặc cả với các đồng minh quân sự thân thiết nhất của Washington. Đó là lý do giải thích vì sao, Tokyo không ngừng tăng ngân sách quốc phòng. Nguy cơ bị tụt hậu, nỗi ám ảnh của Nhật Bên cạnh những mối lo ngại vừa nêu, một trong những điểm cơ bản khác nữa là Nhật Bản có nguy cơ bị mất ngôi vị hạng ba kinh tế toàn cầu vì hai lý do : viễn cảnh mất 30 triệu người lao động trong 25 năm sắp tới và bị tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ số so với hai đại cường hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc mà Trung Quốc đang vươn lên như một cường quốc công nghệ của thế kỷ 21 đủ sức để thách thức Hoa Kỳ thì liệu rằng Nhật Bản vẫn là một ngọn hải đăng trong thế giới công nghệ ? Với 40 % dân số trên 65 tuổi trong tương lai không xa, Nhật Bản liệu có thể tiếp tục dẫn dầu cuộc đua để cho ra đời những phát minh mới hay sẽ bị Mỹ và Trung Quốc đã đành, mà cả Hàn Quốc và Ấn Độ cùng qua mặt ?Brieuc Monfort : « Nhật Bản bị chậm trễ so với nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, nói như thế cũng hơi bất công, bởi vì tuy không có những công ty khởi nghiệp, không có thung lũng công nghệ Silicon như của Mỹ nhưng Tokyo có một chính sách phát huy những công nghệ mới rất riêng biệt. Hơn thế nữa, Nhật Bản đẩy mạnh một số công nghệ mũi nhọn ít được phổ biến trong đại chúng. Về hiện tượng dân số bị lão hóa, thì đúng là từ nay đến ngưỡng 2050 thị trường lao động Nhật Bản sẽ mất đi thêm khoảng 30 triệu người ; tỷ lệ trên 65 tuổi trong dân số đang từ 30 % sẽ bị đẩy lên tới gần 40 % nhưng cùng lúc các chính quyền liên tiếp đã có một sự chuẩn bị dài hơi và đã có rất nhiều tiến bộ để bù đắp lại nhược điểm này ». Vị trí nào trong cuộc chiến công nghệ và thương mại Mỹ-Trung ? Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới WIPO, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia đang dẫn đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo, Nhật Bản đứng hạng 4, sau Hàn Quốc và chỉ hơn có Ấn Độ trong nhóm « Top Five ». Bên cạnh đó công nghệ tiên tiến của Nhật Bản lệ thuộc một phần lớn vào chip điện tử do Đài Loan sản xuất, vào kim loại hiếm mà đến nay Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp số 1 trên thế giới, chiếm từ 80 và có khi là đến hơn 95 % thị phần toàn cầu. Như giáo sư Monfort vừa nói 20 % xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản tùy thuộc vào một khách hàng duy nhất là Trung Quốc. Năm 2022, chỉ riêng các khoản giao dịch trên mạng internet, khách hàng Trung Quốc mua vào gần 14,5 tỷ đô la hàng made in Japan.Chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan và nhất là cuộc cuộc tranh hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, ngoại giao đến kinh tế và công nghệ là một yếu tố bất lợi cho Nhật. Những yếu tố này góp phần tăng tốc chính sách « tách rời khỏi Trung Quốc » của Tokyo : Sau tập đoàn Mitsubishi Motors đến lượt hãng xe Honda thông báo giảm nhân sự tại các nhà máy ở Hoa Lục.Năm 2020 rồi 2022 bộ Kinh Tế và Thương Mại, Công Nghiệp Nhật Bản đã có hẳn một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dời cơ sở khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á hay trở về nguyên quán. Nghịch lý ở đây là dù rất gắn kết và phụ thuộc vào lẫn nhau, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh thường xuyên căng thẳng vì những hồ sơ thương mại và công nghệ.
Nếu như các nước đồng minh của Mỹ bày tỏ quan ngại trước nguy cơ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nếu như Bắc Kinh vẫn chưa có những bình luận chính thức về cuộc đọ sức Trump - Harris, thì giới chiến lược gia tại Trung Quốc không mấy ảo tưởng về một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh. Trung Quốc thích chính quyền Harris hay là một chính quyền Trump thứ hai ? Hay nói rộng hơn, Bắc Kinh thích đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa ? Trang Foreign Affairs ngày 01/08/2024 nhắc lại năm 1972, khi tiếp tổng thống Richard Nixon, chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng nói rằng ông thích cánh hữu ở Mỹ và các nước phương Tây khác.Mặc dù Mao không giải thích vì sao, nhưng theo nhận định giới quan sát, trong nhãn quan Bắc Kinh thời đó, các nhà lãnh đạo phương Tây thiên hữu chú ý nhiều đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi chính sách của các chính trị gia cánh tả có xu hướng dựa nhiều hơn vào ý thức hệ và các giá trị chính trị.Dân Chủ hay Cộng Hòa, bên nào có đóng góp to lớn cho quan hệ Mỹ - Trung ? Thật khó mà đánh giá. Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, qua bảy đời tổng thống Dân Chủ và bảy đời tổng thống Cộng Hòa, quan hệ Mỹ - Trung đã có những đột phá nhưng không ít lần gặp khủng hoảng.Nhưng bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng sắp tới, Kamala Harris hay Donald Trump, đối với các nhà quan sát Trung Quốc, thay vì đưa ra các giải pháp thay thế cho đất nước và thế giới, cả hai đảng lớn ở Mỹ hiện nay đều có chung một cách tiếp cận đối với Trung Quốc, xuất hiện trong tám năm gần đây và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các mối quan ngại chính trị trong nước.Cùng mục tiêu, khác chiến thuậtDonald Trump với câu thần chú « Nước Mỹ trên hết », nhằm đáp ứng mối quan tâm của cử tri về toàn cầu hóa và nhập cư, đã gia tăng các rào cản thương mại, hạn chế nhập cư và giới hạn sự tham gia của Mỹ trong các định chế quốc tế, để ưu tiên cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Kết quả là Trung Quốc từ một đối tác thương mại bị xem là một « thế lực xét lại », là đối thủ cạnh tranh chiến lược và thậm chí là một mối đe dọa. Quan hệ Mỹ - Trung từ đó xuống cấp trầm trọng, nhất là từ sau đại dịch Covid-19.Nhưng cách tiếp cận này của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc Washington mất dần uy tín và các đòn bẩy trong việc phối hợp với các quốc gia khác về chính sách riêng của Mỹ đối với Trung Quốc, dẫn đến việc chính quyền Trump đã không xây dựng và không dẫn đầu một mặt trận đa phương mạnh mẽ chống Trung Quốc.Chính quyền Biden, với câu nói « chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu », cũng cân nhắc những chính sách đối nội tương tự của Donald Trump, nhưng có thêm chiều hướng quốc tế khi cân bằng lại các chính sách công nghiệp trong nước và các quy tắc kinh tế quốc tế để thúc đẩy những lợi ích quốc gia. Nghĩa là ông Biden ngoài việc siết chặt thêm một số biện pháp đưa ra từ thời Donald Trump, còn có các lập trường đi xa hơn trong một số vấn đề.Tuy nhiên, dù cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc nhưng Joe Biden vẫn duy trì các kênh liên lạc cấp cao thường xuyên và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác. Nếu như ông Joe Biden trong suốt nhiệm kỳ tổng thống chưa bao giờ đặt chân đến Bắc Kinh như người tiền nhiệm, thì nguyên thủ Mỹ cũng đã hai lần gặp trực tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia tháng 11/2022 và tại San Francisco, Mỹ tháng 11/2023.Đôi bên cam kết duy trì mối quan hệ song phương ổn định và lành mạnh. Mong muốn này còn thể hiện rõ qua một loạt các cuộc gặp bí mật giữa Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, mà cuộc gặp mới nhất là hồi cuối tháng 8/2024 ở Bắc Kinh.Cuộc gặp này diễn ra vào lúc cuộc bầu cử Mỹ có những biến chuyển quan trọng : tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ rút khỏi cuộc đua và thông báo ủng hộ phó tổng thống Kamala Harris, một nhân vật cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn chưa hiểu rõ, theo như nhận định của ông Trầm Đinh Lập, giáo sư danh dự ngành Quan hệ Quốc tế đại học Phục Đán, Thượng Hải, trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 19/08/2024.Trung Quốc : Đối thủ lớn của Mỹ trong thập kỷ tớiNhìn chung, Trung Quốc chiếm một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraina, Israel - Hamas ở dải Gaza, Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Và dường như có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington xem Trung Quốc là một đối thủ lớn.Câu hỏi đặt ra : Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ có chính sách ra sao với Trung Quốc ? Hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì về việc ông Biden rút khỏi cuộc đua. Phát biểu chính thức là Trung Quốc « không bình luận chuyện nội bộ » nước Mỹ. Tuy nhiên, các chiến lược gia Trung Quốc không mấy hy vọng có những thay đổi đường hướng trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trong thập kỷ tới.Nếu tái đắc cử, ông Trump gần như chắc chắn tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc khi đề xuất áp thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như là hủy bỏ « Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn » dành cho Bắc Kinh từ năm 2000, cho phép Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ một cách dễ dàng. Đây có thể sẽ là một ác mộng lớn cho chính quyền ông Tập Cận Bình vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.Ông kêu gọi biến khái niệm « sân nhỏ, rào cao » của chính quyền Biden – chỉ nhằm bảo vệ các ngành công nghệ mũi nhọn, mới nổi, qua các biện pháp an ninh mạnh mẽ cho phép tách biệt nhiều ngành công nghệ khỏi Trung Quốc – thành học thuyết « sân lớn, rào cao ». Nhưng với sở thích « trọng thương », nhà tỷ phú Mỹ cũng có thể theo đuổi các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh về hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ.Donald Trump có thể sử dụng Đài Loan như một con bài mặc cả để đạt các thỏa thuận thương mại. Một lần nữa, sở thích ngoại giao song phương hơn là đa phương có thể hạn chế ông Trump huy động các đồng minh và đối tác để đối phó Trung Quốc.Ngược lại, một chính quyền Harris có thể giúp giữ được phần lớn cách tiếp cận của ông Biden, tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố nỗ lực xây dựng liên minh với các nước phương Tây và châu Á mà ông Biden gầy dựng từ đầu nhiệm kỳ để đối trọng với Trung Quốc. So với chính sách tùy tiện, ngẫu hứng, bất thường của Trump, quả thật những chiến lược này có thể sẽ dễ dự đoán hơn cho Trung Quốc.Harris hay Trump: Trung Quốc đã chọn phe ?Trở lại với câu hỏi, Trung Quốc thích làm việc với chính quyền nào, Kamala Harris hay là Donald Trump ? Ông Trầm Đinh Lập, giáo sư đại học Phục Đán, trả lời Bloomberg, đưa ra một số nhận xét nhưng không quên nhấn mạnh đây chỉ là quan điểm cá nhân, chứ không phải là lập trường của Bắc Kinh:« Tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ đều muốn làm cho nước Mỹ thịnh vượng và an ninh hơn. Nhưng nếu lấy một phạm trù khác làm ví dụ, điều gọi là nền dân chủ thì ông Trump dường như ít quan tâm hơn. Đây là quan điểm cá nhân tôi chứ không hẳn là của toàn thể người Trung Quốc. Ông ấy nghĩ rằng Hồng Kông là vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, vậy tại sao Hoa Kỳ lại phải quan tâm nhiều đến điều đó ? Tôi nghĩ Biden và bà Harris sẽ giải quyết vấn đề này theo một cách khác.Rồi Trump có thể nện Trung Quốc nếu nước này không làm cho ông ấy đạt được mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, nếu Trung Quốc không mua nhiều hàng Mỹ hơn trong ngắn hạn, ông ấy sẽ làm cho Trung Quốc bị mất thể diện… Còn đảng Dân chủ thì sẽ cố gắng cân bằng trong khi tìm cách để Trung Quốc mua nhiều hơn nhưng cũng nỗ lực giảm một số thuế quan mà ông Trump áp đặt nhưng đã bất thành. Theo tôi, ông ấy thiếu khả năng lãnh đạo ».Trung Quốc sẽ có cách xử lý ra sao nếu Trump tái đắc cử hay bà Kamala Harris lên cầm quyền ? Về điểm này, ông Trầm Đinh Lập giải thích:« Trong 10 năm qua, Trung Quốc cố gắng xây dựng quan hệ đối tác thân thiện với Mỹ. Tôi cho rằng điều này vẫn nằm trong tư duy của giới lãnh đạo Bắc Kinh theo như những gì tôi biết. Chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ, muốn có quan hệ đối tác lớn hơn trong nhiều vấn đề như đối thoại quân sự, trao đổi văn hóa, ngoại giao gấu trúc và chống ma túy cũng như là quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu.Nhưng chúng tôi đang vấp phải nhiều khó khăn. Và Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, Trung Quốc cũng đang rút ra nhiều bài học từ hậu quả cuộc cạnh tranh như vậy. Trung Quốc hiện đang cố gắng điều chỉnh lập trường của mình. Vì vậy, nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lập trường thông minh hơn, có nguyên tắc hơn trong việc đối phó với nhiệm kỳ hai của ông Trump. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ! »Những nhận xét này của ông Trầm Đinh Lập, tuy chỉ là quan điểm cá nhân, có lẽ cũng phần nào phản ảnh chọn lựa của giới tinh hoa Bắc Kinh. Tuy nhiên, các tác giả bài viết trên Foreign Affairs cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, các chính sách về Trung Quốc của Mỹ, chính quyền Trump nhiệm kỳ hai, hay là chính phủ Kamala Harris dường như đều sẽ nhất quán về mặt chiến lược. Hai ứng viên này, với tư cách là tổng thống, đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Quốc, nhưng đều không muốn xảy ra xung đột quân sự lớn, hoặc cắt đứt mọi liên hệ kinh tế và xã hội. Do vậy, Bắc Kinh khó có thể có một ưa thích rõ ràng hơn.Hơn nữa, Trung Quốc có những động lực mạnh để duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ, tránh đối đầu hay gián đoạn. Vào lúc cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ 2024 đang nóng bỏng, giới chức Bắc Kinh đã có những nhận xét thận trọng và dè dặt về vấn đề này khi chỉ mô tả cuộc bầu cử là « chuyện nội bộ của Mỹ ».Dù vậy, Bắc Kinh cũng cảnh báo, chính phủ Trung Quốc « kiên quyết phản đối bất kỳ ai đưa vấn đề Trung Quốc và gây tổn hại đến lợi ích của nước này vì mục đích bầu cử », đồng thời kêu gọi hai đảng ở Hoa Kỳ « không nên phát tán thông tin sai lệch bôi nhọ Trung Quốc (…) ». Điều đó báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải phản ứng, ít nhất trong các phát biểu, nếu bị tấn công trong các chiến dịch tranh cử tại Mỹ!
Trong ba tuần cuối tháng Sáu, quyết định giải tán Quốc Hội cuốn trôi « ba tháng tăng trưởng » của nước Pháp. Kết thúc hai vòng bầu cử Quốc Hội, toàn cảnh chính trị Pháp vẫn trong một vùng sương mù và đó là điều các chủ doanh nghiệp và giới đầu tư tối kỵ. Giới đầu tư và doanh nghiệp không an tâm trước nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài, trước khả năng các chương trình cải tổ của nước Pháp để đem lại tăng trưởng, lấy lại cân bằng trong cán cân chi tiêu của nhà nước, giảm nợ công có nguy cơ bị chựng lại. Nhưng không mấy ai tin vào tính khả thi và hiệu quả từ những hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử của cánh tả.Với kết quả vòng hai bầu cử Quốc Hội Pháp hôm 07/07/2024 Pháp đã đẩy lùi « kịch bản xấu nhất », nghĩa là quyền lực thuộc về tay một đảng bài ngoại, chống đối mọi chính sách kinh tế của Liên Âu mà Pháp là một trong hai đầu tàu quan trọng nhất.Nhưng việc Quốc Hội mới có ba khối lớn với tương quan lực lượng khá ngang nhau và không một phe nào giành được đa số tuyệt đối để điều hành đất nước đặt ra nghi vấn về khả năng đàm phán giữa các đảng phái để tìm ra đồng thuận.« Wait and See »Ba lực lượng chủ chốt ở Quốc Hội Pháp sắp tới gồm đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN, cánh trung với liên minh Đồng Hành Ensemble và liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Khối này có nhiều dân biểuhơn cả, nhưng lại không đồng nhất, bao gồm bốn thành phần (đảng Xanh EELV, đảng Xã Hội PS, đảng Cộng Sản PCF và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI). Với bức tranh chính trị này các bên thương lượng được với nhau để thành lập chính phủ đòi hỏi thời gian. Sau này, tìm được đồng thuận ở Quốc Hội để thông qua các dự luật sẽ luôn đòi hỏi sức thuyết phục cao của mỗi bên. Trong mắt các doanh nghiệp, sự bấp bênh về mặt chính trị này kềm hãm một số chương trình đầu tư và các dự án tuyển dụng thêm lao động. Trả lời đài phát thanh tư nhân Radio Classique sau kết quả bầu cử Quốc Hội Pháp vòng 2 hôm 08/07/2024, Jean - Eudes du Mesnil, tổng thư ký Liên Đoàn Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ CPME không che giấu mối lo ngại « Hiện tại chúng ta đang đứng trước một tình huống bất định. Câu hỏi lớn là phe nào sẽ lên điều hành đất nước. Các doanh nghiệp, từ khi có tin giải tán Quốc Hội, đã dừng các dự án đầu tư, đình chỉ các kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên. Vấn đề đặt ra là nội các mới có đủ sức thuyết phục, để giới doanh nhân tin tưởng trở lại vào tương lai, để thúc đẩy trở lại các dự án đang bị tạm ngừng hay không. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã trong tình thế khó khăn. So với cùng thời kỳ năm ngoái, hiện đã có thêm 18 % các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Trên trang mạng tìm việc làm Hellowork, trong hồi tháng 5/2024, trong 1 tháng nhu cầu tuyển dụng nhân viên tăng 15 %. Dưới tác động bầu cử, bước sang tháng 6/2024 nhu cầu tuyển người giảm đi mất 5 %. Điều đó chứng tỏ là giới chủ lo lắng và họ đợi xem rằng đường lối kinh tế của Pháp sắp tới đây sẽ ra sao ».Niềm tin, bàn tay vô hình điều khiển kinh tế Xavier Jaravel trường kinh tế London School of Economics cũng cho rằng « các hoạt động ở Pháp trong thời gian vừa qua gần như bị « đóng băng » thậm chí một số lĩnh vực đã bị « thụt lùi ». Chỉ số PMI đo lường sức năng động trong ngành công nghiệp của Pháp trong tháng 6 tuột dốc so với một tháng trước đó. Đầu tháng 6/2024 Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp báo động chỉ số tin tưởng của các hộ gia đình đã rơi xuống mức còn chưa đầy 90 điểm, tương đương với thời kỳ Pháp phải đối mặt với đại dịch Covid trong nữa đầu năm 2020.Nhu cầu cấp bách về một chính sách kinh tế rõ ràngVào lúc tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ thủ tướng Gabriel Attal tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi Quốc Hội mới được định hình để có thể thành lập chính phủ, thì các doanh nhân đang có rất nhiều câu hỏi cần nhanh chóng được giải đáp.Câu hỏi đầu tiên chính sách kinh tế của Pháp sắp tới đây có cho phép đem lại tăng trưởng và giúp người dân đủ tự tin để tiếp tục tiêu thụ hay không ? Đây là chìa khóa cho phép các chủ doanh nghiệp khởi động lại các dự án đầu tư và đủ tự tin để tuyển dụng thêm nhân công.Liên minh cánh tả NFP đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua. Ẩn số thứ hai là tập hợp này sẽ có áp dụng chính sách « hào phóng » hứa hẹn tăng lương, tăng sức mua cho người lao động, dẹp bỏ những cải tổ về bảo hiểm thất nghiệp, về tuổi hưu trí hay không.NFP chủ trương tăng lương và bơm thêm sức mua cho người dân, tăng lương tối thiểu lên thành 1.600 euro thay vì 1.398 euro như hiện tại, bơm thêm 25 tỷ euro cho người lao động để kích cầu. Vẫn tổng thư ký Liên Đoàn Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ CPME Jean -Eudes du Mesnil phân tích về gánh nặng cho các doanh nghiệp nếu chính phủ mới áp dụng biện pháp này. « Đội mức lương tối thiểu lên thành 1.600 euro, có nghĩa là ngay lập tức tăng thêm 15 % lương cho nhân viên. Trong một số lĩnh vực thuộc diện nhọc nhằn, người lao động được hưởng quy chế làm việc có 32 giờ một tuần, với điều khoản tăng lương tối thiểu vừa nêu, đồng nghĩa với việc giới chủ tăng lương đến 25 % cho nhân viên. Có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ sức chịu được khoản chi tiêu phụ trội đó ? Trước cuộc bầu cử Quốc Hội, nghiệp đoàn của chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò về điều khoản tăng lương tối thiểu lên thành 1.600 euro như đề xuất của Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Kết quả cho thấy là 14 % sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, 27 % những người được hỏi báo trước là sẽ phải sa thải một phần nhân viên và 50 % dự trù sẽ tăng giá các sản phẩm thành, hay tăng giá các dịch vụ cung cấp. Trong điều kiện đó, mục đích tăng lương để bơm thêm mãi lực cho người dân có hiệu quả hay không ? Thực tế có thể hoàn toàn khác với những tính toán ban đầu ». Tăng mức lương tối thiểu : Lợi bất cập hạiNếu giới sản xuất phải tăng giá thành, đâu đó người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu hậu quả từ biện pháp tăng lương cho người lao động. Vật giá leo thang, hàng của Pháp đắt hơn so với của các đối tác thương mại trong và ngoài khối euro. Cán cân thương mại lại càng bị thâm hụt.Hơn nữa trong đề xuất, NFP quên mất rằng, trong thế giới mở rộng hiện tại, nhiều doanh nghiệp có thể di dời cơ sở sản xuất sang những nơi có nhân công rẻ, có thể mở thêm nhà máy ở nước ngoài, tức sẽ không tạo công việc làm cho dân Pháp, ngừng các chương trình đầu tư trên đất Pháp, khi đó thì tính toán « tăng sức mua cho người lao động Pháp » như trong chương trình của liên minh cánh tả có còn hiệu quả nữa hay không và có lợi cho người lao động với thu nhập thấp – lương tối thiếu, nếu như Pháp không còn các nhà máy sản xuất ?Paris vẫn là một bãi đáp an toàn ?Song một chỉ dấu quan trọng đó là trong hai ngày vừa qua, sàn chứng khoán của Pháp đã khá ổn định, đồng euro cũng không hề bị sụt giá. Theo giới phân tích, bên cạnh những hoài nghi về tính thực tế của chương trình kinh tế bên cánh tả đề xuất, các nhà đầu tư cũng tin vào tính linh hoạt của một số các nhân vật chủ chốt trong Mặt Trận Bình Dân Mới. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất chỉ là một trong bốn thành viên của NFP nên bắt buộc phải thương lượng và nhượng bộ. Điều đó cũng có nghĩa là không dễ để NFP bơm thêm sức mua cho người dân, hay xóa bỏ luật cải cách các chế độ hưu bổng, cải cách bảo hiểm thất nghiệp mà ba đời thủ tướng Borne, Castex hay Philippe đã thông qua từ 2017 đến nay. Tuy nhiên, trước mắt, Pascal Cagni, điều hành quỹ đầu tư C4Industries được báo Le Monde (04/07/2024) trích dẫn cho biết các dự án đầu tư vào Pháp có phần chựng lại nhưng chưa một kế hoạch nào bị « hủy bỏ ». Mới trung tuần tháng 5 vừa qua, một thăm dò của cơ quan tư vấn Ernest&Young cho thấy trong 5 năm liền Pháp là điểm đến « số1 » tại châu Âu, hơn hẳn Anh hay Đức. Tại diễn đàn Choose France tổ chức tại lâu đài Versailles, Pháp thu hút gần 15 tỷ euro đầu tư trực tiép nước ngoài, trong đó có nhiều hợp đồng với nhữung tên tuổi lớn trên thế giới từ như Amazon, Pfizer hay Microsoft. Hiển nhiên như Antoine Moyroud, thuộc quỹ đầu tư Lightspeed Venture Parteners đánh giá « bất ổn chính trị có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng tài chính của một quốc gia, làm xáo trộn kinh tế và điều đó sẽ khiến nước Pháp trở nên kém hấp dẫn hơn ».Lo ngại về nợ công trong lúc tình hình đã không mấy sáng sủaThêm một mối lo ngại khác liên quan đến trực tiếp đến tình trạng nợ nần của nước Pháp. Trong quý một năm nay, nợ công của Pháp lên tới 3.159 tỷ euro, tương đương với 110 % GPD. Thâm hụt ngân sách của nước Pháp cũng đã vượt quá xa so với quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Paris đã bị Bruxelles và các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế nhắc nhở rằng, đã đến lúc phải thận trọng hơn về ngân sách. Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính sắp mãn nhiệm đã liên tục thông báo cắt giảm chi tiêu 10, rồi thậm chí là 20 tỷ euro trong ngân sách để thu hẹp bội chi. Do vậy chính phủ mới trong tay một liên minh cánh tả làm thế nào để tài trợ những chương trình mang tính xã hội nhưng lại tốn kém họ đã đề xuất ?Nhiệm vụ của chính phủ sắp tới lại càng khó khăn hơn khi biết rằng, có nhiều báo động kinh tế Pháp đã bắt đầu « bước vào giai đoạn sóng gió ». Ngân Hàng Trung Ương Pháp e rằng mục tiêu GDP tăng 1 % trong năm nay sẽ « khó hoàn thành ».
ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP | CHƯƠNG 7. TRUYỀN BÁ PHÁP (GIÁO PHÁP, DHAMMA) - Hòa Thượng Nārada 00:38 Chương 7. Truyền bá Pháp (Giáo Pháp, Dhamma) 01:06 Cảm hóa Yasa và các bạn hữu 08:21 Những Sứ Giả đầu tiên của Giáo Pháp (Dhammadūta) 12:08 Thành lập Tăng Đoàn 14:18 Thâu nhận ba mươi thanh niên 15:56 Cảm hóa ba anh em Kassapa (Ca-Diếp) 18:23 Āditta Pariyāya Sutta, Kinh "Tất cả đều bị thiêu đốt" 20:55 Cảm hóa Đức Sāriputta (Xá-Lợi-Phất) và Đức Moggallāna (Mục-Kiền-Liên) - hai vị Đệ Tử Trưởng Còn tiếp ... (18h00 thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần) #ducphatvaphatphap #ducphat #phatphap #ducphatphatphap #narada #quantam #phiennao #thienvipassana #thientuniemxu #thienquantam #vipassana #tuniemxu #thienphatgiao #thien #phatphap #phatphapnhiemmau
Các dự phóng đều báo trước: Donald Trump và Joe Biden sẽ gặp lại nhau trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024. Có rất nhiều khác biệt giữa hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân chủ, ngoại trừ mối lo ngại kinh tế và thương mại của Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ở Nhà Trắng, cả hai cùng nỗ lực « tách rời khỏi » Trung Quốc, nhưng gần 8 năm qua, hai đời tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đều đã « thất bại ». Vì sao ? Tổng thống Joe Biden tranh cử nhiệm kỳ hai với ít nhất một thành tích rõ ràng : Nhập siêu của Mỹ năm ngoái thấp nhất kể từ đầu thập niên 2020. Xuất khẩu tăng so với 2022, trái lại nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giảm 3,6 %. Điểm nổi bật thứ nhì là Trung Quốc đánh mất danh hiệu đối tác thương mại số một của Mỹ, bị Mêhicô qua mặt. Mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ cùng sụt giảm trong năm 2023 so với 12 tháng trước đó.Decoupling để rồi lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc ?Theo thống kê của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, nhập khẩu với bạn hàng Trung Quốc từ 2017 đã giảm đi 1/3. Cứ trên 100 đô la hàng nhập vào Mỹ, thì chỉ có 14 đô la hàng của « công xưởng lớn nhất trên thế giới ». Cả hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ và Cộng Hòa đều khoe đấy là công lao của mình.Không thể phủ nhận là Washington đã thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh nhờ các biện pháp trừng phạt và áp thuế nhập khẩu chính quyền Donald Trump ban hành từ 2018 và đã được chính quyền Joe Biden duy trì. Nhưng như tuần báo Anh The Economist hôm 27/02/2024 ghi nhận : sẽ là một sai lầm nếu vội vã kết luận Mỹ thành công trong việc « cai nghiện hàng made in China ».Tại sao cả Trump và Biden đều thất bại trong việc giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ? Giới quan sát đồng loạt trả lời : Dân Mỹ vẫn ưa chuộng và vẫn cần hàng rẻ của Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Về tài chính, cho đến nay Bắc Kinh vẫn là một chủ nợ chính của Hoa Kỳ, nắm giữ 1200 tỷ đô la công trái phiếu của Mỹ. Về công nghệ cao, những tên tuổi như Hoa Vi hay ZTE của Trung Quốc vẫn vừa là nỗi ám ảnh, vừa là những« miền đất hứa » với nhiều tập đoàn công nghệ cao của Hoa Kỳ. Cần thận trọng với các thống kê Điều đầu tiên buộc độc giả thận trọng là khác biệt về thống kê hải quan của Trung Quốc và Mỹ liên quan đến cùng một thời kỳ. Bắc Kinh xác nhận tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 30 tỷ đô la so với tài khóa 2022. Trái lại nhìn từ phía Mỹ, hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ giảm 100 tỷ đô la. Vậy biết tin ai bây giờ ?Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém. Căn cứ vào các số liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, năm 2017, tức là trước khi chính quyền Trump ban hành các biện pháp áp thuế hàng Trung Quốc, để tạo ra một đô la của cải cho nước Mỹ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng 0,41 % hàng Trung Quốc. Năm 2022, tỷ lệ này đã bị đẩy lên tới 1,06 %. Điều đó đơn giản cho thấy là Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Tệ hơn nữa, ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ ở Hoa Kỳ, dường như « các hãng Mỹ ngày càng phụ thuộc vào bản quyền hiện đang do một số công ty Trung Quốc nắm giữ ».Lý do thứ ba là, cho đến hiện tại, không một dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đầu hàng, nhượng bộ, hay sẵn sàng chia sẻ vị trí chiến lược và then chốt của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc họp Hội Đồng Kinh Tế tháng 12/2023, Bắc Kinh đã nhắc lại xuất khẩu là một ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia. Các ngân hàng nhà nước được chỉ thị huy động tín dụng từ trước đến nay dành để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và địa ốc cho khu vực xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, The Economist báo trước là rồi đây hàng của Trung Quốc sẽ còn tràn ngập thị trường quốc tế mạnh hơn nữa, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng xanh. Mỹ tiếp tục là một điểm tiêu thụ chính.Một mô hình thương mại đường vòngTháng 8/2023 cũng tuần báo The Economist đã ghi nhận liên hệ về thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên « chặt chẽ hơn bao giờ hết », cho dù Trung Quốc không còn là bạn hàng số 1 của Mỹ.Hai đời tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden trên thực tế đã chỉ « vẽ lại » một bản đồ thương mại mới mà ở đó hai cực chính vẫn là Mỹ và Trung Quốc, nhưng thay vì hai siêu cường kinh tế này trao đổi trực tiếp với nhau thì họ đã « đánh đường vòng » đi qua một loạt các trung gian như Ấn Độ, Mêhicô, Đài Loan, hay Việt Nam.Vào lúc nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc giảm, thì trái lại cán cân thương mại của Mỹ với từ Mêhicô đến Việt Nam hay Đài Loan đã bị thâm hụt nhiều hơn và Mỹ đã mua vào những sản phẩm mà Trung Quốc bán nhiều hơn cho Việt Nam hay Đài Loan, Ấn Độ … Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hồi tháng 11/2023 sau cuộc gặp rất được chờ đợi giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn Đàn APEC tại San Francisco, kinh tế gia Jean Paul Chang nhấn mạnh : Mục tiêu decoupling mối liên hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới như Donald Trump và Joe Biden đề xuất là điều không tưởng :« Cắt đứt liên hệ tài chính là điều bất khả thi. Người ta có thể viện lý do an ninh quốc gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, để kềm chế đối phương, nhưng chúng ta biết rõ là mỗi biện pháp trừng phạt đó lại càng thúc đẩy bên bị trừng phạt tìm ra những ngõ thoát mới. Nghịch lý ở đây là, càng bị Mỹ kềm tỏa, Bắc Kinh lại càng tăng tốc đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn và hight tech. Trung Quốc hào phóng hơn nữa trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo nhiều kỹ sư và cả một đội ngũ chuyên gia, khoa học …. Nói cách khác, nếu như có một sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với công nghệ cao, thì lập tức các bên liên quan sẽ tìm cách để thích nghi với tình huống ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet của báo mạng chuyên về châu Á Asialyst giải thích thêm : « Tách rời khỏi nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, hiểu theo đúng nghĩa của nó, là điều hoàn toàn không thể làm được, do các nền kinh tế trên thế giới giờ đây đã đan kết quá chặt chẽ với nhau, đặc biệt là về công nghệ cao. Tuy nhiên, Bắc Kinh lẫn Washington đều đã có một sự uyển chuyển, khi thay thế cụm từ tách rời khỏi nhau –decoupling, bằng derisking, tức là giảm thiểu rủi ro. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen là người đưa ra khái niệm này và Hoa Kỳ đã xem đó là một sáng kiến hay. Derisking có nghĩa là trước khi ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài, cần cân nhắc về những ‘rủi ro' bị sao chép, rủi ro về tác quyền, rủi ro công nghệ hay sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể bị đối phương sử dụng vào những mục tiêu quân sự … Như vậy có nghĩa là trước khi hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài, cần nghiên cứu và tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra». Nhưng liệu Mỹ có thể yêu cầu một doanh nghiệp « nghiên cứu », cân nhắc các rủi ro hay không? Đừng quên rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là kiếm lời. Vế an ninh quốc gia tuy quan trọng, nhưng không chắc đó là ưu tiên số một của các doanh nhân Mỹ, như chủ nhân hãng xe Tesla, hay các nhà sản xuất trang thiết bị điện tử. Cũng trong cuộc trả lời trên đài truyền hình France24 tháng 11/2023, nhà nghiên cứu Mathilde Velliet, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, đang công tác tại Washington, đã đặt quan hệ Mỹ-Trung ở một góc độ khác : « Bối cảnh hiện nay là một cuộc cạnh tranh rất gay gắt về công nghệ và thực tế đó sẽ còn kéo dài. Thậm chí là cuộc đọ sức có phần gia tăng cường độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mỗi bên sẽ mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt, cấm đoán, hạn chế các hoạt động của đối phương. Tại Washington chúng ta thấy, tháng 10/2022 chính quyền Biden đã ban hành lệnh cấm nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Đúng một năm sau, chính phủ Mỹ mở rộng thêm danh sách này. Hơn nữa, từ nhiều năm nay Mỹ kiểm soát đầu tư của Trung Quốc vào thị trường nội địa, nhưng từ tháng 8/2023, Nhà Trắng ban hành quyết định kiểm soát luôn cả một số dự án đầu tư của các tập đoàn Mỹ sang Trung Quốc, tránh để công nghệ của Mỹ rơi vào tay Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. ( …) Mục tiêu của chính quyền Biden là « bình thường hóa » tất cả những đòn kềm tỏa đó trong bang giao song phương. Tức là Mỹ vẫn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng cũng sẽ tiếp tục ban hành các biện pháp trừng phạt và hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty của hai nước. Về mặt chính trị, trong bối cảnh bầu cử tổng thống 2024, không ai dám mạo hiểm thay đổi lập trường đó, tức là Mỹ sẽ tiếp tục tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc ».Biden và Trump giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng qua kênh kinh tế ?Vẫn báo The Economist tháng 8/2023 lưu ý độc giả rằng chính sách trừng phạt Trung Quốc do hai tổng thống Trump và Biden tiến hành dẫn đến hệ quả là « một phần lớn các nước ở châu Á, Mêhicô và ở một số nơi khác tại châu Âu nhập nhiều hơn hàng của Trung Quốc và qua đó trở nên thân thiện hơn với Bắc Kinh ». Đó cũng là một kênh giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.Cách nay 5 năm, trong một chương trình truyền hình của kênh France 5, Alice Ekman, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và điều hành khoa châu Á Viện Nghiên cứu về an ninh châu Âu, đã thấy trước là, càng bị Âu Mỹ trừng phạt, Trung Quốc càng tăng cường quan hệ với Nga :« Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau từ 2014 sau khi Matxcơva bị trừng phạt vì thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina. Vladimir Putin bắt đầu chính sách ‘đông tiến' từ đấy. Nhưng rồi Matxcơva liên tục đẩy mạnh hợp tác về năng lượng với Trung Quốc và cũng chờ đợi đón nhận đầu tư của nước này đặc biệt là về công nghệ cao. Trên các hồ sơ lớn về thời sự quốc tế như Syria hay về Biển Đông, tầm nhìn của Nga và Trung Quốc không đối chọi với nhau. Đôi bên cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, trong vùng Biển Baltic hay ở Biển Đông : Trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc hoàn toàn không bị cô lập như chính quyền Donald Trump mong muốn. Nhưng đây không chỉ có cuộc chiến thương mại, Washington và Bắc Kinh còn đối đầu nhau trên nhiều mặt trận khác và cần theo dõi tình hình ở những điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á ».
Sau nhiều năm « cuộc chiến mậu dịch » kéo dài, vế kinh tế và thương mại là một trong những hồ sơ hai nhà lãnh đạo Joe Biden -Tập Cận Bình sẽ đề cập đến nhân thượng đỉnh tại San Francisco, bên lề hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương APEC. Thêm vào đó là yếu tố Nga, kể từ khi Matxcơva bị quốc tế trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina. Mỹ một năm trước bầu cử tổng thống còn tại Trung Quốc, toàn cảnh kinh tế khá ảm đạm : Mỗi bên mặc cả những gì với đối phương trong bối cảnh giao thương quốc tế càng lúc càng bị những tính toán chính trị làm xáo trộn ?RFI tiếng Việt mời giáo sư Sébastien Jean Học Viện Mỹ Thuật và Công Nghệ Quốc Gia CNAM phân tích về một nghịch lý trong quan hệ quốc tế : các nền kinh tế trên thế giới càng lúc càng « gắn kết chặt chẽ với nhau, càng phụ thuộc vào lẫn nhau » đồng thời thương mại, tài chính, công nghệ hay năng lượng … đều là những công cụ - nếu không muốn nói là một loại vũ khí, để mặc cả, để bắt chẹt hay kềm tỏa sức mạnh của đối phương.Sébastien Jean, nguyên là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế. Cùng với Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, ông vừa cho công bố một nghiên cứu mới về thương mại quốc tế. Tài liệu mang tựa đề : « Découplage impossible, coopération improbable : Les interdépendances économiques à l'épreuve des rivalités de puissance - Không thể tách rời, ít triển vọng hợp tác : Những sự phụ thuộc về kinh tế trước những tranh giành để thể hiện sức mạnh » - Viện IFRI tháng 11/2023. Mục tiêu một « hiệp định hưu chiến » cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc ? Trước hết trong cuộc thảo luận được dự trù kéo dài trong bốn giờ đồng hồ ngày 15/11/2023 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên hồ sơ kinh tế, đâu là những ưu tiên của mỗi bên ?Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : Washington vừa tiếp tục kiểm soát xuất khẩu chíp điện tử và linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc vừa trấn an Bắc Kinh là Mỹ không tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế nhắm vào quốc gia châu Á này. Các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Biden nhiều lần khẳng định Mỹ không chủ trương « tách rời - decoupling » với Trung Quốc mà chỉ là « giảm thiểu rủi ro - derisking » để bớt lệ thuộc quá nhiều vào một quốc gia mà thôi. Ngoài ra phía Hoa Kỳ cũng muốn thăm dò ý định của Trung Quốc trong liên hệ thương mại, kinh tế và tài chính giữa Bắc Kinh và Matxcơva vào lúc Âu Mỹ phong tỏa kinh tế Nga, trừng phạt chính quyền Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina .Về phía ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc chờ đợi gì sau cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì với tổng thống Biden trong bối cảnh, trong giao đoạn từ tháng 7-9/2023 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi Hoa Lục cao hơn so với số các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc nước ngoài vào Trung Quốc, hiện tượng này chưa từng xảy ra kể từ 1998 tới nay ?Vẫn AP dự báo Bắc Kinh muốn được bảo đảm là Washington sẽ không ban hành thêm các hàng rào quan thuế đánh vào hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ, Hoa Kỳ không dùng đòn công nghệ để « triệt hạ » các tập đoàn công nghệ mới của quốc gia này. Lịch làm việc của ông Tập trong bốn ngày từ 14-17/11/2023 có dự trù một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ với thông điệp chính : Trung Quốc là một điểm đầu tư an toàn.Cuối cùng nếu như Nhà Trắng muốn thăm dò ý định của chủ tịch Tập Cận Bình về quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thì đổi lại Bắc Kinh cũng muốn tìm hiểu về những ý đồ của tổng thống Biden với Đài Loan, một cường quốc trong công nghệ bán dẫn và cũng là trung tâm cuộc đọ sức Mỹ -Trung về công nghệ.Tầm mức quan trọng của cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì -và rất có thể là đối thoại cuối cùng trong nhiệm kỳ này của tổng thống Biden, giữa hai nhà lãnh đạo, Joe Biden -Tập Cận Bình cho thấy hai vế kinh tế và chính trị gắn chặt đến mức độ nào hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt là khi mà « những tham vọng về chính trị, và địa chính trị, yếu tố ý thức hệ càng lúc càng chi phối các hoạt động về thương mại và tài chính quốc tế » :Sébastien Jean : « Dưới tác động từ tiến trình toàn cầu hóa, các siêu cường kinh tế trên thế giới đã được gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, cả về giao thương lẫn tài chính. Nhưng từ hơn một chục năm nay, hay chính xác hơn là từ giữa thập niên 2000, yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng chi phối các hoạt động mậu dịch và kể cả trong lĩnh vực tào chính. Lần đầu tiên chúng ta rơi vào nghịch cảnh là các nền kinh tế thì liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời các các mối hiềm khích, thậm chí là một sự thù nghịch giữa các nền kinh tế đó cũng chưa bao giờ mạnh như hiện tại (…) Dù vậy hoàn cảnh éo le này không dẫn đến tình trạng gọi là phi toàn cầu hóa. Điều rõ ràng nhất là các quốc gia vẫn rất lệ thuộc vào nhau. Tình hình như vậy lúc nào cũng căng thẳng, bởi vì mỗi bên đều có thể khai thác lá bài kinh tế, tài chính để phục vụ các ý đồ chính trị. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều đòn trừng phạt, nhiều quyết định giới hạn xuất nhập khẩu trên một số thị trường. Tựu chung, các mối quan hệ về kinh tế và tài chính đã bị các chính giới thao túng. Có nghĩa là nhiều nước vẫn cứ ban hành các biện pháp trừng phạt, cấm vận … nhắm vào các đối phương. Câu hỏi còn lại là các biện pháp trừng phạt đó có hiệu quả hay không ». RFI : Hiệu quả có được như mong muốn hay không ? Trong trường hợp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì các biện pháp tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đánh lên hàng Trung Quốc vẫn không cho phép Washington giảm thâm hụt mậu dich với Bắc Kinh. Thêm vào đó, hai chính quyền Mỹ liên tiếp vì lý do « an ninh quốc gia » ban hành các biện pháp cấm hay giới hạn các chương trình hợp tác về công nghệ giữa các công ty của hai nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều liên hệ giữa các một số tập đoàn Mỹ và Trung Quốc kể cả trong những lĩnh vực được coi là nhậy cảm nhất.Sébastien Jean : « Chúng ta nhận thấy rằng khó có thể đạt được những mục tiêu chính trị bằng các công cụ như vậy. Nghĩa là dùng đòn kinh tế để đạt được mục đích chính trị. Cần hiểu rằng, giao thương quốc tế dựa trên nguyên tắc ‘tôi cũng có lợi và anh cũng có lợi'. Vậy nếu tôi trừng phạt anh thì tôi cũng bị thiệt hại. Điều đó có nghĩa là một biện pháp trừng phạt chỉ có lợi nếu như chúng ta biết chắc rằng, đối phương sẽ trả giá đắt hơn so với những thiệt hại mà ta sẽ phải gánh chịu. Đó là điều rất khó thực hiện. Mỗi biện pháp trừng phạt đều luôn luôn có những liều thuốc hóa giải, có nghĩa sẽ nảy sinh những hình thức khác nhau để luồn lách lệnh trừng phát đó ».Để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, căn cứ trên các thống kê, cho thấy, đúng là tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc đã giảm. Nhưng trong cùng thời kỳ, nhập khẩu của Hoa Kỳ với một số quốc gia khác như Mêhicô, hay Việt Nam, Ấn Độ… đã tăng mạnh. Bản thân ba quốc gia này thì đã mua vào nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại cho sang thị trường Mỹ. Nói cách khách Hoa Kỳ muốn tránh Trung Quốc nhưng để rồi lại bị lệ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp khác và chính những nguồn cung cấp này lại là khách hàng của Bắc Kinh. Trong điều kiện đó không thể kết luận là kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã bớt phụ thuộc vào nhau hay đang ‘tách rời' khỏi lẫn nhau. Các luồng giao thương giữa hai nền kinh tế này chỉ trở nên mù mịt và phức tạp hơn mà thôi ». RFI : Còn liên quan đến nước Nga ?Sébastien Jean : « Đây là một trường hợp quan trọng, bởi vì lần đầu tiên nhiều biện pháp trừng phạt mạnh đã được ban hành và nhắm vào một nền kinh tế có trọng lượng như là Nga. Cùng một lúc Nga phải đối mặt với các biện pháp cấm vận cả về thương mại lẫn tài chính. Chính sách trừng phạt đã đem lại nhiều hệ quả và gây trở ngại về nhiều mặt cho kinh tế nước này. Nhưng kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều người mong đợi bởi hai lý do. Về mặt tài chính Matxcơva vẫn không bị thiếu hụt tiền mặt nhờ vẫn tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, dầu khí …. Trong những lĩnh vực khác, đành rằng Nga đã bị kẹt vì không thể tiếp cận được với công nghệ cao, bị cấm nhập khẩu một số phụ tùng có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự, để chế tạo vũ khí, nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh nhưng Matxcơva đã lách lệnh cấm đó nhờ một số trung gian, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước lân cận như Kazakhstan. Trong trường hợp này, lệnh cấm vận có hiệu quả nhưng chỉ một phần ».Tác động đến dây chuyển sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu ?Trong nghiên cứu vừa công bố trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI về thương mại quốc tế, giáo sư đã nêu bật một số điểm chính như sau : giao thương trên thế giới phức tạp hơn bởi các nền kinh tế vừa là những đối tác vừa là những đối thủ của lẫn nhau và lại lệ thuộc rất lớn vào nhau. Cũng chính mức độ lệ thuộc đó mà các luồng giao thương, từ hàng hóa đến tài chính… đều rất dễ bị khai thác để phục vụ cho những mục tiêu chính trị và chiến lược. Kinh tế thương mại, tài chính … dễ trở thành những công cụ để mặc cả, thậm chí là để uy hiếp các đối tác …Thưa ông Sébastien Jean, trong trường hợp đó dây chuyền sản xuất nói riêng và học thuyết thương mại quốc tế nói chung bị xáo trộn như thế nào ?Sébastien Jean « Các dây chuyền sản xuất đã bị méo mó. Hiểu theo nghĩa, như tôi vừa đơn cử trường hợp của Mêhicô hay Việt Nam và Ấn Độ khi mà các quốc gia này nhập khẩu nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại sang Mỹ. Tuy nhiên, trước những thách thức mới đó, các doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược phát triển : đa dạng hóa các nguồn cung cấp, mở các nhà máy ở nhiều nơi khác nhau tránh để yếu tố địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay tránh để phải đóng cửa một số cơ xưởng …. Nhưng đó là những biện pháp đòi hỏi nhiều thời gian để mang lại kết quả. Thí dụ như Apple muốn ra khỏi Trung Quốc, mở địa bàn ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng cần thời gian để đóng cửa bớt các chi nhánh hay cắt giảm hợp đồng với các hãng gia công Trung Quốc …. Ở cấp quốc gia, thì các chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình tự chủ về công nghiệp, tìm mọi cách -nhất là biện pháp ưu đãi thuế khóa, để khuyến khích doanh nghiệp hồi hương… Tất cả những điều đó đòi hỏi phải mất nhiều năm mới hoàn thành ». Khái niệm An toàn về kinh tếCũng vì yếu tố « địa chinh trị », thay vì sử dụng khái niệm « cạnh tranh -competition » trong giao thương quốc tế, giới trong ngành thường nói đến một « sự đối đầu - rivality » giữa các đối tác thương mại. Do vậy theo Thomas Gomart và Sébastien Jean, hai đồng tác giả công trình nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI, bài thọc thứ nhất là chưa bao giờ các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện tại, điều đó không cấm cản, cũng chưa khi nào các đối tác thương mại lại sử dụng « vũ khí hạng nặng » để trừng phạt lẫn nhau.Bài học thứ nhì đồng thời cũng là hệ quả kèm theo, là các quốc gia vẫn tiếp tục trao đổi mậu dịnh nhưng luôn trong thế thủ với một khái niện mới là « an toàn kinh tế -sécurité économique ». Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã có hẳn chiến lược với ba mục tiêu : tự chủ về công nghệ cao không để phụ thuộc vào Mỹ hay các đồng minh của Washington ; làm chủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; và bảo vệ quyền lợi quốc gia ở hải ngoại.Về phía Hoa Kỳ thì chính sách năng lượng được coi là một vấn đề chiến lược từ lâu nay. Ngoài ra Mỹ cũng luôn thủ thân bằng rất nhiều biện pháp trừng phạt các nước bất hảo và kể cả các nước bạn như Liên Âu. Còn Nga thì dùng khoáng sản, nông phẩm, phân bón, dầu khí ... để bắt chẹt hay mua chuộc các đối tác hay đổi thủ của Matxcơva. Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng đó Liên Hiệp Châu Âu mới vừa « tỉnh ngủ » và chuyển hưởng về mục tiêu tự chủ công nghiệp. Giáo sư Sébastien Jean, học viện CNAM của Pháp kết luận.
Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ theo đuổi cùng một mục đích : Không còn phải lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, rất cần thiết cho công nghệ số và cho tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Đại dương là một nguồn cung cấp rất lớn. Chinh phục khoáng sản, kim loại hiếm dưới lòng biển sẽ đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, môi trường và nhất là địa chính trị. Nhật Bản đang dẫn đầu cuộc đua, đã bắt đầu phát triển kỹ thuật và công nghệ để chắt lọc khoáng sản từ bùn đại dương ở độ sâu từ 5 đến 6 ngàn mét. Phụ thuộc đến 60 % vào đất hiếm Trung Quốc, Nhật Bản thông báo bắt đầu khai thác đất hiếm từ đầu năm 2024. Viễn cảnh « thoát Trung » từ 2024 Theo báo tài chính Nhật Nikkei Asia ngày 24/12/2022 Tokyo chuẩn bị khai thác đất hiếm trong lòng đại dương ở khu vực ngoài khơi đảo Minami Torishima, cách thủ đô Tokyo chừng 1.900 km về hướng đông nam, đây là vùng biển xa xôi nhất thuộc hải phận Nhật Bản. Trữ lượng đất hiếm trong khu vực Minami Torishima đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản cho cả « gần ngàn năm ».Là một trong những nguồn tiêu thu kim loại hiếm hàng đầu thế giới để sản xuất từ ô tô điện đến màn ảnh phẳng, cánh quạt gió … Nhật rất cần đất hiếm với 17 nguyên tố kim loại nặng. Viễn cảnh từng bước « thoát Trung » tự lực về kim loại hiếm quả là một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa. Song để đạt đến đích, các nhà khoa học Nhật Bản còn phải vượt qua nhiều thách thức.Nikkei Asia giải thích : khó khăn đầu tiên là hải lưu Kuroshio, ở tây Thái Bình Dương chảy ngang qua Nhật Bản, nước chảy rất siết, rất nguy hiểm cho các đội tàu thám hiểm hay khai thác lòng đại dương trong khu vực này. Thách thức thứ nhì là khu vực Minami Torishima thường nằm trên lộ trình của các trận bão lớn. Khó khăn thứ ba là phải có phương tiện để chắt lọc kim loại hiếm từ các mẫu đá, bùn dưới lòng đại dương ở độ sâu 5 hay 6 ngàn mét, đưa bùn đại dương ở độ sâu như vậy lên cạn đã là một kỳ công.Các toán kỹ sư Nhật cũng chưa bao giờ làm việc, khai thác tài nguyên trong những điều kiện « khó khăn như vậy » và phải giải quyết cùng lúc « quá nhiều ẩn số ».Cuối năm 2022 Quốc Hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách 45 triệu đô la cho dự án khai thác, đồng thời quy định chỉ có bên bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công nghiệp được quyền cấp giấy phép cho các công ty khai thác đất hiếm trên lãnh thổ quốc gia. Riêng Cơ Quan An Ninh Kim Loại và Năng Lượng Nhật Bản JOGMEC đầu tư 75 % vào dự án. Hai năm trước đó JOGMEC thông báo đã tìm thấy nhiều kim loại hiếm như cobalt, kẽm … trong đá trầm tích ở khu vực đảo Minami Torishima thuộc lãnh hải Nhật Bản.Chiến lược mới về an ninh quốc gia Nhật Bản xem việc giảm mức độ lệ thuộc vào đất hiếm của một số quốc gia là một ưu tiên. Đất hiếm là một trong số 11 lĩnh vực thuộc diện « vật liệu thiết yếu đặc biệt » trong bộ luật về an ninh kinh tế vừa được ban hành năm 2023.Tham vọng của Na Uy Chưa tiến xa như Nhật Bản, ở khu vực Bắc Âu, tháng trước Na Uy đệ trình lên Quốc Hội một dự án cho phép khai thác « kim loại nặng » gần quần đảo Svalbard thuộc Bắc Băng Dương. Diện tích khai thác lớn ngang với toàn nước Đức -trên dưới 390.000 km vuông. Đây là một vùng có nhiều kim loại hiếm và có trữ lượng về đồng trên 38 triệu tấn đang ngủ vùi ở độ sâu hơn 4.000 mét dưới đáy biển.Oslo muốn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cung cấp từ cobalt cho đến lithium để phục vụ công nghiệp sản xuất bình điện cho xe ô tô, cho các cánh quạt sản xuất năng lượng gió. Trong chưa đầy 2 thập niên nữa -đến ngưỡng 2040, nhu cầu tiêu thụ lithium trên thế giới sẽ lớn gấp hơn 40 lần so với hiện tại.ISA và các vùng biển quốc tế Riêng đối với những vùng biển quốc tế, công tác thăm dò, khai thác thuộc thẩm quyền của Cơ Quan Quản Lý Đáy Biển Quốc Tế -ISA, một tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Kingston, Jamaica.ISA vừa kết thúc khóa họp trong ba tuần hôm 29/07/2023. Các bên không đạt được đồng thuật về một dự thảo quy định khai thác khoáng sản dưới đáy biển ở độ sâu 4.000 mét trở đi và cũng không đồng ý cho khai thác ngay lập tức các khoáng sản dưới lòng đại dương.Trước mắt ISA mới chỉ đồng ý cho các công tác « thăm dò » và từ khi bắt đầu hoạt động năm 1994 Cơ Quan Quản Lý Đáy Biển Quốc Tế mới chỉ cấp 31 giấy phép cho các công ty thăm dò đáy biển, chủ yếu liên quan đến vùng Clarion-Clipperton trải rộng trên gần 15 triệu km vuông ở Thái Bình Dương, nằm giữa đảo Hawaii của Mỹ và Mêhicô. Giới khoa học chưa thể thẩm định hết tác động của việc khai thác khoáng sản đối với hệ sinh thái biển, nhưng đa phần đưa ra cảnh báo về một sự « mất mát » và nguy cơ « không thể đảo ngược » do còn thiếu kiến thức về sinh học, môi trường và hệ sinh thái cả trên đất liền và đại dương. Một số tập đoàn lớn như Samsung của Hàn Quốc hay hãng xe Đức BMW hưởng ứng kêu gọi tránh sử dụng khoáng sản khai thác từ đại dương.Pháp, Đức, Chilê hay nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương chủ trương nên dừng lại ở khâu « thăm dò ». Ở góc đài bên kia, từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay đảo Nauru vận động để bắt đầu khai thác nguồn tài nguyên vô tận này.ISA bế tắc vì Trung Quốc Hãng tin Pháp AFP ghi nhận « dưới áp lực của phái đoàn Trung Quốc chủ đề bảo vệ đáy đại dương ở độ sâu không được đưa vào chương trình nghị sự năm nay mà đã bị đẩy lùi sang năm tới 2024 ».Tuy nhiên, ngay cả trong hàng ngũ các quốc gia chủ trương phải tạm thời đợi thêm kết quả nghiên cứu về tác động của việc khai thác đối với hệ sinh thái biển, cũng có những ý kiến bất đồng như quan điểm của thượng nghị sĩ Teva Rohfritsch, vùng Polynésie : « Khoáng sản và các chương trình thăm dò tìm kiếm khoáng sản nảy sinh từ quyết tâm làm chủ các nguồn tài nguyên dưới lòng đại dương. Chúng ta biết có rất nhiều kim loại hiếm cần thiết để sản xuất điện thoại di động, sản xuất những tấm kính … Có rất nhiều quặng mỏ, tài nguyên trong lòng đại dương. Thực ra thì nếu không có đại dương, thì không thể có sự sống trên bộ. Điều đó được chứng minh hàng ngày ».Kinh tế-môi trường, đề tài tranh luận muôn thủơMột lần nữa tất cả các tranh cãi lại xoay quanh hai mục tiêu kinh tế và môi trường. Trong một phóng sự trên kênh truyền hình châu Âu Euronews, kỹ sư Ian Stewart chủ nhiệm chương trình khai thác tài nguyên dưới lòng biển MIDAS Project giải thích về tiềm năng rất lớn của đại dương khiến nhiều công ty đang vận động ráo riết để được quyền khai thác :« Có rất nhiều khoáng sản trong lòng đại dương mà nhiều quốc gia muốn khai thác về mặt thương mại, thí dụ như là hợp chất phosphat, băng cháy methan hydrat mà chúng ta có thể khai thác như là một loại năng lượng vậy. Hiện có nhiều dự án đầu tư rất lớn trong lĩnh vực này »Về phần nhà địa chất học Erwan Pelletier thuộc–Viện Nghiên Cứu Khai Thác Biển của Pháp IFREMER trong phóng sự trên đài France 24 ông đã xác nhận một số kim loại tìm thấy trong đá trầm tích ngoài khơi Brest miền tây bắc nước Pháp : « Có nhiều khoáng sản sáng bóng trong tảng đá này. Tức là ở đây có nhiều kim loại như là kẽm thì có màu xám, đồng thì có màu hơi vàng. Ngoài ra còn có những chất khác như là nguyên tố cadmi một thứ kim loại mềm để chế tạo pin mặt trời ».Đối với Craig Shesky giám đốc tài chính tập đoàn luyện kim của Canada TMC thì chắc chắn tương lai kinh tế của nhân loại đang được giấu kín dưới lòng đại đương ở những độ sâu hơn 4.000 mét« Trong những khu vực chúng tôi thăm dò có rất nhiều đồng và nickel, tức là kền. Có cả cobalt, hay manganese … Tất cả những kim loại này cho phép chúng ta trang bị bình điện cho 25 % xe ô tô trên khắp thế giới. Điều đó chứng tỏ tài nguyên trong lòng biển phong phú tới mức độ nào đồng thời chúng ta cần các tài nguyên đó trong tiến trình phi các-bon hóa các hoạt động kinh tế hiện nay ».Theo một báo cáo được trình lên chính phủ Pháp đến năm 2030 châu Âu chỉ đủ sức cung ứng 30 % nhu câu tiêu thụ về những « khoáng sản thiết yếu » để sản xuất bình điện ô tô và cho công tác phát triển năng lượng tái tạo. Kết luận đó càng châm thêm củi lửa cho các cuộc chạy đua săn lùng đất hiếm và tài nguyên dưới lòng biển, nhất là khi biết rằng trữ lượng chỉ riêng trong khu vực Clairon Clipperton lớn gấp 6.000 lần so với toàn bộ các dự trữ trên mặt đất ! Đất hiếm được sử dụng chủ yếu trong bốn lĩnh vực then chốt từ công nghệ kỹ thuật số, năng lượng, y khoa và công nghiệp quốc phòng.
Tại Trung Quốc và Nga, nhân dân tệ được cho là đã soán ngôi đô la để thanh toán các khoản trao đổi mậu dịch. Mặc dù hiện tại mới chỉ có 2 % trao đổi mậu dịch thế giới được thanh toán bằng tiền của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này đã không ngừng gia tăng. Tại sao ngày càng có nhiều quốc gia muốn xa lánh đơn vị tiền tệ của Mỹ ? Và nhân dân tệ đủ tư cách để được trọng dụng hơn hay chưa ? Theo hãng tin Anh Reuters, tháng 3/2023 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều của Trung Quốc bằng nhân dân tệ đạt kỷ lục 550 tỷ đô la. Đơn vị tiền tệ Trung Quốc được sử dụng trong 48,4 % các thương vụ. Vai trò của đô la bị thu hẹp lại còn có 46,7 %. Ba tháng sau, đến lượt Nga loan báo lần đầu tiên trong các giao dịch của mình, nhân dân tệ của Trung Quốc qua mặt đô la Mỹ. Nhật báo tài chính Kommersant hôm 07/07/2023 đưa tin trên 100 thương vụ giao dịch, 41 trường hợp được tính bằng tiền Trung Quốc, 40 ca được thanh toán bằng đô la và đồng tiền chung châu Âu chỉ được sử dụng trong 19 trường hợp mà thôi. Điều này dễ hiểu khi mà Âu Mỹ liên tiếp trừng phạt kinh tế Nga, giảm trao đổi mậu dịch với các tập đoàn của Nga. Trong đà này giới phân tích tại Matxcơva phấn khởi dự báo chỉ hai năm nữa thôi, nhân dân tệ sẽ chiếm từ 50 đến 60 % tổng kim ngạch mậu dịch của Nga.Đà tiến của nhân dân tệTừ đầu năm 2023, hai nước châu Mỹ Latinh là Brazil và Achentina cùng thông báo muốn « xa rời đô la ». Hôm 29/03/2023 vài tuần trước khi tổng thống Lula da Silva hội kiến ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Brazil và Trung Quốc đã thông qua thỏa thuận « đẩy mạnh trao đổi mậu dịch và đầu tư hai chiều » bằng nhân dân tệ. Đặt chân đến Bắc Kinh hồi mùa xuân vừa qua, tổng thống Lula da Silva không những đã xác định muốn sử dụng đồng tiền của Trung Quốc nhiều hơn trong các khoản trao đổi mậu dịch hai chiều với Bắc Kinh, mà còn vận động để cho ra đời một đơn vị tiền tệ chung được sử dụng giữa 5 thành viên trong nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông tuyên bố :« Chúng ta cần có một đơn vị tiền tệ cho phép các quốc gia được thanh thản hơn thay vì cứ phải mải miết chạy theo đô la. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng đồng tiền của chính mình để thanh toán các khoản xuất nhập khẩu. Chắc chắn là các Ngân Hàng Trung Ương phải làm được chuyện này. Tại sao các ngân hàng của khối BRICS lại không thể sử dụng một đồng tiền chung để thanh toán giữa các thành viên, thí dụ như là giữa Trung Quốc với Brazil hay giữa Brazil với bất kỳ một thành viên nào trong khối ? Cái khó ở đây là chúng ta đã quá lệ thuộc vào đô la Mỹ và xem đó như một đồng tiên duy nhất trên đời ! »Cuối tháng 5/2023 bộ trưởng Tài Chính Achentina, Sergio Massa đến Bắc Kinh để đàm phán vay thêm tín dụng của Trung Quốc, tránh để Buenos Aires phải tuyên bố vỡ nợ. Đổi lại Achentina cam kết mua hàng của Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Hôm 07/08/2023 Achentina vừa huy động 1,7 tỷ nhân dân tệ để thanh toán nợ đáo hạn. Trên đài RFI chuyên gia về tiền tệ Carl Grekou Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế CEPII của Pháp giải thích về trường hợp đặc biệt của Achentina muốn thoát khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ :« Achentina từ khoảng những năm 2000 đã trải qua một cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng, từ đó cả nước bị lạm phát ngựa phi. Hiện tại khó khăn của quốc gia Nam Mỹ này xuất phát từ hai yếu tố cùng lúc. Thứ nhất là do Achentina quá lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại, đến khả năng tài chính của Buenos Aires. Yếu tố thứ hai là Achentina quản lý kinh tế quá tồi, đến nỗi một nền kinh tế lớn như vậy mà không có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, không đủ năng động để thu hút ngoại tệ. Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần một Ngân Hàng Trung Ương như của Mỹ hay châu Âu chẳng hạn, tăng lãi suất chỉ đạo, vốn đầu tư sẽ nhanh chóng rút khỏi Achentina. Bị thiếu hụt tiền mặt, lạm phát lại tăng mạnh và tình hình lại càng tồi tệ hơn khi quốc gia này đã mang nợ chồng chất. Achentina phải trả cái giá đắt về mặt xã hội. Achentina không là một trường hợp riêng lẻ. Liban hay Venezuela cũng tương tự và đơn vị tiền tệ của các nước này đã mất một nửa trị giá ». Nước chảy chỗ trũngChính vấn đề nợ nần như trong trường hợp của Achentina lại càng thúc đẩy một số quốc gia mang nợ xa lánh đô la. Năm 2012 chẳng hạn chỉ cần có 4 pesos Achentina đủ để mua vào 1 đô la Mỹ. Hiện tại thì phải mất đến 253 pesos. Theo giáo sư Vincent Pons, cộng tác viên với đại học kinh doanh Harvard khi mà một đơn vị tiền tệ bị phá giá đến mức độ này, thì điều dễ hiểu là Buenos Aires không còn muốn phải lệ thuộc vào đô la, vào hệ thống tiền tệ IMF.Trong khi đó, do làm chủ đồng đô la, Hoa Kỳ tự cho mình những quyền lợi mà các nước nghèo khó có thể chấp nhận được. Mỹ cũng nợ nần chồng chất, nhưng chỉ cần « in tiền » là giải quyết được tất cả. Cũng vì đô la và kinh tế của Hoa Kỳ vững chắc và được tín nhiệm mà chính quyền Liên Bang luôn đi vay với lãi suất thấp. Những nước nghèo không được hưởng những « ưu đãi » đó !Carl Grekou trung tâm CEPII ghi nhận hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay với vị thế áp đảo của đô la là một cái bẫy : « Đây là cả một hệ thống mà tự nó đã nuôi dưỡng nó hiểu theo nghĩa là ai cũng sử dụng đồng đô la và đấy là một giải pháp đơn giản. Thậm chí mức nợ của các nền kinh tế cũng được tính bằng đô la, bởi họ phải đi vay bằng đô la. Đơn giản là khi đã cần đi vay, người ta không thể đem đơn vị tiền tệ quốc gia ra để bảo đảm, vì sẽ không mấy ai tín nhiệm cái đồng tiền đó cả. Nhìn đến thâm hụt mậu dịch đương nhiên khoản này cũng được tính bằng đô la. Thành thử một quốc gia trong tình trạng nhập siêu thì trước sau gì cũng phải huy động đô la để thanh toán cho nhà cung cấp. Tất cả những yếu tố vừa nêu châm thêm củi lửa cho những nhà tiên tri dự báo hệ thống tiền tệ quốc tế sắp sửa chuyển sang mô hình lưỡng cực mà ở đó đô la không còn độc quyền mà sẽ phải chia sẻ vị thế áp đảo với một đơn vị tiền tệ khác.Hiện tại người ta nghĩ là đồng nhân dân tệ sẽ chia sẻ vị trí áp đảo đó của đô la. Nhưng đừng quên là trong quá khứ đã có nhiều dự báo là đô la bị thì bị đồng yen của Nhật, Deutch Mark của Đức đe dọa như trong thập niên 1980. Khi đồng tiền chung châu Âu ra đời người ta cũng đã nghĩ rằng euro sẽ là đối thủ của đô la và bây giờ trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên rất mạnh ai cũng nghĩ rằng nhân dân tệ sẽ soán ngôi đô la ».Vậy câu hỏi kế tiếp là đồng tiền Trung Quốc có « đủ điều kiện » để trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế như đô la hay chưa, theo giáo sư Pons đại học kinh doanh Harvard, thì câu trả lời là chưa : « Một trật tự tiền tệ quốc tế khác hoàn toàn có thể chào đời nhưng tôi thiển nghĩ đồng euro sẽ là đơn vị tiền tệ thay thế tốt hơn cả - với điều kiện là các thành viên châu Âu phải đồng ý phát hành nhiều hơn công trái phiếu bằng euro. Về giải pháp thành lập một đơn vị tiền tệ chung cho nhóm BRICS, tôi không mấy tin tưởng, bởi điều đó có nghĩa là 5 nước thành viên phải đồng ý về một tỷ lệ hối đoái nhất định và không một bên nào được quyền điều chỉnh tỉ giá hối đoái đó. Vấn đề đặt ra là kinh tế các nước này, từ Brazil đến Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, Nam Phi đều trồi sụt thất thường. Do vậy ít có khả năng họ sẽ giữ được cam kết là không điều chỉnh tỉ giá hối đoái, không phá giá đồng tiền và cũng không tự động tăng giá của đơn vị tiền tệ chung để giải quyết những khó khăn riêng của một thành viên nào đó trong khối. Hiện thời người ta nhắc nhiều đến nhân dân tệ nhưng đồng tiền Trung Quốc này không đủ tư cách để được các nhà đầu tư quốc tế tín nhiệm, do vậy nhân dân tệ không đủ sức thay thế đô la ».Kinh tế Trung Quốc báo động đỏHãng tin Reuters hôm 01/08/2023 tiết lộ Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc được lệnh bán đô la để giữ giá cho nhân dân tệ, « hoãn hoặc hủy các kế hoạch mua vào đô la » tránh để đơn vị tiền tệ quốc gia bị « phá giá » vào lúc mà các « tin xấu » về nền kinh tế thứ hai toàn cầu dồn dập ập xuống.Tỉ lệ thất nghiệp chính thức của giới trẻ dưới 25 tuổi lên tới 21 % nhưng nhiều nhà quan sát ghi nhận : 1 người trên 2 không tìm được việc làm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2023 giảm trong 10 tháng liên tiếp, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm.Nhìn đến xuất khẩu, tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm hơn 14 % và đây là mức sa sút mạnh nhất từ 1 năm qua. Hệ quả kèm theo là « hàng chục ngàn hãng xưởng hoạt động chậm lại ».Tiêu thụ trong nước, xuất khẩu hai đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc đều bị đóng băng. Vào lúc mà Âu Mỹ phải đối mặt với lạm phát, thì trái lại Trung Quốc bị giảm phát, điều đó báo trước các chương trình kích cầu sẽ không còn hiệu quả.Báo Financial Times tiết lộ chưa tìm ra giải pháp để kích thích kinh tế các giới chức tại Bắc Kinh « gây sức ép » và khuyến khích các chuyên gia Trung Quốc kín tiếng về tình hình kinh tế, tránh nêu lên những vấn đề tiêu cực của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.Tháng 6/2023 cơ quan môi giới China Merchants Securities, trụ sở tại Thâm Quyến, được « nhắc nhở » sau khi dự báo « thị trường tài chính Trung Quốc đang mất đi tính năng động trong những năm sắp tới ». Viễn cảnh bị giảm phát càng khiến những bài phân tích về tình hình kinh tế Trung Quốc, về nguy cơ vốn đầu tư rút khỏi Hoa Lục trở thành « những đề tài cấm kỵ ».
Kinh Tất cả các lậu hoặc. Kinh điển Nikaya. Giọng Đọc: Đ.Đ Thích Trí Huệ
Hoa Kỳ đã khai hỏa chiến tranh công nghệ từ 2018 và phải mất 5 năm Trung Quốc mới phản công. Kể từ ngày 01/08/2023 Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu 2 trong số rất nhiều kim loại hiếm mà thế giới phụ thuộc đến 60 và 80 % vào Trung Quốc. Mỹ cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và chip điện tử tiên tiến nhất cho Trung Quốc, Bắc Kinh khóa van cung cấp nguyên liệu cần thiết cho các « công nghệ tương lai ». Làm sao giải thích sự « chậm trễ » đó ? Bắc Kinh tính toán gì qua việc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium - cả hai cùng được sử dụng trong các lĩnh vực dân sự và quân sự ? Quyết định đó ảnh hưởng thế nào đến công nghiệp chip điện tử và linh kiện bán dẫn của Âu Mỹ ? Liệu phương Tây có giải pháp nào để thay thế nguồn cung cấp Trung Quốc hay chưa ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia Carl Grekou thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII trả lời các câu hỏi trên. Carl Grekou là đồng tác giả một công trình nghiên cứu mang tên Những kim loại chiến lược : sự sáng suốt của Trung Quốc - Les Métaux Stratégiques : la clairvoyance chinoise (Lettre du CEPII n°428 – 6/2022). Giải vòng kềm tỏa ? Theo thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc ngày 03/07/2023 nhằm « bảo vệ an ninh và quyền lợi quốc gia », từ đầu tháng 8/2023, những lô gallium và germanium xuất khẩu cần phải có giấy phép của Nhà nước và thông báo rõ « điểm đến sau cùng » và « mục đích sử dụng ». Gallium và germanium không thuộc dòng 17 kim loại hiếm mà là những sản phẩm phụ từ quá trình tinh chế các kim loại khác, như kẽm, nhôm … nhưng lại là những hợp chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn. Gallium được dùng để sản xuất chip có độ truyền dẫn cao rất cần để chế tạo vệ tinh chẳng hạn. Còn hợp chất germanium là vật liệu không thể thiếu để chế tạo ống kính camera hồng ngoại, hay sợi cáp quang… Thế giới phụ thuộc đến 60 % vào gallium Trung Quốc và 80 % đối với chất germanium.Trả lời RFI Việt ngữ, Carl Grekou không ngạc nhiên về thái độ của Trung Quốc. Theo ông đây chỉ là một đòn mới trong một cuộc chiến đã âm ỉ từ lâu nay : « Các biện pháp Bắc Kinh vừa đưa ra bắt nguồn từ những diễn tiến hồi 2018, nghĩa là từ khi quan hệ chính trị, thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc bắt đầu xấu đi. Đây chỉ là một hiệp mới trong cuộc đọ sức đó mà thôi. Trung Quốc đã nhiều lần dọa sử dụng lá bài kim loại hiếm nhưng lần này thì không còn là một lời hù dọa suông mà đã biến đe dọa đó thành hiện thực ».Dù vậy có một sự trùng hợp về thời điểm. Thứ nhất quyết định được đưa ra trước chuyến công du Trung Quốc của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen nhằm khai thông bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai là từ nhiều tuần qua, chính quyền Biden đã siết chặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu kinh kiện bán dẫn cho Trung Quốc. Washington đồng thời ráo riết gây sức ép với các đồng minh, đứng đầu là Liên Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc để cô lập thêm các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Thứ ba, chính quyền Biden vận động để các nhà sản xuất chip của thế giới đầu tư vào Mỹ. Mỹ đã thuyết phục được Hà Lan cũng như Nhật Bản. Tháng 9/2023 nhà cung cấp máy móc để chế tạo chip ASML của Hà Lan phải có giấy phép của chính phủ mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. Về phía Tokyo, tránh gây ra một cuộc chiến thương mại với đối tác quan trọng nhất của mình là Bắc Kinh, bộ trưởng Kinh Tế Nhật từ tháng 3/2023 đã thông báo « giới hạn » một số giao dịch của hai tập đoàn Electron và Nikon « tránh để công nghệ của Nhật bị sử dụng vào các mục tiêu quân sự ».Khúc dạo đầuVậy phải chăng hạn chế xuất khẩu gallium và germanium nhằm cảnh cáo phương Tây rằng đã đến lúc cần nới lỏng vòng vây nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc ? Carl Grekou trung tâm CEPII nhận định : « Phải chăng đây là một lời cảnh cáo, hay là Trung Quốc đang đổ thêm dầu vào lửa ? Tôi chưa dám chắc đây là một đòn phản công, nhưng chắc chắn là ranh giới đó không còn xa. Từ nhiều năm nay kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong các giao dịch với Mỹ. Bắc Kinh đang cần nâng cấp dây chuyền trị giá gia tăng và trên đà thăng tiến đó thì bị Washington cản đường để thống lĩnh thế giới công nghệ. Đây chính là tâm điểm của mọi căng thẳng về thương mại song phương. Nhiều công ty của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa và sổ đen nên không thể tiếp cận với một số chíp điện tử hiện đại nhất. Trung Quốc cũng đang bị giới hạn khi cần trang bị máy móc sản xuất chip bán dẫn. Trong những điều kiện đó thì Bắc Kinh đổi chiến lược : nghĩa là ngừng cung cấp nguyên liệu thiết yếu để sản xuất chip ».Hầu hết giới quan sát đều xem đây mới chỉ là « khúc dạo đầu » trong chiến lược phản công của Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ. Carl Grekou phân tích tiếp :« Gallium và germanium được sử dụng để chế tạo nhiều sản phẩm nhưng không nên chỉ tập trung vào hai kim loại hiếm đó. Trung Quốc là nhà sản xuất số 1 trên thế giới đối với từ 80 cho tới 95 % những nguyên liệu thiết yếu cho các công nghệ của tương lai, bao gồm từ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đến không gian, từ pin điện mặt trời đến những công nghệ cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng... Lần này Trung Quốc nhắm vào hai chất gallium và germanium, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Nếu như quan hệ Washington -Bắc Kinh không được cải thiện, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm cấm xuất khẩu. Hệ quả kèm theo là hàng loạt các mảng công nghiệp liên quan đến những lĩnh vực vừa nêu, như quốc phòng, năng lượng… sẽ gặp khó khăn khi mất các nguồn cung cấp nguyên liệu ».Trung Quốc cần thời gian chuẩn bị kế hoạch phản công ?Cuộc đọ sức về công nghệ mới là tâm điểm trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Washington đã bắt đầu trừng phạt, thu hẹp hoạt động của một số công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ từ nhiều năm nay. Chính quyền Biden tiếp tục theo đuổi chính sách đó. Vậy tại sao đến bây giờ Bắc Kinh mới phản công ? Phải chăng Trung Quốc giờ đây đã « mạnh » hơn so với thời điểm hồi 2018 để có thể mặc cả với Mỹ ? Nhà nghiên cứu thuộc trung tâm CEPII trả lời :« Khó có thể đánh giá được điều đó. Thật ra Bắc Kinh đã chậm trễ phản ứng : bị cấm tiếp cận với một số công nghệ, nhiều công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen với mục tiêu rõ ràng là ngăn cản Trung Quốc trở thành trùm công nghệ cao của thế giới. Trong một chừng mực nào đó, đây quả là một cuộc chiến tranh công nghệ. Tôi tin rằng ở vào vị trí của Trung Quốc thì chắc chắn là chính quyền Washington đã nhanh chóng hơn nhiều khi cần phản công » Năm 2010 Bắc Kinh đã một lần dùng lá bài đất hiếm để phạt Nhật Bản thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và từ đó không chỉ có Tokyo mà cả từ Hoa Kỳ đến Liên Âu đều tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào một nhà cung cấp là Trung Quốc. Vốn lệ thuộc đến 60 % vào đất hiếm Trung Quốc, Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động khai thác đất hiếm dưới lòng biển. Tài liệu về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Nhật Bản công bố tháng 12/2022 nêu lên khả năng « tự chủ » trong lĩnh vực này vào ngưỡng 2030. Về phía Hoa Kỳ từ 2015-2016 Washington đã chặn bớt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời cho mở lại các khu vực khai thác quặng mỏ. Tại Pháp, từ 2012 Paris đã chủ trương làm « sống lại » ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Năm 2015 ở cương vị bộ trưởng Kinh Tế, Emmanuel Macron từng khẳng định ở thế kỷ XXI hoàn toàn có thể « dung hòa các hoạt động khai thác quặng mỏ với những chuẩn mực về môi trường và với những đòi hỏi về mặt y tế, xã hội ». Tháng 11/2021 công bố kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro trong chương trình France 2030 cho phép đối mặt với những thách thức kinh tế trong tương lai, tổng thống Macron đặc biệt chú trọng đến vế « thám hiểm lòng đại dương, (…) nơi cất giấu một số kim loại hiếm (…) chìa khóa mở ra những phát minh mới cho tương lai ».Tạm thời Bắc Kinh vẫn nắm giữ luật chơiDù vậy từ 12 năm nay thị trường đất hiếm thế giới vẫn không thay đổi : Trung Quốc vẫn chiếm thế gần như độc quyền. Chuyên gia kinh tế Carl Grekou ghi nhận, không dễ để thay thế gallium và germanium của Trung Quốc : « Không ai ngờ là Trung Quốc sẽ vượt qua lành ranh đó mặc dù là trước đây Bắc Kinh đã từng sử dụng lá bài kim loại hiếm đối với Nhật Bản, nhưng phải nói là về địa chính trị, Nhật Bản không quan trọng như là Mỹ. Song trước mắt người ta có thể thay thế các chất gallium và germanium bằng những nguyên liệu khác nhưng chúng sẽ không có hiệu quả bằng vì chất lượng không được như là gallium hay germanium. Hơn nữa không một nhà sản xuất nào có thể thay thế được Trung Quốc. Từ một chục năm nay, Trung Quốc chiếm 90 % thị phần toàn cầu. Trong ngắn hạn, không thể thay thế Trung Quốc ».Vũ khí răn đe Năm 2019 trên đài RFI tiếng Việt nhà báo Guillaume Pitron, tác giả cuốn Chiến tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số, NXB LLL (2018) nhận định : phong tỏa đất hiếm, Trung Quốc sẽ biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ. Đó là lằn rănh đỏ Bắc Kinh sẽ không dám vượt qua. Đất hiếm là một loại « vũ khí răn đe ».Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm rất lớn, là nguồn cung ứng cho toàn cầu nhưng « đất hiếm không hề hiếm » trên hành tinh. Sau Trung Quốc thì Brazil, Việt Nam Nga và Ấn Độ cũng là những nguồn thay thế « có trong lượng » vấn đề còn lại là thời gian để khai thác quặng mỏ ở những quốc gia này và nhất là cũng đạt được đỉnh cao ở khâu tinh lọc được như Trung Quốc. Vậy phải chăng Bắc Kinh dùng đòn « rung cây dọa khỉ » khi đòi hạn chế xuất khẩu đất hiếm vì muốn giữ các tập đoàn quốc tế ở lại Hoa Lục vào lúc mà FDI vào « công xưởng của thế giới này » đang đổ dốc ?
Pháp giữ được điểm tín nhiệm AA của cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Standard&Poor's. Có sức thu hút đầu tư cao nhất tại châu Âu năm 2022, với các dự báo tăng trưởng không tệ, thất nghiệp ở mức thấp nhất từ 40 năm qua : Tại sao Paris lại sợ mất uy tín với các nhà đầu tư ? Đâu là những tiêu chí để « chấm điểm » một nền kinh tế ? Tiếng nói của những hãng thẩm định tài chính có trọng lượng đến mức độ nào ? Cuối tháng 4/2028 Pháp đã bị Fitch, một trong ba tiếng nói uy tín nhất thế giới trong số các cơ quan thẩm định tài chính hạ điểm tín nhiệm. Trong suốt cả ngày 02/06/2023 bộ Tài Chính Pháp « đứng ngồi không yên », báo chí đồng loạt chờ đợi Standard&Poor's cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự. Paris tạm thời an tâm, vì đến cuối ngày, kịch bản đó đã không xảy ra. Pháp tạm thời giữ được AA (tức là ở mức « an toàn và ổn định » chưa bị giáng xuống mức AA- (đồng nghĩa với việc tuy vẫn an toàn nhưng tình hình có khuynh hướng « xấu đi »).Giới quan sát đồng loạt lưu ý : bảng xếp hạng về mức độ an toàn của một nền kinh tế tương tự như một cuốn « cẩm nang » hướng dẫn có nên đầu tư vào một quốc gia nào đó trên thế giới hay không. Từ nhiều thập niên qua, ba tiếng nói của Fitch, Standard&Poor's và Moody's luôn rất được lắng nghe. Ba chữ A (AAA) được coi là hạng điểm cao nhất và đứng cuối bảng là hạng D.Moody's hiện tại chưa đưa ra bảng xếp hạng mới về tình hình của Pháp, nhưng theo một số nguồn tin thông thạo, hãng này thận trọng về « khả năng cải tổ kinh tế » của tổng thống Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ 5 năm do ông Macron và đảng cầm quyền không có được đa số tuyệt đối ở Quốc Hội để dễ dàng thông qua các chương trình cải tổ. Điển hình là với luật cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp.Paris bị chỉ trích « vung tay quá trán »Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Norbert Gaillard, chuyên gia kinh tế giải thích vì sao các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế « hoài nghi » về khả năng thanh toán của chính phủ Pháp : « Nợ của Pháp khá cao. Thâm hụt ngân sách Nhà nước so với GDP hiện nay khoảng 5 % thay vì 3 % như quy định của hiệp ước Maastricht, và nợ công tương đương với 110 % tổng sản phẩm nội địa thay vì 60 %. Nợ của nước Pháp đã lên tới trên dưới 3.000 tỷ euro. Điều đáng chú ý là trong từ 20 -25 năm trở lại đây tình trạng tài chính của Pháp liên tục xấu đi. Ít có khả năng Pháp giảm được nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách từ nay đến 2027, tức là khi tổng thống Macron kết thúc nhiệm kỳ ».Hệ quả nào khi bị « tuột hạng » trên nấc thang an toàn ? Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid gây nên, chính phủ từ 2020 đã bơm thêm 240 tỷ euro trong 3 năm liên tiếp (tương đương với 10 % GDP của Pháp). Kinh tế gia Gaillard so sánh trường hợp của Pháp với một số nền kinh tế khác cũng đang được xếp hạng ở cấp 2 chữ A, thì « Ireland chẳng hạn có mức nợ công thấp hơn so với Pháp trong khi đó thì viễn cảnh tăng trưởng của Ireland lại cao hơn so với của Pháp. Thế còn tại vùng Vịnh, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, « nhờ giá năng lượng đang cao, thu nhập tại đây rất tốt, quốc gia vùng Vịnh này không mang nợ nhiều như Pháp ». Có điều, Abou Dabi lệ thuộc vào giá dầu hỏa và khí đốt. « Kinh tế của Pháp đa dạng hơn nhiều nên đó là một lợi thế của Paris trong mắt các cơ quan thẩm định tài chính ».Hệ quả nào khi bị « tuột hạng » trên nấc thang an toàn ? Khi bị sụt hạng trên nấc thang tín nhiệm hậu quả sẽ ra sao đối với Pháp nói riêng, với bất kỳ một quốc gia nào khác nói chung ? Norbert Gaillard trả lời : « Thông thường khi bị hạ điểm, một quốc gia sẽ phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư có nhiều thông tin và họ không còn bị bất ngờ, không phải đợi khi mà cơ quan thẩm định tài chính công bố bảng chấm điểm mới có phản ứng. Do vậy tháng Tư vừa qua, khi Fitch hạ điểm tín nhiệm Pháp, không ảnh hưởng gì mấy đến việc Pháp huy động vốn ».Nhà báo Dominique Seux của tờ báo kinh tế Les Echos và cũng là một nhà bình luận trên đài phát thanh France Inter hôm Thứ Sáu tuần trước nói rõ hơn : « Không có gì thay đổi khi cần đi vay tín dụng ngắn hạn. Có nghĩa là lãi suất đi vay không tăng và không tăng ngay lập tức. Nhưng về lâu về dài, đương nhiên bị sụt điểm, tức là một tín hiệu không hay. Thực ra trong trường hợp của Pháp lần này, từ nhiều tháng qua mọi người đã nhận thấy Pháp càng lúc càng phải huy động thêm vốn để đài thọ các chương trình chi tiêu. Thâm hụt ngân sách của chính phủ càng lúc càng lớn. Hơn nữa trung bình, cứ trên 100 euro kiếm ra thì người ta phải đóng cho chính phủ 45,2 euro. Chưa bao giờ các khoản đóng góp cho xã hội và đóng thuế ở Pháp lại cao như vậy ».Cũng ông Dominique Seux lưu ý sớm muộn gì chính phủ Pháp cũng sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn để đài thọ các chương trình chi tiêu.« Năm 2023 Pháp đi vay 270 tỷ euro và là quốc gia đi vay nhiều nhất trong khối châu Âu. Thành thử đương nhiên là nếu bị đánh giá là kém an toàn, Paris đương nhiên phải đi vay với lãi suất đắt hơn. Gần 10 năm trước, Paris và Berlin trả lãi suất ngân hàng bằng nhau khi phải đi vay tín dụng, giờ đây thì Pháp phải trả lãi suất cao hơn so với Đức ».Hơn nữa theo nghiên cứu của Ngân Hàng Trung Ương Pháp, nếu như hiện tại Paris dành đến 25 % GDP để thanh toán cho các chủ nợ thì tỉ lệ này ở Đức là 18 %. Điều đó có nghĩa là nhờ ít mang nợ, Berlin có nhiều phương tiện hơn để đầu tư phát triển kinh tế thay vì để nuôi các chủ nợ mà phần lớn là các quỹ đầu tư, các hãng bảo hiểm và ngân hàng. Chính ở điểm này, chuyên gia kinh tế rất có uy tín của Pháp Thomas Piketty, đưa ra một góc nhìn rộng hơn về vấn đề lãi suất khi một quốc gia cần đi vay tín dụng : « Yếu tố thực sự mang tính quyết định đầu tiên là chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE. Nếu lãi suất của BCE cao, các thành viên trong khối đồng euro dư thừa vốn, bởi vì tư bản những nơi khác, đặc biệt là tại các nước chậm phát triển sẽ dồn về châu Âu để kiếm lời. BCE dư thừa tiền để cho Pháp hay Đức cũng như các thành viên khác đi vay. Paris sẽ đi vay tín dụng với lãi suất thấp. Trong khi đó thì chính bản thân những nước nghèo lại thiếu tiền mặt và khó huy động vốn. Chính những nền kinh tế đang phát triển đó lại phải vay tín dụng với lãi suất cao. Đó là một sự bất thường trong thể thức vận hành của nền tài chính trên thế giới ». Pháp, nam châm hút FDI Chỉ hai tuần sau khi Pháp bị Fitch hạ điểm tín nhiệm, cơ quan kiểm toán của Anh, EY –Ernest& Young, trong báo cáo hôm 11/05/2023 tổng kết : năm 2022 Pháp là quốc gia có sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất tại châu Âu. Paris đạt được thành tích này trong 4 năm liên tiếp. Trong số những nhà đầu tư vào Pháp, Mỹ dẫn đầu bảng.Với tổng cộng hơn 1.200 dự án đầu tư nước ngoài, Pháp dẫn đầu không chỉ trong khối sử dụng đồng euro mà cả với toàn châu Âu. (Anh Quốc là 929 dự án, Đức là hơn 830 dự án). Một điểm đáng nói khác là 40 % trong số các chương trình đầu tư của nước ngoài đó liên quan đến lĩnh vực công nghiệp. Không mấy khi một cơ quan kiểm toán của Anh lại đánh giá « đây là một điểm son trên con đường tái công nghiệp hóa » nước Pháp. Có điều, các dự án đầu tư ngoại quốc đổ vào Pháp không mang lại nhiều công việc làm cho người Pháp như chính phủ mong đợi. Vẫn theo thống kê của EY, về điểm này, trung bình một dự án đầu tư nước ngoài vào Anh hay Đức đem lại số công việc làm cao gấp hai lần so với ở Pháp. Mathieu Plane, thuộc Đài Quan Sát Kinh Tế Pháp OFCE, ghi nhận ngoài khả năng thu hút đầu tư quốc tế, Pháp là một trong những quốc gia tại Lục Địa Già không lo thiếu nhân lực, dân Pháp có tỉ lệ tiết kiệm cao và nước Pháp có cơ cấu chính trị ổn định, vững chắc. Trái hẳn với các hãng thẩm định tài chính Anh, Mỹ, SCOPE của châu Âu (tuy không có được uy tín như Fitch hay S&P, Moody's) xem việc chính phủ Pháp can thiệp nhiều vào các hoạt động kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư .... là một bảo đảm về ổn định của nền kinh tế này. Từ 2012 Pháp đã bị loại khỏi nhóm các quốc gia được đánh giá là an toàn nhất, với bảng chấm điểm là 3 chữ A (nay chỉ còn có 11 nước trên thế giới giữ được hạng điểm này-trong số đó có Thụy Sĩ, hay Singapore, Đức, hay Na Uy, Đan Mạch). Hiện tại có 17 quốc gia được S&P xếp hạng AA, trên đó một nấc, là AA+ thì trong số này có Hoa Kỳ. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, các bản xếp hạng của những công ty thẩm định tài chính dựa trên 5 tiêu chuẩn : một là yếu tố chính trị, hai là những chỉ số kinh tế (tỉ lệ thất nghiệp, GDP/đầu người ...), ba là cán cân thượng mại và khả năng thu hút đầu tư quốc tế. Thứ tư là những yếu tố tiền tệ tức là khả năng chống lạm phát và mức độ đáng tin cậy của một đồng tiền quốc gia. Sau cùng là những chỉ số như là tổng nợ công so với GDP và thâm hụt nhân sách .... Chính về điểm này, mà ba ngày trước khi S&P công bố bảng xếp hạng của Pháp (hôm 31/05/2023), bộ trưởng Tài Chính và Kinh Tế, Bruno Le Maire đã phải thuyết phục được hãng Mỹ về quyết tâm của Paris cắt giảm chi tiêu, thu hẹp bội chi ngân sách ... Tuy nhiên, một số nhà quan sát ghi nhận tuy không một nền kinh tế nào muốn để bị sụt điểm tín nhiệm, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, trong quá khứ các cơ quan thẩm định tài chính với quyền sinh sát trong tay, như S&P hay Moody's và Fitch đều đã nhiều lần nhầm lẫn. Thomas Piketty nhắc lại hồi 2008, hơn một tháng trước vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ - vụ phá sản được coi là « lớn nhất trong lịch sử tài chính Hoa Kỳ » S&P vẫn tin tưởng đây là một ngân hàng « an toàn ».
Làm sao xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp || John&Partners Khủng hoảng luôn đến bất ngờ nên đã trở thành mối lo ngại không hề nhỏ với các doanh nghiệp. Nên chuẩn bị các giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp, thương hiệu càng lớn. Thì nguy cơ xảy ra rủi ro và bùng phát thành khủng hoảng càng cao. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #oe #khunghoangtruyenthong #crisis #management
Xu hướng của nhân sự và quản trị nhân sự tới năm 2030 - Phần 2 || John&Partners Môi trường làm việc hiện đại đang phát triển ngày qua ngày. Mặc dù một số thay đổi đã và đang giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Song, nhiều áp lực, thách thức vẫn đang đè nặng lên vai trò của các nhà lãnh đạo nhân sự để thực hiện các đổi mới này. Vậy cụ thể thách thức đó là gì, các nhà quản lý nhân sự cần chú trọng điều gì trong thời gian tới để phát triển, đáp ứng, và thích nghi thời cuộc? 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #quantrinhansu #xuhuong #HumanResourceManager
Lời khuyên về Trải nghiệm khách hàng dành cho Doanh nghiệp | John&Partners Dịch vụ khách hàng là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải đáp các vấn đề, khó khăn của khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và giữ chân các khách hàng. Có thể nói, dịch vụ khách hàng chỉ là một phần trong toàn bộ quá trình xây dựng trải nghiệm khách hàng. 1. Thông tin chuyên gia Tiến Sĩ Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp - Tìm hiểu thêm về TS. Ngô Công Trường tại: - Fanpage: https://www.facebook.com/ngocong.truong - Linkedin: https://www.linkedin.com/in/ngocongtruong - Twitter: https://twitter.com/NgoTruo96677720 - Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC2NQChmEH-4q8gpwG58AxQg/featured - Tiktok: https://www.tiktok.com/@ngocongtruongofficial 2. Thông tin liên hệ: - Website: http://john-partners.com - Email: truongngo@john-partners.com - Điện thoại: (84) 0916.350.421 #johnandpartners #oe #trainghiemkhachhang #customerExperience
Khó khăn nào cho StartUp khi huy động vốn năm 2023 || John&Partners Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng “nóng” khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi tăng theo từng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện giúp Việt Nam có điều kiện để giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #huydongvon #InitialPublicOffering
Bài của Anh Milton Camargo Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống có thể giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để học Kinh Tân Ước trong tài […] The post Podcast số 238 – Liahona tháng 1, 2023 – Chuẩn Bị Đất Thuộc Linh của Anh Chị Em – Milton Camargo appeared first on Thánh Hữu Việt Nam.
Nhận định tình hình Huy động vốn ( IPO ) của các Doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 - phần 1 || John&Partners Các chuyên gia nhận định, sang năm 2023, đã có một số xu hướng xuất hiện cho thấy rủi ro bên ngoài bắt đầu hạ nhiệt như: Fed cân nhắc tăng lãi suất ở mức độ nhẹ; lạm phát tại các nước bớt căng thẳng... Trong nước, lạm phát giữ ở mức mục tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện để tận dụng cơ hội giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #huydongvon #InitialPublicOffering
Tổ chức tinh gọn và loại bỏ lãng phí khi áp dụng Lean Six Sigma cho Doanh nghiệp || John&Partners Mô hình Lean Six Sigma là sự kết hợp giữa phương pháp Six Sigma (6 Sigma) và phương pháp sản xuất tinh gọn để cố gắng loại bỏ lãng phí tài nguyên vật chất, thời gian và công sức trong khi vẫn đảm bảo chất lượng trong quy trình sản xuất và tổ chức. Nói theo cách đơn giản, theo nguyên lí của mô hình Lean Six Sigma, bất kì hoạt động sử dụng tài nguyên nào không tạo ra được giá trị cho khách hàng cuối cùng đều được coi là lãng phí nguồn lực và cần phải loại bỏ. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #tieuchiESG #Environmental #Social #Corporate Governance
Tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) là gì? || John&Partners Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, xu hướng này đã khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #tieuchiESG #Environmental #Social #Corporate Governance
Tại sao xây dựng đội ngũ kế thừa lại quan trọng ? || John&Partners Đôi khi, bạn sẽ biết rõ trước nếu một thành viên trong nhóm khó thay thế sẽ rời công ty - nghỉ hưu theo kế hoạch là một ví dụ điển hình. Nhưng những lần khác, bạn sẽ bị mất cảnh giác bởi sự ra đi đột ngột và có khả năng làm mất phương hướng của nhân viên. Đó là lý do tại sao bạn cần một kế hoạch - ngay bây giờ. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #xaydungdoingukethua #doingukethua #BuildAsuccessionTeam
Xây dựng đội ngũ kế thừa là gì? || John&Partners Kế hoạch xây dựng đội ngũ kế thừa là một phương tiện giúp xác định những vị trí then chốt. Bắt đầu bằng vị trí của quản lý dự án, quản lý bộ phận và những vị trí cao hơn trong tổ chức. Tuy vậy, đội ngũ kế cận thường bị nhầm lẫn với thay thế nhân sự. Xây dựng đội ngũ kế thừa mang nghĩa rộng hơn rất nhiều. Bởi nó có thể bao quát xuống những vị trí khác trong sơ đồ tổ chức mà mỗi cá nhân nhắm tới. Không chỉ liên quan đến việc lên kế hoạch thay thế cho quản lý cấp cao như nhiều người nghĩ. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #xaydungdoingukethua #doingukethua #BuildAsuccessionTeam
Xuất khẩu " 999 xe ô tô điện " - thách thức nào cho VINFAST || John&Partners Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam... Dù có nhiều thách thức để doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường nhưng việc thương hiệu ô tô VinFast sang Mỹ sẽ giúp mở đường cho xuất khẩu ô tô có xuất xứ từ Việt Nam. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #xuhuong #vinfast
Góc nhìn về việc xuất khẩu " 999 xe ô tô điện Vinfast " - Phần 1 - Tiêu chuẩn IATF 16949 || John&Partners Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc VinFast xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô nội địa, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam… 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #xuhuong #vinfast
Làm sao để chuyên gia có thể tư vấn cho Doanh nghiệp ? || John&Partners Hiện tại, tư duy chung trong các tổ chức/doanh nghiệp tại Việt Nam chưa nhận thức đúng về vai trò của tư vấn-đào tạo. Điều này vẫn không khác gì tư duy chúng ta xây nhà hiện nay, đa phần đều rất coi nhẹ vai trò của kiến trúc sư, thậm chí coi việc đó như việc phụ trong việc xây dựng ngôi nhà, một việc phải có cho nó đủ thủ tục. Nhưng điều người ta thường không ý thức được ngôi nhà có kiến trúc đẹp, đảm bảo các đặc tính sử dụng một cách hiệu quả và được đầu tư đúng vào những cái cần đầu tư để tạo nên giá trị, hiệu quả công năng và chất lượng sử dụng lại phụ thuộc rất lớn vào các bản vẽ kiến trúc. Chất lượng của các công trình hiện nay ở Việt Nam đều hạn chế, phần lớn là do chúng ta coi nhẹ vấn đề kiến trúc. Do đó, hiện nay, các doanh nghiệp có thể mua các gói tư vấn trực tuyến theo giờ với các chuyên gia và tiết kiệm rất nhiều so với trước đây. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #coaching #chuyêngiatuvan #consultant
Tuổi nghề của 1 chuyên gia tư vấn? || John&Partners Sau Covid, các doanh nghiệp gần nhận ra rằng, việc tự mày mò sẽ tốn thời gian và có thể rủi ro. Do đó, nhu cầu sử dụng chuyên gia cũng tăng cao và thuận tiện hơn: Tư vấn online làm giảm chi phí tư vấn (không phải trả chi phí di chuyển/ khách sạn cho chuyên gia và chuyên gia cũng có thể phục vụ nhiều khách hàng một lúc); Tư duy doanh nghiệp thay đổi sau khi "lòng vòng" không giải quyết được các vấn đề; Các tổ chức như ASQ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm chuyên gia phù hợp và chất lượng chuyên gia được bảo đảm. Do đó, hiện nay, các doanh nghiệp có thể mua các gói tư vấn trực tuyến theo giờ với các chuyên gia và tiết kiệm rất nhiều so với trước đây. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartnes #doanhnghiep #coaching #chuyengiatuvan #consultant
Giải đáp băn khoăn về Định cư Mỹ - Phần 2 || John&Partners Chính sách định cư Mỹ theo diện đầu tư EB5 đã khá quen thuộc với nhiều người nhất là những nhà đầu tư có hi vọng được sinh sống lâu dài tại mảnh đất hứa này. Thế nhưng nghe thì tưởng chừng tham gia chương trình chỉ cần quan tâm đến vốn – điều kiện quan trọng nhất nhưng thực chất có dễ dàng đến thế? 1. TS. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #dinhcutaiMy #xuhuong #SettleInTheUS
Giải đáp băn khoăn về Định cư Mỹ - Phần 1 || John&Partners Định cư Mỹ là mong muốn của rất nhiều người bởi sự phồn vinh, hiện đại mà đất nước này mang lại. Việc định cư sẽ rất dễ dàng nếu như đương đơn tìm hiểu thật kỹ thông tin. Đặc biệt với chính sách nhập cư cởi mở của Tổng Thống Biden thì cơ hội định cư cho người nhập cư ngày càng cao. 1. TS. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #dinhcutaiMy #xuhuong #SettleInTheUS
Xu hướng của nhân sự và quản trị nhân sự tới năm 2030 - Phần 1 || John&Partners Theo số liệu từ tạp chí SHRM, 60% nhân sự toàn cầu sẽ được chuyển sang môi trường tự động hóa do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hàng loạt các quốc gia trong đó có Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho hầu hết hoạt động của con người chuyển sang hình thức online. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới. Thách thức đối với những người làm nhân sự là giải quyết vấn đề nhân lực sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, HR cũng chính là những người sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cho người lao động để họ dần thích nghi với môi trường làm việc. Song song với xu hướng quản lý nhân sự từ xa là những yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #quantrinhansu #xuhuong #HumanResourceManager
Trở thành nhà máy Đẳng cấp thế giới World-Class Manufacturing - P2 - Mục tiêu của WCM || John&Partners WCM là quy mô phối hợp sản xuất tinh gọn – Lean Manufacturing, hiệu suất cao, tiết giảm ngân sách và linh động trải qua tiếp cận theo tiến trình, đặt ra mục tiêu chuẩn để doanh nghiệp tuân theo . 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #Nhamaychuanthegioi #WorldClassManufacturing #WCM
Trở thành nhà máy Đẳng cấp thế giới World-Class Manufacturing - P1 - 10 trụ cột chính|| John&Partners Những năm gần đây thế giới người ta dùng khái niệm “World Class” (đẳng cấp thế giới) thay cho cụm từ cũ dài hơn “The best in the world” (tốt nhất thế giới) và coi như đấy là một tiêu chuẩn (standard) để mọi tổ chức, cá nhân hướng tới. World-Class Manufacturing (WCM) – Nhà máy chuẩn thế giới là một hệ thống sản xuất có cấu trúc và tích hợp, bao gồm tất cả các quy trình sản xuất trong công ty và toàn bộ tổ chức từ lãnh đạo đến công nhân trong nhà máy. WCM thường được đại diện như một tòa nhà với 10 trụ cột kỹ thuật và 10 quản ý phải được quản lý đúng cách để nâng hệ thống sản xuất lên một tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #Nhamaychuanthegioi #WorldClassManufacturing #WCM
Mỹ đầu tư 9 tỷ đô la để hiện đại hóa các nhà máy điện nguyên tử. Công luận Nhật sau cú sốc tai nạn nhà máy điện Fukushima tin tưởng trở lại vào năng lượng hạt nhân. Nga biến khí đốt thành vũ khí tấn công kinh tế toàn khối Liên Hiệp Châu Âu khiến Đức trả giá đắt về quyết định khai tử năng lượng hạt nhân. Trước Thụy Điển, Phần Lan, Pháp đã công bố kế hoạch « đầy tham vọng » để khôi phục lại điện hạt nhân, tự chủ về năng lượng. Một trong những tác động ngoài mong đợi từ khi điện Kremlin đưa quân xâm chiếm Ukraina là ngành công nghiệp điện hạt nhân trên thế giới, nhất là tại châu Âu, đang thực sự hồi sinh. Putin, lực đẩy cho ngành năng lượng hạt nhân châu Âu Là một trong những điểm tựa mạnh mẽ nhất của Kiev cả về quân sự lẫn ngoại giao và nhất là về mặt nhân đạo, Ba Lan là một trong những khách hàng đầu tiên bị Nga « cắt » nguồn cung cấp năng lượng ngay từ những ngày đầu chiến tranh. Tám tháng sau, Vacxava chính thức hóa hợp đồng với Westinghouse của Mỹ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Ba Lan, với 6 lò phản ứng. Nhà máy Choczewo, gần biển Baltic, ở phía bắc Ba Lan, dự trù sẽ đi vào hoạt động từ năm 2033. Giữa tháng 10/2022, tân chính phủ liên minh cánh hữu và cực hữu tại Thụy Điển thông báo kế hoạch xây dựng « nhiều lò phản ứng » để thích nghi với nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc và mục tiêu giảm khí thải carbon. Giới trong ngành nói đến một « bước ngoặt » về chính sách năng lượng của quốc gia Bắc Âu này. Hiện tại, 6 lò phản ứng cung cấp điện hạt nhân bảo đảm 30 % nhu cầu điện lực trên toàn quốc. Từ thập niên 1980, công luận Thụy Điển thiên về giải pháp từng bước thay thế năng lượng hạt nhân. Chính quyền mãn nhiệm thậm chí còn đề ra mục tiêu « 100 % năng lượng tái tạo vào ngưỡng 2040 ». Nhưng từ tháng 7/2022, Vattenfall, con chim đầu đàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử Thụy Điển, thông báo « đầu tư vào các công nghệ mới », tập trung vào công nghệ thiết kế các lò phản ứng nhỏ Modul SMR. Song song với các dự án mới, Stockholm cũng đầu tư để nâng cấp, hoặc cho hoạt động trở lại các lò phản ứng vừa đóng cửa trong thời gian gần đây. Về phía Phần Lan, quốc gia có đường biên giới với Nga, Helsinki phấn khởi trước việc nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR Olkiluoto-3 đã bắt đầu hoạt động sau nhiều năm mong đợi. Dù Olkiluoto-3 bị chậm trễ mất 12 năm, song Phần Lan kỳ vọng từ nay đến cuối 2022, nhà máy lớn thứ ba trên thế giới này sẽ bảo đảm đến 40 % nhu cầu trên toàn quốc. Với công suất 1.600 mégawatt, nhà máy điện này thừa sức lấp vào chỗ trống mà các nhà cung cấp Nga để lại. Năm 2021, Phần Lan phải nhập vào 20 % điện tiêu thụ trên toàn quốc và một nửa trong số đó là năng lượng của Nga, tương đương với 1.300 mégawatt. Nhưng từ tháng 5/2022, tương tự như nhiều khách hàng Âu châu khác, Phần Lan không còn có thể trông chờ vào khí đốt của Nga. Chính sách phát triển hạt nhân dân sự của Phần Lan không chỉ dừng lại ở đó. Tập đoàn Fortum đã lao vào cuộc chạy đua xây dựng các lò phản ứng SMR cả tại Phần Lan lẫn Thụy Điển. Đối với tập đoàn điện lực Bắc Âu này, chiến tranh Ukraina là một « cơ hội », nhất là khi mà có tới 60 % công luận Phần Lan tán đồng việc sử dụng điện hạt nhân. Đức tiến thoái lưỡng nan Nhìn sang Đức, không dám khẳng định chôn vùi mục tiêu hoàn toàn khai tử điện hạt nhân trước ngưỡng 2030, nhưng hôm 17/10/2022, thủ tướng Olaf Scholz thông báo kéo dài tuổi thọ ba nhà máy điện nguyên tử cuối cùng còn đang hoạt động. Berlin dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Angela Merkel cam kết đóng cửa nhà máy điện nguyên tử cuối cùng trước ngày 31/12/2022. Olaf Scholz rụt rè hoãn lại thời hạn đó đến tháng 4/2023 và mặc dù điện hạt nhân chỉ bảo đảm có 6 % nhu cầu tiêu thụ quốc gia, nhưng quyết định vừa qua của chính phủ Đức gây nhiều sóng gió trong nội bộ chính phủ liên minh. Đảng Xã hội Dân chủ của ông bị kẹt giữa một bên là đảng Xanh chủ trương chống năng lượng hạt nhân và bên kia là đảng FDP tự do dân chủ thì lại muốn đẩy mạnh năng lượng nguyên tử để thay cho than đá và nhất là thay vào các nguồn cung cấp dầu khí của Nga đã cạn dần từ tháng 2/2022 khi chiến tranh Ukraina bắt đầu. Thiếu điện cho các nhà máy, Đức có nguy cơ mất luôn vai trò đầu tàu công nghiệp trong toàn khối Liên Hiệp Châu Âu. Pháp chạy nước rút để giành lại hào quang đã mất Riêng tại Pháp, tháng 2/2022, tổng thống Emmanuel Macron, khi chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ, đã công bố kế hoạch « đầy tham vọng », đánh cược vào các lò phản ứng modul nhỏ SMR. Bên cạnh đó, Paris đề ra mục tiêu xây dựng 6 lò phản ứng nguyên tử thế hệ mới EPR, nghiên cứu khả năng trang bị thêm 8 đơn vị nữa từ nay đến năm 2050 (tổng cộng là 14 EPR) để khôi phục lại điện hạt nhân. Tổng thống Macron muốn bằng mọi giá tránh để căng thẳng về địa chính trị đe dọa trực tiếp đến cỗ máy sản xuất, đến nền kinh tế Pháp, đến mãi lực của 66 triệu dân Pháp. Năng lượng hạt nhân hiện bảo đảm 70 % nhu cầu điện lực của Pháp. Với 56 lò phản ứng, tất cả do tập đoàn điện lực quốc gia EDF quản lý, Pháp là nguồn sản xuất điện hạt nhân thứ nhì của thế giới và là nguồn cung cấp cho nhiều khách hàng khác tại châu Âu, đứng đầu là Đức. Nhưng tính đến ngày 30/09/2022, 36 trong số 56 lò phản ứng trên toàn quốc phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra về mức độ an toàn. Khả năng cung ứng bị giảm đi mất hơn 25 % so với bình thường. Ngay trong những tháng hè nóng nực nhất vừa qua, chính phủ và các phương tiện truyền thông cảnh báo trước nguy cơ « một mùa đông buốt giá » vì thiếu điện để sưởi, thiếu điện cho các nhà máy hoạt động. Dân chúng được liên tục nhắc nhở « điều độ » trong cuộc sống hàng ngày để tiết kiệm năng lượng. Trên đài truyền hình Arte, giáo sư kinh tế Elie Cohen, chuyên gia công nghiệp Pháp, nhắc tới một nghịch lý : Pháp là nhà máy điện hạt nhân lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau có Hoa Kỳ, nhưng đã đánh mất hào quang: « Năng lượng hạt nhân Pháp là một thí dụ về sự thành công mỹ mãn của chủ nghĩa mang tên Colbert ( đặc trách về tài chính thời vùa Louis 14 ), là con chim đầu đàn của chính sách công nghiệp với sự can thiệp của nhà nước. Đây là một thành công rực rỡ về nhiều mặt, từ chính sách phát triển năng lượng hạt nhân, đến khâu thực hiện và thể thức vận hành tại các nhà máy … Thế nhưng, giờ đây Pháp lại lo không có đủ điện để vượt qua được mùa đông này. Không biết rằng tập đoàn điện lực quốc gia EDF có đủ khả năng xây dựng những nhà máy điện nguyên tử nữa hay không. Làm sao ra nông nỗi này ? Sau những nỗ lực to lớn để xây dựng cả một mảng công nghệ hạt nhân để có được các nhà máy, các lò phản ứng … những cố gắng đó đã chựng lại. Pháp buông lơi trong 30 năm, không xây thêm nhà máy, không kiến thiết thêm các lò phản ứng. Những kỹ thuật, những kiến thức qua đó bị mai một. Những kiến thức cơ bản của nền công nghiệp điện hạt nhân mất dần. Thí dụ như bây giờ rất khó để tìm được một nhà sản xuất những đường ống dẫn với những chuẩn mực rất đặc biệt sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Khi mà chính phủ đòi EDF khởi động lại mảng này, đương nhiên là có một sự chậm trễ. Đấy là chưa kể, bản thân chính phủ cũng đã nhiều lần do dự, muốn giảm mức độ lệ thuộc vào điện hạt nhân, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo. Năm 2012, tổng thống François Hollande quyết định giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân, đang từ 70 % xuống còn 50%. 50 % còn lại được dành cho năng lượng tái tạo. Năm 2012 cũng là thời điểm bên đảng Xã Hội thỏa thuận với đảng Xanh để cùng quay lưng lại với năng lượng hạt nhân ». Tham vọng xây dựng 6, rồi thêm 8 nhà máy điện hạt nhân đời mới EPR cho nước Pháp đã bị chỉ trích nặng nề khi biết rằng, tuy làm chủ công nghệ, tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF đã « bán » công nghệ đó cho Trung Quốc. Dự án ở Thái Sơn được khởi công năm 2009 và đến 2018 hai nhà máy EPR đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động và đó là một nhà máy của Trung Quốc mà EDF chỉ là một đối tác (30 % vốn đầu tư). EDF liên tục thông báo chậm trễ trong các dự án ở Hinkley Point - Anh Quốc, và nhất là ở Flamanville, vùng Normandie miền bắc nước Pháp. May mắn thay cho EDF, vừa qua, Olkiluoto của Phần Lan đã bắt sản xuất điện cho quốc gia Bắc Âu này, cho dù là chậm trễ đến 12 năm so với dự tính ban đầu và phí tổn (12 tỷ euro), cao gấp 3 lần so với dự kiến. Trong khi đó tại Flamanville, nhẽ ra phải hoạt động từ 2012, lò phản ứng EPR thế hệ duy nhất tại Pháp cho đến nay vẫn chưa được hoàn tất, may ra thì mới bước vào giai đoạn « hoạt động thử » vào năm 2023. Giá thành của nhà máy dự trù sẽ lên tới gần 20 tỷ eurro thay vì 3,7 như thỏa thuận thông qua hồi 2006/2007 khi dự án vừa được khởi công. Trong bối cảnh đó, trên đài RFI tiếng Việt hồi tháng 2/2022 giáo sư Benjamin Coriat, từng giảng dạy tại đại học Paris Sorbonne 13 và cũng là thành viên tập hợp Les Economistes Atterrés - bao gồm các chuyên gia, các nhà trí thức thiên tả, xem việc tổng thống Macron thông báo chương trình xây dựng 14 lò phản ứng sử dụng công nghệ mới trước năm 2050 là một nước cờ mạo hiểm. Elie Cohen, chuyên nghiên cứu về các mảng công nghiệp Phá,p nhìn vấn đề dưới góc độ rộng hơn. Theo ông, trước hết những khó khăn trong ngành năng lượng hạt nhân dân sự Pháp xuất phát từ những sai lầm về chính sách phát triển điện hạt nhân : 2012 là một cột mốc quan trọng như ông vừa giải thích. Đó cũng là thời điểm thế giới vẫn còn bàng hoàng và chưa đo lường được tác động sau tai nạn hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, hồi tháng 3/2011. Đấy cũng là dấu mốc kỷ niệm 25 năm thảm họa Tchernobyl, Ukraina. Nhưng bên cạnh sự thiển cận của tập đoàn điện lực quốc gia về kỹ thuật, về các chương trình đầu tư trong lĩnh vực điện hạt nhân, đáng chê trách không kém là trong suốt thập niên qua, Pháp đã chậm trễ phát triển các loại nặng lượng mới để thay thế cho điện hạt nhân. Cùng lúc, chính Emmanuel Macron ở cương vị phó văn phòng của phủ tổng thống Pháp François Hollande, đặc trách về tài chính và kinh tế, rồi ở cương vị bộ trưởng Kinh Tế, Công Nghiệp và Kỹ Thuật Số, đã quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, vùng Alsace, đông bắc nước Pháp. Để rồi tháng 2/2022 tổng thống Macron tránh né, không còn đả động đến chương trình đóng cửa 14 lò phản ứng từ nay đến 2035. Giáo sư Elie Cohen nói đến một chính sách năng lượng khó hiểu của nước Pháp : « Nhà nước hô hào đẩy mạnh năng lượng tái tạo lên thành 50-50, có nghĩa là năng lượng sạch sẽ bảo đảm đến 50 % nhu cầu điện lực của toàn quốc. Nhưng lời nói không đi đôi với việc làm. Trong 10 năm qua, năng lượng tái tạo vẫn chưa cất cánh để thay thế vào khoảng trống mà năng lượng nguyên tử để lại. Cùng lúc đó, các nhà máy điện hạt nhân, các lò phản ứng của Pháp cần phải được trùng tu. Các cơ sở đời mới thì chưa hoàn tất. Pháp cần đầu tư vào một thế hệ cơ sở hạ tầng mới. Trên cả hai phương diện này, đều đã có những sự chậm trễ. Có một sự bất cập giữa ý chí chính trị với thực tế ». Yếu tố địa chính trị Trong hoàn cảnh đó, việc Ba Lan hôm 28/10/2022 thông báo chọn tập đoàn điện lực Mỹ Westinghouse, thay vì EDF của Pháp để thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên cho quốc gia đông Âu này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố thuần túy về kỹ thuật và tài chính, mọi kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử đều gắn liền với vế an ninh và địa chính trị. Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ « tự hào trở thành đối tác mạnh mẽ của Ba Lan về năng lượng và an ninh ». Bộ trưởng Năng Lượng MỹJennifer Granholm nói đến một « bước tiến rất dài củng cố quan hệ song phương cho các thế hệ tương lai ». Bà không quên nhấn mạnh « đây còn là một thông điệp rõ ràng gửi đến nước Nga (…) NATO đoàn kết để đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và cưỡng lại chính sách của Matxcơva dùng năng lượng như một loại vũ khí ». Theo nhiều nguồn tin, hợp đồng với Ba Lan trị giá ít nhất 40 tỷ đô la ! Chính quyền Biden năm ngoái đã dễ dàng thuyết phục Ba Lan mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, giờ đây Washington bán nhà máy điện hạt nhân cho Vacxava là kết quả đã được biết trước, nhất là khi xe thiết giáp, tên lửa của Nga và gót giầy của binh sĩ Nga đang vang rền trên lãnh thổ Ukraina, sát cạnh Ba Lan.
Doanh nghiệp nên thuê tư vấn hay tự đào tạo đội ngũ làm Quan hệ nhà đầu tư ? || John&Partners Đề cập đến quan hệ công chúng, thường chúng ta hay nghĩ đến khía cạnh rộng là xây dựng mối quan hệ công chúng với doanh nghiệp và giúp cho công chúng biết đến doanh nghiệp. Hoạt động PR nhằm làm cho khách hàng hiểu rõ tôn chỉ và các giá trị mà doanh nghiệp hướng tới, củng cố niềm tin khách hàng, giúp doanh nghiệp xử lý khi gặp khủng hoảng. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #johnpartners #doanhnghiep #quanhecodong
Rủi ro nào khi Doanh nghiệp không xây dựng mô hình kinh doanh ? || John&Partners Xây dựng mô hình kinh doanh là cách thức tổ chức tạo lập, phân phối và nắm bắt giá trị để có sự phù hợp giữa mục tiêu và cách thức vận hành để đạt được chúng. Mỗi ngành nghề kinh doanh hiện nay sẽ có những đặc trưng riêng để doanh nghiệp lựa chọn mô hình kinh doanh cho phù hợp. Mô hình đáp ứng được đầy đủ các yếu tố từ thị trường cho đến nhu cầu của khách hàng mới là thành công và đạt hiệu quả cao. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #mohinhkinhdoanh #doanhnghiep #BusinessModel
Lập kế hoạch kinh doanh 2023 - Phần 2 || John&Partners Lập kế hoạch kinh doanh chính là công việc tạo ra các bản kế hoạch kinh doanh. Thông thường, người lập nên những bản kế hoạch đó là các giám đốc điều hành, giám đốc phòng Marketing hoặc chính chủ doanh nghiệp. Bản kế hoạch kinh doanh được lập ra các chi tiết thì việc thực hiện càng đơn giản và khả năng hiện thực hóa sẽ cao hơn. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #lapkehoachkinhdoanh #doanhnghiep #BusinessPlan
Kinh Tất cả Bốc Cháy - Kinh Điển Nikaya - Giọng Đọc: Đ.Đ Thích Trí Huệ
Lập kế hoạch kinh doanh 2023 - Phần 1 || John&Partners Kế hoạch kinh doanh là bản tài liệu văn bản mô tả các hoạt động, quá trình kinh doanh của công ty, doanh nghiệp ứng với một khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Bản kế hoạch kinh doanh có thể bao gồm chiến lược bán hàng, chiến lược tiếp thị, chiến lược marketing, chiến lược tài chính… 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #lapkehoachkinhdoanh #doanhnghiep #BusinessPlan
Đánh giá sức khỏe doanh nghiệp - Dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ || John&Partners Một doanh nghiệp khỏe mạnh cũng quan trọng như một cơ thể khỏe mạnh, nó sẽ mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho tất cả các bên liên quan. Chính vì thế mà việc đánh giá sức khỏe doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và không thể bỏ qua. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #danhgiasuckhoedoanhnghiep #doanhnghiep #SELFCheckEnterprise
22 bước xây dựng mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp - Phần 2 || John&Partners Mô hình kinh doanh được xem là một trong những yếu tố không thể thiếu cho sự thành công của các doanh nghiệp. Nó đóng vai trò trung gian trong việc hình thành các ý tưởng và hiện thực hóa các bước đi của doanh nghiệp ngay từ lúc bắt đầu. Vậy mô hình trong kinh doanh được hiểu như thế nào và làm cách gì để có thể xây dựng nên một mô hình kinh doanh hiệu quả. 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #mohinhkinhdoanh #doanhnghiep #BusinessModel
22 bước xây dựng mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp - Phần 1 || John&Partners Mô hình kinh doanh là một bản phác thảo về cách mà một công ty, doanh nghiệp lên kế hoạch để thu lợi nhuận từ những sản phẩm và cơ sở khách hàng mà hiện tại mình đang có trên thị trường. Nó được xem là một trong những điều kiện quan trọng mang lại những giá trị dài hạn và thành công cho doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình đều cần thiết phải xây dựng một mô hình kinh doanh cụ thể bởi tầm quan trọng và những lợi ích mà nó mang lại . 1. Ts. Ngô Công Trường - Tiến sĩ Kinh Tế - Đại học Châu Âu - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn tại John&Partners - Giám đốc của Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) tại Việt Nam - Nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập, triển khai, đào tạo, tư vấn Tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp -- Tìm hiểu thêm về John&Partners tại: - Website: http://john-partners.com - Linkedin: https://www.linkedin.com/company/johnhandpartners - Fanpage: https://www.facebook.com/johnandpartners -- Thông tin liên hệ: - Website: www.john-partners.com - Email: info@john-partners.com - Điện thoại: (84) 077 5955 007 #mohinhkinhdoanh #doanhnghiep #BusinessModel
- FED tăng lãi suất: Tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào? - Kinh tế xã hội 7 tháng qua tiến triển tốt, cần những giải pháp linh hoạt hơn cho nỗ lực phục hồi. - Gói hỗ trợ lãi suất 2% -cần triển khai nhanh chóng. Chủ đề : FED, KINH TẾ 6 THÁNG --- Support this podcast: https://anchor.fm/vov1kd/support
Khi hỏi một chục vị “chuyên gia” rằng nền kinh tế vận hành như thế nào và chúng ta nên hành động ra sao, bạn sẽ nhận được mười mấy câu trả lời khác nhau. Những tiếng nói trái chiều lấn át nhau và khó nhận ra giọng điệu nào. Tình hình sẽ hoàn toàn khác nếu ta nắm được một vài nguyên tắc cơ bản giúp định hướng các quyết định của mình - từ quyết định cá nhân như nên mua gì và nên chi tiêu như thế nào, cho đến những quyết sách quốc gia thu hút sự quan tâm hàng đầu của báo giới.Robert H. Frank (tác giả của cuốn Nhà Tự Nhiên Kinh Tế) là người tiên phong trong việc khắc họa những nguyên tắc ấy, rõ ràng hơn bất kỳ ai khác. Trong tác phẩm Cẩm Nang Nhà Tự Nhiên Kinh Tế, ông dẫn dắt người nghe đi từ những gì đang diễn ra tại Washington, Phố Wall, cho tới cuộc sống riêng. Ông đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, từ chính sách thuế, đầu tư tài chính đến các quyết định tiết kiệm và chi tiêu hàng ngày.--Về Fonos:Fonos là ứng dụng sách nói có bản quyền. Trên ứng dụng Fonos, bạn có thể nghe định dạng sách nói của những cuốn sách nổi tiếng nhất từ các tác giả trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bạn được sử dụng miễn phí nội dung Premium khi đăng ký trở thành Hội viên của Fonos: Truyện ngủ, Nhạc thư giãn, Thiền định, Tóm tắt sách.--Tải ứng dụng Fonos tại: https://fonos.app.link/tai-fonosTìm hiểu về Fonos: https://fonos.vn/Theo dõi Facebook Fonos: https://www.facebook.com/fonosvietnam/Theo dõi Instagram Fonos: https://www.instagram.com/fonosvietnam/Đọc các bài viết thú vị về sách, tác giả sách, những thông tin hữu ích để phát triển bản thân: http://blog.fonos.vn/
Bài giảng của HT. Viên Minh 18 - Kinh Tụng Pali Huyền Không
Luật Chơi Poker - Xem 82,467Bạn đang xem chủ đề luật chơi poker được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnSeminar Luật Kinh Tế 3 Hubt - Xem 82,269Bạn đang xem chủ đề seminar luật kinh tế 3 hubt được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnQuyết Định Của Hội Nghị Ianta Đã Tạo Điều Kiện Cho Thực Dân Pháp Trở Lại Xâm Lược Đông Dương - Xem 81,972Bạn đang xem chủ đề quyết định của hội nghị ianta đã tạo điều kiện cho thực dân pháp trở lại xâm lược đông dương được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnBài Học Rút Ra Từ Văn Bản Lão Hạc - Xem 80,685Bạn đang xem chủ đề bài học rút ra từ văn bản lão hạc được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnBiện Pháp Nghệ Thuật Trong Văn Bản Lão Hạc - Xem 77,517Bạn đang xem chủ đề biện pháp nghệ thuật trong văn bản lão hạc được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnTóm Tắt Văn Bản Mây Và Sóng - Xem 76,725Bạn đang xem chủ đề tóm tắt văn bản mây và sóng được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnLuật Sư Trần Quốc Vũ Tịnh Thất Bồng Lai - Xem 75,042Bạn đang xem chủ đề luật sư trần quốc vũ tịnh thất bồng lai được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnLuật Fiba 2020 - Xem 74,547Bạn đang xem chủ đề luật fiba 2020 được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnMẫu Quyết Định Bổ Nhiệm Giám Đốc Hợp Tác Xã - Xem 73,854Bạn đang xem chủ đề mẫu quyết định bổ nhiệm giám đốc hợp tác xã được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnLuật Bóng Chày - Xem 70,785Bạn đang xem chủ đề luật bóng chày được cập nhật mới nhất ngày 13/01/2022. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạnChủ đề xem nhiều trên website www.athena4me.com từ TOP #11 - #20 tháng 1/2022
1. Đón khách - Mỗi người mỗi nghề: Cùng Sim gặp gỡ Nha Trang - Product Owner cho một start-up về công nghệ. Xuất thân là du học sinh Mỹ chuyên ngành Toán và Kinh Tế, Nha Trang đã “bẻ lái” sang làm về phát triển sản phẩm ứng dụng quản lý tài chính. Với niềm đam mê kiến tạo và phát triển sản phẩm, Nha Trang đã bắt đầu công việc này như thế nào? Product Owner/ Manager đang đóng vai trò gì trong công ty? Những thử thách và khó khăn nào Nha Trang đang gặp phải trong công việc? Tất cả sẽ được hé lộ trong cuộc trò chuyện 25 phút này! 2. Tiễn khách - Du lịch lắng nghe: Ghé chơi Nha Trang - Khánh Hòa trong vòng 3 phút với Sim nhé! ------- Khách mời: Nha Trang - Product Owner Lắng nghe #Podcast25phut tại: Spotify - shorturl.at/luwBM Apple Podcast - shorturl.at/chIW9 Google Play - shorturl.at/IMNZ0 Follow Instagram của Podcast.25phut để cập nhật thêm thông tin về những tập tiếp theo, về khách mời và trải nghiệm của Sim nhé! Đừng ngại chia sẻ cảm nhận và feedback của các bạn về cho Sim và khách mời qua podcast.25phut@gmail.com nhé! #Podcast25phut #Podcastviet --- Send in a voice message: https://anchor.fm/podcast25phut/message