Podcasts about hoa vi

  • 12PODCASTS
  • 62EPISODES
  • 10mAVG DURATION
  • 1MONTHLY NEW EPISODE
  • Apr 8, 2025LATEST

POPULARITY

20172018201920202021202220232024


Best podcasts about hoa vi

Latest podcast episodes about hoa vi

TẠP CHÍ KINH TẾ
Trung Quốc tự tin hơn để lao vào cuộc chiến thuế quan với Mỹ

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Apr 8, 2025 9:53


« Chiến đấu đến cùng » khi bị tấn công, « đáp trả tương xứng thuế đối ứng » của Mỹ và áp dụng đúng phương pháp của Washington để bảo vệ quyền lợi : Trung Quốc đã chọn giải pháp đối đầu trong cuộc chiến thuế quan với chính quyền Trump. Trong chưa đầy một tuần lễ, Trung Quốc chuyển từ « thế thủ » sang « thế công ». Trên nguyên tắc, kể từ 0 giờ ngày 10/04/2025 hàng Mỹ nhập khẩu vào Hoa Lục bị đánh thuế 34 % « tương tự » như hàng « made in China » bán sang Hoa Kỳ.Chỉ 48 giờ sau màn trình diễn của Donald Trump ở Nhà Trắng, mở màn một cuộc chiến thương mại với toàn cầu, tại Bắc Kinh bộ Thương Mại « đáp lễ » bằng hàng rào quan thuế. Trung Quốc cho mở điều tra nhắm vào hơn một chục doanh nghiệp Mỹ và hạn chế xuất khẩu 7 kim loại hiếm thiết yếu cho công nghệ cao và thiết bị điện tử trong dự án sản xuất chiến đấu cơ đời mới F-47 vừa được Washington rầm rộ loan báo.Sau một dịp nghỉ cuối tuần dài ngày, quay lại thủ đô Washington tổng thống Hoa Kỳ nổi đóa thấy Bắc Kinh chọn giải pháp đối đầu. Donald Trump chỉ trích Trung Quốc đi « nhầm đường » và đòi tăng thêm 50 % thuế hải quan nhắm vào hàng « made in China », bên cạnh mức thuế 54 % sắp bị áp dụng từ 0 giờ ngày 09/04, theo giờ của Washington. Lập tức Bắc Kinh khẳng định « trong tư thế sẵn sàng, quyết đấu đến cùng ».Trung Quốc « de-risking » với Mỹ Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn đánh giá, lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng « kinh tế nước này đủ vững chắc để cưỡng lại mọi thủ đoạn của Donald Trump ».Bên cạnh những lập luận mang tính tuyên truyền, giới tài chính đồng loạt cho rằng, « Trung Quốc đã rút kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại lần trước với chính quyền Trump và có những bước chuẩn bị kỹ hơn ».Kế hoạch Made in China 2025 của chủ tịch Tập Cận Bình đã đem lại những kết quả cụ thể : Trung Quốc dẫn đầu một số lĩnh vực công nghệ mới, không chỉ là « công xưởng sản xuất hàng rẻ » mà đã trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ ở Hoa Kỳ từ ô tô điện đến trí tuệ nhân tạo. Công cụ thông minh DeepSeek made in China đã khiến thế giới công nghệ ở Thung Lũng Silicon choáng váng.Trong lĩnh vực vệ tinh không gian, tháng 11/2024 Brazil đã ký hợp đồng với Qiafan, một công ty khởi nghiệp « vô danh » lấn sân của Elon Musk cung cấp các dịch vụ vệ tinh  Về công nghệ bán dẫn, Trung Quốc cũng không còn hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây. Trong số các nhà sản xuất máy bay dân sự, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ không còn trong thế độc quyền từ khi dòng Comac C919 của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện… Một điểm khác nữa cho phép ông Tập Cận Bình tự tin lao vào cuộc đọ sức với Washington : Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Hoa Vi vẫn tồn tại và thịnh vượng đó là trước các đòn trừng phạt liên tiếp của hai đời tổng thống Mỹ, Donald Trump và Joe Biden.Thị phần của Mỹ với Trung Quốc bị thu hẹpĐành rằng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của Hoa Kỳ sau Mêhicô và Canada, nhưng nếu như hồi 2017, hơn 20 % kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đổ về Mỹ, nay tỷ lệ  đó rơi xuống còn chưa đầy 15 % theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc được tuần báo Anh The Economist trích dẫn. Nói cách khác về xuất nhập khẩu Trung Quốc ít lệ thuộc hơn vào Mỹ so với 8 năm về trước.Báo Nhật Nikkei Asia trích lời bà Vương Đan, giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group trụ sở tại Singapour, hồi 2017 « tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 4 % GDP, nay tỷ lệ này chỉ còn là 3 % ».  Ngoài ra, để tiếp tục thâm nhập thị trường Mỹ, Bắc Kinh đã khai thác chiến lược « Trung Quốc +1 » qua một sô trung gian như Ấn Độ, hay Việt Nam và nhất là Mêhicô... Trong các khoản giao dịch hàng hóa Mỹ-Trung, cho đến hiện tại, Trung Quốc chủ yếu mua vào nông phẩm và năng lượng của Hoa Kỳ. Trước mắt, về dầu khí Bắc Kinh có thể trông cậy vào Nga. Về nông phẩm, ngũ cốc, Brazil và Achentina đã thu hẹp thị phần của các nông gia Hoa Kỳ, những thành phần cử tri ủng hộ Donald Trump.Đất hiếm, tiền tệ, công cụ pháp lý : những loại vũ khí trong tay Trung Quốc Kinh nghiệm từ « cuộc thương chiến lần thứ nhất » cũng do chính quyền Trump khởi động hồi 2018-2019 Trung Quốc đã tăng tốc chiến lược « tách rời khỏi » Hoa Kỳ cả về công nghệ lẫn thương mại. Và đó cũng là điểm khởi đầu cho phép nền kinh tế thứ hai toàn cầu không hề mặc cảm khi phải đương đầu với siêu cường số 1 thế giới. Do vậy Trung Quốc chuyển từ thế « thủ » sang thế tấn công ».Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm để sản xuất các vật dụng kết nối, điện ô tô điện, vũ khí, vệ tinh... Do vậy, trong số các đòn đáp trả Donald Trump « Giải Phóng » Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã loan báo thông báo « hạn chế » xuất khẩu 7 kim loại hiếm sang Mỹ.Một công cụ khác trong tay Bắc Kinh là phá giá đồng tiền quốc gia để hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ vẫn hấp dẫn. Ngân Hàng Trung Ương đang hướng tới giải pháp này.Thế rồi Trung Quốc cũng dùng lá bài « an ninh quốc gia » để điều tra các tập đoàn Mỹ xuất khẩu một số mặt hàng « lưỡng dụng » sang Hoa Lục, cũng khai thác công cụ pháp lý « chống cạnh tranh bất bình đẳng » để trừng phạt các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Điều đó không cấm cản các giới chức Bắc Kinh vẫn khẳng định Trung Quốc là một « mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư quốc tế »Chiến tranh tâm lý Vào lúc tại Hoa Kỳ, giới đầu tư « nhốn nháo » vì chính sách thuế quan của Donald Trump, nhiều nhà tỷ phú hàng đầu (Bill Ackmann, Larry Fink ..), những người từng ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống 2024 kêu gọi Washington « dừng tay » thì thứ trưởng Thương Mại Trung Quốc tiếp đại diện nhiều tập đoàn Mỹ như của hãng xe Tesla hay tập đoàn bảo hiểm GE Healthcare…Ông Lăng Kích (Ling Jie) đưa ra thông điệp : Trung Quốc là « điểm đầu tư lý tưởng, an toàn và đầy hứa hẹn  với các tập đoàn nước ngoài, với các doanh nghiệp của Mỹ ». So với thời điểm hôm 20/01/2025, ngày ông tổng thống Trump nhậm chức, 180 tỷ đô la tài sản của ba doanh nhân Mỹ giàu nhất hành tinh đã tan thành mây khói. Cổ phiếu của tập đoàn Apple mất giá trong nhiều phiên giao dịch liên tiếp từ khi Nhà Trắng loan báo áp thuế 34 % hàng từ Trung Quốc nhập khẩu sang Hoa Kỳ, do 85 % các sản phẩm mang nhãn hiệu quả táo do nhân công Trung Quốc tạo ra để cung phục vụ các khách hàng Mỹ. Cũng chính vì biện pháp thuế sắp tới của tổng thống Trump mà dân Mỹ đua nhau sắm điện thoại thông minh trước khi giá mỗi chiếc iPhone trên thị trường đắt thêm từ 200 đến 300 đô la.Vỏ quýt dầy, móng tay nhọn Song bên cạnh những tuyên bố mạnh mẽ cả từ phía Bắc Kinh lẫn Washington, thực tế không thể chối cãi là tổng thống Mỹ đã mở một cuộc thương chiến với toàn cầu Trung Quốc là mục tiêu chính bị nhắm tới. Thiệt hại đầu tiên hết và nghiêm trọng nhất đè nặng lên hai nước liên quan. Nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp nhấn mạnh đến điểm kẹt của Bắc Kinh trong cuộc đọ sức này :« Từ lâu nay ai cũng biết Trung Quốc bị thiệt hai nhiều trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ. Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm đã đề ra mục tiêu điều chỉnh lại và lấy lại cân bằng trong mô hình phát triển, để cỗ máy sản xuất ít ngốn năng lượng hơn, để tiêu thụ nội địa là lực đẩy cho tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng từ đó đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này. Trung Quốc kỳ vọng bơt bị phụ thuộc vào xuất khẩu nhưng cho đến hiện tại thì xuất khẩu vẫn là đầu tàu kinh tế và Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường nước ngoài, nhất là hai thị trường phát triển nhất là Mỹ và châu Âu. Nếu Hoa Kỳ đóng cửa thị trường, thì tác động đầu tiên đè năng lên người tiêu dùng ở Mỹ nhưng Trung Quốc cũng bị vạ lây »Nguy cơ bấn ổn nội địa Trung Quốc Cuộc chiến thương mại phiên bản 2 của ông Trump nổ ra vào lúc kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID 19 và chưa thoát khỏi khủng hoảng địa ốc kéo dài. Valérie Niquet :« Chiến tranh kinh tế gia tăng cường độ giữa hai siêu cường thế giới này đã bắt đầu dẫn tới những hệ quả đối với toàn cầu chứ không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã có các biện pháp trả đũa : áp thuế 34 % lên tất cả các mặt hàng Mỹ như đã loan báo. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào các sản phẩm của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ thì tổng cộng hàng Trung Quốc bị đánh thuế hải quan hơn 60 %. Không mấy khi tôi bênh vực cho Trung Quốc, nhưng phải công nhận rằng, mức thuế này là quá nặng và bị tung ra vào thời điểm bất lợi cho Trung Quốc. Kinh tế nước này đang đình đốn và từ nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tăng tiêu thụ nội địa để bớt phụ thuộc vào xuất khẩu như vừa nói. Thành thử quyết định của Washington tuần trước, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội Trung Quốc và nguy cơ này là rất, rất lớn » .Tác động đối với Trung Quốc cũng sẽ mạnh hơn so với cuộc chiến thương mại hồi 2018-2019 do Hoa Kỳ cũng đã rút kinh nghiệm trong thương lượng với Bắc Kinh. Trong kế hoạch thuế quan lần này, châu Á là khu vực bị đánh nặng nhất. François Monnier, tổng biên tập tuần báo Investir chuyên về đầu tư :« Chúng ta thấy rõ mục tiêu của Donald Trump là để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chính vì thế mà Washington đánh thuế rất nặng vào các nước châu Á : Trung Quốc bị 34 % nhưng các nước châu Á khác cũng chịu mức thuế rất cao, tránh để Bắc Kinh sử dụng lại chiến lược Trung Quốc + 1, tức là di dời sản xuất sang các quốc gia chung quanh. Chúng ta thấy Việt Nam bị đánh thuế 46 %. Ở nhiệm kỳ đầu chính quyền Trump đã phạm phải sai lầm chỉ tập trung vào Trung Quốc và do vậy mà các doanh nghiệp nước này chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để từ Việt Nam, xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Lần này chúng ta thấy Mỹ tấn công một cách toàn diện vào châu Á ». Ngày 30/03/2025 các quan chức cao cấp ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ba nhà vô địch về xuất khẩu của châu Á họp tại Seoul và bàn về kế hoạch « hợp tác », hướng tới một « khu vực tự do mậu dịch » ba bên. Như thể dưới tác động của « trận bão » mang tên Trump, Tokyo, Bắc Kinh và Seoul tạm gạt sang một bên các bất đồng để cứu nguy kinh tế.Cũng dưới tác động của « Ngày Giải Phóng », Washington tạo cơ hội để Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tìm được một sân chơi chung. Thủ tướng Lý Cường và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen trong cuộc điện đàm hôm 08/04 đã nhấn mạnh đến « trách nhiệm của Liên Âu tránh gây thêm căng thẳng thương mại toàn cầu ». Đây cũng có thể là cơ hội để làm sống lại thỏa thuận đầu tư mà Bruxelles và Bắc Kinh đã ký vội vào cuối 2020 nhưng từ đó đến này hoàn toàn bị lãng quên.  Sau cùng như báo The Economist nhận định chính sách thuế quan của ông Trump đẩy lạm phát ở Hoa Kỳ lên cao, dân Mỹ càng khó cai nghiện « hàng rẻ Trung Quốc »Nhưng Trung Quốc ý thức rằng, chiến tranh thương mại Washington khai mào có sức công phá rất lớn nếu như Donald Trump hủy hoại kinh tế Hoa Kỳ. Nền kinh tế số 1 thế giới bị đình đốn hay suy thoái thì sẽ là « một thảm họa » với hàng ngàn, hàng chục ngàn công ty Trung Quốc gia công cho các hãng của Mỹ. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng vì cho đến nay chưa một thị trường nào trên thế giới, kể cả tại 27 nước Liên Âu có được sức mua mạnh như của 350 triệu dân Mỹ.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Kiểm soát kênh đào Panama : Trắc nghiệm đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Mỹ

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 25, 2025 9:30


Trong cuộc đọ sức Mỹ -Trung ở Kênh đào Panama, bàn thắng tạm thời nghiêng về Washington : tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison chuyển nhượng lại cho một quỹ đầu tư của Mỹ hai cảng ở hai đầu con kênh mà chính quyền Trump đòi « thâu tóm trở lại ». Bắc Kinh trong thế lưỡng nan : Chận thương vụ giữa một công ty tư nhân của Hồng Kông với một đối tác quốc tế là một nước cờ mạo hiểm. Hôm 04/03/2025, vài giờ trước khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đọc diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện, quỹ đầu tư BlackRock thông báo đạt thỏa thuận với tập đoàn đa quốc gia của Hồng Kông, CK Hutchison, « mua lại quyền khai thác »  2 trong số 5 cảng dọc Kênh đào Panama : Balboa và Cristobal. Đây chỉ là 2 trong số hơn 40 hải cảng CK Hutchison đang khai thác tại 23 quốc gia trên thế giới. Trị giá hợp đồng 23 tỷ đô la.Trump đẩy Trung Quốc ra khỏi Panama Trên mạng xã hội Ủy Ban đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ phấn khởi khẳng định là « Trung Quốc bị đẩy ra khỏi Panama. Mỹ đang trên đà chiến thắng ». Dân biểu bang Florida, chủ tịch ủy ban này ông Brian Mast không bỏ lỡ cơ hội ca ngợi « công lao » và sự « sáng suốt » của tổng thống Donald Trump khi biết rằng, chủ nhân Nhà Trắng luôn khẳng định Kênh đào Panama « thuộc về nước Mỹ » và đã từng yêu cầu bộ Quốc Phòng xem xét các khả năng quân sự để bảo đảm quyền của Hoa Kỳ được sử dụng con kênh này vào lúc mà Trung Quốc « kiểm soát » 5 cảng dọc theo con kênh.Thắng lợi của Washington còn lớn hơn nữa do hai cảng Balboa và Cristobal ở hai đầu con kênh, mở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.Trả lời đài RFI Pháp ngữ giáo sư đại học giảng dậy môn Khoa Học Chính Trị, Kevin Parthenay trước hết giải thích vì sao việc một quỹ đầu tư của Hoa Kỳ giành lại quyền khai thác một số cơ sở ở Panama từ tay một tập đoàn Hồng Kông được coi là thắng lợi lớn của Mỹ :« Kênh đào Panama đã từng và sẽ luôn là một điểm chiến lược đối với quyền lợi của Mỹ và cũng như là đối với phía Trung Quốc nhất là khi hai siêu cường trên thế giới này bắt đầu lao vào một cuộc đối đầu. Qua hai quyết định gần đây chúng ta thấy Panama đã loan báo không tiếp tục tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc, mà sự hợp tác này đã chính thức được khởi động từ 2017. Bên cạnh đó, tư pháp Panama đòi xem xét lại các điều khoản đã nhượng quyền khai thác hai cảng Balboa và Cristobal ở hai cửa ra vào con kênh cho tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison. Đó là những tín hiệu mạnh để xác định vai trò trung tâm và ảnh hưởng của Mỹ đối với Panama » Dựa trên cơ sở nào Mỹ đòi « chiếm lại » kênh đào Panama ? Giáo sư Frédéric Lasserre Đại học Laval, Québec, Canada, chuyên nghiên cứu về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương nhắc lại lập trường của tổng thống Trump đòi « lấy lại » con kênh mà Hoa Kỳ đã xây dựng cho Panama : « Donald Trump tố cáo các giới chức Panama bắt chẹt tàu thuyền của Mỹ, bắt họ trả phí đắt hơn so với tàu chở hàng của những quốc gia khác khi đi qua kênh đào Panama. Không một dữ liệu nào minh chứng cho điều đó và nếu quả thực tàu thuyền của Mỹ bị đối xử bất công, chắc chắn là các tập đoàn vận tải đường biển của Mỹ đã không để yên. Ngoài ra, cần chú ý là tập đoàn Hồng Kông, CK Hutchison khai thác : khai thác chứ không sở hữu, hai trong số năm cảng dọc theo con kênh Panama. Không có bất kỳ lý do nào để Hutchison phân biệt đối xử với tàu thuyền của Mỹ và nếu có đi chăng nữa thì liệu rằng tập đoàn này có được chỉ thị từ Bắc Kinh hay không ? Hiện không có bằng chứng nào cho phép xác định tàu bè của những quốc gia khác ngoài Trung Quốc bị  đối xử tệ. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng tập đoàn của Hồng Kông, CK Hutchison chỉ khai thác có 2 trong số 5 cảng trên con Kênh đào Panama ».Tập đoàn Hồng Kông ngừng khai thác các hải cảng ?  Trên thực tế thỏa thuận giữa tập đoàn khai thác hải cảng và bảo đảm các dịch vụ của Hồng Kông với một « tổ hợp đầu tư do quỹ BlackRock đứng đầu » không chỉ thu hẹp ở phạm vi Panama. Theo các báo tài chính của Mỹ và Á châu, tập đoàn trong tay nhà tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành chuyển nhượng tổng cộng 43 trong số hơn 50 hải cảng đang quản lý trên toàn thế giới. Trong số này có 10 hải cảng thuộc về Hồng Kông và Hoa Lục. Cristobal và Balboa chỉ là hai trong số 43 địa điểm liên quan. Nhưng con kênh này đang trở thành một tâm điểm trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai siêu cường trên thế giới, chuyên gia Virginie Saliou Học Viện Quân Sự Pháp IRSEM giải thích về tầm cỡ chiến lược của công trình :« Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất Kênh đào Panama để vận chuyển hàng từ bờ đông sang châu Á, để đưa hàng từ bờ tây của nước Mỹ sang châu Âu, để bảo đảm các luồng cung ứng giữa hai bờ đông và tây của bản thân nước Mỹ. Cứ trên 100 chuyến tàu chở hàng của Mỹ thì có 40 chiếc phải đi qua Kênh Panama và trung bình có từ 60 đến 70 % giao thương hàng hải sử dụng con kênh này là những chuyến tàu khởi hành hoặc cập bến các hải cảng của Hoa Kỳ. Chỉ có 13 % tàu thuyền đi qua đây liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc. Không chỉ có các tàu chở hàng của Mỹ sử dụng kênh Panama. Con kênh này còn là nơi mà tàu chiến của Hoa Kỳ cũng phải đi qua. Theo các số liệu gần đây trung bình hàng năm 40 trong số 291 tàu quân sự của Mỹ  phải đi qua ngả này ». Con Đường Tơ Lụa, cái gai giữa Panama và MỹCũng bà Saliou nhấn mậnh Kênh đào Panama thuộc quyền sở hữu của Panama, một quốc gia ở Trung Mỹ chưa đầy 5 triệu dân, không có quân đội và sử dụng đồng đô la Mỹ. Công trình này do cơ quan ACP gồm 13 thành viên quản lý và Hiến Pháp Panama ghi rõ con kênh này « thuộc quyền sở hữu không thể tách rời » của Panama. Năm 1997 vào tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison ký hợp đồng với cơ quan ACP của Panama để được quyền « khai thác », đầu tư và bảo đảm các dịch vụ tại 5 cảng dọc theo con kênh. Đúng 20 năm sau, Panama chính thức tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc từ đó căng thẳnh giữa Hoa Kỳ và Panama gia tăng. Virginie Saliou :« Từ khi Panama tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc, đã có khoảng 30 dự án hợp tác và đầu tư ra đời nhưng chỉ một số ít được thực hiện đến nơi đến chốn, và kết quả không nhiều. Do vậy việc chính quyền Panama rầm rộ loan báo chia tay với dự án của Bắc Kinh trước hết là một tín hiệu nhắm gửi đến Nhà Trắng để làm vừa lòng tổng thống Trump. Một điểm đáng chú ý khác là năm 2001 tức là chỉ ít ít lâu sau khi tập tập đoàn của Hồng Kông được quyền khai thác Balboa và Cristobal thì chính phủ Mỹ đã ra một thông cáo xác nhận rằng sự hiện diện của Hutchison không là một mối đe dọa. 25 năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi vào lúc mà Washington và Bắc Kinh lao vào một cuộc đối đầu. Mỹ lo ngại Trung Quốc lợi dụng vị trí này để dọ thám Mỹ về mặt kinh tế và quân sự. Kênh đào Panama có thể là một địa điểm để quan sát các hoạt động của đối phương rất lợi hại ».      Sự im lặng đáng ngờ của Bắc Kinh Nhìn đến phản ứng của Trung Quốc, giới quan sát hơi ngạc nhiên trước sự im lặng của chính quyền trung ương. Kênh đào Panama là nơi mà 21 % các tàu bè qua lại là tàu chở hàng của Trung Quốc, là cửa ngõ của ngành xuất nhập khẩu nước này sang châu Mỹ. Kiểm soát « hai đầu con kênh » này mang tính chiến lược.  Vậy thì tại sao tập đoàn hàng hải Hồng Kông đã chuyển nhượng quyền khai thác lại cho một « tổ hợp đầu tư của Mỹ » mà không bị Bắc Kinh chống đối ?Tuần báo The Economist của Anh (20/03/2025) giải thích : trước hết về mặt chính thức Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để can thiệp hay ngăn chận CK Hutchison « bán lại » quyền khai thác hai cảng Balboa và Cristobal cho bất kỳ một tập đoàn nào khác.Nhưng một cách không chính thức, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn có thể « can thiệp » dưới nhiều hình thức : hoặc là gây sức ép trực tiếp với gia đình của nhà tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, vì CK Hutchison có nhiều cơ sở tại Hoa Lục. Chính quyền Trung Ương cũng hoàn toàn có thể sử dụng « luật an ninh quốc gia » để « chận » hoặc « hủy » thương vụ giữa tập đoàn Hồng Kông và quỹ đầu tư của Mỹ BlackRock. Một giải pháp khác, là trong giao kèo giữa CK Hutchison và BlackRock bao gồm nhiều hải cảng mà họ Lý đang kiểm soát từ ở Hồng Kông đến Pakistan, Sri Lanka … do vậy, Bắc Kinh có thể trực tiếp gây áp lực với các chính quyền liên quan.Trung Quốc tránh một nước cờ mạo hiểmNhưng theo các chuyên gia tuần báo Anh trích dẫn, can thiệp lộ liễu như vậy là thất sách, bởi thứ nhất đây không là thời điểm thích hợp để Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào hồ sơ Kênh đào Panama vào lúc Bắc Kinh và Washington đang thu xếp để lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ gặp nhau trong một tương lai không xa. Bắc Kinh cũng muốn tránh để các giới chức Mỹ « nhòm ngó » kỹ hơn đến các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc vào lúc mà hai trong số này là Hoa Vi và ByteDance đã trong tầm ngắm của các chính quyền liên tiếp ở Washington.Vì quyền lợi của Trung Quốc ở các bến cảng Úc và châu ÂuLý do thứ hai là chận một thương vụ giữa một « tập đoàn tư nhân » với một đối tác quốc tế cũng sẽ làm xấu đi hình ảnh và uy tín của các tập đoàn Trung Quốc đang vươn ra nước ngoài, từ ở Úc đến châu Âu. Tại châu Âu Trung Quốc đang đầu tư và quản lý 14 hải cảng lớn như như Hamburg (Đức) Fos và Le Havre (Pháp) Anvers (Bỉ) Pirée (Hy Lạp) hay Rotterdam (Hà Lan)…Lý do thứ ba là xét cho cùng, hợp đồng chuyển nhượng lại quyền khai thác 2 bến cảng ở hai đầu con kênh Panama cho một « tổ hợp đầu tư » của Mỹ không đe dọa đến « quyền lợi cốt lõi về an ninh của Trung Quốc ». Theo thẩm định của chuyên gia Isaac Kardon, thuộc quỹ nghiên cứu Cargegie Endowment for International Peace, trụ sở tại Washington, hiện tại các tập đoàn Trung Quốc quản lý hơn 90 hải cảng ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2023, các tàu của Hải Quân Trung Quốc đã dừng lại tại 27 trong số những hải cảng do các tập đoàn của Trung Quốc quản lý. Nhưng Hải Quân Trung Quốc không dại để lai vãng ở các khu vực như gần Panama nơi vốn được coi là sân sau của Hoa Kỳ.Tổn thất về thương mại và hình ảnh chính trị của ông Tập ?Dù vậy việc nhường lại một phần sân chơi cho tổ hợp đầu tư của Mỹ do BlackRock dẫn đầu bất lợi cho ngành xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vẫn theo Isaac Kardon phía Hoa Kỳ nhân đà này sẽ áp đặt mạnh hơn luật chơi với các đối tác -nhất là trong bối cảnh mà chính quyền Trump đang dùng lá bài « thuế hải quan » để tạo dựng một trật tự quốc tế mới về mậu dịch, về giao thương hàng hải…Nếu như hợp đồng giữa tập đoàn của Hồng Kông và Mỹ này được thực hiện, thì dù muốn hay không « cổng đưa hàng Trung Quốc và châu Mỹ cũng bị khép chặt lại hơn một chút ».Cuối cùng về phương diện chính trị, rõ ràng là Hoa Kỳ ghi được một bàn thắng trước đối thủ Trung Quốc và làm « sứt mẻ hình ảnh của một ông Tập Cận Bình đang muốn phô trương thanh thế của một nhà lãnh đạo đủ sức bảo vệ quyền lợi quốc gia trên trường quốc tế ».

TẠP CHÍ KINH TẾ
Thương mại : Mỹ -Trung đang « dàn trận » cho một cuộc chiến dài hơi

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Feb 25, 2025 9:36


Xung đột thương mại Mỹ - Trung lần thứ hai thay đổi theo từng ngày. Bắc Kinh sử dụng lại đúng chiến lược của Washington trong các đòn đáp trả. Trong hơn 20 ngày đầu cuộc chiến, đôi bên trong thế « vừa đánh vừa nghe » : đó là chiến thuật câu giờ để chuẩn bị cho một cuộc giao tranh dài hơi và khốc liệt hơn ? Trung Quốc có không ít vũ khí để lao vào một cuộc đọ sức mà Nhà Trắng đã khơi mào. Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu mà tổng thống Donald Trump nhắm tới trong các cuộc chiến thương mại do Nhà Trắng mở ra. Ở màn 1 khi loan báo tăng thuế nhập khẩu nhắm vào Trung Quốc, Canada và Mêhicô tổng thống Mỹ đã nhẹ tay hơn với Trung Quốc. Để rồi Washington đến giờ chót đã « tạm tha » cho hai nước láng giềng sát cạnh tại Bắc Mỹ nhưng với Trung Quốc thì không. Từ ngày 04/02/2024 hàng made in China nhập khẩn vào Mỹ bị đánh thuế thêm 10 %. Lập tức Bắc Kinh tuyên bố đáp trả « một cách tương xứng ». Dầu hỏa và khí đốt của Mỹ xuất khẩu sang Hoa Lục bị áp thuế thêm 10 và 15 %. Nhưng thuế hải quan không là công cụ duy nhất chủ tịch Tập Cận Bình có trong tay để đối phó với « trận bão Donald Trump ».  Những diễn biến bất ngờ trong cuộc đấuMột điểm đáng chú ý khác, là trong suốt thời gian gần ba tuần qua, có nhiều tin trái ngược về một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai siêu cường kinh tế thế giới này. Một quan chức của Nhà Trắng loan báo các ông Trump và Tập dự trù một cuộc họp trong ngày 04/02/2025 để rồi lập tức sau đó tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố « ông không vội » trao đổi với phía Bắc Kinh. Nhưng khi Bắc Kinh đánh thuế hàng của Mỹ, thì Donald Trump cho biết ông đã « trao đổi » với ông Tập Cận Bình. Không thấy Trung Quốc đề cập đến một cuộc trao đổi ở cấp cao như vậy.Chỉ biết rằng hôm 09/02/2025 Bắc Kinh loan báo « đánh thuế vào 14 tỷ đô la hàng Mỹ xuất khẩu sang Hoa Lục » và biện pháp này có hiệu lực ngay vài giờ sau đó, tức là không để cho đối phương có nhiều thời gian « kịp trở tay ». Nhìn kỹ vào danh sách trừng phạt, 2 tờ báo tài chính Financial Times (Anh) và Nikkei Asia (Nhật Bản) cùng ghi nhận Trung Quốc mạnh tay hơn một chút so với những biện pháp đã được bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo trước đó.Như đã được báo trước, than đá và khí hóa lỏng của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc bị tăng thuế 15 %. Riêng dầu thô của Hoa Kỳ, các thiết bị nông nghiệp, xe chở hàng và ô tô có lượng phát thải lớn bị tăng thuế thêm 10%. Ngoài dự báo, Trung Quốc không chỉ sử dụng biện pháp thuế quan để đáp trả, mà còn « kiểm soát các hoạt động xuất khẩu liên quan đến 25 khoáng sản và công nghệ sang » của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Trung Quốc đồng thời mở rộng thêm danh sách các tập đoàn của Hoa Kỳ bị điều tra với lý do đó những công ty « không đáng tin cậy ». Google, hai tập đoàn may mặc Calvin Klein, Tommy Hilfiger và công ty Illumina trong lĩnh vực công nghệ sinh học bị Trung Quốc điều tra.Washington và Bắc Kinh cùng dùng đòn « giơ cao đánh khẽ » Tờ Financial lưu ý độc giả trong các thông cáo chính thức, Bắc Kinh khéo léo nhắc nhở Nhà Trắng « với 5 loại đất hiếm cần thiết cho công nghiệp sản xuất vũ khí, pin mặt trời, bình điện cho xe ô tô điện của Mỹ, Trung Quốc đang làm chủ chuỗi cung ứng ». Trung Quốc sản xuất 60 % kim loại hiếm sử dụng trên thế giới và 90 % đất hiếm được sàng lọc và chế biến để có thể được đưa vào các nhà máy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều phải qua tay Trung Quốc.Nhà báo Pierre Haski từng là thông tín viên của nhật báo Libération tại Bắc Kinh và hiện đặc trách mục địa chính trị trên đài phát thanh France Inter, phân tích về chiến lược « giơ cao đánh khẽ » của cả đôi bên : «  Chúng ta chớ bị đánh lừa : trong trận chiến thương mại lần này, Mỹ nhẹ tay với Trung Quốc hơn là với hai nước bạn là Canada và Mêhicô khi tăng thuế nhập khẩu. Trước đây ông Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế 60 %, thậm chí là 100 % hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, để rồi hiện tại chỉ tăng thêm 10 % mà thôi. Donald Trump muốn chứng minh rằng ông nói là làm và có thể giáng mạnh vào kinh tế của đối phương. Về phía Trung Quốc cũng vậy : Bắc Kinh đã phản ứng một cách chừng mực. Hiện tại Trung Quốc vẫn bán đất hiếm cho Mỹ, tức là tránh đụng vào một tử huyệt của nền công nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng đòn này nhằm nhắc nhở Washington rằng, Bắc Kinh có nhiều là chủ bài trong tay. Cùng lúc Trung Quốc loan báo đánh thuế 10-15 % nhắm vào dầu và khí đốt của Mỹ, nhưng Hoa Kỳ không là nguồn cung cấp chính của Trung Quốc và như vậy không phương hại gì nhiều đến các nhà sản xuất ở Mỹ mà bản thân tăng trưởng của Trung Quốc cũng không bị thiệt hại. Về thứ ba là Bắc Kinh mở lại điều tra nhắm vào một vài tập đoàn Mỹ nhưng đó mới chỉ là một vài tín hiệu Trung Quốc ngầm nhắn gửi đến Washington ».Về thực chất đôi bên cùng chỉ đưa ra những biện pháp trả đũa mang tính tượng trưng nhưng tránh gây tổn thất quá lớn cho đối phương và cho chính mình, thí dụ như Trung Quốc tránh đánh vào nông phẩm của Mỹ vì đây là nguồn cung cấp 20 % đậu tương cho Hoa Lục (theo Nikkei Asia). Nhà báo Anthony Bellange, đài France Inter, cho rằng cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng để ngỏ khả năng đối thoại.«  Phản ứng của Trung Quốc rất chừng mực và thông minh : Washington cần hiểu rằng nếu cần Bắc Kinh sẵn sàng tấn vào những tử huyệt của đối thủ. Động đến Google, một tập đoàn mà chỉ có 1 % doanh thu được thực hiện ở Hoa Lục, nhưng qua đó Trung Quốc cho thấy khi cần, họ sẵn sàng trừng phạt các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ. Trong số các tập đoàn đó thì có hãng xe Tesla của Elon Musk. Một thí dụ khác: Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu đánh vào dầu và khí đốt của Mỹ để Washington hiểu rằng Bắc Kinh sẵn sàng ngừng nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Hoa Kỳ và Bắc Kinh biết rõ đây là một chủ đề nhậy cảm đối với Donald Trump do các nông dân Mỹ là thành phần cử tri ủng hộ ông ». Trung Quốc còn nắm giữ nhiều vũ khí lợi hại Song trong cách đáp trả Washington, Bắc Kinh khéo léo cho thấy Trung Quốc còn nhiều vũ khí trong tay. Nếu như phía Mỹ có thể mạnh tay hơn nhắm vào những công nghệ mũi nhọn mà Trung Quốc đang cần, thì ông Tập Cận Bình cũng có thể khởi động lá chủ bài « kim loại hiếm ». Hơn thế nữa Trung Quốc còn là một chủ nợ của Hoa Kỳ. Theo một nghiên cứu của ngân hàng Pháp Crédit Agricole, tính đến cuối tháng 4/2024 tổng nợ công của nước Mỹ lên tới 34.700 tỷ đô la, Riêng Trung Quốc hiện đang làm chủ 770 tỷ đô la công trái phiếu của Hoa Kỳ, số tiền này tương đương với gần 10 % nợ của Mỹ trong tay các chủ nợ nước ngoài. Pierre Haski nhắc lại thuế hải quan chỉ là một trong số nhiều vũ khí ông Tập Cận Bình có thể huy động nhưng chưa chắc đã là phương tiện nguy hiểm nhất.« Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa Hoa Kỳ. Bắc Kinh nắm giữ công trái phiếu của Mỹ và đây được ví như một quả bom nguyên tử, dù vậy biện pháp này chỉ là một dạng vũ khí răn đe vì sử dụng vũ khí này thì Trung Quốc sẽ đánh sập hệ thống tài chính toàn cầu mà Trung Quốc sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên. Phương cách thứ hai là Bắc Kinh có thể ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Chúng ta biết trên thị trường này Trung Quốc nắm giữ gần như thế độc quyền mà Mỹ thì cần đất hiếm để phát triển công nghệ tiên tiến. Chính vì thế mà tổng thống Trump có ý định nhòm ngó đến đất hiếm của Ukraina ».Đôi bên cùng biết nhau khá rõ Cả Washington lẫn Bắc Kinh mỗi bên đều biết khá rõ đối thủ đang đứng trước mặt mình. Nhóm cộng sự của Donald Trump tỏ ra quyết liệt vì biết rằng xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc. Hiện tại đối thủ của nước Mỹ đang khó nhọc để giữ được mục tiêu tăng trưởng 5 %.Ở góc đài bên kia, ông Tập Cận Bình thừa hiểu tổng thống Mỹ đang chật vật kềm hãm lạm phát. « Phạt » hàng rẻ hay nhôm thép của Trung Quốc đẩy chỉ giá tiêu dùng ở Hoa Kỳ lên cao và đó là điều mà Nhà Trắng khó giải thích được với thành phần cử tri đã bầu cho ông Trump. Dù vậy, tổng thống Mỹ thứ 47 luôn cần « ghi những bàn thắng trong công luận » và đó là một lợi thế để Trung Quốc mặc cả với chính quyền Trump. Pierre Haski nhắc lại trận chiến thương mại lần thứ nhất giữa hai cường quốc kinh tế trên thế giới hồi 2019-2020 :« Cần nhắc lại là trong chiến tranh thương mại lần thứ nhất với Trung Quốc hồi 2019, một cuộc chiến mà chính Hoa Kỳ đã gây nên trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Donald Trump, màn một là Nhà Trắng nhắm vào giám đốc tài chính của tập đoàn trang thiết bị viễn thông Hoa Vi cuối 2018. Đến cuối năm 2019 thì ông Trump ký hiệp định đình chiến với Bắc Kinh : Washington ngừng đánh thuế nhập khẩu vào hàng Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh cam kết mua thêm 100 tỷ đô la nông phẩm của Hoa Kỳ để thu hẹp xuất siêu với Mỹ. Chúng ta biết là kế hoạch này không được thực hiện vì những tác động của đại dịch Covid gây nên. Tất cả đã dừng lại ở đó, nhưng Trump vẫn cho rằng ông đã thành công và đã đạt được thỏa thuận với đối phương ».Kinh tế trưởng đặc trách khu vực châu Á thuộc ngân hàng HSBC thẩm định : Mỹ tăng thêm 10 % thuế nhập khẩu, Trung Quốc đủ sức « chịu đựng ». Theo nghiên cứu của Nikkei Asia, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dừng lại ở mức thuế 10 %, GDP của Trung Quốc bị giảm đi mất 0,1 điểm, (tức là mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh hiện là 5 % trong năm 2025 sẽ bị đẩy xuống còn 4,9 %).Nguy hiểm ở đây là biện pháp trừng phạt đó « mới chỉ là khúc dạo đầu », là « màn đầu tiên » như chính tổng thống Trump đã tuyên bố. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/02/2025 chỉ số chứng khoán trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hồng Kông có mất giá đôi chút trong một, hai phiên giao dịch để rồi đã nhanh chóng khởi sắc trở lại. Đó là dấu hiệu các nhà đầu tư tin vào những tính toán thực tiễn của cả Washington lẫn Bắc Kinh. Nhưng ở « hiệp đầu » Mỹ và Trung Quốc cùng trong thế « dàn binh bố trận ».Trước ngày nhậm chức, Donald Trump đã có một cuộc điện đàm với Tập Cận Bình. Nhà Trắng đang gây hỏa mù về một cuộc trao đổi thứ nhì giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc. Một số nguồn tin thông thạo được các báo tài chính Anh Mỹ trích dẫn cho rằng « yếu tố Deepseek » gây bất ngờ trong thế giới công nghệ cao là nguyên nhân « làm trật đường rày » chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc đọ sức với Trung Quốc. Theo ngân hàng Barclays chẳng hạn, Trump và cánh tay mặt của ông Elon Musk khó có thể tỏ ra hòa hoãn với Bắc Kinh ».Về phía Trung Quốc, bộ Ngoại Giao nước này chỉ nhắc tới nguyên tắc chung chung là « đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau ». Bắc Kinh không để lộ những nước cờ trước khi lao vào cuộc song đấu với Washington. Các chuyên gia của ngân hàng Anh Barclays chờ đợi, Trung Quốc sẽ có một số cử chỉ hòa hoãn ra vẻ nhượng bộ Hoa Kỳ chẳng hạn như là đồng ý bán lại mạng xã hội TikTok một chi nhánh của tập đoàn ByteDance cho một hãng Mỹ nào đó, giả vờ mở cửa thị trường Trung Quốc với các doanh nhân Trung Quốc và khuyến khích các doanh nghiệp quốc gia cộng sản này đầu tư thêm vào « thị trường tự do » ở Hoa Kỳ…Trái lại một số nhà quan sát khác, như Michael Hirson thuộc văn phòng tư vấn 22VResearch, trụ sở tại New York, thì cho rằng, còn quá sớm để dám khẳng định Mỹ và Trung Quốc đã bước vào đàm phán.Theo chuyên gia này, Bắc Kinh đang « chờ đợi Nhà Trắng có chính sách thương mại rõ ràng và trên cơ sở đó ông Tập Cận Bình mới bật đèn xanh cho các tiến trình thương lượng ». Dù vậy trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc và Hoa Kỳ có một lá chủ bài quan trọng cho phép đôi bên tránh được « kịch bản xấu nhất ». Đó là nhà máy lắp ráp ô tô điện khổng lồ của Tesla tại Thượng Hải mà chủ nhân là Elon Musk, cánh tay mặt của tổng thống Trump. Musk hiện được cho là nhân vật được lãnh đạo ở Nhà Trắng lắng nghe nhất hiện tại.Cho đến nay chủ tich Trung Quốc, Tập Cận Bình chỉ mới đích thân tiếp hai chủ doanh nghiệp Mỹ. Người thứ nhất là chủ tịch tổng giám đốc Apple Tim Cook và người thứ hai là ông chủ Tesla, người đang tham gia nội các Donald Trump.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Trí tuệ nhân tạo : Mỹ-Trung Quốc, hai chiến lược trước cùng một trận đấu

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Feb 4, 2025 9:26


Trung Quốc đã trở thành một « cường quốc về công nghệ tiên tiến », không chỉ « đi sau » Hoa Kỳ. Các tập đoàn Mỹ trông cậy vào sức mạnh của sự sáng tạo và đồng tiền để phát triển trí tuệ nhân tạo AI. Deepseek đang chứng minh rằng đó không là con đường duy nhất để đến đích. Viễn cảnh Bắc Kinh áp đảo thế giới với hàng rẻ low cost kể cả về công nghệ mới đặt Washington trong thế « bất an ». Washington vừa công bố kế hoạch « Stargate 500 tỷ đô la », một dự án đầu tư khổng lồ để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, logo con cá voi xanh Trung Quốc của Deepseek làm rung chuyển từ thung lũng công nghệ Silicon ở California đến tận sàn chứng khoán  Wall Street tại New York. Lý do « một phiên bản Trung Quốc của ChatGPT được cho là thông minh hơn, gọn nhẹ hơn và hiệu quả hơn » so với các công cụ của Mỹ.Bắc Kinh thách thức thung lũng công nghệ Silicon Những tên tuổi lớn ở thung lũng công nghệ California đã phải thừa nhận là với ứng dụng Deepseek, Bắc Kinh « đã tung một đòn lợi hại » trong trận chiến AI. Hiện tại còn rất nhiều những câu hỏi chung quanh công cụ « trợ giúp thông minh » của Trung Quốc, một công cụ tìm kiếm và hỗ trợ miễn phí, nhưng theo Daniel Andler, một nhà triết học và cũng là một nhà nghiên cứu về toán và khoa học người Mỹ, lịch sử đã chứng minh rằng, cứ mỗi lần mà một công cụ sản xuất, hay một dịch vụ không còn là một thứ xa xỉ phẩm mà trở thành một mặt hàng đại chúng thì đó là một sự « đảo lộn ».Trong trường hợp này, Deepseek đã mang lại nhiều sự đảo lộn cùng một lúc mà đầu tiên hết là một « bước đại nhẩy vọt của Trung Quốc về mặt kỹ thuật và giá cả ».Công ty khởi nghiệp ở Hàng Châu do doanh nhân còn trẻ tuổi Lương Văn Phong lập ra mới chỉ cách này 2 năm, đã trình làng một công cụ « hiệu quả tương đương, thậm chí là thông minh hơn » so với các đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ. Deepseek cũng đã được phát triển từ những thiết bị « thô thiển hơn » so với những gì mà các kỹ sư ở Mỹ đã có trong tay để « nuôi dưỡng trí tuệ nhân tạo ».Để có được « sản phẩm mới », căn cứ vào các thông tin chính thức của Deepseek, ứng dùng này chỉ cần chưa đầy 6 triệu đô la để phát triển. Trong khi đó Open AI với ChatGPT của Mỹ do tỷ phú Sam Altman điều hành phải đầu tư hơn 100 triệu đô la.« Hàng rẻ » higt tech Trung Quốc sẽ tràn ngập thế giới Với ứng dụng « thông minh » của Deepseek Trung Quốc có điều kiện để trở thành « công xưởng » của thế giới kể cả trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Guillaume Graillet, phóng viên của tuần báo Pháp Le Point phụ trách mục công nghệ cao, nói đến một sự « phục thù » của Bắc Kinh  « Đây là một sự phục thù, như ông Lý Khai Phục (Kai Fu Lee) một doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã dự báo trong một cuốn sách ông cho ra mắt độc giả đã từ khá lâu nay. Về trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, họ Lý đã trông thấy trước một ngày nào đó Trung Quốc sẽ vượt trội, nhờ mô hình mã nguồn mở -open source. Ngoài ra, thành công của Deepseek cũng là thất bại của các chính sách kềm tỏa công nghệ Trung Quốc phát triển mà chính quyền Biden đã theo đuổi và chắc chắn là tổng thống Trump sẽ còn mạnh tay hơn. Điểm thứ ba ở đây là Trung Quốc, trên nguyên tắc, đã phát triển ứng dụng thông minh từ những bọ điện tử không thuộc thế hệ tiên tiến nhất -thậm chí là bị chậm mất so với các đối thủ ở Mỹ đến 2 thế hệ về chip điện tử, vậy mà họ vẫn có những sản phẩm rất tốt. Điều này làm tôi liên tưởng đến trường hợp của Hoa Vi. Mỹ cũng đã tìm mọi cách để ngăn cản nhà cung cấp thiết bị viễn thông này phát triển, nhưng họ vẫn hoạt động rất tốt ở châu Phi và nhiều nơi trên thế giới ».Chiến lược của các doanh nghiệp Mỹ hết hiệu quả ?Gilles Babinet, đồng chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia về Công Nghệ Kỹ Thuật Số của Pháp nhấn mạnh nếu như Mỹ trông cậy vào những trung tâm xử ký dữ liệu cồng kềnh, mà tiêu biểu nhất là thông báo của Nhà Trắng đầu tư 500 tỷ đô la để xây dựng các « data center » khổng lồ, thì trái lại, Trung Quốc tập trung vào một mô hình « gọn và nhẹ » ít hao tốn năng lượng hơn.« Trung Quốc là yếu tố mới khuynh đảo chiến lược phát triển của các đại tập đoàn công nghệ cao ở Hoa Kỳ. Mỹ dựa vào sức mạnh của sự sáng tạo và của đồng tiền. Các ông chủ trong lĩnh vực high tech ở Mỹ chủ trương đầu tư thật nhiều tiền, lấy đó làm vũ khí để triệt hạ hết các đối thủ cạnh tranh. Họ chủ trương mở những trung tâm xử lý dữ liệu -data center khổng lồ để không một ai đủ vốn và đủ sức mở những data center khác to hơn là của Mỹ. Hoa Kỳ hiện trong giai đoạn xây dựng các data center kiểu này. Nhưng cần phải nói đây là các khoản đầu từ chưa thu về được lãi. Trong lúc mà Hoa Kỳ đầu tư biết bao nhiêu tiền của để mở các ‘nhà máy' xử lý data cực lớn, và cực mạnh thì Deepseek bắt mọi người phải giật mình : công ty khởi nghiệp này không cần những data center đồ sộ như của Mỹ mà vẫn có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả như các đối thủ Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy tiền bạc và khả năng huy động thật nhiều vốn không là những yếu tố quyết định duy nhất để phát triển » Yếu tố Mỹ trong sự thành công của Trung QuốcKhông được tiếp cận với các thiết bị hiện đại như Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có nhiều cách xoay xở khác nhau. Vẫn ông Gilles Babinet, thuộc Hội Đồng Quốc Gia về Công Nghệ Kỹ Thuật Số của Pháp cho rằng, vô hình chung, chính sách trừng phạt của Mỹ đã tạo lực đẩy cho những công ty Trung Quốc như Deepseek : « Mỹ áp dụng chính sách ‘lấy thịt đè người. Mang rất nhiều tiền ra để thiên hạ khiếp sợ. Không ai có điều kiện để đầu tư như Mỹ và do vậy họ chỉ đi theo sau và phải dựa vào các doanh nghiệp Mỹ. Sam Altman, chủ nhân Open AI từ một năm rưỡi nay đã loan báo cho ra đời những sản phẩm mới, nhưng vẫn chưa thấy ChatGPT thế hệ 5 xuất hiện trên thị trường. Trong khi đó thì công ty khởi nghiệp của Trung Quốc lại có những ứng dụng thông minh hiệu quả. Đây là một thành công về mặt khoa học, bởi vì Trung Quốc sử dụng một phương pháp khác để phát triển AI. Họ cũng bắt buộc phải đi tìm một con đường khác. Lý do là, dưới tác động của các chính sách trừng phạt Washington ban hành, các hãng Trung Quốc không tiếp cận được với các loại chip tiên tiến nhất. Bản thân nhà cung cấp thiết bị Nvidia, một tập đoàn của Mỹ đã thừa nhận rằng cấm xuất khẩu cho Trung Quốc cũng vô ích, bởi Trung Quốc có khả năng phát triển những ứng dụng hiệu quả từ những bọ điện tử không thuộc dòng ‘đẳng cấp' nhất. Deepseek chứng minh rằng dù chỉ được sử dụng chip đi sau đến 2 thế hệ so với các đối thủ ở Hoa Kỳ, trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vẫn lợi hại ».AI và vế địa chính trị Liệu rằng trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đang « xào lại » bàn cờ địa chính trị trên thế giới hay không khi mà ngay cả trong một lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như AI, theo sát nút Hoa Kỳ không phải là châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc mà lại là một công ty khởi nghiệp ít được biết đến của Trung Quốc.Charles Thibout, chuyên nghiên cứu về khía cạnh địa chính trị trong mảng công nghiệp kỹ thuật số, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp cho rằng còn quá sớm để kết luận là Trung Quốc đang làm thay đổi cục diện chiến trận AI :« Sự xuất hiện của công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là một điều đáng khích lệ về mặt sáng tạo và kỹ thuật. Tuy nhiên tôi không dám nghĩ rằng Deepseek làm thay đổi bàn cờ trong trận đấu về AI giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Với công cụ thông minh để hỗ trợ người sử dụng này, Trung Quốc đã có một bước ‘đại nhẩy vọt' để giành được một chỗ đứng ngang hàng với Mỹ trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Nhưng bước kế tiếp, chúng ta phải tìm hiểu xem công cụ này được sử dụng như thế nào, để dùng vào việc gì … Tất cả mới chỉ bắt đầu, chưa thể biết được Deepseek hữu ích đến đâu ».Hết thành kiến về vai trò của Đảng và sự sáng tạo ? Cũng chuyên gia Charles Thibout viện IRIS thận trọng cho rằng, trong các thông cáo chính thức của Trung Quốc về những thành tích vượt bực của ứng dụng Deepseek cũng có một phần yếu tố « tuyên truyền » để chứng minh rằng, không gì kềm tỏa được quyết tâm của Bắc Kinh trở thành một cường quốc công nghệ thời đại kỹ thuật số.Điều đó không cấm cản, sự trỗi dậy của Deepseek là một bằng chứng cho thấy rằng, chính sách kiểm duyệt của đảng Cộng Sản Trung Quốc không hoàn toàn bóp ngạt sức sáng tạo và khả năng đổi mới trong làng công nghệ cao của quốc gia này.  Về phía Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc từ lâu nay đã theo dõi sát tiến trình phát triển công nghệ cao của Trung Quốc kể từ khi quốc gia châu Á này đề ra mục tiêu làm chủ công nghệ « thông minh nhân tạo ».« Từ lâu nay Hoa Kỳ đã theo dõi sát tiến trình phát triển công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển AI. Năm 2014 Lầu Năm Góc đã có hẳn một chiến lược phát triển công nghệ tránh để bị Trung Quốc qua mặt về quân sự và trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Năm 2017 Bắc Kinh khởi động một kế hoạch quy mô để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong giai đoạn 2017-2025 hàng năm Trung Quốc đầu tư 70 tỷ đô la cho AI và từ khi đó AI trở thành một vấn đề về địa chính trị. Cũng 2017, ở Matxcơva ông Vladimir Putin giải thích quyền lực trên thế giới thuộc về quốc gia nào làm chủ công nghệ AI. Từ khi đó tất cả mọi người đều chú ý đến AI ». Trung Quốc và Mỹ chia nhau thị trường thế giới  Nói cách khác, không ai ngạc nhiên trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói riêng, trong thế giới « high tech » nói chung khi biết rằng từ hơn một thập niên qua, Bắc Kinh đã có hẳn chiến lược phát triển công nghệ cao.Chỉ riêng về AI, trong lúc tại Hoa Lục có hơn 4500 công ty chỉ tập trung phát triển các công cụ hỗ trợ thông minh thì Pháp hiện mới chỉ có từ 600 đến 800 star up mạo hiểm trong một lĩnh vực còn mới mẻ này.Một điểm nổi bật khác là vào lúc mà giới trong ngành chú ý vào những tiến bộ hay kế hoạch đầu tư của các tập đoàn lớn ở Trung Quốc như Baidu chẳng hạn thì những bước đột phá lại xuất phát từ những công ty nhỏ, ít được truyền thông nhắc tới. Cũng chính nhờ ít « nổi tiếng » nên những doanh nghiệp như Deepseek mới dễ xoay xở và thoát lưới trừng phạt của Hoa Kỳ.Cuối cùng, như bà Rebecca Arcesati, thuộc trung tâm nghiên cứu Merics của Đức chuyên về hồ sơ Trung Quốc ghi nhận « hiện tượng » Deepseek làm chính giới ở Washington rúng động bởi Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ kể cả trong những lĩnh vực mà đến nay Mỹ vẫn tự coi là « một mình một chợ ». Tâm trạng đó chắc chắn sẽ là củi lửa để các doanh nghiệp Mỹ và nhất là Lầu Năm Góc tăng tốc các chương trình phát triển « công nghệ thông minh » để tiếp tục thống lĩnh toàn cầu.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Bảo hộ mậu dịch : Trump và Harris "khác lọ cùng một nước"

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Nov 5, 2024 9:32


Có nguy cơ nhiều cuộc xung đột thương mại nổ ra trên thế giới. Vào lúc 240 triệu cử tri Hoa Kỳ bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm, điều chắc chắn duy nhất là thắng lợi sau cuộc bỏ phiếu ngày 05/11/2024 thuộc về bên đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ đi chăng nữa thì nước Mỹ vẫn duy trì xu hướng bảo hộ mậu dịch. Dưới hình thức này hay hình thức khác, chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai cũng sẽ tập trung các đòn thương mại vào Trung Quốc.   2024 sắp khép lại với cuộc bầu cử được coi là quan trọng nhất trên thế giới đang diễn ra tại Hoa Kỳ. Không một trung tâm dự báo nào dám đoán trước kết quả, nhưng giới phân tích đồng loạt cho rằng « những bất ổn về thương mại toàn cầu có khuynh hướng gia tăng sau cuộc bầu cử ngày 05/11/2024 ». Lý do, ứng cử viên bên đảng Cộng Hòa, Donald khai thác tối đa chiêu bài « tăng thuế hải quan để giữ công việc làm trên đất Mỹ, cho người Mỹ ». Ở góc đài bên kia, Kamala Harris đại diện cho đảng Dân Chủ, đã tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng muộn màn, chỉ khi tổng thống Biden tuyên bố bỏ cuộc. Nhưng đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris được cho là sẽ « tiếp tục chính sách » của ông Biden trong khá nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Do vậy không ít các nhà nghiên cứu vẫn so sánh cương lĩnh hành động của Trump với Biden/Harris.Trung Quốc và bảo hộ, mẫu số chung của Hoa Kỳ Một tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, Laurence Nardon, chủ nhiệm khoa nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI giải thích hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump như hai thái cực trên rất nhiều chủ đề liên quan đến xã hội của nước Mỹ, nhưng « Trung Quốc, thương mại, kinh tế » là những ngoại lệ và cả hai cùng chủ trương chấm dứt chính sách tự do mậu dịch.« Về phía Donald Trump, chính sách kinh tế tập trung vào việc ông tiếp tục khai thác giọng điệu bài Trung Quốc, chống đối các hiệp định tự do mậu dịch để mang các cơ xưởng trở lại Hoa Kỳ. Về điểm này có một sự tiếp nối giữa hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa. Đôi bên cùng muốn khép lại thời kỳ mà chính sách tự do mậu dịch và học thuyết tân tự do lên ngôi dưới, chu kỳ đó đã kéo dài từ thời tổng thống Ronald Reagan cho đến tận chính quyền Barack Obama (…) Có nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ lại bùng lên. Donald Trump tuyên bố ông sẽ đánh thuế 200 % vào hàng nhập từ Trung Quốc và Trump hoàn toàn có thể làm những gì ông nói như kinh nghiệm đã cho thấy hồi 2018. Tuy nhiên, đừng quên rằng cả bên đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chống đối chính sách tự do mậu dịch. Donald Trump thì xoáy vào các biện pháp áp thuế. Về phía bà Kamala Harris, ứng viên đảng Dân Chủ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp của Joe Biden có nghĩa là nếu đắc cử chính quyền Harris sẽ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ và đồng minh sang Trung Quốc ». Trump muốn đánh thuế « toàn thế giới »Trong các cuộc vận động tranh cử, Donald Trump thường xuyên dọa đánh thuế vào hàng nhập khẩu vào Mỹ nhưng các con số ông đưa ra thay đổi cùng với thời gian. Chuyên gia Laurence Nardon vừa nói đến 200 % đánh vào hàng Trung Quốc, nhưng chương trình vận động của bên đảng Cộng Hòa năm nay nói nhiều đến mục tiêu « áp thuế 10 % với tất cả các mặt hàng thâm nhập thị trường Mỹ, riêng với hàng của Trung Quốc thì sẽ bị đánh thuế tối tiểu 60 % ».Để kiếm phiếu của cử tri, chính sách bảo hộ của ông Trump dường như không chừa một ai. Ứng cử viên của bên đảng Cộng Hòa đã nhắm luôn cả từ Liên Hiệp Châu Âu - khối mà ông gọi là một « Trung Quốc thu nhỏ », đến các đồng minh Bắc Mỹ như Canada hay Mêhicô. Tại một cuộc vận động ở bang Bắc Carolina, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa hứa với cử tri ông sẽ « đánh thuế 25 % tất cả hàng nhập khẩu từ Mêhicô » sát cạnh. Ở một bang swing-state khác là Georgia, Trump thậm chí cho rằng, dưới sự dẫn dắt của ông, nước Mỹ trong thế mạnh để « giành lại » những công việc làm đã thất thoát ra nước ngoài :« Dưới sự điều hành của tôi, chúng ta sẽ cướp công việc làm của những nước khác. Tôi đề nghị chúng ta không chỉ ngăn chặn các doanh nghiệp dời cơ sở ra nước ngoài mà chúng ta còn tranh công việc của các nước khác. Có bao giờ quý vị nghe thấy điều này hay chưa ? Chúng ta sẽ giành lấy công việc làm của những nơi khác, mang về cho nước Mỹ, cho người Mỹ. (…) Chúng ta sẽ đánh thuế 100 % xe hơi sản xuất ở phía bên kia đường biên giới với Mêhicô và sẽ giải thích với Mêhicô rằng nếu muốn không bị đánh thuế hải quan, thì giải pháp duy nhất là mở nhà máy và sản xuất ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và các công dân Mỹ sẽ điều hành những nhà máy sản xuất đó. Các công xưởng sẽ phải được đặt ở đây, chứ không phải là ở Mêhicô dù chỉ cách đường biên giới một tấc đất ». Biden/Harris còn quyết liệt hơn với Trung Quốc  Về phía đảng Dân Chủ sau gần 4 năm ở Nhà Trắng, chính quyền Biden/Harris không làm gì nhiều để dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ của người tiền nhiệm Donald Trump. Chiến tranh thương mại ông Trump khởi động từ năm 2017 với Trung Quốc thậm chí có xu hướng « khốc liệt hơn » như phân tích của nhà địa chính trị François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược - FRS của Pháp trên đài phát thanh France Inter (hôm 31/10/2024) :« Đối với Hoa Kỳ, kẻ thù hiện nay trước hết là Trung Quốc vì đây là một đối thủ cạnh tranh (…) Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ có chung một tầm nhìn về Trung Quốc và cùng xem Trung Quốc là ưu tiên về mặt chiến lược của Hoa Kỳ. Đây là một sự thay đổi hết sức quan trọng trong chính sách của Washington. Thực ra, Joe Biden/Kamala Harris cứng rắn hơn Donald Trump rất nhiều với Trung Quốc và chính quyền Biden đã mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan. Về thương mại, bất luận chính quyền sắp tới thuộc về phe nào, Mỹ cũng sẽ tập trung đánh vào Trung Quốc. Khác biệt duy nhất là nếu trở lại cầm quyền, ngoài Trung Quốc ra, Donald Trump sẽ không ngần ngại nhắm luôn cả tới châu Âu ». Trong bài tham luận trên tạp chí chuyên về địa chính trị Le Grand Continent (24/04/2024), chuyên gia kinh tế Mỹ Erica York thuộc trung tâm nghiên cứu về chính sách thuế khóa Tax Foundation, trụ sở tại Washington, thậm chí cho rằng « phần lớn các biện pháp bảo hộ chính quyền Trump ban hành, đã được củng cố thêm dưới nhiệm kỳ của ông Biden ».Chính sách bảo hộ của bên đảng Dân Chủ nguy hiểm hơnTuy nhiên có một khác biệt lớn về « phương pháp » giữa hai đời tổng thống bên Cộng Hòa và Dân Chủ : nếu như Donald Trump thiên về việc tăng thuế hải quan thì Joe Biden/Kamala Harris khéo léo hơn, viện cớ vì mục tiêu dung hòa lượng khí thải carbon, Hoa Kỳ cần chuyển đổi sang một mô hình công nghiệp xanh và sạch để vừa trợ giá cho các tập đoàn của Mỹ. Khẩu hiệu của Joe Biden là « Bye American » ngay từ khi ông bước vào Nhà Trắng. Đạo luật IRA chống lạm phát, đạo luật Chip Act năm 2022 cũng như chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ hàng trăm tỷ đô la cũng chỉ theo đuổi một mục tiêu. Như phân tích của nguyên giám đốc Việt Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, bà Sylvie Matelly, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 2/2023 :« Đối với một công ty, mở nhà máy tại châu Âu tốn kém hơn, và điều đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ. Đơn giản là vì cuối 2022 chẳng hạn, giá năng lượng ở Mỹ chỉ bằng 1/4 so với tại châu Âu. Trong bối cảnh đó, mùa hè 2022, tổng thống Joe Biden ban hành đạo luật IRA - gọi là để chống lạm phát, nhưng đồng thời để giảm khí thải carbon. Trong kế hoạch này Hoa Kỳ trợ cấp cho người Mỹ mua ô tô điện, với điều kiện là xe phải được lắp ráp trên lãnh thổ Mỹ. Ngoài ngành công nghiệp ô tô điện, chính quyền Biden còn hỗ trợ để phát triển công nghệ sinh học, trợ giúp cho cả mảng công nghệ bán dẫn và rộng hơn nữa là các lĩnh vực thuộc công nghệ xanh. Các biện pháp này đã mang lại nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với Liên Âu mà điều hiển nhiên nhất là nhiều hãng tại châu Âu có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất hay đầu tư mạnh hơn vào Hoa Kỳ. Tất cả những quyết định của Joe Biden đặt nền tảng cho Hoa Kỳ trong một cuộc đối đầu với Trung Quốc, cho phép nước Mỹ dẫn đầu cuộc đua công nghệ so với quốc gia châu Á này ». Mỹ lo Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về công nghệNói cách khác, hai chính quyền Mỹ liên tiếp của bên đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sở dĩ dồn hỏa lực vào Trung Quốc cũng chỉ vì ông khổng lồ châu Á này đang thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ nhất là về mặt công nghệ cao, mà « tiến gần đến biên giới công nghệ cao », Bắc Kinh coi như đe dọa nền « nền tảng » của một nước Mỹ vẫn muốn thống trị toàn cầu. Do vậy giới phân tích cho rằng, Donald Trump ở nhiệm kỳ đầu chỉ mới chỉ « mở đường », khi đòi cấm cửa những tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc như Hoa Vi hay ZTE, Joe Biden còn mạnh tay hơn khi giới hạn các khoản giao dịch, đầu tư giữa các hãng của Mỹ và Trung Quốc. Washington, dưới nhiệm kỳ Biden, vận động và gây áp lực với các đồng minh của Mỹ như Hà Lan, Nhật Bản để phong tỏa các công ty high-tech của Trung Quốc.   Câu hỏi kế tiếp là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung đối phó với một đối thủ cạnh tranh (vừa là một sức mạnh kinh tế, và quân sự), liệu rằng chủ trương dùng chính sách bảo hộ để « trừng phạt », kể cả các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ (như Canada hay Mêhicô ở Bắc Mỹ và châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á) có là thượng sách hay không ? Giáo sư kinh tế Mary Lovely, đại học Syracus, bang New York, trả lời :« Để tăng cường khả năng cạnh tranh cho phép đương đầu với châu Á và nhất là Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần mở rộng tầm nhìn về chính sách phát triển kinh tế của toàn khối Bắc Mỹ, lôi kéo các nền kinh tế trong khu vực về phía Washington. Kinh nghiệm trong gia đoạn đại dịch vừa qua làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy là Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong khi đó, Canada có nhiều lá chủ bài trong tay, đặc biệt do đây là một quốc gia có nhiều tài nguyên, một nguồn sản xuất năng lượng và một nền công nghiệp vững chắc ».

TẠP CHÍ KINH TẾ
Châu Phi, sân chơi cho công nghệ mới và vũ khí Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Sep 10, 2024 9:32


Châu Phi không chỉ là kho dự trữ nguyên liệu cho Trung Quốc hay là nơi tiêu thụ hàng rẻ made in China mà còn là thị trường, phòng thí nghiệm của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới và công nghiệp quốc phòng. Diễn Đàn Hợp Tác FOCAC giữa Trung Quốc và Châu Phi 2024 vừa kết thúc. Là chủ nợ chính của châu Phi, Bắc Kinh cam kết « hỗ trợ tài chính » cho châu lục này 50 tỷ đô la cho ba năm sắp tới. Với trên 280 tỷ đô la tổng trao đổi mậu dịch hai chiều (năm 2023), Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng nhất của châu Phi. Từ hơn 20 năm nay thâm hụt mậu dịch của châu Phi với bạn hàng Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng rẻ cho 1,5 tỷ dân tại hơn 50 quốc gia châu Phi và đổi lại thì nhập khẩu nguyên và nhiên liệu từ châu lục này để nuôi cỗ máy sản xuất.Bắc Kinh cần châu PhiXavier Aurégan, đại học Công Giáo Lille, tác giả cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả năm nay « Chine, puissance Africaine - Trung Quốc, cường quốc tại châu Phi »- NXB Armand Colin, trên đài truyền hình Pháp France 24 nói rõ hơn :« Kinh tế và công nghiệp Trung Quốc rất cần nguyên liệu để sản xuất và cung cấp khoảng 10 % thành phẩm, vật liệu cho thế giới. Châu Phi là kho nguyên liệu và khoáng sản của nhân loại và do vậy đã thu hút chú ý của Bắc Kinh ».Nhưng Trung Quốc nay đã trở thành một nhà sản xuất hàng cao cấp như ô tô điện hay pin mặt trời… Trung Quốc cũng là nhà cung cấp các dịch vụ và thiết bị viễn thông tên tuổi trên thế giới, làm chủ công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công nghệ chế tạo xe lửa cao tốc và cả trong lĩnh vực quốc phòng. Đó là những lĩnh vực còn khó chen chân vào các thị trường phát triển của Âu Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản và Nga. Chỉ còn lại châu Phi, một châu lục với tiềm năng lớn. Tiếp đón trọng thể các lãnh đạo châu Phi tại Bắc Kinh vào tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ giữa nền kinh tế thứ 2 toàn cầu và châu Phi chưa bao giờ « lành mạnh như hiện tại ».Trả lời đài truyền hình Pháp-Đức, Arte, Valérie Niquet chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS nhắc lại 50 tỷ đô la được ông Tập Cận Bình thông báo « hỗ trợ tài chính châu Phi » cho ba năm sắp tới trước hết là số tiền Trung Quốc cho châu Phi vay mượn và Bắc Kinh đã ít hào phóng hơn nhiều so với quá khứ :  « Trước hết 50 tỷ đô la viện trợ là số tiền thấp hơn nhiều so với những diễn đàn FOCAC trước đây. Tại Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc-Châu Phi hồi 2018, Bắc Kinh cấp 60 tỷ đô la tín dụng cho châu Phi và tặng 60 tỷ cho châu lục này. (…) Kinh tế không còn tăng trưởng tốt như lúc trước, Trung Quốc không thể rộng rãi với các đối tác châu Phi, nhưng vẫn tiếp tục nhắm tới một số dự án trong lĩnh vực năng lượng, vào cơ sở hạ tầng… »Chuyên gia Xavier Aurégan đi sâu hơn vào chi tiết : Theo ông  thực ra trong số 50 tỷ đô la Bắc Kinh hứa viện trợ cho châu Phi trong ba năm sắp tới bao gồm 30 tỷ được cấp dưới dạng tín dụng, 10 tỷ dành để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại châu Phi và 10 tỷ đô la còn lại, thuần túy là tiền viện trợ. Nhưng phần lớn trong số 10 tỷ viện trợ này được dùng vào việc « thanh toán nợ hay trả tiền lãi cho chính các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc ».2 % tổng đầu FDI vào châu PhiMột đặc điểm mà Xavier Aurégan lưu ý trong cuốn « Trung Quốc, cường quốc châu Phi » là trái với điều mọi người lầm tưởng, Trung Quốc đầu tư không nhiều vào châu Phi. Tại châu lục này, đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm có 2 % FDI trong lúc tỷ lệ này là 63 % tại châu Á và 5 % ở châu Âu. Điều đó chứng tỏ, trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, châu Phi không là một điểm đến an toàn, mà chỉ là một nguồn cung cấp nguyên liệu, một thị trường mua vào hàng hóa « made in China ».Như Valérie Niquet vừa nêu, do tăng trưởng bị chựng lại, Trung Quốc đang khóa dần van tín dụng với các nước châu Phi. Các số liệu chính thức của nước này cho thấy năm 2016 Trung Quốc cho châu Phi vay 28 tỷ đô la, năm 2019 châu Phi chỉ còn nhận được 8 tỷ tín dụng, và đến 2022 thì chỉ còn có thể vay được 1 tỷ đô la của Bắc Kinh mà thôi.Tiêu thụ nội địa yếu kém, sản xuất dư thừa : đó là những lý do khiến Bắc Kinh lại càng « rất cần » châu Phi như Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp IRIS ghi nhận, đặc biệt là vào thời điểm mà Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Hoa Kỳ « từng bước đóng cửa thị trường với Trung Quốc » : Châu Phi trở thành một thị trường tiềm năng để tiêu thụ pin mặt trời, bình điện và ô tô điện mà Trung Quốc không thể bán sang Âu Mỹ.Châu Phi và nhu cầu tiêu thụ hàng cao cấpVào lúc trang thiết bị viễn thông của Hoa Vi đã bị cấm cửa tại Hoa Kỳ và một số nước trong Liên Âu thì tập đoàn này phải đi tìm những thị trường khác, với những nhu cầu khác về chất lượng, về mức cung cấp dịch vụ … Châu Phi vẫn cần phát triển các hệ thống cầu đường, cần có thêm cơ sở hạ tầng để mở mang kinh tế. Chuyên gia Valérie Niquet ghi nhận một thay đổi lớn về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi :« Đúng là Trung Quốc đã đáp ứng những nhu cầu thực sự của châu Phi vào thời điểm mà châu lục này bị phương Tây bỏ quên. Nhất là sau chiến tranh lạnh, không còn mấy ai thiết tha với châu Phi hay quan tâm đến nhu cầu phát triển của khu vực này nữa. Dù vậy Trung Quốc chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho họ. Những lĩnh vực đó gồm công nghệ viễn thông, đường sắt cao tốc … Giờ đây thì Bắc Kinh kỳ vọng rằng châu Phi là thị trường tiêu thu pin mặt trời, ô tô điện, bình điện … mà Trung Quốc sản xuất ».Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 chuyên gia địa chính trị Xavier Aurégan có cùng quan điểm đồng thời ông nhấn mạnh đến mảng dịch vụ mà các tập đoàn Trung Quốc từ nhiều năm nay đã hướng tới :« Trung Quốc dè dặt trong việc đầu tư vào châu Phi vì sợ rằng châu lục này có nhiều rủi ro, nhưng đã đẩy mạnh các hoạt động về thương mại với châu lục này và nhất là giành được nhiều hợp đồng bảo đảm dịch vụ cho châu Phi. Về kinh tế, mục tiêu của Bắc Kinh là gặt hái được nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ ở hải ngoại (...) Có một sự khác biệt giữa các khoản xuất nhập khẩu và các hợp đồng bảo đảm dịch vụ do các công ty Trung Quốc tiến hành. Đó là những công ty Nhà nước hay của tư nhân. Tại châu Phi, Trung Quốc giành được 1 phần 3 các hợp đồng xây dựng, tức là nắm giữ một phần lớn của toàn thị trường, xây dựng từ hải cảng đến xa lộ, bệnh viện, trường học … cho châu lục này ».« Rế rách cũng đỡ nóng tay »Trong những lĩnh vực công nghệ mới Trung Quốc đã vươn lên thành một cường quốc, và đang cần xuất khẩu những sản phẩm cao cấp. Châu Phi không chỉ là thị trường mua vào quần áo, hay tủ lạnh, máy vi tính của Trung Quốc, mà nay đã có điều kiện để nhắm tới ô tô điện hay mua vào thiết bị viễn thông cung cấp các dịch vụ internet trên cả một châu lục rộng lớn… Năm 2023 số lượng ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi đã được nhân lên gấp ba lần so với hồi 2022. Pin mặt trời « made in China » bán sang châu Phi tăng 57 % … theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc. Đương nhiên trong những địa hạt này, châu Phi không đủ « lớn » hấp dẫn như các ở châu Âu hay châu Mỹ nhưng đó là những giải pháp tạm thời cho phép cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục sản xuất và tạo công việc làm cho người lao động Trung Quốc.Thị trường vũ khí của các nhà sản xuất Trung QuốcBên cạnh mảng « hàng công nghệ cao » châu Phi còn là « một sân chơi » của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc. Báo Hồng Kông South China Morning Post tháng 8/2023 ghi nhận Norinco, tập đoàn sản xuất vũ khí số 1 Trung Quốc « mở văn phòng đại diện » tại Senegal, trước khi « hiện diện thường trực » ở Mali, Côte d'Ivoire và nhiều nơi khác nữa tại Tây Phi.Riêng trong vùng châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara, Trung Quốc đứng thứ nhì trong danh sách các nguồn cung cấp cho khu vực này. Năm 2023 Cộng Hòa Dân Chủ Congo trang bị drone của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã cung cấp không ít chiến dấu cơ cho châu Phi theo thông tin từ tạp chí ADF chuyên theo dõi các hồ sơ quân sự, quốc phòng tại châu Phi.Zambia hiện đã trang bị trực thăng Trung Quốc, Soudan thì mua các hệ thống phóng rocket của Trung Quốc. Algérie là khách hàng quan trọng nhất của Bắc Kinh trên các thị trường mua bán vũ khí, đứng trên Tanzania, Maroc và Soudan.Một nhà quan sát ghi nhận : Từ đầu thập niên 1980 Trung Quốc không trực tiếp tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào, nhưng nền công nghiệp quốc phòng của nước này không ngừng phát triển. Châu Phi là « sân chơi », là « phòng thí nghiệm » cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng về ngoại giao và chiến lược của Bắc Kinh đối với châu lục này vào lúc mà Bắc Kinh muốn hình thành một trật tự thế giới mới và lãnh đạo « khối các nước phương nam ».Tất cả các yếu tố vừa nêu cho thấy, có lẽ ông Tập Cận Bình đã thành thật khi tuyên bố bang giao giữa Bắc Kinh và châu Phi « chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại ».

VOV - Việt Nam và Thế giới
Tin trong nước - Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk dâng hương, hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh

VOV - Việt Nam và Thế giới

Play Episode Listen Later Apr 26, 2024 1:15


 - Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5-/024), sáng nay (26/4), lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, các lực lượng vũ trang tỉnh đến đặt vòng hoa, dâng hương viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Chủ đề : đắc lắc, dân hương --- Support this podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/vov1tintuc/support

TẠP CHÍ KINH TẾ
« Tách rời khỏi Trung Quốc »: Trump và Biden đều thất bại

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 5, 2024 9:37


Các dự phóng đều báo trước: Donald Trump và Joe Biden sẽ gặp lại nhau trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024. Có rất nhiều khác biệt giữa hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân chủ, ngoại trừ mối lo ngại kinh tế và thương mại của Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ở Nhà Trắng, cả hai cùng nỗ lực « tách rời khỏi » Trung Quốc, nhưng gần 8 năm qua, hai đời tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đều đã « thất bại ». Vì sao ? Tổng thống Joe Biden tranh cử nhiệm kỳ hai với ít nhất một thành tích rõ ràng : Nhập siêu của Mỹ năm ngoái thấp nhất kể từ đầu thập niên 2020. Xuất khẩu tăng so với 2022, trái lại nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giảm 3,6 %. Điểm nổi bật thứ nhì là Trung Quốc đánh mất danh hiệu đối tác thương mại số một của Mỹ, bị Mêhicô qua mặt. Mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ cùng sụt giảm trong năm 2023 so với 12 tháng trước đó.Decoupling để rồi lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc ?Theo thống kê của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, nhập khẩu với bạn hàng Trung Quốc từ 2017 đã giảm đi 1/3. Cứ trên 100 đô la hàng nhập vào Mỹ, thì chỉ có 14 đô la hàng của « công xưởng lớn nhất trên thế giới ». Cả hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ và Cộng Hòa đều khoe đấy là công lao của mình.Không thể phủ nhận là Washington đã thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh nhờ các biện pháp trừng phạt và áp thuế nhập khẩu chính quyền Donald Trump ban hành từ 2018 và đã được chính quyền Joe Biden duy trì. Nhưng như tuần báo Anh The Economist hôm 27/02/2024 ghi nhận : sẽ là một sai lầm nếu vội vã kết luận Mỹ thành công trong việc « cai nghiện hàng made in China ».Tại sao cả Trump và Biden đều thất bại trong việc giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ? Giới quan sát đồng loạt trả lời : Dân Mỹ vẫn ưa chuộng và vẫn cần hàng rẻ của Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Về tài chính, cho đến nay Bắc Kinh vẫn là một chủ nợ chính của Hoa Kỳ, nắm giữ 1200 tỷ đô la công trái phiếu của Mỹ. Về công nghệ cao, những tên tuổi như Hoa Vi hay ZTE của Trung Quốc vẫn vừa là nỗi ám ảnh, vừa là những« miền đất hứa » với nhiều tập đoàn công nghệ cao của Hoa Kỳ. Cần thận trọng với các thống kê  Điều đầu tiên buộc độc giả thận trọng là khác biệt về thống kê hải quan của Trung Quốc và Mỹ liên quan đến cùng một thời kỳ. Bắc Kinh xác nhận tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 30 tỷ đô la so với tài khóa 2022. Trái lại nhìn từ phía Mỹ, hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ giảm 100 tỷ đô la. Vậy biết tin ai bây giờ ?Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém. Căn cứ vào các số liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, năm 2017, tức là trước khi chính quyền Trump ban hành các biện pháp áp thuế hàng Trung Quốc, để tạo ra một đô la của cải cho nước Mỹ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng 0,41 % hàng Trung Quốc. Năm 2022, tỷ lệ này đã bị đẩy lên tới 1,06 %. Điều đó đơn giản cho thấy là Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Tệ hơn nữa, ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ ở Hoa Kỳ, dường như « các hãng Mỹ ngày càng phụ thuộc vào bản quyền hiện đang do một số công ty Trung Quốc nắm giữ ».Lý do thứ ba là, cho đến hiện tại, không một dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đầu hàng, nhượng bộ, hay sẵn sàng chia sẻ vị trí chiến lược và then chốt của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc họp Hội Đồng Kinh Tế tháng 12/2023, Bắc Kinh đã nhắc lại xuất khẩu là một ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia. Các ngân hàng nhà nước được chỉ thị huy động tín dụng từ trước đến nay dành để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và địa ốc cho khu vực xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, The Economist báo trước là rồi đây hàng của Trung Quốc sẽ còn tràn ngập thị trường quốc tế mạnh hơn nữa, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng xanh. Mỹ tiếp tục là một điểm tiêu thụ chính.Một mô hình thương mại đường vòngTháng 8/2023 cũng tuần báo The Economist đã ghi nhận liên hệ về thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên « chặt chẽ hơn bao giờ hết », cho dù Trung Quốc không còn là bạn hàng số 1 của Mỹ.Hai đời tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden trên thực tế đã chỉ « vẽ lại » một bản đồ thương mại mới mà ở đó hai cực chính vẫn là Mỹ và Trung Quốc, nhưng thay vì hai siêu cường kinh tế này trao đổi trực tiếp với nhau thì họ đã « đánh đường vòng » đi qua một loạt các trung gian như Ấn Độ, Mêhicô, Đài Loan, hay Việt Nam.Vào lúc nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc giảm, thì trái lại cán cân thương mại của Mỹ với từ Mêhicô đến Việt Nam hay Đài Loan đã bị thâm hụt nhiều hơn và Mỹ đã mua vào những sản phẩm mà Trung Quốc bán nhiều hơn cho Việt Nam hay Đài Loan, Ấn Độ … Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hồi tháng 11/2023 sau cuộc gặp rất được chờ đợi giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn Đàn APEC tại San Francisco, kinh tế gia Jean Paul Chang nhấn mạnh : Mục tiêu decoupling mối liên hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới như Donald Trump và Joe Biden đề xuất là điều không tưởng :« Cắt đứt liên hệ tài chính là điều bất khả thi. Người ta có thể viện lý do an ninh quốc gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, để kềm chế đối phương, nhưng chúng ta biết rõ là mỗi biện pháp trừng phạt đó lại càng thúc đẩy bên bị trừng phạt tìm ra những ngõ thoát mới. Nghịch lý ở đây là, càng bị Mỹ kềm tỏa, Bắc Kinh lại càng tăng tốc đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn và hight tech. Trung Quốc hào phóng hơn nữa trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo nhiều kỹ sư và cả một đội ngũ chuyên gia, khoa học …. Nói cách khác, nếu như có một sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với công nghệ cao, thì lập tức các bên liên quan sẽ tìm cách để thích nghi với tình huống ».    Nhà báo Pierre Antoine Donnet của báo mạng chuyên về châu Á Asialyst giải thích thêm : « Tách rời khỏi nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, hiểu theo đúng nghĩa của nó, là điều hoàn toàn không thể làm được, do các nền kinh tế trên thế giới giờ đây đã đan kết quá chặt chẽ với nhau, đặc biệt là về công nghệ cao. Tuy nhiên, Bắc Kinh lẫn Washington đều đã có một sự uyển chuyển, khi thay thế cụm từ tách rời khỏi nhau –decoupling, bằng derisking, tức là giảm thiểu rủi ro. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen là người đưa ra khái niệm này và Hoa Kỳ đã xem đó là một sáng kiến hay. Derisking có nghĩa là trước khi ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài, cần cân nhắc về những ‘rủi ro' bị sao chép, rủi ro về tác quyền, rủi ro công nghệ hay sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể bị đối phương sử dụng vào những mục tiêu quân sự … Như vậy có nghĩa là trước khi hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài, cần nghiên cứu và tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra».  Nhưng liệu Mỹ có thể yêu cầu một doanh nghiệp « nghiên cứu », cân nhắc các rủi ro hay không? Đừng quên rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là kiếm lời. Vế an ninh quốc gia tuy quan trọng, nhưng không chắc đó là ưu tiên số một của các doanh nhân Mỹ, như chủ nhân hãng xe Tesla, hay các nhà sản xuất trang thiết bị điện tử. Cũng trong cuộc trả lời trên đài truyền hình France24 tháng 11/2023, nhà nghiên cứu Mathilde Velliet, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, đang công tác tại Washington, đã đặt quan hệ Mỹ-Trung ở một góc độ khác : « Bối cảnh hiện nay là một cuộc cạnh tranh rất gay gắt về công nghệ và thực tế đó sẽ còn kéo dài. Thậm chí là cuộc đọ sức có phần gia tăng cường độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mỗi bên sẽ mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt, cấm đoán, hạn chế các hoạt động của đối phương. Tại Washington chúng ta thấy, tháng 10/2022 chính quyền Biden đã ban hành lệnh cấm nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Đúng một năm sau, chính phủ Mỹ mở rộng thêm danh sách này. Hơn nữa, từ nhiều năm nay Mỹ kiểm soát đầu tư của Trung Quốc vào thị trường nội địa, nhưng từ tháng 8/2023, Nhà Trắng ban hành quyết định kiểm soát luôn cả một số dự án đầu tư của các tập đoàn Mỹ sang Trung Quốc, tránh để công nghệ của Mỹ rơi vào tay Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. ( …) Mục tiêu của chính quyền Biden là « bình thường hóa » tất cả những đòn kềm tỏa đó trong bang giao song phương. Tức là Mỹ vẫn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng cũng sẽ tiếp tục ban hành các biện pháp trừng phạt và hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty của hai nước. Về mặt chính trị, trong bối cảnh bầu cử tổng thống 2024, không ai dám mạo hiểm thay đổi lập trường đó, tức là Mỹ sẽ tiếp tục tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc ».Biden và Trump giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng qua kênh kinh tế ?Vẫn báo The Economist tháng 8/2023 lưu ý độc giả rằng chính sách trừng phạt Trung Quốc do hai tổng thống Trump và Biden tiến hành dẫn đến hệ quả là « một phần lớn các nước ở châu Á, Mêhicô và ở một số nơi khác tại châu Âu nhập nhiều hơn hàng của Trung Quốc và qua đó trở nên thân thiện hơn với Bắc Kinh ». Đó cũng là một kênh giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.Cách nay 5 năm, trong một chương trình truyền hình của kênh France 5, Alice Ekman, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và điều hành khoa châu Á Viện Nghiên cứu về an ninh châu Âu, đã thấy trước là, càng bị Âu Mỹ trừng phạt, Trung Quốc càng tăng cường quan hệ với Nga :« Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau từ 2014 sau khi Matxcơva bị trừng phạt vì thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina. Vladimir Putin bắt đầu chính sách ‘đông tiến' từ đấy. Nhưng rồi Matxcơva liên tục đẩy mạnh hợp tác về năng lượng với Trung Quốc và cũng chờ đợi đón nhận đầu tư của nước này đặc biệt là về công nghệ cao. Trên các hồ sơ lớn về thời sự quốc tế như Syria hay về Biển Đông, tầm nhìn của Nga và Trung Quốc không đối chọi với nhau. Đôi bên cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, trong vùng Biển Baltic hay ở Biển Đông : Trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc hoàn toàn không bị cô lập như chính quyền Donald Trump mong muốn. Nhưng đây không chỉ có cuộc chiến thương mại, Washington và Bắc Kinh còn đối đầu nhau trên nhiều mặt trận khác và cần theo dõi tình hình ở những điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á ».

Chuyện Mekong
Cảm hứng Mekong: Phan Khắc Huy và hành trình lan tỏa lịch sử, tinh hoa Việt

Chuyện Mekong

Play Episode Listen Later Dec 11, 2023 11:39


Ham đọc sách, mê đi thực nghiệm, khiêm cung và mong muốn lan tỏa kiến thức, giá trị truyền thống - đó là những phẩm chất dễ nhận thấy ở chàng trai Phan Khắc Huy (sinh năm 1987, quê ở Tiền Giang). Bước ngoặt cuộc đời của Phan Khắc Huy có lẽ là vào thời điểm năm 2011 khi anh quyết định từ bỏ ngành Y sau hơn 5 năm theo học tại ĐH Y Dược TP. HCM. Anh cho biết mình không thích hợp với nghề y nên đã quay trở lại sở thích cá nhân là thích đi, đọc sách, thích kể về lịch sử, văn hóa và ký ức đô thị. Chấp nhận lại mọi thứ từ đầu: học, đọc, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, tranh thủ từng cơ hội để gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ… Từ năm 2012, anh Huy khởi động các dự án giáo dục phi lợi nhuận cho lĩnh vực mình yêu thích, trong đó khai thác sâu về nghệ thuật cổ truyền của Nam Bộ. Bắt đầu từ Thư Quán Cội Việt do anh sáng lập đến dự án Đối thoại văn hóa cộng đồng và hiện nay là Vang vọng trống chầu, Phan Khắc Huy luôn miệt mài tiếp thu và lan tỏa những kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Nam Bộ.

SBS Vietnamese - SBS Việt ngữ
Cao Niên Vui Sống - Hội Cao Niên Văn Hoá Việt

SBS Vietnamese - SBS Việt ngữ

Play Episode Listen Later Dec 6, 2023 19:47


Một hội cao niên có tên khá đặc biệt, đó là Hội Cao Niên Văn Hoá Việt với tiếng Anh là Vietnamese Senior Cultural Association, viết tắt là VSCA. Hội đã thành lập từ năm 2013 và mới đây đã kỷ niệm 10 năm thành lập. Vì sao Hội nầy có tên là Văn Hoá Việt, chứ không phải như các hội cao niên ở các địa phương khác nhau?. Sinh hoạt của hội ra sao?. Bà Vũ Ngọc Yến OAM là Hội trưởng cho biết về sinh hoạt của hội như thế nào.

sinh oam vsca hoa vi
TẠP CHÍ KINH TẾ
Mạng cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương : Nga mời Trung Quốc nhập cuộc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Nov 7, 2023 9:48


Thế giới rồi đây sẽ sử dụng Internet của Trung Quốc ? Trong cuộc chiến về công nghệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc được Nga hậu thuẫn để xây dựng hệ thống cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương, thực hiện tham vọng Con Đường Tơ Lụa Mới Digital. Trong thời đại công nghệ số và các hoạt động gián điệp phổ biến, để mở rộng ảnh hưởng và thay thế Mỹ làm chủ mạng internet toàn cầu trong thế kỷ 21, Bắc Kinh muốn kiểm soát « xa lộ thông tin » từ Bắc Cực. Vì sao Bắc Cực trở thành một mặt trận trong cuộc chiến công nghệ digital Mỹ -Trung ? Bắc Kinh tính toán những gì và đã được Nga hậu thuẫn như thế nào ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về hệ thống cáp quang dưới lòng biển, Michael Delaunay, giảng dậy tại đại học Versailles - Saint Quentin en Yvelines trả lời các câu hỏi trên. Các công trình nghiên cứu của giáo sư Delaunay tập trung vào Bắc Cực và ông là tác giả bài tham luận mang tựa đề : Con Đường Tơ Lụa Kỹ Thuật Số, công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, kể cả tại Bắc Cực. Bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế - Tập 51, số 1/2020.NATO cần « chuẩn bị trước khả năng xung đột vũ trang dấy lên ở Bắc Cực (…) Đáng lo ngại trước sức cạnh tranh và tiến trình quân sự hóa càng lúc càng mạnh trong khu vực, đặc biệt là từ phía Nga và Trung Quốc ». Chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đô đốc Rob Bauer đã đưa ra lời cảnh báo này nhân hội nghị Hội Đồng Bắc Cực 19-21/10/2023 tại Iceland.Trước mắt, từ 2015 và nhất là từ 2018, Bắc Cực đã trở thành một ưu tiên của Trung Quốc trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng toàn cầu vì « lợi ích kinh tế, an ninh, quân sự và địa chính trị ».Hai năm sau khi thông báo khai sinh kế hoạch kết nối Hoa Lục với năm châu trong khuôn khổ chương trình Một Vành Đai, Một Con Đường BRI, hay còn được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới Thế Kỷ 21, Bắc Kinh đã định hình luôn cả một BRI Digital mà Bắc Cực là một « mắt xích trọng yếu ». Tham vọng kết nối nước đông dân nhất địa cầu với toàn thế giới trong thời đại công nghệ số đã được chính thức hóa khi Trung Quốc công bố « Sách Trắng về Bắc Cực » năm 2018.Một vùng đất còn « trinh nguyên », một cơ hội bằng vàngCó rất nhiều lý do để Trung Quốc quan tâm đến Bắc Cực.Vì những khó khăn cả về kỹ thuật lẫn tài chính, Mỹ và Canada đã để lỡ nhiều cơ hội đầu tư vào hệ thống cáp quang dưới lòng biển, xuyên Bắc Băng Dương. Nga đã nhiều lần huy động các nước trong vùng như Phần Lan để cùng phát triển mạng internet qua các đường dây cáp vùi dưới đại dương, nhưng rồi các đối tác lệ thuộc vào nhà nước Nga « kẹt tiền vốn đầu tư ».Đây là thời cơ để Trung Quốc thúc đẩy nhiều dự án trong vùng Bắc Cực, đứng đầu là kế hoạch « xa lộ digital 100 % made in China » Arctic Connect.Giáo sư Michael Delaunay, thuộc đại học Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines, nhấn mạnh : Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ cáp quang, nhưng thị trường đang bị ba tập đoàn của Pháp, Mỹ và Nhật Bản là ASN, TESubCom và NEC thống lĩnh. Bắc Cực là cơ hội để một chi nhánh của Hoa Vi là HMN vươn lên.Điểm thứ nhì, khác với điều mà đại chúng lầm tưởng, cột sống của mạng internet trên thế giới ngày này không phải là các hệ thống vệ tinh, mà chính là « mạng nhện cáp quang dưới lòng biển » và đó là những « cơ sở hạ tầng mang tính sống còn » đối với an ninh, kinh tế của một quốc gia. Bắc Cực hiện nay là nơi mà hệ thống « mạng nhện dưới lòng biển này còn thưa thớt » và chỉ cần « kết nối được khu vực này » với các mạng hiện có ở Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương là đủ để « kiểm soát những trục xa lộ có tới 70 % dân số địa cầu sử dụng ».Nhược điểm của Trung Quốc là không có lý do chính đáng để chen chân vào Bắc Cực, nhưng Bắc Kinh lợi dụng sự lơ là của Mỹ và Canada với công nghệ cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương, đồng thời khai thác mối bang giao càng lúc càng hữu hảo với Matxcơva, vào lúc mà các dự án của Nga mất cả hai mươi năm vẫn không cất cánh.    Michael Delaunay : « Hiện tại có hai chiến lược khác hẳn nhau : Mỹ thì chủ yếu trông cậy vào các mạng vệ tinh, đặc biệt là để cung cấp thông tin cho quân đội trong khu vực này và nhất là trong nhiệm vụ giám sát các hoạt động ở Bắc Cực. Trái lại, về phía Nga, họ cũng sử dụng vệ tinh, nhưng từ lâu nay Matxcơva chủ trương phát triển mạng cáp quang xuyên Bắc Băng Dương. Một trong những chương trình gần đây nhất của Nga hoàn toàn do nhà nước tài trợ, mang tên Polar Express, đã bị đóng băng từ khi Matxcơva khởi động chiến tranh Ukraina. Liên Bang Nga không che giấu rằng mạng cáp quang này không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế ở Bắc Cực, mà còn nhằm phục vụ các quyền lợi chiến lược của nước Nga và nhất là để các căn cứ quân sự của Nga ở khu vực phía Bắc này dễ dàng liên lạc với nhau ». Xa lộ thông tin, công cụ do thám Trong bài tham luận năm 2020 về tham vọng « công nghệ kỹ thuật số » của Trung Quốc tại Bắc Cực, giáo sư Michael Delaunay đã nhắc lại Edward Snowden 10 năm trước đây từng tiết lộ Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ NSA do thám ngay cả các nước đồng minh bằng cách « len lỏi » vào đường dây cáp dưới lòng biển. Chính ưu thế đó của Washington đã khiến Trung Quốc muốn noi gương Mỹ, áp đặt các chuẩn mực và luật chơi của họ trong thế giới công nghệ số.Năm 2015, truyền thông quốc tế liên tục phát hiện các hoạt động « mờ ám » của tàu Nga gần các hệ thống cáp quang của phương Tây. Điều này càng làm lộ rõ tầm mức quan trọng và tính chiến lược của các hệ thống liên lạc thông tin dưới lòng biển.Michael Delaunay : « Cho đến cách đây hai năm, ít mấy ai quan tâm đến hệ thống cáp quang. Đa số vẫn nghĩ rằng mạng internet hoạt động là nhờ qua vệ tinh. Bây giờ thì khác và chúng ta ý thức được tầm mức quan trọng của hệ thống cáp dưới lòng biển. Từ  khoảng năm 2015 nhiều quốc gia, trong đó có Nga và Trung Quốc, đã quan tâm đến hệ thống cáp quang, đến tất cả hạ tầng cơ sở cần thiết và mọi người nhận thấy rất dễ phá hoại các đường dây cáp đó. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất hiện nay là cáp quang có thể bị cắt đứt do các hoạt động đánh bắt xa bờ và công nghiệp khai thác kim loại hiếm ở đại dương. Đây là những mối đe dọa hàng đầu. Ngoài ra, bản thân những ống cáp càng lúc càng được trang bị những bộ phận thông minh để phát hiện tàu thuyền, tàu ngầm lai vãng gần đó. Như vậy cáp quang trở thành một công cụ để giám sát và chính chức năng mới này được giới quân sự quan tâm, nhất là ở những khu vực có nhiều tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân của Nga, Anh, Pháp và Mỹ qua lại ».Vậy làm thế nào để bảo vệ « mạng nhện dưới nước » thiết yếu cho hệ thống internet của thế giới đó ? Michael Delaunay : « Làm thế nào bảo vệ hệ thống cáp quang là câu hỏi đáng giá hàng tỷ euro ! Các trang thiết bị thông tin dưới lòng biển rất đắt tiền, khâu bảo trì cũng rất tốn kém. Khi bị hư hại, do cố ý hay vô tình, để sửa chữa hư hại, người ta phải điều tàu ra hiện trường và mỗi lần như vậy là tốn hàng triệu euro. Chúng ta có nhiều cách để bảo vệ các đường dây cáp : một là tăng cường các phương tiện tuần tra, nghĩa là huy động nhiều tàu giám sát hơn, hay dùng drone biển, dùng các phương tiện giám sát qua vệ tinh. Giải pháp thứ nhì có thể là chia sẻ thông tin, hay một số quốc gia có cùng lợi ích thay phiên nhau tuần tra gần những tuyến đường huyết mạch. Một giải pháp khác là sử dụng công nghệ thông minh, trang bị các bộ cảm biến cho các đường dây cáp để sớm phát hiện những mỗi nguy hiểm có thể tới gần và đây cũng là một hình thức răn đe tránh khỏi những hành vi thù nghịch ».Ngần ấy những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng mở rộng dự án Con Đường Tơ Lụa Mới sang lĩnh vực digital trên bộ, trên biển. Trong kế hoạch này, Bắc Kinh biết là phải ưu tiên hướng tới cực bắc của trái đất và trong bài toán đó, Trung Quốc « đã có được những điểm tựa quý giá » : Michael Delaunay : « Trung Quốc từ lâu nay đã rất quan tâm đến Bắc Cực và đã công bố Sách Trắng Về Chính Sách Bắc Cực. Trong tài liệu này, Bắc Kinh tự nhận là một "quốc gia láng giềng" với cực Bắc của Trái đất. Trung Quốc đầy tham vọng với khu vực này, nhưng cho tới nay mới chỉ hiện diện trong khuôn khổ các chương trình khảo sát khoa học. Thực ra Trung Quốc dòm ngó đến tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực vùng thuộc chủ quyền của Nga và cũng muốn khai thác các tuyến đường giao thương qua ngả này. Trong lĩnh vực công nghệ cáp quang, Trung Quốc muốn hiện diện trong dự án của Nga (thực ra ban đầu đây là một dự án hợp tác giữa Nga với Phần Lan, nhưng đó là chuyện trước khi xảy ra chiến tranh Ukraina). Matxcơva mời Bắc Kinh tham gia vào dự án xây dựng hệ thống cáp quang ở Bắc Cực. Trung Quốc sẵn sàng tài trợ cho dự án này nhưng với điều kiện là phải được quyền áp đặt công ty đặc trách về dự án và  phải sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Đây được coi là vế digital của chương trình Con Đường Tơ Lụa. Nga đã mở cánh cổng Bắc Cực cho Trung Quốc và một trong những dự án quan trọng nhất liên quan đến kế hoạch thiết lập mạng cáp quang dưới lòng đại dương. Chính là nhờ Nga mà Trung Quốc đã dễ dàng có được chỗ đứng trong Hội Đồng Bắc Cực, tăng cường hiện diện tại khu vực này. Bắc Kinh rất năng động trong vùng, đặc biệt là trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và các dự án phát triển kinh tế ». Thực ra Nga không phải là bên duy nhất mở cổng cho Trung Quốc bắt rễ vào Bắc Cực. Canada và một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy cũng đã dễ dàng mời Bắc Kinh tham gia vào các công trình đầu tư. Thế nhưng tiếng nói của Matxcơva có trọng lượng hơn cả để Trung Quốc trở thành quan sát viên Hội Đồng Bắc Cực và được quyền điều tàu khảo sát đến khu vực.Dự án Arctic Connect nằm trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Digital, một sáng kiến hoàn toàn thuộc về Trung Quốc và đang được xem là một trong những kế hoạch có « cơ sở khá vững chắc » nhất.Nếu như trong tương lai hệ thống cáp quang Kết Nối Bắc Cực hoàn tất, cầm chắc Trung Quốc là « chủ nhân của mạng internet toàn cầu », thỏa mãn tham vọng « mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh đến tận Bắc Cực ». Nhưng hơn thế nữa, Arctic Connect sẽ là « nền tảng quan trọng trong tiến trình xây dựng hệ thống internet độc lập với Hoa Kỳ, độc lập với các công nghệ của phương Tây ».

TẠP CHÍ KINH TẾ
Chiến tranh công nghệ : Trung Quốc dùng « Bọ Kirin 9000 » thách thức Mỹ

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 10, 2023 8:52


« Kirin 9000 » có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Tháng 9/2023 Hoa Vi giới thiệu điện thoại thông minh cao cấp với chíp điện tử có kích cỡ 7 nano mét, « 100 % Made in China ». Mục tiêu là chứng minh Trung Quốc vẫn đủ sức thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ mà không cần linh kiện bán dẫn hay công nghệ, máy móc của Mỹ và đồng minh. Phải đánh giá như thế nào về « thành tích » của Hoa Vi, con chim đầu đàn trong ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc chỉ vài năm sau khi bị Washington trừng phạt và bị cấm tiếp cận với chíp điện tử của Mỹ, với công nghệ của Hoa Kỳ và với cả máy móc sản xuất « bọ » của các đồng minh thân thiết với Washington ? Hay như trong mọi cuộc chiến, « chiến tranh tuyên truyền » và « chiến tranh tâm lý » cũng nằm trong chiến thuậtcủa Bắc Kinh để đánh bại đối phương ?RFI tiếng Việt mời nhà nghiên cứu Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, trả lời các câu hỏi trên.Là tâm điểm cuộc đọ sức về công nghệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, tập đoàn Hoa Vi tháng 8/2023 thông báo sau ba năm khó khăn, doanh thu và tiền lãi đã « tăng lên trở lại ». Vài tuần sau cũng Hoa Vi thông báo phát hành « điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới có chức năng liên lạc qua ảnh vệ tinh » và hơn thế nữa, đây là sản phẩm đầu tiên của Hoa Vi sử dụng chíp điện tử « 100 % do Trung Quốc chế tạo ».Niềm tự hào của công nghệ Trung Quốc Với sản phẩm mới và « cao cấp này » Hoa Vi muốn chứng minh vẫn là một trong ba nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu của thế giới bên cạnh Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc. Nhưng không chỉ có thế. Điện thoại Mate 60 Pro còn là « tủ kính » về công nghệ của tập đoàn Trung Quốc này và là công cụ để thách thức Hoa Kỳ như nhà nghiên cứu Julien Nocetti, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích.  Julien Nocetti  : « Mate 60 Pro là điện thoại thông minh hoàn toàn của Trung Quốc, sử dụng chip điện tử Trung Quốc cỡ 7 nano mét và đây là một sản phẩm cao cấp và Hoa Vi muốn chứng minh là họ đã vượt qua được một ngưỡng quan trọng về mặt công nghệ, bởi vì cho đến nay chip của Trung Quốc ở vào khoảng từ 12 đến 14 nano, trong lúc điện thoại Apple đời mới nhất của Mỹ dùng bọ cỡ 3 nano mét. Đành là 7 nano vẫn còn là những con bọ quá lớn, nhưng đó cũng là một tiến bộ đáng kể của các tập đoàn Trung Quốc. Song bài học quan trọng hơn cả là Trung Quốc đang chứng minh là họ có thể vượt lên trên cả những biện pháp trừng phạt của Mỹ để tiến gần đến những công nghệ mới và có thể sản xuất những linh kiện điện tử tinh vi nhất. Qua đó Hoa Vi và đối tác SMIC muốn chinh phục thêm những thị trường mới, muốn chiêu dụ những khách hàng mới không muốn bị lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Thông điệp thứ hai của Bắc Kinh là các biện pháp trừng phạt của Mỹ không có hiệu quả ». Chiến lược để thoát vòng vây của Mỹ Năm 2019 chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump ban hành một loạt các biện pháp nhằm cản đường Hoa Vi « tiếp cận với chip thế hệ mới nhất » với các công nghệ và máy móc hiện đại nhất để sản xuất bọ điện tử và linh kiện bán dẫn. Nhưng khi trình làng điện thoại thông minh « cao cấp » Mate 60 Hoa Vi cho thấy khả năng thích nghi trong một môi trường bất thuận lợi. Julien Nocetti viện IFRI giải thích thêm về quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đó không chỉ riêng gì của Hoa Vi mà của cả « một mảng công nghệ high tech Trung Quốc.Julien Nocetti : « Để chống chọi được với những đòn trừng phạt của Mỹ, Hoa Vi đã đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực khác. Đứng đầu trong số đó là ngành công nghệ bán dẫn. Trước khi bị Hoa Kỳ trừng phạt, Hoa Vi trông cậy vào chip và các linh kiện điện tử tiên tiến nhất của tất cả các nơi trên thế giới. Nhưng sau đợt trừng phạt thứ nhì năm 2019, trực tiếp nhắm vào các nguồn cung cấp cho Hoa Vi thì công ty Trung Quốc này đã biết phòng thân. Thứ nhất là tăng tốc mua vào rất, rất nhiều linh kiện bán dẫn để dự trữ. Bước thứ nhì là tập trung mở rộng quan hệ với các công ty quốc gia. Hoa Vi đặc biệt chú ý đến SMIC. Đương nhiên là nhà cung cấp Trung Quốc này còn thua kém những tên tuổi lớn như là TSMC của Đài Loan hay các công ty khác của Mỹ. Chíp điện tử của hãng SMIC còn ‘to' và chưa được tinh vi như của những hãng kia ».Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 23/08/2023 tiết lộ Hoa Vi chưa bao giờ « đầu hàng » trước các đòn trừng phạt của Washington hay có ý định « bỏ cuộc trên các thị trường phương Tây ». Từ 2018/20219 hãng này với sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc đã « bí mật » gây dựng nhiều nhà máy sản xuất chíp điện tử và linh kiện bán dẫn. Năm 2022 Hoa Vi đầu tư 30 tỷ đô la cho kế hoạch này.  Trả lời RFI tiếng Việt nhà nghiên cứu Julien Nocetti thận trọng hơn và lưu ý về yếu tố chính trị trong hồ sơ này.Julien Nocetti : « Đứng bên ngoài, thật khó để xác định là Hoa Vi đã có ngấm ngầm xây dựng các nhà máy sản xuất bọ điện tử hay không. Chỉ biết rằng từ nhiều năm qua, căng thẳng đã nhiều lần diễn ra giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Kể từ 2018 trở đi, Hoa Vi phòng thân bằng cách mua thật nhiều trang thiết bị tránh để chuỗi sản xuất bị gián đoạn.  (Remontée B5) Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào tin từ hãng thông tấn Bloomberg thì Hoa Vi đã đầu từ hơn 30 tỷ đô la để xây dựng các nhà máy sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Đó là một số tiền rất lớn không phải ai cũng có thể huy động được. Do vậy rõ ràng đây là cả một chính sách của Trung Quốc và đằng sau Hoa Vi là nhà nước Trung Quốc ». Theo thẩm định của báo tài chính Financial Times, năm 2022 Hoa Vi nhận 1,5 tỷ đô la trợ cấp của chính phủ. Còn theo nghiên cứu của viện IFRI trong 10 năm chính quyền Trung Quốc đã dành hẳn 150 tỷ đô la cho mục tiêu « tự chủ về công nghệ cao ».Về mặt chính thức Mỹ và Hoa Vi nói riêng, và với các tập đoàn công nghệ cao Trung Quốc nói chung mạnh mẽ tuyên bố « cắt đứt » bang giao nhưng trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa rất khó để thẩm định những đóng góp « gián tiếp » của các công ty trung gian, các quỹ đầu tư nước ngoài vào « chip điện tử 100 % do Trung Quốc chế tạo »Chiến tranh tâm lý  Hoa Vi, tủ kính công nghệ của Trung Quốc, trình làng điện thoại thông minh cao cấp để thách đố Hoa Kỳ nhưng giới trong ngành tỏ vẻ hoài nghi. Tuy đã long trọng giới thiệu « sản phẩm mới » nhưng hãng này lại rất mơ hồ về chức năng và những thông tin kỹ thuật « vượt trội » của mặt hàng hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc.Một dấu hiệu khác nữa là chính Hoa Vi báo trước điện thoại Mate 60 Pro chỉ để cung cấp trên thị trường nội địa. Theo quan điểm của Julien Nocetti điều này chứng tỏ Trung Quốc không đủ khả năng để sản xuất « đại trà » bởi không có đủ chip điện tử đời mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.Nhưng ít ra thì những thông báo về doanh thu tăng nhanh, hay những thành công trong lĩnh vực công nghệ làm tăng uy tín của Hoa Vi làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả các biện pháp trừng phạt cả khía cạnh kỹ thuật lẫn thương mại của Mỹ nhắm vào Trung Quốc nói chung. Julien Nocetti : «Trừng phạt về mặt công nghệ và thương mại có hiệu quả hay không ? Liệu rằng chúng ta cần thẩm định lại và áp dụng các biện pháp trừng phạt trong  bối cảnh một chiến lược toàn diện hơn hay không ? Theo tôi, chúng ta chỉ trông thấy tác động đối với một số những sản phẩm phổ thông, như điện thoại thông minh, hay trang thiết bị mạng 5G … Nhưng điều ít ai biết đến là tác động trừng phạt đối với ngành phát triển công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Chúng ta không biết được rằng nếu Mỹ không ngăn chận Trung Quốc tiếp cận với công nghệ cao thì những con bọ điện tử hiện đại nhất cả Đài Loan hay Hoa Kỳ có bị được dùng để chế tạo drone, trong bị cho tàu chiến hay cho các hệ thống chống tên lửa của Trung Quốc hay không … Đây là một mảng rất quan trọng mà chúng ta không có nhiều thông tin để có thể đưa ra những kết luận đáng tin cậy. Giới nghiên cứu lệ thuộc vào những thông tin từ phía Mỹ cung cấp. Nhưng điều quan trọng ở đây là trên mặt trận công nghệ, chúng ta đang đứng trước một thế giới lưỡng cực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ». Có thể rút ra ít nhất ba bài học qua việc Hoa Vi « dềnh dang » giới thiệu sản phẩm mới là điện thoại thông minh Mate 60 với con bọ 7 nano mét Kirin 9000.Thứ nhất, dù muốn hay không, Trung Quốc có khả năng thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Hoa Kỳ, Bắc Kinh có hẳn một chiến lược và những phương tiện tài chính dồi dào để « độc lập » với chíp của Âu, Mỹ. Thứ hai đây không đơn thuần là một cuộc tranh giành thị trường điện thoại thông minh mà là cả một cuộc đấu trí về « chính trị » và « an ninh » giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và thứ ba là về kỹ thuật, thương mại hay kinh tế, rất khó để « cắt đứt » liên hệ giữa các công ty của bất kỳ một quốc gia nào với phần còn lại của thế giới. Trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung cũng vậy : Một bộ áo giáp có dày đến đâu đi chăng nữa vẫn có thể bị những mũi tên của đối phương chọc thủng.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Cản Trung Quốc dùng đòn kinh tế bắt chẹt thế giới: G7 bất lực

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later May 23, 2023 9:09


Ngăn chận Trung Quốc dùng thương mại, kinh tế như một loại vũ khí phục vụ các mục tiêu chính trị, ngoại giao hay chiến lược : Thất bại được báo trước của thượng đỉnh G7 Hiroshima. Làm thế nào để ngăn cản một thủ đoạn mà chính phương Tây, đứng đầu là Mỹ, vẫn thường xuyên sử dụng ?  Theo giới quan sát, tương tự như trong rất nhiều lĩnh vực công nghiệp, Bắc Kinh đã quan sát, học hỏi những phương pháp của những quốc gia khác để tiến xa hơn khi bắt tay vào thực hành. Sử dụng thủ đoạn economic coercion bắt chẹt thế giới cũng vậy. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng tại Hiroshima, hôm 20/05/2023, 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) cảnh cáo mọi ý đồ khai thác « mậu dịch, kinh tế như một công cụ chính trị (…) mọi ý đồ biến sự lệ thuộc của G7 và các đối tác của khối này thành một mục tiêu quân sự ». Đồng thời G7 chủ trương giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào hàng hóa, nguyên liệu, vào dây chuyền sản xuất, vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Tại Washington, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan bồi thêm : G7 tuy không là một thượng đỉnh « chống lại Trung Quốc » nhưng đây là cơ hội để khối này tìm cách « giảm thiểu những rủi ro » đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng như giới phân tích quốc tế đều biết rõ, bản tuyên bố chung của G7 vì an ninh kinh tế toàn cầu nhắm vào Trung Quốc. Không chừa một aiHơn một chục năm trước, để phản đối Tokyo khẳng định chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản, cột sống của nền công nghiệp tại nền kinh tế thứ ba toàn cầu này. « Bổn cũ soạn lại », tập đoàn Hàn Quốc Lotte bị tẩy chay tại Hoa Lục năm 2017, khi Seoul chuẩn bị kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ. Litva trong tầm ngắm của Trung Quốc khi mở văn phòng đại diện tại với Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Không chỉ nhắm vào những nước nhỏ, Trung Quốc sẵn sàng « trừng phạt » luôn cả Úc, một trong những đối tác quan trọng nhất của mình, khi Canberra đòi mở điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona gây đại dịch Covid trên toàn cầu năm 2020. Năm 2019, hơn 25% nhập khẩu của Úc tùy thuộc vào Trung Quốc và, trong chiều ngược lại, chỉ một mình ông khổng lồ châu Á này chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc.  Nhật Bản trong cương vị chủ tịch luân phiên G7 lần này đã phải cố gắng tìm ra đồng thuận giữa một bên là Hoa Kỳ vốn có lập trường rất cứng rắn với Bắc Kinh và Mỹ được Anh Quốc, Canada tán đồng,  với bên kia là quan điểm của Pháp, Đức, hai đầu tàu kinh tế trong Liên Hiệp Châu Âu, muốn « hòa hoãn hơn » với Trung Quốc. Thiếu những hành động cụ thể Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước khi rời khỏi Hiroshima đã không ngần ngại đánh giá Trung Quốc là một « thách thức » đang đặt ra đối với an ninh toàn cầu: « G7 cần có những biện pháp để tự vệ trước những dự án đầu tư không có mấy dụng ý tốt có thể làm phương hại đến mỗi thành viên trong khối này ». Ông Sunak lấy làm tiếc thượng đỉnh Hiroshima đã không nhất trí về những hành động cụ thể để ngăn chận những quyết định của Trung Quốc, hay bất kỳ một quốc gia nào khác muốn dùng đòn kinh tế uy hiếp những nước khác. Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, Pascal Boniface ghi nhận trên đài truyền hình France24 về nỗ lực của thủ tướng Nhật để dung hòa quan điểm của ngay chính các thành viên G7 về vấn đề Trung Quốc: « Mời Ấn Độ và Brazil tham dự thượng đỉnh G7, mà đây là hai thành viên trong khối BRICS đến nay không trừng phạt Nga xâm lược Ukraina, là cách để thuyết phục hai nước này thay đổi quan điểm về nước Nga. Nhưng mục tiêu đó đã không thành. Thế còn về chủ đích thành lập một liên mình để kháng cự với Trung Quốc, ngay trên điểm này đã có bất đồng giữa 7 thành viên trong khối. Pháp và Đức chẳng hạn tránh tỏ thái độ quá quyết liệt bài Trung Quốc ».Pascale Joannin, giám đốc viện nghiên cứu về châu Âu mang tên sáng lập viên Liên Âu Robert Schuman chú ý đến quan điểm chung của 4 trong số các thành viên G7:  « Bớt phụ thuộc vào Trung Quốc là mục tiêu tất cả các bên cùng hướng tới. Ý muốn rút lui khỏi dự án Một Vành Đai Một Con Đường, hay còn được gọi là con đường tơ lụa mới thế kỷ 21 của Trung Quốc. 4 nước châu Âu trong G7 cùng muốn tự chủ hơn đối với Trung Quốc, thí dụ như trong lĩnh vực chip điện tử, song Anh, Pháp, Đức và Ý cũng muốn tránh lao vào một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Về phía Tokyo, do nằm ngay sát cạnh với Trung Quốc, trong cương vị chủ nhà, Nhật Bản bắt buộc phải đề cập đến hồ sơ Trung Quốc ».  Châu Á dửng dưng với đề xuất cô lập Trung QuốcTuy nhiên, theo quan điểm của nhà kinh tế Jean Paul Tchang, mặc dù G7 lần này đã cố gắng thuyết phục một số nước đang trỗi dậy như Brazil hay Ấn Độ và nhất là nhiều khách mời tại châu Á, trong đó có Indonesia hay Việt Nam giữ khoảng cách với Trung Quốc, nhưng không chắc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thành công:« Không chắc lập trường kềm tỏa kinh tế của Trung Quốc có sức thuyết phục các nước châu Á, ngoại trừ Hàn Quốc, hay Philippines. Đấy là những quốc gia đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ , đặc biệt trong bối cảnh Seoul đang cải thiện quan hệ với Tokyo. Trái lại tôi cho rằng G7 sẽ khó thuyết phục Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam sẽ không chọn đứng về phe nào. Thế còn Thái Lan thì tất cả đang trong vòng chờ đợi sau cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng đúng là các bên đang gây áp lực để kềm tỏa Trung Quốc về nhiều mặt từ địa chiến lược, đến quân sự, kinh tế hay là công nghệ ». Cho dù ngay cả tổng thống Biden đã chấp nhận chỉ nói tới chủ trương « giảm thiểu mức độ rủi ro vì quá lệ thuộc vào Trung Quốc », Bắc Kinh cũng vẫn chưa hài lòng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân hôm 20/5 phản công qua tuyên bố : « Nếu thực sự G7 chú tâm đến an ninh và ổn định kinh tế của thế giới, khối này cần đòi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành vi o ép, kềm tỏa hoạt động của các quốc gia khác, ngừng những hành động đơn phương hù dọa hay lôi kéo các đồng minh về hùa, ngừng gây rối loạn các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ngừng chia rẽ thế giới thành hai khối. Đấy mới chính là những mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu ». Rất nhiều công cụ để gây sức épTrở lại với câu hỏi Trung Quốc uy hiếp các đối tác kinh tế và thương mại bằng cách nào ? Theo viện nghiên cứu của Đức Merics, từ 2018, danh sách hành vi o ép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Hoa Lục « càng lúc càng dài » và đó chỉ là « bề nổi của tảng băng chìm». Bắc Kinh có thể viện nhiều lý do để trừng phạt : « Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông hay nhân quyền, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông » là những chủ đề « húy kỵ » và là những lý do đủ mạnh để một hãng ngoại quốc bị « áp lực ». Cũng theo báo cáo của viện Merics (công bố giữa tháng 8/2022), Bắc Kinh luôn phản đối và bác bỏ mọi cáo buộc dùng đòn kinh tế và thương mại hù dọa các « mục tiêu » muốn nhắm tới, song, chính quyền có nhiều « công cụ » : gần 50% trường hợp trong tầm ngắm của Trung Quốc bị thiệt hại do khách hàng được lệnh tẩy chay. Hãng quần áo Thụy Điển H&M đã trả giá đắt cho bài học này khi dám chỉ trích Trung Quốc khai thác sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ; 20% bị gây phiền toái vì các thủ tục hành chính. Đối với phần còn lại, Trung Quốc thường buông lời đe dọa trước khi ban hành các biện pháp uy hiếp cụ thể, với hy vọng gây tác động tâm lý ở cấp rât cao trong chính quyền quốc gia liên quan.Cũng báo cáo của viện Merics năm ngoái kết luận « vì lý do này, Paris cũng như Berlin còn đang suy nghĩ trước khi cấm hẳn Hoa Vi tham gia vào các dự án trang bị mạng 5G cho  Pháp và Đức ». Các tác giả bài nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh luôn chọn rất kỹ các mục tiêu trừng phạt. Những công ty thuộc các lĩnh vực « trọng yếu mà Trung Quốc đang cần không mấy khi bị đe dọa ». Nhưng nếu là các hãng có thể cạnh tranh với các tập đoàn quốc gia, thì các giới chức Trung Quốc không khi nào run tay ký lệnh phạt. Đương nhiên là các đòn hù dọa, uy hiếp đó làm phương hại đến hình ảnh của Trung Quốc, đến « quyền lực mềm » của nước này thế nhưng, như Nicolas Regaud, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, trường Quân Sự Pháp IRSEM, ghi nhận trong một bài tham luận ngày 20/01/2021, đây là một thông điệp kép của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Công cụ này vừa phục vụ các lợi ích của Trung Quốc về đối ngoại, vừa nhằm chứng minh với công luận trong nước rằng quốc gia đông dân nhất nhì địa cầu giờ đây đã « đủ mạnh để áp đặt luật chơi với thế giới » và không để bất kỳ một quốc gia nào, dù là Mỹ hay Nhật, lấn át. Vào lúc mà khối G7 gián tiếp « cảnh cáo » về mọi hành vi dùng đòn kinh tế để hà hiếp thế giới, thì Trung Quốc viện lý do an ninh quốc gia để ban hành lệnh cấm dùng chip của hãng Mỹ Micron Technology. Sau cùng, các tuyên bố chung của thượng đỉnh G7 thể hiện quyết tâm của khối này về những mục tiêu chung mà các bên muốn nhắm tới. Tại Hiroshima, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển đã không đề xuất bất kỳ một biện pháp cụ thể nào để « ngăn chận » các hành vi « uy hiếp » ấy. Một phần có lẽ chính những thành viên quan trọng nhất của khối đã và vẫn đang khai thác lá bài kinh tế, thương mại và sức mạnh của đồng tiền quốc gia để áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới.      

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Brazil : Lula thăm Trung Quốc và tham vọng « cân bằng địa chính trị thế giới »

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Apr 20, 2023 10:21


Tổng thống Brazil Lula Da Silva đã có chuyến công du cấp Nhà nước ba ngày tại Trung Quốc từ ngày 12 đến ngày 14/04/2023. Tại đây, ông kêu gọi từ bỏ dùng đồng đô la trong trao đổi mậu dịch quốc tế, hợp tác hình thành một thế cân bằng mới về địa chính trị thế giới : Hướng đến một trật tự thế giới đa cực hơn. Nhiều nhà quan sát nhận định : Đây là một thông điệp chính trị gởi đến Mỹ và các nước phương Tây. « Brazil is back ! »« Thời kỳ Brazil vắng mặt trong các quyết định lớn của thế giới đã qua. Brazil đã trở lại đấu trường quốc tế sau một thời gian vắng bóng khó hiểu. » Tổng thống Lula da Silva đã có phát biểu như trên tại lễ nhậm chức của bà Dilma Rousseff – đồng minh chính trị của ông – với tư cách là chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (BRICS New Development Bank – NDB).Sau Achentina, Uruguay (tháng Giêng 2023), rồi Mỹ (trung tuần tháng 2/2023), chuyến thăm Trung Quốc trung tuần tháng Ba và sắp tới là châu Âu, cho thấy một ý đồ rất rõ của tổng thống Lula : Đưa Brazil trở lại vị thế một cường quốc lớn hay chí ít cũng là một cường quốc khu vực, theo như phân tích từ nhà sử học Anais Flechet, chuyên gia về Brazil, trường đại học Paris – Saclay với tuần báo Pháp Marianne. Một vị thế mà Lula đã dầy công gầy dựng trong suốt hai nhiệm kỳ đầu từ năm 2003-2011, khi tự cho mình vai trò đầu tầu của chủ nghĩa đa văn hóa.Tuy nhiên, Brazil trở lại đấu trường quốc tế trong một bối cảnh đặc biệt : Thế giới vừa thoát ba năm đại dịch Covid-19 và chiến tranh bùng nổ tại châu Âu vì cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, gây bất ổn kinh tế toàn cầu. Xung đột Ukraina làm lộ rõ cách biệt lớn giữa phương Tây và các nước mới trỗi dậy, những nước chủ trương phi liên kết mà Brazil của Lula da Silva muốn thể hiện là một quốc gia đi đầu.  Trong suốt chuyến công du Trung Quốc ba ngày, nguyên thủ Brazil luôn nhắc đến việc hình thành một « thế cân bằng mới về địa chính trị thế giới ». Đến thăm trụ sở tập đoàn viễn thông Hoa Vi, đối tượng bị Mỹ trừng phạt, Lula thách thức Hoa Kỳ khi khẳng định chuyến thăm này là để chứng tỏ với thế giới rằng « Brazil chẳng chút thiên vị trong quan hệ với Trung Quốc và không ai có thể ngăn cản Brazil cải thiện quan hệ với Bắc Kinh ».Trao đổi mậu dịch bằng RMB, Lula thách thức MỹTại Thượng Hải, nguyên thủ Brazil kêu gọi nhóm BRICS – nhóm quốc gia đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – nên hình thành một đồng tiền mới thay thế cho đô la trong trao đổi mậu dịch giữa các nước trong nhóm. Trong khi chờ đợi, Brazil và Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại sử dụng đồng nhân dân tệ và real.Đối với nhà nghiên cứu về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), những phát biểu này của ông Lula còn là một thông điệp gởi đến Mỹ. Trên đài phát thanh France Inter ông giải thích :« Đây là một sự kiện, một yếu tố thêm cho thấy có một hình thức đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế cũng như là địa chính trị của các nước phương Nam. Trong một hình thức nào đó, họ mong muốn thoát khỏi những hệ thống do Mỹ độc quyền thống trị, các hệ thống tài chính quốc tế để hình thành một công cụ khác cho chính những nước đó và trong ngắn hạn cho phép họ bỏ qua được đồng đô la. Và điều đó có thể giúp những nước này kiểm soát được các mức phí giao dịch tài chính trong thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tước mất một chút sức mạnh mà Mỹ có được cùng với sức mạnh quân sự : Đó là sức mạnh tài chính của đồng đô la. »Trong cuộc gặp ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc Hội), tổng thống Lula không quên nhắc đến một thế địa chính trị mới « nhằm thay đổi quản trị toàn cầu khi mở rộng thêm nhiều đại diện hơn tại Liên Hiệp Quốc ». Trong những năm 2000, Brazil cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Đức hay còn gọi là Nhóm bốn nước (G4) không ngừng vận động đòi mở rộng thêm số thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng mong muốn này luôn vấp phải thái độ thụ động của P5, tức năm nước thành viên thường trực hiện tại là Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.Hòa bình cho Ukraina và thế chông chênh của LulaĐến thăm Bắc Kinh, vị tổng thống Brazil 77 tuổi này còn muốn khoác lên vai chiếc áo « người kiến tạo hòa bình » cho cuộc xung đột Ukraina khi đưa ra dự án thành lập một « câu lạc bộ hòa bình », quy tụ các nước không theo phe nào trong cuộc chiến tranh đẫm máu này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi... Quả thật, kể từ đầu cuộc xung đột, Brazil thời tổng thống Bolsonaro đã chọn thế trung lập. Đường hướng này vẫn được Lula tiếp tục duy trì.Về điểm này, nhà nghiên cứu Christophe Ventura cho rằng Brazil có thể tận dụng vị thế là một trong số các nước hiếm hoi có mối quan hệ khá tốt với nhiều nước trên thế giới từ Mỹ, châu Âu, Pháp, Trung Quốc, Nga cho đến nhiều nước lớn khác tại châu Phi, Trung Đông… để xúc tiến các tiến trình quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Ventura, hồ sơ Ukraina là một phương trình không dễ giải. Tính chất trung lập này của Brazil nói chung là rất chông chênh. Trên đài France Inter, ông phân tích :« Đây là một phương trình vì các nước châu Mỹ Latinh có một truyền thống ngoại giao trung lập, không liên kết. Bởi vì lịch sử của những nước này luôn gắn liền với sự can thiệp của Mỹ và do vậy việc tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia … đó là những điều mà những nước này yêu cầu để bảo vệ chính họ.Thế nên, cuộc chiến xâm lược của Nga gây rắc rối cho Brazil. Bởi vì, trên thực tế, Nga đang thực hiện chính xác những gì mà châu Mỹ Latinh chỉ trích Hoa Kỳ, ít nhất là trong vùng ảnh hưởng của chính họ : Nga đã sử dụng vũ khí quân sự để xâm lược một quốc gia. Điều này đã khiến Brazil khó xử. Thái độ này được thể hiện rõ qua việc lên án nhưng không áp dụng các biện pháp trừng phạt. Không trừng phạt là bởi vì các nước châu Mỹ Latinh không đủ khả năng trên bình diện kinh tế. Sau dịch bệnh gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực, Nga là một nguồn cung ứng quan trọng cho ngành nông nghiệp cho các nước châu Mỹ Latinh trên phương diện các đầu vào như phân bón chẳng hạn, tất cả những thứ gì làm nên nền kinh tế khu vực. Nếu không có nguồn cung ứng từ Nga, nền kinh tế sẽ điêu đứng. »Tuần báo Pháp L'Express nêu rõ Matxcơva là nhà cung cấp phân bón hàng đầu cho « ông khổng lồ nông nghiệp » Nam Mỹ này. Khoảng 25% các loại hóa chất như nitrate, phosphate, và nhiều thành tố khác để dùng làm phân bón cho nông nghiệp đến từ Nga, cho phép Brazil có thể trở thành một trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về đậu nành và thịt bò.Thăm Bắc Kinh, Lula kích thích sự ganh đua Mỹ - Trung ?Chính trong bối cảnh này, Brazil cũng như một số nước trong khu vực đã từ chối cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraina. Đây chính là những gì đã xảy ra đối với thủ tướng Đức Olaf Scholz khi ông đến thăm Brazil hồi tháng Giêng năm 2023. Brasilia cùng nhiều thủ đô Nam Mỹ lập luận rằng việc không áp dụng biện pháp trừng phạt, cũng như không hỗ trợ vũ khí cho Ukraina có thể giúp những nước này có một vai trò cho các cuộc đàm phán trung gian hòa giải. Do vậy, theo ông Lula các bên có can dự vào cuộc chiến đều không có tính chính đáng để tham gia vào tiến trình này.  Theo một số nhà quan sát, những tuyên bố hùng hồn của ông Lula tại Trung Quốc, khi chỉ trích Hoa Kỳ có trách nhiệm trong cuộc xung đột, thừa nhận Trung Quốc có một vai trò quan trọng cho hòa bình Ukraina và khi khẳng định quyền tự chọn đối tác quan hệ của Brazil, tổng thống Lula cũng như nhiều nhà lãnh đạo tại Nam Mỹ còn muốn đưa ra một thông điệp khác, theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, Christophe Ventura.« Kể từ giờ các cường quốc phương Tây không là bên ấn định lịch trình cũng như quyết định ai thiện ai ác. Brazil cũng như các nước Nam Mỹ giờ cũng là một vế của phương trình, và các nước này sẽ đóng một vai trò trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế theo quan điểm của họ, từ các lợi ích của họ, đôi khi có thể đồng nhất với những nước khác nhưng không đi theo các lợi ích của phương Tây ».Trong cách nhìn này, nhà sử học Anais Flechet cho rằng đó còn là một đòn chiến lược của ông Lula : Làm gia tăng sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cùng lúc đến gõ cửa hai ông khổng lồ. Nguyên thủ Brazil tìm cách duy trì thế cân bằng thực dụng giữa Washington và Bắc Kinh.Tổng thống Lula tỏ ra thất vọng về chuyến đi thăm Mỹ khi không gặt hái gì được nhiều ngoài việc tổng thống Biden hứa hẹn hỗ trợ 50 triệu đô la để chống biến đổi khí hậu, một khoản tiền mà nguyên thủ Brazil đánh giá là khá ít ỏi. Nắm bắt được nỗi lo của Washington trước đà tiến mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Nam Mỹ, chính quyền Lula muốn chơi lá bài « ăn nhịp » với Trung Quốc, vừa để dọa Mỹ và để kích thích đầu tư.Thấu hiểu nỗi thất vọng của đối tác chiến lược (như cách gọi trong thông cáo chung), Bắc Kinh đã trịnh trọng trải thảm đỏ đón lãnh đạo cường quốc Nam Mỹ, và xem ông như là một bên đối thoại không thể thiếu của khối được gọi là Nam Bán Cầu. Sự trọng thị này còn được Bắc Kinh thể hiện rõ qua việc cử ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch Trung Quốc, một nhân vật thân cận của Tập Cận Bình dẫn đầu một phái đoàn đến dự lễ nhậm chức của Lula da Silva, trong khi trưởng đoàn phía Mỹ là bộ trưởng Nội Vụ Deb Haaland.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Phép lạ kinh tế Brazil, chìa khóa đặt tại Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Apr 18, 2023 9:23


Cần hàng rẻ Trung Quốc để đưa 1/3 dân số Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng, cần Trung Quốc để vực dậy kinh tế, cần khẳng định lại vị trí của Brasilia trong nhóm BRICS và trong toàn khối các quốc gia đang phát triển : đó là những động lực thúc đẩy tổng thống Brazil Lula da Silva đến Thượng Hải, Bắc Kinh trong chuyến công du hôm 13-14/04/2023. Chìa khóa thành công trong nhiệm kỳ tổng thống bốn năm của ông Lula đang phần nào được đặt tại Trung Quốc. Dù chỉ dừng chân tại Trung Quốc trong vỏn vẹn 48 giờ đồng hồ, tổng thống Brazil đã dành thời gian tham quan trung tâm nghiên cứu của Hoa Vi tại Thượng Hải. Cũng tại thành phố này, phát biểu nhân lễ nhậm chức lãnh đạo Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB (còn được gọi là ngân hàng phát triển của nhóm BRICS) của bà Dilma Rousseff, cựu tổng thống Brazil và là một đồng minh của mình, Luiz Inácio Lula da Silva đã kêu gọi cải tổ các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, những công cụ tài chính của phương Tây. Cũng tổng thống Brazil, tuyên bố đã đến lúc cần « dẹp bỏ những quy tắc bất công để hướng tới mối quan hệ công bằng và cân bằng hơn », cần giải phóng các luồng giao thương trên thế giới « khỏi ách thống trị của đồng đô la (…) tại sao không thay thế đô la bằng nhân dân tệ » để thanh toán hóa đơn xuất nhập khẩu ?Chỉ riêng về mặt kinh tế, những lời lẽ đó của ông Lula da Silva thực sự khiến Bắc Kinh hài lòng. Đó là chưa kể đến lập trường ngoại giao của lãnh đạo Brazil về chiến tranh Ukraina, về kế hoạch thành lập một khối G20 thứ nhì quy tụ 20 nền kinh tế đang trỗi dậy để giải quyết các xung đột trên thế giới. Ai cũng biết trong nhóm ấy Trung Quốc, Brazil và Nga là ba nước nặng ký nhất. Trung Quốc, lực đẩy cho xuất khẩu và tăng trưởngTổng thống Lula lên cầm quyền trong bối cảnh kinh tế Brazil có khuynh hướng bị chựng lại -GDP sụt giảm 0,2 % trong quý tư 2022. Lạm phát hơn 10 % trong cả năm ngoái. Giá một ký gạo tăng 32 %, giá dầu ăn tăng gần 70 % trong vòng một năm do tác động chiến tranh Ukraina, giá xăng tăng 40 %. Cuối 2021 gần 1/3 dân số Brazil sống dưới ngưỡi nghèo khó và 19 triệu trên tổng số 215 triệu dân trong tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Luiz Inácio Lula da Silva đắc cử hồi năm ngoái với kết quả khá sít sao so với tổng thống mãn nhiệm là Jair Bolsonaro, nhờ cam kết cải thiện đời sống cho người dân. Nhưng làm thế nào để tăng mãi lực cho người dân nếu không có hàng rẻ của Trung Quốc, nếu như Trung Quốc không mua vào thêm nông phẩm, khoáng sản của Brazil, nếu như Bắc Kinh không đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế số 1 tại châu Mỹ Latinh này ? Sau bốn năm một chính quyền cực hữu Bolsonaro tại Brasilia với chủ trương bảo hộ và coi Trung Quốc là « thù » hơn là « bạn », ông Lula đến Bắc Kinh với mục tiêu hàn gắn những rạn nứt với khách hàng quan trọng nhất của Brazil.Là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn là mua vào hàng « made in China », năm 2022 thặng dư mậu dịch của Brazil với Trung Quốc lên tới 29 tỷ đô la. Một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu hướng về thị trường Trung Quốc. Theo thống kê bộ Nông Nghiệp Brazil, 70 % xuất khẩu đậu tương trong năm 2022 là để bán sang Trung Quốc. Brazil là vựa ngũ cốc của Trung Quốc. Ngoài nông phẩm, Brazil còn là nguồn cung cấp thịt bò cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc và là một nguồn xuất khẩu dầu hỏa, khoáng sản cho công xưởng lớn nhất thế giới.Không phải là Mỹ, mà Trung Quốc mới là bạn hàng lớn nhất của Brazil.Lula đủ mạnh để mặc cả với Tập ?Qua việc thúc đẩy mậu dịch với Trung Quốc, ông Lula còn muốn chinh phục thành phần cử tri -kể cả phe vẫn còn trung thành với chính quyền tiền nhiệm, về khả năng của ông đem lại thịnh vượng cho 215 triệu dân Brazil, về khả năng đem lại tăng trưởng để tài trợ các chương trình xã hội đầy tham vọng Lula đã từng thực hiện được trong hai nhiệm kỳ từ 2003-2011. Thực ra tổng thống Lula cũng ý thức được rằng, trong mắt Bắc Kinh, Brazil là một đối tác có trọng lượng : dân Brazil sử dụng điện thoại di động Made in China, mua sắm từ ti vi tủ lạnh đến quần áo, mũ lưỡi trai  …. của Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất vào Brazil đồng thời đất nước của ông Lula cũng là cổng vào châu Mỹ Latinh hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn thế nữa Bắc Kinh đang chiêu dụ Brasilia tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 để đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho Brazil. Brazil có thể là một bãi đáp mới cho tập đoàn viễn thông Hoa Vi đang bị Hoa Kỳ đóng chặt cửa. Trung Quốc và Brazil đang chuẩn bị đúc kết một thỏa thuận cùng chế tạo vệ tinh quan sát ngay vùng từng được coi là sân sau của Hoa Kỳ. Tất cả những yếu tố nói trên giải thích vì sao tổng thống Lula đã vội vã sang Trung Quốc chỉ hai tháng sau khi hội kiến tổng thống Mỹ Joe Biden. Đổi lại thì ông Tập Cận Bình cũng đã rất niềm nở với tổng thống Brazil.Giao dịch bằng nhân dân tệChính trong bối cảnh đó tháng 3/2023 Trung Quốc và Brazil đã ký một thỏa thuận đôi bên trực tiếp thanh toán các dịch vụ xuất nhập khẩu bằng nhân dân tệ và real, qua đó cả hai cùng sẽ bớt bị phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Lợi ích đầu tiên là doanh nghiệp hay nông gia của đôi bên đều sẽ tránh được những phí tổn tài chính khi cần đổi nhân dân tệ hay real sang đô la trước khi thanh toán cho đối phương. Song theo ghi nhận của kinh tế gia Alexandre Kateb, sáng lập viên cơ quan tư vấn Multipolarity Report cho rằng còn quá sớm để nói tới tiến trình phi đô la hóa và nhân dân tệ hóa các luồng giao thương giữa Brazil với Trung Quốc : « Đây là một tiến trình dài hơi, không phải trong một sớm một chiều mà đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể thay thế đô la Mỹ. Nhưng Bắc Kinh muốn đơn vị tiền tệ Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng hơn trong các khoản giao thương quốc tế. Trung Quốc muốn áp đặt đồng tiền của mình với phần còn lại trên thế giới, ban đầu là với các đối tác thương mại, các nước trong khu vực và từ đó cứ mở rộng thêm vai trò của nhân dân tệ, đẩy mạnh quy chế ‘quốc tế' của đơn vị tiền tệ này. Cho đến nay, nhân dân tệ vẫn bị đô la và euro bỏ lại xa ở phía sau trong các khoản dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trên thế giới ». Một câu hỏi đặt ra ở đây : hiện tại cán cân thương mại song phương nghiêng về phía Brazil, có nghĩa là Trung Quốc trong thế nhập siêu với quốc gia châu Mỹ Latinh này. Vậy trong trường hợp đôi bên thanh toán với nhau bằng đồng real của Brazil và nhân dân tệ Trung Quốc, thì Brasilia sẽ làm gì với khối nhân dân tệ mà các doan nghiệp Brazil thu về được ? Brazil liệu có thể dùng nhân dân tệ để mua hàng của Mỹ hay Canada, thậm chí là của Nga hay không ? Nói cách khác, không có chuyện 100 % giao thương giữa Trung Quốc và Brazil được tính bằng đơn vị của mỗi bên mà quên hẳn vai trò của đô la Mỹ và những đơn vị tiền tệ quốc tế khác. Phi đô la hóa, một xu hướng chungDù vậy cựu đại sứ Pháp tại Matxcơva Jean de Gliniasty ghi nhận trên đài truyền hình France 24, ngày càng có nhiều quốc gia mà đứng đầu là Trung Quốc, muốn bớt lệ thuộc vào đô la Mỹ, nhất là sau kinh nghiệm của Nga hồi mùa xuân năm ngoái sau khi Matxcơva quyết định xâm chiếm Ukraina. « Tôi cho rằng có một số quốc gia đang trỗi dậy muốn bớt bị lệ thuộc vào đô la Mỹ. Việc 300 tỷ đô la tài sản bằng ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga bị phong tỏa hồi mùa xuân năm ngoái là một cú sốc lớn đối với công luận. Một số quốc gia đề phòng nguy cơ họ cũng lâm vào cảnh tương tự. Do vậy trong lĩnh vực tiền tệ, có khuynh hướng thế giới ngày càng sử dụng nhiều ngoại tệ khác nhau để thanh toán và đương nhiên là nhằm giảm bớt vai trò của đô la, rồi trong một chừng mực nào đó là của cả đồng euro nữa ». Như sáng lập viên công ty tư vấn Multipolarity Report, Alexandre Katek lưu ý : ngoài mục tiêu khởi động lại quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc trong chuyến thăm Thượng Hải và Bắc Kinh lần này, tổng thống Lula còn muốn khẳng định vai trò của Brazil không chỉ ở châu Mỹ Latinh, hay trong khối 5 nền kinh tế đang trỗi dậy -Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Brasilia còn nuôi tham vọng cùng với Bắc Kinh khẳng định là đầu tàu của « toàn khối các quốc gia phương nam -Global South » sau nhiệm kỳ 4 năm mờ nhạt của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. « Điều đang từng bước hình thành là một liên minh về mặt chiến lược chung quanh khối BRICS. Brazil muốn tìm lại vị trí của mình trong nhóm này với tư cách vừa là một sứ giả, vừa là đại điện cho các nền kinh tế đang trỗi dậy. Brazil có quan hệ rất tốt với châu Phi. Riêng với Trung Quốc đừng quên rằng, Bắc Kinh mới là đối tác thương mại số 1 của Brasilia, chứ không phải là Mỹ. Một phần ba xuất khẩu của Brazil là hướng về thị trường Trung Quốc ». Về phần nhà nghiên cứu Valdir de Silva Bezerra đại học Sao Paulo được Le Monde trích dẫn ghi nhận : tổng thống Lula sở dĩ mạnh mẽ cho rằng đã đến lúc cần hướng tới mối quan hệ « cân bằng » hơn, và « công bằng » hơn bởi ông biết rằng đến ngưỡng 2030, GDP của nhóm 5 nước BRICS tính theo thời giá « sẽ cao hơn 50 % GDP toàn cầu ». Hơn thế nữa vào lúc mà hai định chế tài chính đa quốc gia được lập nên từ sau Thế Chiến Thứ Hai đang bị suy yếu thì đây cũng là cơ hội để cho những tên tuổi khác nổi lên. Alexandre Kateb phân tích về trọng lượng của NDB, ngân hàng phát triển trong nhóm BRICS hay AIIB Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á do Trung Quốc kiểm soát :  « Đây có thể là những ngân hàng sẽ thay thế cho cả Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hai định chế này tới nay do phương Tây kiểm soát. Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB có điểm tựa là Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Bắc Kinh đủ sức để bảo đảm các nguồn tín dụng cho vay và đây là phương cách để chứng minh rằng Trung Quốc áp đặt một trật tự mới với thế giới-nhất là với các nước đang phát triển. Đây cũng là bước đầu hình thành một thế giới đa cực về mặt tiền tệ, để các nền kinh tế đang trỗi dậy bớt phụ thuộc vào đô la ».  Vào lúc tổng thống Lula kêu gọi thành lập một « trục mới về thương mại với Trung Quốc » bớt phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ thì như ghi nhận của thông tín viên thường trực đài truyền hình Pháp tại Brasilia, Fanny Lothaire, đơn vị tiền tệ quốc gia càng mất giá, người dân Brazil lại càng chỉ tin tưởng vào đô la. Ở châu Mỹ Latinh, ngoài Brazil nhiều quốc gia khác như Chilê hay Achentina cũng muốn dùng đô la như đơn vị dự trữ.Ngoài ra một phần dân chúng Brazil có nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như tiền lương và trợ cấp thì không đủ sống nhưng lại rất thích sắm điện thoại di động và những vật dụng kết nối dù không cần thiết lắm. Chính ở điểm này tổng thống Lula được dân Brazil hoan hô với chủ trương đẩy mạnh giao thương hai chiều với bạn hàng Trung Quốc.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Công nghệ cao mang tính chiến lược : Mỹ thua Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 14, 2023 9:29


« Phương Tây đã nhầm về tiềm năng của Bắc Kinh ». Mỹ không còn là trung tâm khoa học và công nghệ thế giới. Liên Âu mờ nhạt chạy theo cuộc đua. Theo chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, báo cáo của viện nghiên cứu Úc ASPI công bố đầu tháng 3/2023 cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ những « chìa khóa an ninh, quân sự, kinh tế ».  Thấy gì từ bước « nhẩy vọt của công nghệ cao » Trung Quốc với những tác động kèm theo ?Ngày 02/03/2023 báo cáo Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI công bố cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua về công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là trong những lĩnh vực then chốt  - critical technologies hay còn được gọi là những công nghệ cao mang tính chiến lược - strategic technologies.  Trung Quốc thắng Mỹ 1-0Trong số 44 lĩnh vực ASPI đưa vào danh sách, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm thế thượng phong ở 7 điểm và đã nhường vị trí hàng đầu trong 37 lĩnh vực còn lại cho Trung Quốc. Thế áp đảo của Mỹ khoanh vùng ở công nghệ bán dẫn, tin học lượng tử, tin học hiệu suất cao, công nghệ phóng vệ tinh thu nhỏ hay vac-xin... Trong số 37 « công nghệ chiến lược » ngày nay do Trung Quốc dẫn đầu chủ yếu nhằm phục vụ ngành quốc phòng, không gian, công nghệ thử nghiệm phóng tên lửa siêu thanh, vật liệu tiên tiến, công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo … Hơn thế nữa, Trung Quốc đã chiếm thế độc quyền trong một số ngành như sản xuất bình điện, công nghệ viễn thông 6G … Viện Khoa Học Hàn Lâm Bắc Kinh « thường đứng thứ nhất hay thứ nhì kể cả trong những mảng nghiên cứu mà đến nay Mỹ luôn giữ thế áp đảo ». Trung Quốc đã soán ngôi của Hoa Kỳ về công nghệ hydrogen, về kỹ thuật chế biến amoniac để phục vụ trong công nghiệp năng lượng, công nghệ sản xuất vật liệu nano … Từ 2021 Trung Quốc đã qua mặt Mỹ về số lượng hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế hàng năm. 10 viện nghiên cứu của thế giới được đặt tại Hoa Lục và đây là «nhà máy sản xuất » các công trình nghiên cứu « có ảnh hưởng nhất định » cao gấp 9 lần so với của Mỹ. Thành công đó có được là nhờ « 20 % tác giả của những công trình nghiên cứu đó từng được đào tào tại Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand ». Đấy cũng là 5 quốc gia trong nhóm liên minh tình báo Five Eyes.  Dốc sức lực cho lĩnh vực hàng không, không gianVẫn theo báo cáo của ASPI, gần một nửa các công trình nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đóng góp cho công nghệ chế tạo động cơ máy bay tiên tiến, động cơ siêu thanh. 7 trong số 10 trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và giảng dậy tại trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, nhấn mạnh liên hệ mật thiết giữa nhu cầu phát triển công nghệ của Trung Quốc với mục tiêu an ninh và quân sự :  Julien Nocetti : « Ngay cả trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc quan niệm là phát triển kinh tế phải gắn liền với vế an ninh và quân sự. An ninh, là bởi vì về đối nội Trung Quốc tăng cường các công cụ kiểm soát công dân nước này nhờ công nghệ số. Chẳng hạn như qua hệ thống chấm điểm công dân. Để thưởng hay phạt điểm các công dân, chính quyền cần dựa vào những dữ liệu digital, cần lắp đặt camera thu hình ở khắp mọi nơi. Thông thường Âu, Mỹ xem và khai thác các dữ liệu kỹ thuật số dưới góc độ thương mại hay pháp lý. Châu Âu chẳng hạn chú trọng đến việc phải bảo mật các dữ liệu về thông tin cá nhân… Thế còn ở Trung Quốc thì người ta quan niệm khác. Họ chủ trương là cần phải làm chủ các dữ liệu đó vì lý do an ninh quốc nội, vì Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kiểm soát công dân nước này. Đây là một điểm hết sức quan trọng để hiểu được vì sao công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh và để rồi giờ đây, đủ sức vươn ra thế giới ».  (…)  Còn về mục đích quân sự thì Bắc Kinh chủ trương đến năm 2030 và nhất là từ nay đến 2049, đúng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Trung Quốc phải qua mặt được Mỹ cả về mặt quân sự nhờ những loại vũ khí và trang thiết bị càng lúc càng tối tân. Thí dụ như là Bắc Kinh có hẳn cả một chương trình trang bị cho các binh sĩ những bộ y phục « thông minh » gắn đầy bọ điện tử để thu thập thông tin, bắn đi những tín hiệu định vị… Tất cả những yếu tố đó, trong dài hạn sẽ giúp quân đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong ».  Nền tảng để trở thành một siêu cường công nghệ thế giớiCác đồng tác giả báo cáo của Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc kết luận : « Bắc Kinh đã đặt nền tảng để trở thành siêu cường số 1 thế giới về khoa học và công nghệ ». Trong cuộc đua công nghệ, « các nền dân chủ phương Tây đang thua cuộc từ về mặt khoa học, nghiên cứu đến khả năng tuyển mộ nhân tài ». Nguy hiểm ở đây đối với Tây Phương : « Đấy lại là những yếu tố quyết định cho phát triển và việc kiểm soát những công nghệ then chốt của thế giới trong hiện tại và tương lai ».  Trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 hôm 13/03/2023 ông Tập Cận Bình vừa chính thức được chỉ định thêm nhiệm kỳ thứ 3 ở cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã tuyên bố : « An ninh là nền tảng của sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết của thịnh vượng ». Mà để đạt được mục tiêu đó thì Trung Quốc cần thúc đẩy để « có một hệ thống phòng thủ quốc gia hiện đại toàn diện (…) quân đội phải là bức vạn lý trường thành bằng thép bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia ».  Hai ngày trước, thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) được bầu làm bộ trưởng Quốc Phòng. Từng chỉ huy chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc, việc tướng Phúc đứng đầu bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh càng lúc càng chú trọng đến phát triển công nghệ phòng thủ hàng không - không gian. Thế giới nhầm về tiềm năng của Trung Quốc ? Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí địa chính trị Grand Continent ngày 15/02/2023 Alice Pannier thuộc viện IFRI định nghĩa và nêu bật một số nét đặc thù của các công nghệ chiến lược và then chốt. Khái niệm « Công nghệ then chốt -critical technologies » xuất hiện từ thập niên 1990 ở Mỹ hiểu theo nghĩa đó là những « công nghệ mang tính then chốt vì lợi ích quốc gia (…) trong đó bao gồm lợi ích kinh tế về dài hạn ». Đó là những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân ít quan tâm. Công nghệ then chốt liên quan đến những lĩnh vực mang tính cạnh tranh ở cấp quốc tế và có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động dọ thám. Do vậy ở đây cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trung Quốc không là một ngoại lệ.Điểm thứ nhì là khi nói đến « công nghệ cao » hay các « công nghệ mới » đòi hỏi cộng tác - qua đó là mức độ lệ thuộc của một Nhà nước vào các đối tác tư nhân, vào các nguồn cung cấp trong lĩnh vực dân sự, vào các nhà cung cấp trang thiết bị … thường là của nước ngoài. Chính vì thế mà Trung Quốc không chỉ mới đây mà đã từ lâu nhắm tới mục tiêu tự chủ về công nghệ.Julien Nocetti : « Trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 chúng ta cứ nghĩ rằng Trung Quốc là một nền công nghiệp sản xuất đại trà, lấy số nhiều làm chủ đạo, hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Trung Quốc là một nhà cung cấp các dịch vụ tầm thường với giá rẻ. Không thể phủ nhận điều này, nhưng bên cạnh đó - mà tiêu biểu nhất là trường hợp của Hoa Vi, thì Trung Quốc đã có những sản phẩm và dịch vụ cao cấp về công nghệ để chinh phục thế giới. Cho dù là Mỹ đã liên tiếp viện lý do an ninh quốc gia để kềm hãm các tập đoàn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đã có những bước nhẩy vọt về công nghệ vì lợi ích phát triển kinh tế, vì lợi ích chính trị và chiến lược.Một lần nữa Trung Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh cho quân đội quốc gia, để đầu tiên hết là không bị phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của phương Tây và kế tới là trực tiếp cạnh tranh và khuynh đảo thế thượng phong về mặt quân sự của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sợ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ hiện nay đang nhắm vào Thái Bình Dương và ở những vùng sát cạnh với Trung Quốc, trong đó có một điểm nhậy cảm như là Đài Loan ». Vẫn Julien Nocetti thuộc viện IFRI và của trường sĩ quan Saint Cyr lưu ý báo cáo vừa được viện nghiên cứu Úc ASPI công bố mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến khoảng 2030-2040 và thậm chí là 2050 thì những thành công và tham vọng thực thụ của Bắc Kinh về công nghệ sẽ càng rõ rệt hơn nữa bởi hiện tại Trung Quốc vẫn đang trong quá trình « lấp vào những lỗ hổng » và vẫn chưa hoàn toàn tự lập. Theo ông Nocetti, ở thời điểm 2023 « Trung Quốc chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ » nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, bởi ngay cả Hoa Kỳ chứ đừng nói đến Liên Âu cũng khó có thể cạnh tranh với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc đã từ hai thập niên qua đẩy mạnh đầu tư vào nhân sự, vào các phương tiện, biến các trường đại học các học viện thành những thỏi nam châm hút công nghệ và kiến thức của phương Tây. 20 % các chuyên gia Trung Quốc công bố các công trình nghiên cứu đáng tin cậy theo báo cáo của ASPI từng được đào tạo ở nước ngoài. Số này đã trở về nước phục vụ. Hệ quả kèm theo là Âu-Mỹ trong thế phải chạy theo sau để bắt kịp Trung Quốc.Một trật tự mới về khoa học-công nghệ   Julien Nocetti : « Về lâu dài, nguy cơ ở đây là tình thế bị đảo ngược, tức là Mỹ và châu Âu phải rượt đuổi để bắt kịp Trung Quốc về mặt công nghệ cao, mà chính những công nghệ mang tính chiến lược đó hiện tại đang là những cái phao đối với các nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên cần phân biệt rõ trường hợp của Hoa Kỳ với Liên Âu. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao qua các chương trình đầu tư hàng chục tỷ đô la vào công nghiệp bán dẫn, vào trí thông minh nhân tạo... Về phía Liên Hiệp Châu Âu, những sáng kiến và dự án của châu Âu bị xé lẻ. Bruxelles, Paris hay Berlin đầy tham vọng chính trị để toàn khối này phải tự lập về mặt công nghệ. Hiềm nỗi ngay các thành viên trong Liên Âu cũng là những đối thủ trực tiếp cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu và tham vọng tự chủ về công nghệ cao, về kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu qua đó thực sự đang bị thách thức ». Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của IFRI hôm 15/02/2023 Alice Pannier đơn cử trường hợp của công nghệ lượng tử, một lĩnh vực đáp ứng cùng lúc các lợi ích kinh tế và an ninh. Do mới ở giai đoạn đầu, giới chuyên gia quốc tế cần hợp tác chia sẻ kiến thức. Ở giai đoạn này châu Âu đã mở cửa và dễ dàng cộng tác với các viện nghiên cứu ngoài khối, từ Mỹ đến Trung Quốc Úc, Ấn Độ, Canada ... Nhưng khi chuyển từ khâu nghiên cứu sang giai đoạn áp dụng thực hành, thì theo tác giả bài viết, nhiều vấn đề cụ thể về hợp tác đã đặt ra giữa các nhà nghiên cứu châu Âu với các đối tác Trung Quốc. Trong đó bao gồm từ bản quyền, đến quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu... để rồi giờ đây Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Còn trong quá trình hợp tác với các đồng cấp Mỹ, thì châu Âu cũng chóng nhận thấy một sự bất cân đối giữa các viện nghiên cứu hai bên bờ Đại Tây Dương. Một trong những bất cân đối đó là phương tiện tài chính. Tựu chung, hợp tác với các phòng nghiên cứu của Mỹ theo tinh thần có lợi cho cả đôi bên cũng không phải là chuyện dễ ! Như trong nhiều lĩnh vực khác, một lần nữa Châu Âu đang nhường lại cuộc chơi cho Mỹ và Trung Quốc.  

TẠP CHÍ KINH TẾ
Đổi thiết bị quân sự lấy dầu hỏa: Trung Quốc lấn sâu vào sân sau của Mỹ tại vùng Vịnh ?

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Dec 13, 2022 9:21


Ngoài năng lượng, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với thế giới Ả Rập đã vươn tới công nghệ cao, trang thiết bị quân sự. Riyad sắm drone của Trung Quốc. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn mua máy bay quân sự của Trung Quốc. Các nước trong vùng Vịnh kỳ vọng vào mạng 5G của Hoa Vi. Sau ba ngày họp tại Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình ra về với hàng chục tỷ đô la hợp đồng. Bán đảo Ả Rập, một mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ -Trung ? Trong ba ngày họp tại Riyad (7-9/12/2022), lãnh đạo Trung Quốc đã có chuyến viếng thăm Ả Rập Xê Út cấp nhà nước, họp thượng đỉnh với lãnh đạo 6 quốc gia thuộc Hội Đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Ả Rập Xê Út, Oman, Koweit, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar), lãnh đạo nhiều nước Ả Rập như Ai Cập hay Irak, Liban … Ả Rập Xê Út và Trung Quốc thông báo mối « đối tác chiến lược ». Bắc Kinh đã thu hoạch được 34 hợp đồng bao gồm từ lĩnh vực năng lượng đến hydrogen, từ các công trình xây dựng nhà ở đến các dự án phát triển công nghiệp hóa dầu và kể cả hợp đồng nhập khẩu drone do Trung Quốc chế tạo. Trung Quốc và Ả Rập Xê Út theo thứ tự là nguồn nhập khẩu và là nhà cung cấp dầu hỏa lớn nhất thế giới. Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đặc biệt trông cậy vào Bắc Kinh để tiến hành công cuộc cải tổ dài hơi, giảm bớt mức độ lệ thuộc của vương quốc vùng Vịnh này vào dầu lửa. Năm ngoái, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới hơn 80 tỷ đô la.  Ông Tập Cận Bình và các doanh nhân Trung Quốc tháp tùng chủ tịch nước không chỉ chú trọng vào một mình Ả Rập Xê Út. Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Đông của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI Jean Loup Samaan nêu bật trường hợp cụ thể của một quốc gia nặng ký khác trong khu vực là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (Emirates), nguồn cung cấp dầu hỏa lớn thứ ba cho Trung Quốc chỉ sau có Ả Rập Xê Út và Nga. Trong chiều ngược lại, chỉ nội hải cảng Jebel Ali tại Dubai là nơi « 60 % xuất khẩu Trung Quốc vào châu Âu hay châu Phi phải đi qua. Hơn 6.000 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động và nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc mở địa bàn hoạt độngg tại Dubai » :   Jean Loup Samaan : « Trong 5 năm gần đây trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc với Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất đã gia tăng đáng kể và càng lúc càng đa dạng. Chẳng những thế, nhìn rộng ra hơn, Trung Quốc hiện diện nhiều hơn ở vùng Vịnh. Chẳng hạn như là trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới Thể kỷ 21, hay qua trung gian của tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Công ty Trung Quốc này triển khai trang thiết bị mạng 5G cho các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc còn tham gia kể cả vào những lĩnh vực nhậy cảm nhất. Trong giai đoạn khủng hoảng Covid, tại đây, Bắc Kinh đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các bộ xét nghiệp PCR và cung cấp vaxin. Sau cùng ngay cả về an ninh, quốc phòng, Trung Quốc đã đưa được vũ khí vào khu vực này. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất mua drones của Trung Quốc. Còn Qatar và Ả Rập Xê Út thì trang bị tên lửa đạn đạo của nhà cung cấp châu Á này. Rõ ràng là giờ đây Trung Quốc đã hiện diện ở khắp mọi hoạt động kinh tế trong vùng ». Giao thương với Trung Quốc không chỉ khoanh vùng trong lĩnh vực năng lượng như từ trước tới nay. Bắc Kinh đã trở thành một đối tác then chốt đối với không riêng gì Abou Dhabi mà cả khối 6 nước thuộc Hội Đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Nhưng hiện diện trong lĩnh vực quân sự là điểm nhậy cảm vì từ trước đến nay về an ninh, các nước trong vùng vẫn dựa vào một điểm tựa chính là Hoa Kỳ.  Jean Loup Samaan : « Câu hỏi đặt ra là những quốc gia như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chủ yếu nhập khẩu trang trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, liệu có thể cùng lúc mua vào vũ khí của Trung Quốc hay không ? Đây chính chính là điểm gây xích mích giữa Washington và Abou Dhabi từ hai năm nay. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn sắm F-35 - chiến đấu cơ đời mới nhất của Mỹ nhưng hiện tại các vòng đàm phán đã bị đóng băng. Về phía Mỹ, thái độ ngờ vực này chủ yếu do sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. Washington không muốn rằng do có trọng lượng kinh tế quá lớn, Trung Quốc có thể gây sức ép với chính quyền Abou Dhabi, qua đó có thể khiến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất phải nhượng bộ hay phải tìm những giải pháp trung dung khi cần mua trang thiết bị quân sự. Những quyết định đó có khả năng tác động đến hoạt động, đến an ninh của lĩnh Mỹ đồn trú tại quốc gia vùng Vịnh này ». Thiết bị quân sự : Trung Quốc đã lấn sang sân chơi của Mỹ Theo các nguồn tin báo chí có khả năng đến tháng 2 năm tới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chính thức thông báo ý định mua 12 máy bay quân sự của Trung Quốc. Mùa xuân vừa qua Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung cấp drone quân sự cho Riyad. Tại Washington chính quyền Biden không hài lòng với những quyết định nói trên từ phía các « đồng minh » ở Trung Đông. Cụ thể hơn, Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng lá bài kinh tế để gây áp lực với các đối tác trong khu vực này để đạt được một số mục tiêu quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi.  Jean Loup Samaan : « Có hai lĩnh vực đặc biệt khiến Hoa Kỳ lo ngại. Điểm thứ nhất là sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, điều mà đến nay Abou Dhabi luôn phủ nhận. Trước mắt từ năm ngoái Abou Dhabi và Bắc Kinh tạm hoãn lại các vòng đàm phán về dự án nói trên. Tuy nhiên viễn cảnh lính thủy Trung Quốc hiện hoạt động trên lãnh thổ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cùng với lính của Mỹ, của Pháp …  vẫn tồn tại. Làm sao Hoa Kỳ có thể yên tâm triển khai các chiến dịch quân sự trong lúc lính Trung Quốc hiện diện sát ngay một bên ? Ở đây đặt ra vấn đề về nguy cơ tình báo liên quan đến nhân sự của các bên. Bên cạnh đó là yếu tố kỹ thuật : Hoa Vi triển khai các trang thiết bị viễn thông cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đặc biệt là cho mạng 5G. Mỹ coi đó là một mối đe dọa đối với các hoạt động trao đổi liên lạc trong tương lai. Washington đòi Abou Dhabi phải chọn một trong hai đối tác. Hệ thống viễn thông của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất do một tập đoàn có liên quan đến chính quyền Trung Quốc quản lý là điều Hoa Kỳ không thể chấp nhận - nhất là khi mà các hoạt động trao đổi thông tin trong nội bộ của quân đội Mỹ tại đây, hay với các giới chức ở Abou Dhabi phải đi qua các trang thiết bị của Hoa Vi. Đây chính là khía cạnh thứ nhì và cũng là một thí dụ rất cụ thể giải thích vì sao Mỹ lo ngại trước sự hiện diện của Trung Quốc tại quốc gia vùng Vịnh này ».    Như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, về mặt an ninh và quân sự thì họ vẫn trông cậy vào một nước lớn – đối với vùng Vịnh, đương nhiên là Hoa Kỳ. Nhưng để phát triển kinh tế thì các bên đều tin tưởng nhiều vào đầu tư Trung Quốc, vào trao đổi mậu dịch với quốc gia đông dân nhất địa cầu. Bài toán đó từng rất suông sẻ trong quá khứ nhưng trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang lao vào một cuộc đối đầu toàn diện (kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ cao…) liệu rằng chính sách đó có còn tính thời sự nữa hay không ?  Jean Loup Samaan : « Những hạn chế của chiến lược đó bắt đầu xuất hiện như đã thấy thời gian gần đây khi mà căng thẳng Mỹ-Trung Quốc gia tăng. Trong quá khứ đôi bên từng mở rộng hợp tác cho đến gần như là cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, không có gì ngăn cản khi mà một quốc gia bắt tay với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Washington và Bắc Kinh gần như trong thế ‘chiến tranh lạnh' thì dường như mỗi bên phải chọn phe. Dưới chính quyền Trump trước đây hay Biden hiện tại, nước Mỹ đòi các đồng minh phải chọn phe và đây không đơn thuần là một sự lựa chọn về mặt chiến lược mà bao hàm luôn cả vế kinh tế - trong đó có các chương trình liên quan đến cơ sở hạ tầng. Tôi muốn nói đến trường hợp của các dự án về hệ thống 5G. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng như Liên Âu hay Anh Quốc đều phải chọn một giải pháp, mà đây không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một quyết định mang tính ngoại giao và chiến lược. Nhìn chung thì các bên rồi sẽ phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ». Do vậy chiến lược « đông tiến » của nhiều quốc gia trong vùng Vịnh là cách để khẳng định một vị trí độc lập hơn với Washington và tránh để phải chọn phe trong bối cảnh Mỹ- Trung đối đầu ? Jean Loup Saman : « Điều thú vị đối với thính giả của quý đài, là cần hiểu rằng tình hình hiện tại không chỉ chứng minh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Đây còn thể hiện quyết tâm của một số quốc gia như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Ả Rập Xê Út … muốn thoát khỏi ảnh hưởng của một đối tác lâu đời như là Hoa Kỳ. Trong một thời gian dài các nước trong vùng Vịnh sống trong quỹ đạo của Washington, lệ thuộc vào Mỹ về mặt an ninh. Thật ra thì tới nay khu vực này vẫn lệ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt an ninh, nhưng các quốc gia kể trên thực sự đang tìm cách đa dạng hóa các mối bang giao để không bị cột chặt vào một mình nước Mỹ. Abou Dhabi trước đây từng tiếp đón trọng thể ông Tập Cận Bình. Lần này đến lượt Ả Rập Xê Út. Đây là cách để chứng minh với Mỹ rằng, các nước trong vùng Vịnh có nhiều khả năng chọn lựa và có một chính sách đối ngoại riêng, không để bị dồn vào thế phải chọn phe như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các quốc gia trong vùng Vịnh không muốn bị đẩy vào thế phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh và chung cuộc, thì số này tìm cách để trở thành những quốc gia không liên kết ». Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Đông đang tìm thế cân bằng trong bang giao giữa một bên là với Mỹ và bên kia là với Trung Quốc, tìm thế cân bằng giữa những lợi ích về kinh tế và an ninh. Nhưng cũng có thể hiểu rằng, qua việc thắt chặt bang giao với khối các nước Ả Rập và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, bản thân Bắc Kinh cũng đang đi tìm một thế cân bằng, tránh để lệ thuộc quá nhiều vào Iran. Năm 2021 Trung Quốc đã ký kết với chính quyền Teheran một thỏa thuận hợp tác chiến lược trong giai đoạn 25 năm. Chuyến công du Ả Rập Xê Út của ông Tập Cận Bình lần này diễn ra vào lúc chính quyền Teheran phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ hơn ba tháng qua. Nói cách khác, không chỉ tìm cách lấn sâu vào sân chơi của Mỹ tại Trung Đông, Bắc Kinh cũng đang đi tìm một thế cân bằng giữa những « cái thùng thuốc súng trong khu vực », giữa những quốc gia thù nghịch như Iran và Ả Rập Xê Út.  

EduStation
#10 PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông: Không ai hít thở tổn thương thay bạn

EduStation

Play Episode Listen Later Nov 29, 2022 32:49


Cũng giống như cơ thể, chúng ta cũng có một hệ miễn dịch dành cho tinh thần. Những tổn thương tâm lý, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, nếu được nhìn nhận và “đối xử” đúng đắn, đó sẽ là những liều vắc-xin cần thiết trong hành trình lớn lên và trưởng thành của mỗi người. Thậm chí, những tổn thương, những đau đớn còn là một bước đệm giúp chúng ta khai phá bản thân từ đó tìm thấy những tiềm năng mà chúng ta còn giữ trong kho lưu trữ của chính mình.Ở tập đầu tiên của podcast Edustation mùa 2, mời bạn cùng lắng nghe chia sẻ của PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông về chủ đề tổn thương tâm lý, và tiềm lực của sức khoẻ tinh thần trong việc khai mở bản thân.Đừng quên có thể xem bản video của podcast này tại YouTubeVà đọc những bài viết thú vị tại website: VietceteraNgoài ra bạn còn có thể gửi email nhận xét, phản hồi và ý tưởng cho Podcast về địa chỉ team@vietcetera.com.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Mỹ tấn một đòn đau vào công nghệ cao Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 25, 2022 9:23


Joe Biden và Tập Cận Bình cùng biết chiến tranh Mỹ -Trung đang diễn ra ngay bên trong các trung tâm nghiên cứu, các công ty khởi nghiệp. Mười ngày trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, Washington mở rộng lệnh « phong tỏa » linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc. Mục tiêu đề ra là ngăn chận các chương trình phát triển kinh tế và nhất là quân sự của Bắc Kinh. Giới trong ngành nói đến một « quả bom tấn » Hoa Kỳ tung ra trước thềm nhiệm kỳ ba của ông Tập Cận Bình ở cương vị tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Quân Ủy trung Ương và chủ tịch nước.   Chip, « tử huyệt » của công nghệ cao Trung Quốc Ngày 07/10/2022 Phòng Công Nghiệp và An Ninh (BIS) thuộc bộ Thương Mại Mỹ công bố danh sách được cập nhật các biện pháp nhằm « kiểm soát các hoạt động xuất khẩu » có liên hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và quyền lợi của Hoa Kỳ. Tài liệu cả trăm trang này nhằm « hạn chế khả năng của Trung Quốc mua vào và sản xuất một số chip điện tử cao cấp sử dụng trong các chương trình phát triển quân sự ». Báo New York Times trích dẫn Alan Estevez, thứ trưởng Thương Mại Mỹ đặc trách về Công Nghiệp và An Ninh cho biết thêm : Washington muốn các biện pháp được bổ sung này làm tê liệt hay ít ra là gây trở ngại cho các « chương trình phát triển quân sự, tình báo, các hoạt động của cơ quan an ninh Trung Quốc ». Vậy những quy định mới của Washington gồm những gì ? Thứ nhất là các biện pháp liên quan đến các tập đoàn và nhân viên Mỹ : danh sách mới của BIS mở rộng lệnh « cấm » đến 28 tập đoàn Trung Quốc. Ngoài Hoa Vi hay SMIC, còn phải kể đến DJI chuyên chế tạo drone, IFLYTEK trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Senstime một niềm tự hào của Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo … Tương tự như dưới chính quyền Trump trước đây, chính quyền Biden lần nay cũng đã cấm « xuất khẩu linh kiện bán dẫn, trang thiết bị công nghiệp để sản xuất chíp điện tử, phần mềm … » cho các công ty Trung Quốc. Thế nhưng Chris Miller, đại học TUFTS bang Massachusetts xem đây không hơn không kém là « lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ thời Chiến Tranh lạnh đến nay » bởi lẽ các biện pháp của chính quyền Biden lần này « đánh thẳng vào hai điểm nhậy cảm nhất của Trung Quốc đó là ngành quân sự và kinh tế ». Ông giải thích tiếp Trung Quốc đang cần chip và linh kiện bán dẫn của các tập đoàn Mỹ để phát triển, sản xuất và nâng cấp các loại supercomputer. Đây là những hệ thống máy tính cực mạnh bên quân đội sử dụng chẳng hạn như để điều khiển các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa siêu thanh …   Công nghệ cao Trung Quốc đe dọa an ninh Hoa Kỳ Điểm thứ nhì đáng chú ý là Hoa Kỳ sử dụng nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » để phạt các tập đoàn nước ngoài, thí dụ như của Hà Lan, hay Nhật Bản Hàn Quốc, sử dụng công nghệ của Mỹ trong các khoản giao dịch, mua bán với các đối tác Trung Quốc hay tại các chi nhánh của các tập đoàn này trên lãnh thổ Trung Quốc. Với quyết định hôm đầu tháng 10 các hãng như Samsung, hay SK Hynic của Hàn Quốc, TSMC của Đài Loan, ASML của Hà Lan... phải xét lại toàn bộ các chương trình hợp tác với Trung Quốc, thu hẹp một số hoạt động tại các nhà máy ở Hoa Lục. Trên đài RFI Pháp ngữ, Jean François Di Meglio trung tâm nghiên cứu Asia Center-Paris, coi quyết định này là có cơ sở vào lúc Trung Quốc xác định đang thu hẹp khoảng cách với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn : « Trung Quốc vừa thông báo tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Càng lúc càng sản xuất các loại chip nhỏ - nhỏ đến mức ‘tối đa'. Nhưng sự thực không hẳn như vậy. Các thống kê gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy trong số các kiện hàng xuất khẩu, tỷ lệ hàng bị hỏng và phải trả về nguyên quán là khá cao. Đây là một chỉ số và một tiêu chuẩn quan trọng về chất lượng chip của Trung Quốc. Tại Đài Loan tỷ lệ hàng bị trả về chỉ là 0,01 %. Chỉ số này của Trung Quốc cao hơn đến cả chục lần. Nói cách khác trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Trung Quốc còn phải đầu tư thêm rất nhiều. Nhưng trong bối cảnh kinh tế đang chựng lại, khó để thực hiện những tham vọng đó ». Về kinh tế Trung Quốc đang dẫn dầu trong lĩnh vực « trí thông minh nhân tạo » nhưng như chuyên gia tin học Mỹ, Jack Dongarra đại học Tennessee được New York Times trích dẫn, không có chip của Mỹ hay các hãng của Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì các ứng dụng của Trung Quốc « sẽ kém thông minh ». Hiểm họa Trung Quốc Về phía Bắc Kinh, bảy năm sau khi công bố kế hoạch « Made in China 2025 » với 10 lĩnh vực « mũi nhọn »,  ông Tập Cận Bình trước thềm Đại Hội Đảng vừa qua đã nhắc lại mục đích « giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến các công nghệ then thốt ». Hãng tin Mỹ Bloomberg so sánh : năm 2021 Trung Quốc thông báo ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng 14 % trong lúc ngân sách của Hoa Kỳ giảm 2,6 %. Báo cáo gần đây nhất của hiệp hội các tập đoàn xuất khẩu Hàn Quốc lưu ý Trung Quốc « không chỉ là một nhà xuất khẩu của thế giới mà còn là khách hàng lớn nhất mua vào từ vệ tinh đến cáp quang, và các sản phẩm high tech với những công nghệ tiên tiến nhất » ; 18 % các mặt hàng high tech sản xuất ra trên thế giới là để xuất khẩu sang Trung Quốc. Song các con số đó cũng cho thấy rằng, đây là một « nhược điểm » bởi ông khổng lồ châu Á này « lệ thuộc vào công nghệ cao của nước ngoài », đứng đầu là công nghệ của Mỹ.   Công ty tư vấn về công nghiệp TrendForce dự báo hoạt động trong các ngành từ hàng không không gian đến công nghiêp sản xuất vũ khí của Trung Quốc sẽ  « lao đao »  sau lệnh cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và các dịch vụ phần mềm nhậy cảm cho Trung Quốc bộ Thương Mại Mỹ ban hành hôm 07/10/2022. Trên đài truyền hình Arte, nhà Trung Quốc học Alice Ekeman,  chủ nhiệm cơ quan đặc trách về an ninh của Liên Hiệp Châu Âu EUISS giải thích sự đối đầu Mỹ- Trung về công nghệ cao sẽ còn đi xa hơn thế nữa trong tương lai : « Đương nhiên sự đối đầu Mỹ- Trung phủ bóng Đại Hội lần này bởi đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt buộc phải chú ý tói và tổ chức lại để từng bước bớt lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Đó là mục tiêu chính trong Kế Hoạch 5 năm 2020-2025. Trong kế hoạch này, Trung Quốc chủ trương đầu tư mạnh vào công nghệ cao. Về phía Washington cũng vậy. Mỹ cũng đã có những chiến lược để không lệ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc. Từng bước chúng ta tiến tới một thế giới lưỡng cực mà ở đó hai thị trường Mỹ và Trung Quốc bớt chi phối lẫn nhau. Tuy nhiên sự đối đầu đó đã cao độ tới nối mà rất có thể là xa hơn một hcust nữa, Mỹ và Trung Quốc sẽ là hai khối. Mỗi bên giao thương với các đồng minh và các đối tác. Trung Quốc sẽ giao dịch với Nga và một nhóm các nước bạn ; Mỹ thì có vùng ảnh hưởng riêng của mình. Đôi bên không có cùng những chuẩn mực về công nghệ và những chuẩn mực đó càng lúc càng khác biệt, không thể dung hòa với nhau ». Trong chưa đầy 20 năm, Trung Quốc đã chen chân vào câu lạc bộ các nhà sản xuất chip của thế giới cho dù vẫn chưa đạt đến « đỉnh cao » của các loại chip nano nhỏ nhất, « cao cấp nhất ». Tài liệu về « Chiến lược an ninh quốc gia » Nhà Trắng công bố cách nay hai tuần đã nhấn mạnh « ưu tiên của Mỹ là giữ thế thượng phong so với Trung Quốc trong 10 mang tính quyết định sắp tới ». Tin học, trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot, … là chìa khóa của sức mạnh trong tương lai. Tại Bắc Kinh ông Tập Cận Bình cũng đưa ra cùng quan điểm. Đây sẽ là những « mặt trận » trong cuộc đọ sức Mỹ- Trtung để thống lĩnh thế giới. Dù vây, bên cạnh những tuyên bố và quyết định có vẻ quyết liệt đó, Washington và Bắc Kinh tháng 8/2022 đã thông qua một thỏa thuận « bảo vệ » các hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc, đứng ngoài lĩnh vực nhậy cảm là công nghệ cao, tham gia thị trường chứng khoán Wall Street. Thêm một yếu tố nữa là chính quyền Biden đã chọn thời điểm trước bầu cử giữa kỳ để công bố « những biện pháp nghiêm ngặt » kềm tỏa Trung Quốc nhưng bộ Thương Mại Mỹ thừa biết Trung Quốc đang là một trong những khách hàn  lớn nhất của các con chim đầu đàn trong ngành công nghệ cao Hoa Kỳ như Applied Materials chẳng hạn. Vả lại Washington dưới chính quyền Biden hiện nay hay Trump trước kia đều để ngỏ những cánh cửa thoát hiểm cho các tập đoàn Mỹ : dù ban hành lệnh cấm nhưng chính phủ vẫn có thể  « cứu xét tùy theo từng trường hợp đặc biệt » để vẫn cho phép các công ty giao dịch với Trung Quốc. Cuối cùng, ngay cả trong trường hợp Mỹ áp dụng triệt để các biện pháp ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với công nghệ cao, thì cầm chắc là Bắc Kinh cũng có không ít sáng kiến để « vượt tường lửa » công nghệ mà Washington ban hành.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Những vết rạn nứt trong giấc mộng kinh tế Trung Hoa

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 18, 2022 9:30


« Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại ». Ngày 18/10/2022 Bắc Kinh hoãn công bố tỷ lệ tăng trưởng của Qúy3 /2022 và hàng loạt các chỉ số kinh tế như dự kiến. Sự kiện hãn hữu này làm dấy lên câu hỏi phải chăng do kết quả không được như mong đợi vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội ? Có thêm nhiều trở ngại ngăn cản Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới khi mà ba chìa khóa từng lđem lại « phép lạ » và tăng trưởng thần kỳ cho nước đông dân nhất địa cầu không còn phù hợp với thực tế. Dân số đang trên đà lão hóa, Trung Quốc không còn có thể trông cậy vào nguồn nhân lực dồi dào để tiếp tục là công xưởng xuất khẩu ra thế giới. Đòn bẩy thứ nhì là đầu tư nội địa cũng bắt đầu « hết thiêng » khi mà nhu cầu trang bị cơ sở hạ tầng bão hòa. Yếu tố thứ ba đe dọa tham vọng kinh tế của Bắc Kinh, công luận Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai tại một quốc gia mà các chính sách xã hội gần như trống vắng. Theo giới quan sát, đó là những thách thức nghiêm trọng nhất chờ đợi ông Tập Cận Bình trước một nhiệm kỳ mới. Trong khi đó chính sách « zero Covid » và những tác động kèm theo về kinh tế, xã hội ; khủng hoảng địa ốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chiến tranh Ukraina và những tác động đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, khủng hoảng về năng lượng ... chỉ là những nguyên nhân gây thêm khó khăn cho Tập Cận Bình trong mục tiêu từ nay cho đến kỷ niệm 100 ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thống lĩnh kinh tế toàn cầu. Dưới tác động của nhiều tuần lễ, lá phối kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc trong quý 2/2022 rơi xuống tới mức « tệ nhất từ 40 năm qua » : GDP tăng 0,4 %. Từ Ngân Hàng Thế Giới đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đồng loạt dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay không vượt quá ngưỡng 3,5 %. Lần đầu tiên từ 30 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng Trung Quốc thấp hơn  so với nhiều quốc gia Đông Nam Á : thua Việt Nam, Philippines, thua Indonesia, Malaysia…  Các thống kê quốc tế được đưa ra vào lúc Trung Quốc chuẩn bị họp Đại Hội Đảng và ủy nhiệm cho ông Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Yếu tố « bên ngoài » không đáng lo lắm Về những yếu tố đối ngoại, Jean-François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương INALCO nhìn nhận chiến tranh Ukraina hiện nay gây bất lợi cho các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Jean François Huchet  : « Căng thẳng địa chính trị gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều mặt : chiến tranh Ukraina đẩy giá nguyên liệu tăng cao, làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tắc nghẽn trong chuỗi sản xuất… Điều đó chẳng có lợi gì cho Trung Quốc, đấy là chưa kể những diễn biến quân sự gần đây : dường như Vladimir Putin hiện tại không đủ khả năng giữ một số cam kết mà ông đã đưa ra với ông Tập Cận Bình khi nguyên thủ hai nước gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tháng 2/2022. Nếu như tình huống quá bất lợi cho Nga, Bắc Kinh có lẽ sẽ rà soát lại quan hệ đối tác chiến lược kinh tế giữa Trung Quốc và Liên Bang Nga ». Dù vậy trước mắt, Trung Quốc đang có lợi trong việc giao thương với Nga. Bên cạnh đó nhiều tập đoàn nước ngoài bắt đầu thờ ơ với thị trường đông dân nhất địa cầu. Dân số Trung Quốc già đi, tiêu thụ nội địa không cất cánh. Thêm vào đó viễn cảnh kinh tế chựng lại và lĩnh vực đem lại đến 30 % GDP là địa ốc, thì đang lao đao. Tuy nhiên, giáo sư Mary Françoise Renard, đại học Clermond Auvergne, miền trung nước Pháp trên đài France Culture cho rằng, còn quá sớm để khẳng định là Trung Quốc đang mất các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mary Françoise Renard : « Theo các thăm dò, nhiều hãng ngoại quốc lo ngại về môi trường hoạt động tại Trung Quốc. Dù vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng so với 2020 và còn tiếp tục tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn thu hút chú ý của giới đầu tư nhất là Bắc Kinh gần đây đã nới lỏng luật đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên điều tối kỵ với các doanh nghiệp là một môi trường hoạt động bấp bênh. Họ sợ Bắc Kinh thay đổi chính sách đối với doanh nghiệp nước ngoài, sợ chính sách zero Covid triệt để theo kiểu của Trung Quốc… Nhưng điều làm giới đầu tư nản lòng nhất là chính quyền quyết tâm kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế. Sau cùng, do thị trường Trung Quốc không còn năng động như trước, do dân số bị già đi, do mức tiêu thụ nội địa vẫn không cất cánh…  khiến một số doanh nhân tự hỏi có nên đầu tư tiếp nữa, có nên tiếp tục hiện diện tại Trung Quốc hay không ».   Một « mùa đông buốt giá » Mùa hè vừa qua, vào lúc Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn trải qua một trận nóng kinh hoàng, ông chủ Hoa Vi, Nhậm Chính Phi trong bức thư  gửi nhân viên tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc báo trước một « mùa đông buốt giá ». Lãnh đạo Hoa Vi giải thích « kinh tế thế giới còn lao đao từ 3 đến 5 năm nữa » do vậy nhân viên của hãng này chớ « nuôi ảo vọng » : Hoa Vi và cả thị trường tài chính Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dự phóng bi quan đó đã làm sụt giảm mạnh chỉ số chứng khoán Trung Quốc hôm 24/08/2022 cho dù Hoa Vi không tham gia các sàn chứng khoán Thượng Hải hay Thâm Quyến, Hồng Kông. Bởi lẽ, theo một tờ báo kinh tế của Singapore (Liên Hiệp Tảo Báo), mọi người đều biết, nếu như một tập đoàn có trọng lượng như Hoa Vi mà còn lo lắng cho tương lai, chắc chắn là « cả nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước những thời khắc đen tối ».    Thêm một dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hoạt động chậm lại : trước Covid, mỗi ngày có 2700 chuyến bay cất cánh hoặc đáp xuống các phi trường nội địa và quốc tế. Giờ dịch vụ hàng không tại cả một quốc gia rộng lớn như một châu lục bị thu hẹp lại còn chưa đầy 200 chuyến, tức chỉ còn tương đương với 5 % so với gần ba năm trước đây. Gần ba năm từ khi virus corona hoành hành, Trung Quốc là một trong những quốc gia hiếm hoi vẫn duy trì chiến lược « bế quan tỏa cảng » triệt để nhất để chống dịch. « Sẽ phải thích nghi với tăng trưởng 2-3% một năm » Jean-François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương INALCO của Pháp cho rằng thời kỳ mà phép lạ kinh tế cho phép Bắc Kinh phô trương thành tích tăng trưởng hơn 10 % rồi 7-8 % đã thuộc về quá khứ. Vấn đề đặt ra là trong thập niên vừa qua, ông Tập Cận Bình không mấy thành công « xoay trục » kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm chủ đạo : Jean François Huchet : « Chúng ta biết là khoảng từ 15 năm nay Trung Quốc khó giữ tỷ lệ tăng trưởng cao do dân số trong tuổi lao động giảm sụt, do năng suất lao động không còn tăng nhanh như trong 30 năm đầu tiên từ khi mở cửa kinh tế. Bất luận ai lãnh đạo đất nước đi chăng nữa, thì kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ lại có được những thành tích tăng trưởng hơn 10 % một năm. Điều mọi người chỉ trích ông Tập Cận Bình là đã không có khả năng thích ứng với tình huống » Samy Chaar, ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier báo trước : trong những thập niên sắp tới Trung Quốc sẽ phải hài lòng với một tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 2 đến 3 % một năm. Báo La Croix tuần trước nói đến một tỷ lệ tăng trưởng chậm, khiến giấc mơ kinh tế của ông Tập « không được như ý » cho dù trong thập niên qua, hệ thống đường sắt cao tốc trên toàn quốc đã được nhân lên gấp 4 lần, số người trong cảnh nghèo khó giảm mạnh. Dưới hai nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, tầng lớp trung lưu tại quốc gia châu Á này đang từ 15 triệu người đã mở rộng đến từ 300 đến 700 triệu. Về công nghệ, Trung Quốc đang trở thành một ngọn hải đăng trong một số lĩnh vực mũi nhọn, như trí thông minh nhân tạo. Lại cũng Bắc Kinh đã đi rất xa trên con đường chinh phục không gian… Nhưng bên cạnh đó, Covid, hạn hán, thiên tai, đời sống đắt đỏ, khủng hoảng địa ốc… là những nhát búa đánh vào mô hình kinh tế nước này. Jean François Huchet vừa nói đến « khả năng thích ứng kém cỏi » của chính quyền Bắc Kinh gần đây, giáo sư Mary Françoise Renard giải thích thêm : sau 4 thập niên xuất khẩu không còn đem lại « phép lạ » cho tăng trưởng của Trung Quốc nhưng các chính sách kinh tế của Bắc Kinh vẫn khai thác những công thức cũ và bỏ rơi cả một mảng quan trọng : đó là sức mua của gần 1,5 tỷ dân số trên địa cầu. Mary Françoise Renard  : « Nếu như tiêu thụ nội địa không tăng nhanh như mong đợi, đó là do chính sách kinh tế của Trung Quốc mà thôi. Từ trước đến giờ, Bắc Kinh luôn chú trọng vào việc giúp đỡ bên sản xuất, mà không chú trọng đến việc hỗ trợ người tiêu dùng. Thêm vào đó, trong một thời gian dài, mọi người đã trông thấy đời sống của họ đã khá lên, họ nghĩ rằng đây là tiến trình không thể đảo ngược. Cùng với đà tiến lên này, mọi người bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng cuộc sống. Nhưng tới nay chính phủ vẫn rất ít quan tâm đến vế xã hội, đến chính sách để mọi người cùng được hưởng lợi từ những thành quả kinh tế mà Trung Quốc đã tích lũy được trong hàng chục năm vừa qua. Số người thất nghiệp tăng cao, nhưng chỉ có rất, rất ít được hưởng trợ cấp thất nghiệp ; chăm lo cho con cái đi học càng lúc càng tốn kém. Trung Quốc cũng không có chính sách giúp đỡ người cao niên » … Bệnh thành tích Cũng trên France Culture Sébastien Jean, giám đốc nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế CEPII nêu bật một khía cạnh khác : Sébastien Jean  : « Chính quyền vẫn cương quyết duy trì một tỷ lệ tăng trưởng ở mức rất cao, cho dù là chỉ tiêu đó không còn phù hợp với thực tế của ngày hôm nay. Trong quá khứ Trung Quốc đã khai thác các nguồn nhân lực, tài nguyên và phương tiện tài chính để phục vụ kinh tế. Thí dụ như đưa đội ngũ dân cư ở nông thôn vào cỗ máy công nghiệp ; hay ồ ạt đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tháo gỡ một số nút thắt cản trở tăng trưởng. Nhưng thời kỳ đó đã qua. Kinh tế Trung Quốc giờ đây đã khá phát triển, năng suất lao động không còn tăng mạnh như xưa. Trung Quốc không thể mãi mãi chỉ là công xưởng của thế giới và chỉ trông cậy vào sức lao động để tiếp tục nuôi dưỡng phép lạ kinh tế đó. Bắc Kinh bắt buộc phải dựa vào những phát minh, vào công nghệ cao. Trong một số lĩnh vực Trung Quốc đã rất thành công. Tôi muốn nói tới trí thông minh nhân tạo, ngành hàng không không gian… Nhưng không thể nào một số những phát minh đó tiếp tục bảo đảm cho Trung Quốc những tỷ lệ tăng trưởng 8-10 % như từ trước đến nay. Bắc Kinh bắt buộc phải chấp nhận thực tế là đà tăng trưởng sẽ bị chậm lại, bị giảm sụt đi nhiều so với trước và tình trạng này sẽ kéo dài. Trông cậy vào những phát minh để làm động cơ tăng trưởng đã là khó, riêng với Trung Quốc do Đảng muốn kiểm soát tất cả thì đó là điều chẳng thuận lợi cho các sáng kiến mới, cho những suy nghĩ độc lập để cho ra đời những phát minh phục vụ kinh tế ». Vào lúc mà nhiều câu hỏi đang dấy lên chung quanh mức độ hiệu quả của đầu tư Trung Quốc, của các doanh nghiệp Nhà nước, về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình hiện hóa mô hình kinh tế, thì dường như đây không phải là điều được ông Tập Cận Bình quan tâm, ít ra là trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng lần này. Về mặt xã hội, vào lúc mà gần 20 % thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp, hàng chục triệu hộ gia đình bất mãn và không biết có lấy lại được vốn đầu tư vào nhà đất hay không, một số nhà quan sát châm biếm đặt câu hỏi : trước những dấu hiệu bất mãn trong công luận bắt đầu nhen nhúm đó đây tại Hoa Lục, chính quyền trung ương xoa dịu dân tình bằng cách đầu tư vào các chính sách xã hội, hay sẽ tăng ngân sách cho các cơ quan kiểm duyệt trên các mạng xã hội ?

TẠP CHÍ KINH TẾ
Công nghệ cao : Gián điệp Trung Quốc « săn mồi » trên đất Pháp

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Aug 23, 2022 9:22


Trong cuộc điều trần trước Hạ Viện Pháp hôm 13/07/2022, lãnh đạo SGDSN cơ quan đặc trách về Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia khẳng định gián điệp Trung Quốc hoạt động ở « quy mô lớn » trên lãnh thổ Pháp, quan tâm đến « nhiều lợi ích của chúng ta ». Các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp là những « miếng mồi ngon ». Không hẹn mà trong chưa đầy một tháng, Anh, Pháp và Mỹ đồng loạt lên tiếng về các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào phương Tây. Đầu tháng 7/2022 giám đốc MI5 cơ quan tình báo nội địa Anh và lãnh đạo Cục điều tra Liên Bang Mỹ FBI báo động Trung Quốc « gia tăng các hoạt động gián điệp thương mại ». Ngày 22/07 đến lượt ông Richard Moore, giám đốc MI6 theo dõi các hoạt động của các thực thể nước ngoài, tuyên bố Luân Đôn sẽ « huy động nhiều phương tiện hơn về Trung Quốc ». Giữa hai thời điểm đó, trung tuần tháng 7, tại Paris, tổng thư ký cơ quan đặc trách về Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Pháp – SGDSN, ông Stéphane Bouillon, trong cuộc điều trần tại Hạ Viện khẳng định : « Nhiều người Trung Quốc quan tâm đến những lợi ích » của Pháp bằng cách « xâm nhập », « theo dõi », các đối tượng cần quan tâm. Tựa như một con ma cà rồng hút máu, ở mọi cấp, tình báo Trung Quốc « hút » những thông tin cần thiết. Cũng trong cuộc điều trần đó, quan chức này của Pháp đã nhấn mạnh : « Mỗi khi một thực tập sinh từ một số quốc gia –và chúng tôi đặc biệt chú ý đến những trường hợp từ Trung Quốc và Iran đến, ghi danh vào các trường đại học trong các ngành vật lý và hóa học SGDSN cho mở điều tra và có quyền can thiệp để từ chối đơn của các thí sinh nước ngoài nếu đánh giá đó là những hồ sơ khả nghi ». SGDSN có nhiệm vụ ngăn chận « một số công ty, đặc biệt là của Trung Quốc, để số này không phát triển, chiếm một vị trí quá lớn tại Pháp ». Stéphane Bouillon nêu rõ « viễn thông và một số lĩnh vực được coi là nhậy cảm » đối với an ninh quốc gia. Một cách cụ thể hơn, trong trường hợp của Pháp, nhân viên tình báo Trung Quốc hoạt động dưới hình thức nào, đâu là những mục tiêu trong tầm ngắm của Bắc Kinh và Pháp có những phương tiện nào để tự vệ,  hiệu quả đến đâu ? RFI tiếng Việt mời Pierre- Antoine Donnet, tác giả cuốn sách phát hành năm 2021 mang tựa đề Chine, le grand prédateur - Trung Quốc một kẻ săn mồi lớn, NXB Editions de l'Aube trả lời các câu hỏi này. Ông Donnet nguyên là tổng biên tập hãng tin Pháp AFP và là cộng tác viên thường xuyên của báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst.   Từ khi nào Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại hàng đầu của cơ quan đặc trách về an ninh Pháp, SGDSN và tại sao ? Pierre-Antoine Donnet : « Tháng 9/2021 một báo cáo đươc công bố đã cho thấy hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào phương Tây nói chung và đặc biệt là vào châu Âu đã tinh vi đến mức độ nào. Đó là báo cáo của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp-IRSEM, một cơ quan trực thuộc bộ Quân Lực. Theo tài liệu hơn 650 trang với rất nhiều chi tiết này, tình báo Trung Quốc đa hình đa dạng và hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau : từ kinh tế đến công nghiệp, quân sự hay dọ thám để định hướng dư luận. Mọi người đều biết, trong quá khứ một số lãnh đạo hàng đầu của Pháp từng rơi vào những tình huống tế nhị đối với Bắc Kinh (...) Các hoạt động tình báo đó dựa trên cơ sở một bài diễn văn của Tập Cận Bình hồi năm 2014. Lãnh đạo Trung Quốc đã định nghĩa cái gọi là « an ninh toàn diện » trong 5 lĩnh vực. Quan trọng nhất tất nhiên là « an ninh về mặt chính trị » kế tới là « an ninh kinh tế », là sự « ổn định của chế độ », là « an ninh về đối ngoại » và sau cùng là những điều cơ bản trong các hoạt động tình báo dựa theo mô hình của Nga, mà đứng đầu là những hoạt động dọ thám trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Chính trong mục tiêu này Bắc Kinh đã gài người vào các cơ quan nhà nước của quốc tế, vào các chính quyền để phục vụ quyền lợi của Trung Quốc ».   Trong tác phẩm gần đây nhất ra mắt độc giả năm 2021, Pierre-Antoine Donnet đã dành nhiều trang để nói về các hoạt động dọ thám của Trung Quốc. Với RFI tiếng Việt ông giải thích : Trung Quốc chịu tung tiền để mua chuộc các quan chức phương Tây và đã « có nhiều chính khách hàng đầu của Pháp rơi vào bẫy ». Ở vào thời đại mà mạng xã hội là vua, thao túng thông tin, phao tin thất thiệt hay bóp méo sự thật, sử dụng cả một đội ngũ hùng hậu những « người lính cyber » để bôi nhọ đối phương, hướng dẫn dư luận không phải là chuyện khó làm. Trong trường hợp của Pháp, gián điệp Trung Quốc nhắm vào những mục tiêu nào ?  Pierre-Antoine Donnet : Những công nghệ của Pháp đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, trong ngành xây dựng các hệ thống đường sắt cao tốc LGV, trong ngành công nghiệp hàng không dân sự và quân sự. Nếu như Pháp và nhiều nước phương Tây khác mất hàng chục năm nghiên cứu và đã phải đầu tư rất nhiều mới đạt đến đỉnh cao trong những lĩnh vực này, thì Trung Quốc chỉ mất từ 10 đến 15 năm. Xin đơn cử một thí dụ rất rõ ràng : Trung Quốc đã xây dựng được một mạng lưới hơn 40.000 km đường sắt cho tàu cao tốc LGV trong chưa đầy 20 năm. Pháp đã phải mất đến 4 chục năm để có được chưa đầy 10.000 km. Nhân viên Trung Quốc đã hoạt động rất tốt trong nhiệm vụ đánh cắp thông tin công nghệ của Pháp. Một hồ sơ gián điệp công nghiệp khác Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vẫn chưa « nuốt trôi » liên quan đến ngành công nghiệp chế tạo máy bay dân dụng : Pierre-Antoine Donnet : Airbus đã phát hiện là các dữ liệu mật của tập đoàn bị đánh cắp mà thủ phạm rõ ràng là những tin tặc Trung Quốc. Ít lâu sau thì Trung Quốc trình làng kiểu máy bay dân sự COMAC C919, giống loại A320 của Airbus như hai giọt nước. C919 của Trung Quốc đã dễ dàng vượt qua các đợt bay thử nghiệm. Thế nhưng nhà sản xuất Trung Quốc chưa làm chủ toàn bộ các khâu sản xuất và đang bị kẹt ở chặng thiết kế động cơ. Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc còn lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ và châu Âu. Làm thế nào để giải thích Trung Quốc đã dễ dàng rút được những bí quyết công nghiệp, về công nghệ cao của Pháp như vậy ? Pierre-Antoine Donnet : Ở đây có hai yếu tố quyết định. Thứ nhất là « tiền » : Ai cũng ham lợi. Thí dụ hiển nhiên nhất là các tập đoàn Pháp trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, từ AREVA, FRAMATOME đến EDF đều đã chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc vì muốn chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Các tập đoàn đó chỉ nhìn thấy tiền và triển vọng tươi sáng ở Trung Quốc nên đã dễ dàng và bất cẩn ký hợp đồng với đối tác này. Nhờ vậy Trung Quốc giờ đây đã làm chủ toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân dân sự : từ khâu thiết kế nhà máy điện nguyên tử đến công tác bảo trì và nhất là các kỹ thuật tân tiến nhất. Nhờ công nghệ của Pháp, hai nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR đã hoạt động tại Trung Quốc từ 2018 và 2019. Pháp thì nhà máy ở Flamanville đã trễ hơn 15 năm, giá thành liên tục bị đội lên. Yếu tố thứ nhì là một sự ngây thơ đến phải hổ thẹn của phương Tây, để bây giờ mọi người mới bừng tỉnh, hốt hoảng nhìn lại vấn đề và tự hỏi « vì sao ra nông nỗi này ? ». Âu Mỹ từng lầm tưởng rằng Trung Quốc biết giữ chữ « Tín » và mãi mới phát hiện ra rằng, Trung Quốc không tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng, không sòng phẳng, không thẳng thắn. Giờ đây Pháp, Mỹ hay Nhật … mới thấy rõ rằng Trung Quốc không chỉ là cơ xưởng của thế giới mà đang trở thành « phòng thí nghiệm » của thế giới. Mất trộm rồi mới rào giậu ? Liệu đã quá trễ hay chưa để ngân chận các hành vi đánh cắp thông tin mật về kinh tế, những bí quyết về kỹ thuật ? Trung Quốc có còn cần đến những bí quyết đó của phương Tây nữa hay không ?  Pierre-Antoine Donnet : Cá nhân tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đạt đến đích, bởi vì phương Tây đang bừng tỉnh để nhận thấy rằng chính quyền nước này – tôi không nói là người Trung Quốc, mà chính quyền Bắc Kinh, gian dối. Trung Quốc từ lâu nay lừa bịp thiên hạ và còn tiếp tục theo hướng đó. Phương Tây thì bây giờ mới hiểu ra rằng không thể tin được Trung Quốc. Chính vì ngây thơ mà Âu Mỹ đã đánh mất hàng ngàn, hàng chục ngàn công việc làm và còn nhiều hơn thế nữa. Pháp có thể làm được gì để giữ công nghệ và những phát minh trước các hoạt động ráo riết của ngành tình báo Trung Quốc ? Những công cụ đó nếu được áp dụng một cách nghiêm chỉnh có hiệu quả đến đâu ? Pierre-Antoine Donnet : Trước hết là ngừng mọi chương trình chuyển giao công nghệ mà không có những bảo đảm hay những cơ sở pháp lý vững chắc. Trong mọi hợp đồng với các đối tác Trung Quốc, mỗi chi tiết đều phải được  « soi rọi », cân nhắc rất kỹ với những điều khoản rất, rất chính xác. Thứ hai nữa là Pháp có cả một cơ quan phản gián để ngăn chận những hoạt động tình báo của tất cả các quốc gia khác, đứng đầu là Trung Quốc, để ngăn chận những vụ bòn rút thông tin mật. Công cụ thứ ba theo tôi đơn thuần là chiến lược tự chủ về công nghiệp, về kinh tế. Trong giai đoạn dịch Covid chúng ta thấy là Pháp lệ thuộc đến 80 % vào chất giảm đau paracétamol nhập từ Trung Quốc và 20 % nhập từ Ấn Độ. Từ đó Pháp nói riêng, Liên Âu nói chung đã rút ra được một bài học đó là không để lệ thuộc vào quốc gia nào trong các lĩnh vực then chốt đối với kinh tế, an ninh … và nhất là trong các công nghệ mới mà chúng ta thường gọi là « công nghệ của tương lai ». Cơ quan an ninh Pháp SGDSN không được thông báo về chương trình hợp tác giữa hệ thống các trường đào tạo kỹ sư ParisTech của Pháp với trường đại học nổi tiếng của Tây An bị nghi là có liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Tháng 10/2022 thượng nghị sĩ Stéphane Piednoir vùng Maine et Loire, miền tây nước Pháp, chất vấn bộ trưởng đặc trách về Giáo Dục cấp Đại Học, về các chương trình Nghiên Cứu và Phát Minh, bà Frédérique Vidal về các biện pháp ngăn ngừa các tổ chức nước ngoài xâm nhập vào các trường đại học và các viện nghiên cứu quốc gia. Ông cũng đã nêu bật trường hợp cụ thể về hợp tác với đại học Tây An. Từ đó tới nay, bộ Giáo Dục cấp đại học Pháp đã đổi chủ, Paris vẫn chưa trả lời câu hỏi của thượng nghị sĩ Piednoir. Theo tiết lộ của báo Télégramme (03/07/2022), vùng Bretagne (tây bắc nước Pháp) có sức hấp dẫn cao đối với Trung Quốc nhờ vào các trường đại học, các trường kỹ sư công và tư vào các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực phòng thủ không gian. Đây cũng là nơi có căn cứ hải quân và các trường võ bị. Một vùng hẻo lánh khác là Châteauroux, cách thủ đô Paris 270 km về phía tây nam cũng có sức « thu hút cao » bởi đây là một trong bốn trung tâm Hải Quân Pháp liên lạc với các tàu ngầm hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tờ báo địa phương này cho rằng không phải tình cờ mà Hoa Vi mở nhà máy tại Brumath, vùng Bas Rhin, (đông bắc). Chung quanh thành phố với chưa tới 10.000 dân cư này có nhiều căn cứ của « các đơn vị lục quân chuyên thu thập thông tin tình báo, và một cơ sở của Tổng Cục An Ninh Đối Ngoại DGSE ».  

Cấy Nền Radio
BÌNH MINH CẤY NỀN l Nội dung: Team Cấy Nền Vạn Hoa l Diễn đọc: Hoàng Nhung l Cấy Nền Radio

Cấy Nền Radio

Play Episode Listen Later May 25, 2022 11:05


Ngày này năm ấy, dưới một "gốc cây đa" ở Vũng Tàu - miền biển phía Nam Tổ Quốc, một người Thầy giáo già tóc điểm bạc với trái tim ấm nóng luôn trăn trở về đất nước với tấm lòng nhân hậu, xung quanh đám học trò, đủ lớn bé, tóc xanh, tóc tiêu để ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện người với bao say mê, như đón chào bình minh trong một ngày dài mới với bao điều thú vị. Một lớp học đầu tiên trong Hệ sinh thái được ra đời như thế, người Thầy giáo đầu tiên ấy là Thầy Phan Văn Trường – người khởi tạo sáng lập nên Hệ sinh thái Cấy Nền vào ngày 10/5/2019. Chúng mừng Cấy Nền thương yêu tròn 3 tuổi đời. --- Nội dung: Thành viên Team Cấy Nền Vạn Hoa - Việt Hải, Thanh Phượng, Huỳnh Á, Thanh Hằng, Anh Thư, Huỳnh Đang Diễn đọc: Hoàng Nhung Singer: Minh Tuấn Lyric: Phượng Nguyễn Sản xuất: Huỳnh Đang - Hoàng Vy --- Đăng ký theo dõi Cấy Nền Radio: https://www.youtube.com/c/CayNenRadio --- Bạn có câu hỏi gì mong muốn gửi tới GS Phan Văn Trường không? Nếu có, hãy điền vào link đăng ký này để chúng mình giúp bạn nhé! https://forms.gle/3c839dXiJ9tnEtrEA --- ツ Kết nối với Cấy Nền Radio: ► Tik Tok: https://vm.tiktok.com/ZMewuVdGS/ ► Youtube duy nhất: https://www.youtube.com/c/CayNenRadio ► Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/CayNenRadio/ ► Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/CayNenRadio/ --- Send in a voice message: https://anchor.fm/caynenradio/message

TẠP CHÍ KINH TẾ
Covid và chiến tranh Ukraina thách thức kinh tế Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Apr 19, 2022 9:33


Lo ngại về mối quan hệ mật thiết giữa Bắc Kinh và Matxcơva khiến trong tháng 3/2022 các quỹ đầu tư quốc tế rút 21 tỷ đô la vốn khỏi Hoa lục. Theo thống kê Trung Quốc, GDP trong ba tháng đầu năm tăng « ngoài mong đợi ». Còn ngân hàng Morgan Stanley nói đến một tỷ lệ tăng trưởng gần 0% do tác động kép chiến tranh Ukraina và Covid.   Chiến tranh Ukraina tràn vào Trung Quốc   Ngày 18/04/2022,  Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo tăng trưởng trong quý 1/2022 đạt 4,8 %, cao hơn so với các dự phóng của Nhà nước và các thăm dò. Cùng ngày, hãng tin Mỹ Bloomberg đưa ra hai con số : riêng trong tháng 3/2022 các quỹ đầu tư quốc tế « bán lại » 7 tỷ đô la cổ phần đang nắm giữ của các tập đoàn Trung Quốc và chuyển nhượng lại 14 tỷ đô la nợ công của Trung Quốc. Một quỹ đầu tư lớn của Na Uy rút lui khỏi ngành may mặc của công xưởng thế giới này. Một quỹ đầu tư tư nhân khác của Hoa Kỳ ghi nhận số dự án mới vào Trung Quốc « rơi xuống thấp nhất kể từ 2018 tới nay ». Đồng giám đốc cơ quan tư vấn SPI Asset Management của Thụy Sĩ, Stephen Innes giải thích : « Các thị trường lo ngại về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga, đa số đang bán bớt công trái phiếu của Trung Quốc ». Những tuyên bố quan hệ giữa Trung Quốc và Nga « vững như bàn thạch », những dự án hợp tác kinh tế song phương tiếp tục phát triển vào lúc thương mại Nga bị phong tỏa tứ bề không là những dấu hiệu tốt trấn an thị trường. Từ cuối tháng 2/2022 các thị trường chứng khoán Hồng Kông và tại Haa Lục trong thế « bất an » nhất là khi chính phủ thông báo mục tiêu tăng trưởng 5,5 % cho cả năm vì đây là mức thấp nhất từ thập niên 1980. Không chỉ có các tập đoàn đầu tư quốc tế, mà ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có ít nhất hai lý do để lo ngại chiến tranh Ukraina kéo dài. Trả lời RFI tiếng Việt Antoine Bondaz, chuyên gia về khu vực đông bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp phân tích :  « Về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể phần nào giúp giảm thiểu tác động các biện pháp trừng phạt mà Tây phương áp đặt nhưng không giúp Nga đảo ngược được tình huống. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thận trọng vì sợ bị phạt lây, nhất là từ phía Mỹ. Công luận thường cho rằng một nước Nga bị suy yếu sẽ là cơ hội tốt cho Trung Quốc. Có lẽ chúng ta  cần thận trọng hơn với suy nghĩ đó, bởi vì một nước Nga suy yếu về kinh tế một cách lâu dài, không có lợi ích gì cho Trung Quốc cả. Bắc Kinh cần một đối tác vững chắc để làm đối trọng với phương Tây, để đặt ra những luật chơi mới cả về kinh tế lẫn chính trị so với những gì đang được phương Tây đang áp dụng. Từ thập niên 1990 Matxcơva đã xích lại gần với Trung Quốc và quan hệ đó càng khắng khít hơn trong những năm gần đây đặc biệt là kể từ sau 2014 khi quốc tế bắt đầu trừng phạt Nga chiếm bán đảo Crimée của Ukraina».    Trung Quốc đau đầu vì Nga, Ukraina và châu Âu Trung Quốc là một nguồn xuất khẩu của thế giới mà châu Âu là một trong những thị trường quan trọng nhất của các doanh nghiệp nước này. Chiến sự Ukraina kéo dài, tăng trưởng của châu Âu đổ dốc bất lợi cho các nhà máy sản xuất của Trung Quốc. Bên cạnh đó, « công xưởng của thế giới » cũng là một khách hàng lệ thuộc vào dầu khí, vào khoáng sản của Nga, vào nông phẩm của cả Nga lẫn Ukraina. Chiến tranh đẩy giá cả của tất cả những mặt hàng đó lên cao bất lợi cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc và tạo ra lạm phát gây, thêm khó khăn cho đời sống của nước đông dân nhất địa cầu.   Mặc dù Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo « thành tích » tăng trưởng trong quý 1/2022 cao hơn mong đợi, nhưng hiếm khi nào cơ quan này nhìn nhận rằng « những khó khăn và thử thách đang ở phía trước ». Bắc Kinh dự báo tổng sản phẩm nội địa cho cả năm 2022 tăng 5,5 % nhưng ngân hàng Mỹ Morgan Stanley bi quan hơn nhiều với nhận định « ngay cả mục tiêu khiêm tốn đó cũng khó mà đạt được » trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng lên trở lại và hiện tại 18 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc đang bị phong tỏa với ở các cấp độ khác nhau với các biện pháp nghiêm ngặt nhất. Virus corona làm tiêu tan hy vọng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại ? Các hoạt động kinh tế, tại hai thành phố lớn là Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và Thượng Hải bị đóng băng từ nhiều tuần qua. Ngay sau khi có lệnh phong tỏa Thâm Quyến, hôm 17/03/2022 chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông sụt giá mạnh. Thâm Quyến là thành phố lớn thứ ba trên toàn quốc và được mệnh danh là « Thung lũng Silicon » của Trung Quốc, nơi các tập đoàn như công nghệ cao như Hoa Vi, Tencent, hay hãng cung cấp ổ cứng máy điện toán của Trung Quốc Netac đặt trụ sở. Theo thẩm định của Bocom International, một công ty tư vấn tài chính trụ sở tại Hồng Kông, « phong tỏa Thâm Quyến, một trung tâm công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc, một hải cảng lớn, là một quyết định đau đớn ». Có ít nhất 6 tập đoàn gia công cho hãng điện thoại và máy tính Apple của Mỹ đóng đô tại Thâm Quyến đều đã phải đóng cửa các nhà máy những tuần qua. Virus corona không dừng lại ở Thâm Quyến mà đã lan rộng ra gần hết các tỉnh thành trên toàn quốc. Hãng tin Pháp AFP đưa ra con số gần một phần tư dân số Trung Quốc bị giới hạn đi lại, từ biên giới phía bắc, Cát Lâm đến Hồng Kông và bất ngờ nhất là Thượng Hải. Thành phố với 25 triệu dân này đang « trả giá đắt » sau ba tuần lễ gần như bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Jean François Huchet, giám đốc Viện Ngôn Ngữ Đông Phương INALCO ghi nhận :  « Hoạt động kinh tế tại Thượng Hải giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp phong tỏa rất ngặt nghèo nhắm vào tất cả các lĩnh vực, mà đứng đầu là ngành vận tải đường biển, đường bộ. Lá phổi kinh tế của Trung Quốc bị tắc nghẽn(…) Trước đây đã có dấu hiệu kinh tế Trung Quốc chựng lại. Tiêu thụ nội địa, chỉ số đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị đình trệ. Ngành địa ốc lao đao như đã biết. Nhưng từ những tuần lễ vừa qua rõ ràng là các biện pháp phong tỏa đè nặng lên các sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ có Thượng Hải bị phong tỏa, mà cả những thành phố lớn như Thâm Quyến với trên 15 triệu dân, Tây An-thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Tô Châu … Rất nhiều nơi đang bị phong tỏa là những thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc. Hiện tại, chính các biện pháp ngăn dịch quá khắt khe đang làm tê liệt nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc, gây khó khăn cho công nghiệp dệt may. Các hoạt động vận tải đường biển cũng bị bế tắc, những cảng lớn ở Thượng Hải, Hồng Kông như những thành phố chết. Đương nhiên là ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc ».  Trung Quốc nhiễm Covid-19 thế giới hoảng loạn Giáo sư Mary Françoise Renard đại học Clermond Ferrand phân tích thêm về những hậu quả đợt dịch lần này đối với tăng trưởng của Trung Quốc và thậm chí là đe dọa cả đà phục hồi của kinh tế toàn cầu : « Có những hậu quả về kinh tế rất lớn. Trong ngắn hạn, những lĩnh vực như dịch, vụ, nhà hàng, buôn bán, giải trí, giao thông, tài xế tắc xi bị ảnh hưởng. Kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nhiều vì các biện pháp phòng dịch khắt khe đó. Kế tới, khu vực sản xuất hoạt động chậm hẳn lại, tiêu thụ của doanh nghiệp và các hộ gia đình sụt giảm. Nhìn xa hơn một chút, do các nhà máy Trung Quốc bị chựng lại, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của toàn cầu và qua đó là cả hệ thống mậu dịch quốc tế. Trung Quốc nhập khẩu nhiều sản phẩm để rồi chế biến thêm và xuất khẩu trở lại. Riêng trong tháng 3/2022 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ sụt giảm và cần biết rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp đến 1/3 những thành phẩm cho thế giới để rồi những mặt hàng đó được sử dụng để làm ra những mặt hàng khác nữa, thí dụ như Trung Quốc cung cấp các phụ tùng xe hơi để phục vụ cho các nhà máy của các hãng xe Nhật hay Đức … ở những châu lục khác. Hiện tại do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn tại Hoa lục cho nên nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động. Điều này có thể sẽ đè nặng lên tăng trưởng của toàn cầu ».   Từng bước nới lỏng phong tỏa Ngày 19/04/2022 chính quyền Thượng Hải vừa thông báo cho phép 600 nhà máy hoạt động trở lại và đây là bước kế tiếp sau tuyên bố của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Hôm 18/04/2022 chủ trì một cuộc họp ông đã nhấn mạnh rằng « chuỗi sản xuất vẫn phải được bảo đảm ngay cả trong thời điểm đang có đại dịch » và Bắc Kinh thông báo sẽ lập ra một « danh sách trắng » với những doanh nghiệp được coi là ưu tiên trong ngành sản xuất và xuất khẩu.   Tân Hoa Xã giải thích, đó là những hãng xưởng « cần được bảo đảm vẫn hoạt động » trong khi chờ đợi bên y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm để bảo đảm khống chế virus corona. Tập đoàn xe hơi điện của Mỹ Tesla vừa thông báo khởi động lại nhà máy Thượng Hải nhưng theo hãng tin Bloomberg trong ngày đầu tiên hoạt động, chi nhánh của Tesla tại Hoa lục đã gặp nhiều khó khăn thí dụ như công nhân vẫn bị kẹt không thể đến được nhà máy. Thêm một khó khăn nữa là phụ tùng và vật liệu cần chuyển đến các nhà máy tại Thượng Hải và các khu vực lân cận vẫn bị ách tắc tại hải cảng, hay các nhà kho. Thượng Hải vẫn là vùng « bất khả xâm phạm ». Chính quyền chỉ cấp giấy phép một cách nhỏ giọt cho các tài xế xe tải đến giao hàng. Phần lớn các nhà máy thiếu nhiên liệu và phụ tùng, thậm chí là cả công nhân để có thể hoạt động bình thường như thông tín viên báo Le Monde ghi nhận tại chỗ.  Giáo sư Jean François Huchet ghi nhận đây là hệ quả trực tiếp từ chủ trương bài trừ Covid triệt để của Bắc Kinh : « Hiện tại giới lãnh đạo Bắc Kinh tránh nhìn thẳng vào sự thật. Hơn thế nữa tỷ lệ người được chích ngừa ở Trung Quốc rất thấp và vac-xin Trung Quốc lại không hiệu quả. Bắc Kinh dứt khoát từ chối dùng thuốc của phương Tây, bởi vì như vậy là công khai nhìn nhận sự thua kém của chính mình. Chính thái độ đó của giới lãnh đạo, khiến Trung Quốc khó kiểm soát được đà lây lan của biến thể Omicron và vì vậy Bắc Kinh bằng mọi giá phải áp dụng chính sách zero Covid. Đương nhiên là Trung Quốc đang trả giá đắt về mặt kinh tế như trường hợp ở Thượng Hải, và bên cạnh đó còn nhiều tác động khác nữa về mặt xã hội, tâm lý … Vấn đề đặt ra là làm thế nào thoát khỏi bế tắc mà không bị mất thể diện ».  Theo giới quan sát tình hình ở Thượng Hải hiện nay tệ hơn cả so với quý 1/2020 khi Trung Quốc mới bắt đầu công nhận dịch Covid-19, bởi cách nay 2 năm Thượng Hải ít bị lây nhiễm hơn và không bị phong tỏa nghiêm ngặt như hiện giờ.   Hãng tin Anh Reuters thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy GDP của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm tăng 0,6 % : con số này thấp hơn rất nhiều so với thành tích 4,8 % mà Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc vừa công bố.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Mức độ lợi hại của tình báo kinh tế Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 1, 2022 9:24


Ngành tình báo Trung Quốc « bạo dạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết », gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đánh giá như trên hôm 04/02/2022. Đây không là điều mới lạ bởi từ 2018 Washington đã liên tục tố cáo Trung Quốc « ăn cắp » những bí mật công nghệ của Mỹ. Guồng máy gián điệp kinh tế của Trung Quốc hoạt động ra sao, nguy hiểm đến mức độ nào và tìm kiếm những thông tin gì ? Trả lời đài truyền hình Pháp France 24, nhà báo điều tra Roger Faligot tác giả cuốn Mật Vụ Trung Quốc, từ Mao đến Covid -Les Services Secrets Chinois, de Mao au Covid-19, NXB Nouveau Monde, trả lời phần nào các câu hỏi trên. Tác phẩm này ra mắt độc giả lần đầu năm 2015 và được cập nhật với những thông tin có được về những hoạt động « gián điệp » của Trung Quốc từ khi dịch Covid bùng phát cuối 2019 từ Vũ Hán : « khi thì để che giấu thông tin về nguồn gốc virus corona chủng mới, lúc thì để dọ thám các nghiên cứu của các viện bào chế thuốc phương Tây ». Hoạt động dồn dập Mùa hè 2021 Đài Loan tăng cường các biện pháp bảo mật những thông tin trong lĩnh vực thương mại, công nghệ thiết yếu trước các « đợt tấn công của Trung Quốc ». Mỹ và châu Âu liên tục « rào giậu » trước những hành vi dọ thám kinh tế do  Bắc Kinh chủ động. Cứ 12 giờ đồng hồ Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ lại mở một hồ sơ mới điều tra về các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào các quyền lợi của Hoa Kỳ. Giám đốc FBI Christopher Wray quả quyết « Chính quyền Trung Quốc đánh cắp một khối lượng thông tin khổng lồ và gây thiệt hại sâu rộng, hủy hoại việc làm trong nhiều lĩnh vực công nghiệp » tại Mỹ. Không vòng vo, giám đốc FBI nêu bật đó là những vụ ăn cắp thông tin về công nghệ, là những vụ tấn công tin học, là hành vi bắt cóc các công dân nước ngoài làm con tin để bòn rút những bí quyết công nghiệp hay của các công trình nghiên cứu. Hiện tại FBI đang điều tra hơn 2.000 hồ sơ liên quan đến những vụ ăn cắp thông tin do chính quyền Trung Quốc giật dây. Christopher Wray kết luận : « Không một quốc gia nào nguy hiểm hơn Trung Quốc đối với an ninh kinh tế của Hoa Kỳ », bởi những hoạt động phi pháp đó được chính phủ cung cấp những « phương tiện tài chính quan trọng, do có được những công cụ tinh vi và thường tuyển mộ nhiều tội phạm cyber ».  Trước hết tác giả cuốn sách về tình báo Trung Quốc, Roger Faligot nhắc lại đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trước khi giành được chính quyền năm 1949 đã xem gián điệp kinh tế là một ưu tiên vừa để dọ thám nước ngoài vừa để nghe ngóng tình hình trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng. Tình báo Trung Quốc khi đó hoạt động theo mô hình của Liên Xô đồng thời rút kinh nghiệm từ phía tình báo của Anh, sau một thời gian nhà hoạt động Chu Ân Lai công tác tại Luân Đôn : Roger Faligot : « Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình là những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài một cách rất bài bản cả trong lĩnh vực ngoại giao lẫn chính trị và công tác tình báo. Đặc biệt là ông Chu Ân Lai từng quan sát các hoạt động của tình báo Anh ở những thập niên 1920-1930 mà khi đó tình báo Anh giành một chỗ đứng đặc biệt cho các hoạt động dọ thám về kinh tế. Ông đã tiếp thu kinh nghiệm của Anh. So sánh với Liên Xô, tình báo của nước này chú trọng hơn đến các vế quân sự và chính trị. Về phía Trung Quốc, tương tự như Liên Xô, các vế này rất quan trọng nhưng với năm tháng, tình báo Trung Quốc càng lúc càng quan tâm đến những lĩnh vực như là công nghiệp, thương mại, trao đổi mậu dịch với Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản. Thậm chí trong thập niên 1980 Trung Quốc sao chép luôn cả mô hình của Nhật Bản với bộ não trong chiến tranh kinh tế đó là bộ Công Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế MITI  ». Nhà báo Faligot giải thích thêm trong 1957 -1976, bước Đại Nhẩy Vọt rồi Cách Mạng Văn Hóa đặt tình báo Trung Quốc trước nhiều thách thức. Công tác thu thập thông tin về kinh tế để giúp Trung Quốc phát triển bị xao nhãng. Thủ tướng Chu Ân Lai cố gắng bảo vệ một số các chương trình nghiên cứu,che chở cho ngành nghiên cứu về vi trùng học và hạt nhân nhưng « số còn lại phải đợi đến thời kỳ hậu Mao Trạch Đông ». Chiến lược tấn công Các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc hồi sinh dưới thời Đặng Tiểu Bình và có hẳn một « chiến lược » tấn công theo kiểu « hút chất xám của các quốc gia khác để vươn lên ». Roger Faligot : « Lamproie là một loài đỉa hút máu của những động vật khác để sống. Một tùy viên quân sự Pháp công tác tại Thượng Hải đã dùng hình ảnh này để chỉ Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc. Hình ảnh đó cho thấy cách tiếp cận của ngành tình báo Trung Quốc phục vụ các lợi ích kinh tế. Họ sử dụng các thực tập viên để thâm nhập vào những mục tiêu muốn nhắm tới. Thông thường đấy là  những đối tượng ở nước ngoài, thí dụ như là các hãng của Anh, Pháp, Đức hay Nhật. Mục đích đặt ra là « lấy của người về làm của mình » tức là sao chép và « hút » những thông tin cần thiết để rồi bước kế tiếp chính các hãng của Trung Quốc có thể tự sản xuất được những sản phẩm đó ». Thiệt hại của Mỹ 600 tỷ đô la một năm Tháng 11/2021 một tòa án tại Cincinnati, bang Ohio xử Hứa Diên Quân (Xi Yanjun) một quan chức Phòng Tình báo nước ngoài của tỉnh Giang Châu. Cơ quan này trực thuộc Bộ An Ninh Trung Quốc. Nhân viên nói trên bị quy kết « đồng lõa và âm mưu dọ thám các mục tiêu kinh tế », đồng thời « ăn cắp bí mật về thương mại » nhắm vào nhiều tập đoàn trong đó có chi nhánh hàng không General Electric Aviation của Mỹ và Safran của Pháp. Tư pháp Hoa Kỳ đã theo dõi nhân vật này từ 2013. Theo bản cáo trạng, vai trò của nhân viên tình báo Trung Quốc này nhằm nhận diện các chuyên gia làm việc cho hai tập đoàn nói trên, lôi kéo họ vào tròng dưới hình thức mời chuyên gia Pháp và Mỹ sang Hoa Lục dự hội thảo. Năm 2018 họ Hứa bị bắt tại vương quốc Bỉ và trục xuất về Mỹ. Theo điều tra của Tư Pháp Hoa Kỳ, ông trùm tình báo tỉnh Giang Châu này đã dùng mọi phương tiện để đột nhập vào máy vi tính của những mục tiêu nhắm tới, « hút » những dữ liệu và thông tin cần thiết về chương trình hợp tác chế tạo mô tơ máy bay giữa GEAviation với Safran. Tác giả cuốn Mật Vụ Trung Quốc từ thời Mao đến Covid, Roger Faligot trên đài France 24 cho biết thêm về những « vòi bạch thuộc » của mạng lưới tình báo quốc gia châu Á này.   Roger Faligot : « Chính phiên toà tại Mỹ xử một sĩ quan tình báo Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, đã để lộ ra thông tin là có cả một nhóm đặt tại Thượng Hải, được trao nhiều trọng trách cùng lúc : từ việc thâm nhập vào máy vi tính của cảnh sát Hồng Kông để theo dõi người biểu tình Hồng Kông, đến việc kiểm soát các nhà hoạt động Tây Tạng. Tư pháp Hoa Kỳ đã phát hiện, đầu năm 2020 đã có ít nhất là ba hay bốn lần các toán tin tặc Trung Quốc đã tìm cách thâm nhập vào các hãng dược phẩm Mỹ bắt đầu bào chế vac-xin chống Covid-19 ». Một bài báo trên New York Times hồi 2018 trích dẫn hai nguồn tin quân sự ỹ cho biết Trung Quốc « đánh cắp những thông tin liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế của Hoa Kỳ từ công nghiệp xe hơi đến các công ty sản xuất lốp xe, ngành hóa học, điện tử, công nghê sinh học đến ngành dược (…) Tính ra thiệt hại đối với Hoa Kỳ hàng năm lên tới 600 tỷ đô la. Phần lớn khoản thất thoát đó do Trung Quốc mà ra ». Còn trong trường hợp của Pháp ? Vụ nữ thực tập viên Trung Quốc bị bắt quả tang sao chép phần mềm của tập đoàn Valeo, sản xuất phụ tùng xe hơi của Pháp hồi năm 2005 đã thu hút công luận. Li Li đã khởi tố về tội « xâm nhập bất hợp pháp » vào hệ thống điện toán của Valeo và « lạm dụng sự tín nhiệm » của công ty để đánh cắp thông tin mật. Cô đã bị giam trong 53 ngày trước khi được trả tự do và từ đó mất tích khỏi các màn hình radar của báo giới. Li Li là người từ Vũ Hán cái nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc sang Pháp du học. Các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc không hề thuyên giảm từ một chục năm nay Roger Faligot : « Vụ việc đó cho thấy Trung Quốc dùng thực tập viên, dùng sinh viên - không phải là tất cả, nhưng đó là những người do bên an ninh và mật vụ kiểm soát để làm gián điệp, đánh cắp thông tin, sao chép những tài liệu cần thiết và số này cũng có thể can thiệp từ xa để thi hành nhiệm vụ. Đương nhiên là phía các doanh nghiệp trong tầm ngắm của Trung Quốc và ở cấp Nhà nước, phải có phản ứng để tự vệ. Cần ý thức được rằng đó là một mối nguy hiểm. Vụ tai tiếng liên quan đến tập đoàn Valeo chỉ là một vụ nhỏ nhưng đã làm lộ rõ quy mô can thiệp của bên tình báo Trung Quốc. Các hoạt động gián điệp kinh tế đã gia tăng đáng kể từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền ». Khả năng phòng vệ của Âu, Mỹ ?  Câu hỏi kế tiếp là những con mồi tiềm tàng của mật vụ Trung Quốc tự vệ như thế nào và có chuyển từ thế thủ sang thế tấn công hay không ?  Roger Faligot :  « Có. Phương Tây cũng có gài nhân viên tình báo tại Trung Quốc nhưng đó là việc làm rất khó và khuôn khổ hoạt động của số này càng bị thu hẹp lại từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Có thể nói là virus corona đã làm xáo trộn các tổ chức trong ngành tình báo kinh tế, kể cả của Trung Quốc. Theo chỗ tôi được biết, ngành tình báo Trung Quốc cũng đã bị nhiều mất mát trong khủng hoảng y tế lần này ». Sau cùng, tác giả cuốn sách về các hoạt động tình báo kinh tế Trung Quốc từ thời Mao đến virus corona lưu ý guồng máy dọ thám của nước này là một thứ quái vật trăm tay, trăm mắt mà Bộ An Ninh Quốc Gia chỉ là một trong số những bộ phận hoạt động rất hiệu quả đó :   Roger Faligot : « Bộ An Ninh chỉ là một trong số rất nhiều cơ quan tình báo của Trung Quốc. Tôi đếm ra có hơn 77 cơ quan khác nhau, ít nhiều được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước và với mức mức độ liên hệ khác nhau với lại các tập đoàn của Trung Quốc. Thí dụ Hoa Vi có hẳn một bộ phận để dọ thám các đối thủ và bộ phận này là một tổ chức làm ăn quy củ, và lại ăn ý với bên Bộ An Ninh. Ngoài ra từ năm 2016 Trung Quốc đã cải tổ lại toàn bộ ngành tình báo quân sự. Bên cạnh đó có những bộ phận đặc trách theo dõi những ngành chuyên môn, như là bên khoa học, bên ngành dược, bên công nghệ sinh học, hay một bộ phận chuyên theo dõi các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi. Đừng quên rằng Vũ Hán không chỉ là cái nôi của virus corona. Thành phố này còn được mệnh danh là kinh đô xe hơi của Trung Quốc » . Trước khi kết thúc buổi nói chuyện trên đài truyền hình France 24 Roger Faligot nhắc lại về cơ cấu, tình báo Trung Quốc mang tính « tâp trung cao độ » và « trong lịch sử cận đại của Trung Quốc chính vì sự tập trung quá đáng đó mà ngành tình báo Trung Quốc đã ba lần bị chao đảo », qua đó các hoạt động dọ thám vì mục tiêu kinh tế đã bị gián đoạn.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Cáp quang trong cuộc chạy đua dưới lòng biển vì quyền lợi kinh tế

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Feb 22, 2022 9:56


Gần 99 % mọi trao đổi trên thế giới qua internet được truyền đi nhờ một mạng lưới với hơn 420 đường dây cáp vùi sâu dưới lòng đại dương, nối liền châu Mỹ với châu Âu và châu Á. Đó là cột sống của hệ thống giao thương, tài chính, liên lạc toàn cầu. Bảo đảm an ninh và mức độ an toàn cho mạng cáp quang có độ dài gấp ba lần hành trình từ Trái Đất đến Cung Trăng là một thách thức lớn. 2020 phá kỷ lục với 36 đường cáp quang mới được triển khai trên thế giới. Tháng 10/2021 tập đoàn viễn thông Pháp Orange thông báo đường dây cáp PEACE do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới xuyên qua lòng biển nối liền Pakistan với Kenya và châu Âu đã được đưa vào bờ cảng Marseille miền nam nước Pháp. Con nhện giăng tơ Grace Hopper của ông vua internet Google xuất phát từ New York, bờ đông Hoa Kỳ, đến Bude tại Anh Quốc và thành phố Bilbao-  Tây Ban Nha dự trù hoạt động trong năm nay. Đại diện của tập đoàn bà Jayne Stowell giải thích : khủng hoảng y tế Covid-19 làm lộ rõ vai trò thiết yếu của công nghệ kỹ thuật số. Hệ thống cáp dưới lòng đại dương cho phép Google chuẩn bị « đáp ứng những nhu cầu trong tương lai của khách hàng ở bất cứ nơi nào trên trái đất ». Riêng tại châu Á từ 2010 Google đã có hẳn chính sách « đông tiến », đầu tư hơn 2  tỷ đô la để mở mang hệ thống cáp quang trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Apricot nối liền Singapore với Nhật Bản, đảo Guam, Philippines, Đài Loan và Indonesia sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024. Năm tới, Echo sẽ kết nối bang California, miền tây Hoa Kỳ với Singapore, Guam và Indonesia. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn trong ngành viễn thông, truyền thông và công nghệ (TMT) Analysys Mason, trụ sở tại Luân Đôn, đầu tư của Google trong thời gian gần đây vào cơ sở hạ tầng cho hệ thống cáp quang dưới lòng biển cho phép tạo thêm hơn một triệu việc làm và đem lại thêm 430 tỷ đô la GDP cho khu vực này trong giai đoạn 10 năm từ 2010 đến 2019. Mạng xã hội Facebook năm 2018 bị chính quyền Trump dội cho gáo nước lạnh, phải ngừng dự án bắc nhịp cầu dưới lòng đại dương đi từ Mỹ sang Hồng Kông, bởi Hồng Kông là cổng vào Trung Quốc. Không để mất nhiều thời gian, Facebook đã chuyển hướng và chọn Singapore là điểm đến cho tuyến cáp Bifrost. Trên nguyên tắc « xa lộ » dưới lòng biển này dự trù đi vào hoạt động trong 2 năm sắp tới và khả năng kết nối của Facebook trong vùng Thái Bình Dương sẽ được nâng cao thêm 70 % so với hiện tại. « Nơi chung chuyển 10 tỷ đô la mỗi ngày » Trên toàn cầu hiện có 1,3 triệu km dây cáp quang. Tuyến đường dài nhất trải dài trên 39.000 cây số, nối liền Đông Nam Á với Tây Âu qua ngả Hồng Hải. Trên đài truyền hình Pháp France 24, giáo sư về quan hệ quốc tế, Camille Morel đại học Lyon 3 Jean Moulin ghi nhận :  « Hiện tại hệ thống cáp quang toàn cầu tập trung rất lớn vào hai trục chính đó là giữa hai bờ Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Hoa Kỳ là trung tầm đầu não của cả hệ thống cáp quang nối liền Bắc Mỹ với châu Á và Bắc Mỹ với châu Âu. Phần lớn những trao đổi tập trung cả ở đây ». Động lực nào khiến các đại tập đoàn internet của Mỹ như những con nhện giăng tơ, đầu tư bạc tỷ để mở rộng các hệ thống cáp quang xuyên đại dương ?  Nhu cầu vận chuyển thông tin Theo giáo sư Serge Besanger giảng dậy tại Trường Thương Mại Quốc Tế INSEEC U kiêm cố vấn của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 10 tỷ đô la các khoản giao dịch tài chính phải đi qua các ngả « xa lộ dưới lòng biển ». Về mức độ chiến lược, những « đường ống » dưới đáy biển này mang tính sống còn « ngang tầm với các đường ống dẫn dầu và khí đốt ». Thậm chí là còn hơn thế nữa bởi không có 420 tuyến cáp quang đó, các quốc gia, các châu lục trở nên « câm, điếc và mù ».  Đánh giá đó không lộng ngôn theo như giải thích của bà Morel, đại học Lyon đồng thời bà nhấn mạnh đến vai trò càng lúc càng lớn của những ông khổng lồ chủ yếu giao dịch với khách hàng qua mạng : « Nhu cầu trao đổi thông tin càng lúc càng lớn và càng đòi hỏi nhiều đầu tư. Trước kia các công ty phải thuê mượn hệ thống đường dây cáp. Nhưng giờ đây họ làm chủ luôn cả các mạng cáp quang đó. Các công ty lớn trên thế giới không ngần ngại xuất vốn để làm chủ toàn bộ cả một hệ thống từ khâu chuyển tải thông tin và dữ liệu cho đến các trung tâm tích trữ data. Các đối tác tư nhân luôn đóng một vai trò rất quan trọng, bởi vì các cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải đầu tư rất tốn kém. Tuy nhiên bên cạnh các tập đoàn tư nhân thì luôn luôn có các nhà nước. Các dự án đầu tư để thiết kế các hệ thống cáp quang tốn kém đến nỗi trước đây hàng chục tập đoàn phải hợp sức để có được một mạng cáp đáng tin cậy. Nhưng trong thời gian gần đây thì các ông khổng lồ internet đã tham dự và những tập đoàn trong nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) thừa sức để đầu tư vào các công trình này. Nhưng bên cạnh đó họ vẫn cần được các Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra chính phủ chỉ can thiệp trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như để lắp đặt hệ thống cáp quang giữa các đảo tại những vùng khá biệt lập. Theo các thông báo chính thức về hoạt động của Google gần đây, cổng tìm kiếm thông tin này đã đầu tư vào 18 tuyến cáp quang khắp mọi nơi trên thế giới, vào 27 đám mây Cloud trên toàn cầu. Tuy nhiên giáo sư Camille Morel, đại học Lyon 3 lưu ý một số nét đặc thù trong lĩnh vực thiết kế và khai thác cáp quang như sau : thứ nhất, Nhà nước tuy không còn đóng vai trò đầu tầu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng vẫn là một đối tác trụ cột : « Dây cáp phải được đặt trong lòng đại dương và các bên cần có giấy phép của chính phủ để hoàn thành khâu này. Tại Pháp chẳng hạn thì phải có giấy phép của các chính quyền cấp tỉnh khi đụng đến những khu vực trên đất liền hay ngoài khơi ». Điểm thứ hai là cần phân biệt giữa các nhà sản xuất cáp với các công ty phụ trách các khâu lắp đặt, bảo trì cáp dưới lòng đại dương. Đôi khi một nhà sản xuất bảo lãnh luôn cả dịch vụ lắp đặt và bảo trò cáp. Giáo sư Morel đại học Lyon 3 chú ý đến vị trí của Hoa Vi : « Về phía các nhà sản xuất cáp quang trên thế giới chỉ có ba tập đoàn lớn, một của châu Âu, một của Mỹ và một của Nhật Bản. Nhưng gần đây một tập đoàn Trung Quốc đã chen chân vào thị trường tôi muốn nói đến Hoa Vi. Tương tự như hãng của Mỹ và châu Âu, Hoa Vi vừa là một nhà sản xuất dây cáp, vừa lắp đặt và trùng tu hệ thống cáp quang dưới lòng biển ». Ba tập đoàn sản xuất dây cáp quang truyền thống của châu Âu, Mỹ và Nhật mà giáo sư Morel vừa nhắc tới gồm ASN với cột trụ là Pháp, TE SubCom của Mỹ, NEC của Nhật và Hoa Vi của Trung Quốc mới vừa nhập cuộc nhưng đã vươn lên rất nhanh nhờ hợp tác với Vodafone của Anh. Bà Camille Morel giải thích tiếp làm thế nào tập đoàn Trung Quốc đã nhanh chóng chen chân vào một lĩnh vực khá đặc biệt này : « Điều này khá thú vị, bởi đây là một thị trường hạn hẹp. Tuy nhiên Hoa Vi đã hợp tác với một đối tác của Anh để chen chân vào lĩnh vực này và rồi từng bước, nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu, cạnh tranh với các đối thủ truyền thống. Đương nhiên là công ty Trung Quốc đã giảm giá để chinh phục khách hàng mới. Dù vậy ở thời điểm này, Hoa Vi vẫn có một số chậm trễ so với ba đối thủ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Có điều Hoa Vị được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình Con đường tơ lụa mới do Bắc Kinh khởi động. Tôi muốn nói đến hệ thống cáp quang nối liền Pakistan với Kenya và Pháp. Ở Pháp, điểm đến là cảng Marseille ». Bảo mật thông tin, an ninh và địa chính trị  Trong báo cáo công bố tháng 9/2021 cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council báo động về những mối đe dọa nhắm vào hệ thống cáp, vào những cơ sở hạ tầng dưới lòng đại dương. Theo tổ chức này, các giới chức liên quan không liên quan đúng mức về những hiểm họa « cả về địa chính trị lẫn an ninh » đối với mạng internet toàn cầu. Atlantic Council nêu đích danh một số các « chế độ chuyên chế, chủ yếu là Bắc Kinh », đang muốn qua trung gian các tập đoàn như là Hoa Vi, kiểm soát cơ sở hạ tầng của mạng internet nhằm dễ dàng « chuyển hướng những dữ liệu cần thiết ». Đó không hơn không kém là một hình thức dọ thám thời đại công nghệ số. Camille Morel trường đại học Lyon 3-Jean Loulin giải thích rõ hơn : « Theo tôi các hoạt động dọ thám đó vẫn rất năng động. Không có lý do gì để ngừng nghe trộm các thông tin ở bất kỳ khu vực nào trên địa cầu. Nếu có điều kiện không một ai bỏ lỡ cơ hội để nghe/ đọc lén thư từ, hay các cuộc điện đàm cả. Trên bộ hay trên biển thì ngành tình báo kinh tế cũng đều hoạt động như nhau. Với hệ thống cáp quang được đặt dưới lòng đại dương, việc theo dõi vẫn tiếp diễn. Đương nhiên các bên đều tìm cách tự vệ, bảo mật thông tin nhưng các hoạt động gián điệp đó vẫn là một thực tế. Logic và lối vận hành của các mạng cáp quang lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tình báo ».    Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đọ sức về nhiều mặt, từ kinh tế đến quân sự, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga đã rơi xuống mức tồi tệ nhất từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cách nay đa ba mươi năm, các siêu cường trên thế giới lao vào một cuộc chiến tranh dưới những hình thức mới, mà điển hình là những đợt tấn công tin học, giáo sư Serge Besanger Trường Thương Mại Quốc Tế INSEEC U đặt câu hỏi : hệ thống cáp quang toàn cầu có được bảo vệ đúng mức hay không ?  Theo ông, châu Âu đầu tư chưa đủ để bảo đảm an ninh cho các đường cáp quang biển, đầu tư chưa đủ để tự vệ trước những hoạt động dọ thám : từ 2014 giới trong ngành quan sát thấy càng lúc càng có nhiều tàu bè hoạt động gần sát và dọc theo các đường dây được vùi dưới lòng biển. Tháng 10/2020 tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tránh nêu đích đích danh Nga nhưng đã dành hẳn một cuộc họp để bàn về những « đe dọa nhắm vào cáp biển và những cơ sở hạ tầng thiết yếu » bởi những « dữ liệu liên quan đến các hoạt động cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự » cùng phải đi qua và đó cũng là mạch huyết sống còn của cả hệ thống giao thương quốc tế. Không phải tình cờ mà hôm 15/02/2022 bộ Quân Lực Pháp vừa công bố Chiến Lược Làm Chủ Đáy Đại Dương –Stratégie de maîtrise des fonds marins. Một trong những ưu tiên được chú ý nhiều liên quan đến việc sử dụng robot và máy bay tự hành để giám sát và bảo đảm an ninh cho các hệ thống cáp biển, cho các vùng biển sâu : đó có thể là những mục tiêu tấn công của nước ngoài để « theo dõi hay dọ thám ».  Báo cáo của Cơ quan SGDSN (http://www.sgdsn.gouv.fr/rapport_thematique/chocs-futurs/) năm 2017 về phòng thủ và an ninh quốc gia Pháp đã báo động dây cáp dưới lòng biển có khả năng trở thành « những mục tiêu tiềm tàng để các cường quốc  thao túng ». Tình báo Pháp xem đây là một chủ đề « hết sức nhậy cảm » và « quan trọng hàng đầu » cần được quan tâm.

TẠP CHÍ VIỆT NAM
Việt Nam - Canada : Tăng cường hợp tác để đối phó cùng một đối thủ

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Play Episode Listen Later Feb 21, 2022 9:34


Canada là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 tại Việt Nam tính đến tháng 11/2021 với 231 dự án trị giá 4,81 tỷ đô la. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN. Từ vài năm gần đây, Canada hướng đến Việt Nam như một nhân tố năng động giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đang từng bước được Ottawa định hình. Hà Nội cũng có thêm được ủng hộ từ một nước phương Tây để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể nói năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong chính sách về Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada. Từ né tránh đề cập những tranh chấp ở Biển Đông, chính phủ của thủ tướng Trudeau đã chỉ trích đích danh Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương đòi hết chủ quyền để “cho thấy sự ủng hộ của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận nhất của chúng ta, về an ninh và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” (1). Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly được chính phủ ủy nhiệm “phát triển và thực hiện một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương toàn diện mới nhằm tăng cường quan hệ đối tác về ngoại giao, kinh tế và quốc phòng”. Tuy nhiên, được nghiên cứu từ khoảng hai năm nay nhưng rất ít thông tin về chiến lược này được tiết lộ, theo trang Radio-Canada ngày 29/01/2022. Giới chuyên gia sốt ruột cảnh báo : “Nếu không có chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Canada sẽ không tham gia vào quá trình thảo các điều luật. Điều đó có nghĩa là Canada có thể bị thiệt vì những điều luật do các nước khác đề ra”. (2) Canada đang tăng tốc để bù lại thời gian bỏ lỡ trong việc định hình chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi được cho sẽ chiếm đến hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2040. Trong chiến lược này, Việt Nam được đánh giá là một nhân tố năng động. Điều này giải thích cho hàng loạt sự kiện gặp gỡ, hợp tác song phương từ quốc phòng đến thương mại giữa Việt Nam và Canada trong những năm 2020 và 2021, theo nhận định của giáo sư Eric Mottet, đại học Công Giáo Lille (Pháp) khi trả lời RFI Tiếng Việt.     RFI : Từ vài năm nay gần đây, Canada đã thay đổi hoàn toàn lập trường về những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày càng tỏ ra quan tâm hơn đến khu vực này. Đâu là những lý do giải thích cho sự thay đổi của Ottawa ? G.S. Eric Mottet : Đúng là Hải Quân Hoàng Gia Canada ngày càng hiện diện thường xuyên hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Rõ ràng là sự hiện diện này ngày càng nhiều hơn so với trước đây, vì phải nói rằng Hải Quân Canada tương đối vắng bóng trong khu vực trong những năm qua. Việc này được giải thích phần nào qua việc chính quyền Ottawa đang suy nghĩ đến một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nên quan sát xem Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ làm gì về mặt an ninh trong khu vực này. Canada cân nhắc xem chiến lược của họ ở Thái Bình Dương sẽ ra sao và đi đến kết luận là cần hiện diện quân sự, kể cả lực lượng hải quân, tại các vùng biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này cũng giúp Canada thoát khỏi thế kẹt trong xung đột với Trung Quốc, kéo dài nặng nề suốt 3 năm. Canada hy vọng bằng cách nào đó lấy lại thế bình thường trong quan hệ với Trung Quốc. Và để đi đến sự bình thường hóa này, chính quyền Ottawa cho rằng phải hiện diện thường xuyên hơn về mặt hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và đặc biệt là ở Biển Đông. RFI : Ông nói là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada rất căng thẳng trong những năm qua. Nhưng liệu sự hiện diện thường xuyên hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, có làm gia tăng thêm căng thẳng ? G.S. Eric Mottet : Không vì Canada đã củng cố lập trường của họ. Trong suốt 3 năm, các sự kiện liên quan đến Hoa Vi và hai công dân Michael Spavor và Kovrig bị giam giữ ở Trung Quốc đã khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp. Trong thời gian dài, Canada đã không biết phải làm thế nào với vấn đề này. Hiện giờ, cả hai ông Michael đã về nước, mối quan hệ song phương dịu đi một chút. Nhưng ngược lại, Canada vẫn khá bất bình về cách Trung Quốc xử lý tình hình đó, nên phải tỏ ra cứng rắn hơn, hung hăng hơn một chút và thể hiện rằng Canada là một nước có thể sẽ hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẽ triển khai một chiến lược đối với khu vực này. Vì thế Canada sẽ hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong tương lai. RFI : Hà Nội có thể đóng vai trò như thế nào trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada ? G.S. Eric Mottet : Tôi nghĩ là chiến lược của Hà Nội, nhìn một cách rộng hơn, nằm trong chiến lược của khối ASEAN. Đối với tất cả các bên đang nghiên cứu đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, dù là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Úc hay Ấn Độ, đều coi ASEAN là nhân tố trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của họ. Việt Nam là một thành viên có vai trò lớn trong ASEAN về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao, nên dĩ nhiên các nước trên cũng phải dựa vào Việt Nam. Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ottawa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada sẽ dựa trên các thỏa thuận đã có, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp đơn giản hóa trao đổi kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, cũng có thể thấy là Việt Nam sẽ trở thành một điểm tựa chiến lược ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cho Canada. Mối quan hệ song phương này còn dựa vào cộng đồng người Việt sinh sống ở Canada, cũng như việc Việt Nam là một đất nước đang trỗi dậy mà hiện cả thế giới đang hướng tới. Ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có hai nước rất được chú ý đến là Indonesia và Việt Nam. Các bên hướng đến khu vực này đều chú ý đến Việt Nam, một quốc gia sẽ nằm hoàn toàn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada. RFI : Ngày 07/07/2021, Tham vấn Quốc phòng Việt Nam-Canada đã diễn ra ở Hà Nội. Sau đó, Canada đã mở Văn phòng thường trực Tùy viên Quốc phòng ở Hà Nội. Việt Nam sẽ có được những lợi ích gì khi tăng cường quan hệ với Canada về quốc phòng và kinh tế, trong đó phải kể đến việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2022 mà cả Việt Nam và Canada cùng tham gia ? G.S. Eric Mottet : Về mặt an ninh, có được sự ủng hộ của Ottawa trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là điều rất tích cực đối với Việt Nam vì Canada là một nhân tố có trọng lượng, là một nước phương Tây cũng nằm trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương dù ban đầu Canada ít thể hiện về vấn đề này nhưng giờ thì tỏ rõ hơn. Ngoài ra, đúng là chúng ta thấy Canada đã tăng cường quan hệ đối tác với các nước và thể chế cấp vùng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Canada đã đến dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 11/2020. Ông cũng tham gia nhiều diễn đàn quốc phòng với các nước ASEAN. Hiện giờ, Canada có một tùy viên quân sự ở Việt Nam và một ở Malaysia. Có thể thấy là Việt Nam được Canada nhắm đến là nơi phải thành lập văn phòng tùy viên quân sự và cùng nghiên cứu để ra được một thỏa thuận cụ thể hóa nghị định thư về kế hoạch an ninh (được hai bộ trưởng Quốc Phòng ký năm 2019). Ngoài ra, Hải Quân Canada cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam vào tháng 06/2021. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ nhiều năm qua. Nhìn chung, có thể thấy là Việt Nam và Canada xích lại gần nhau nhiều hơn về mặt an ninh. Còn về lĩnh vực thương mại, đừng quên rằng Việt Nam là đối tác thương mại chính của Canada trong khối ASEAN. Chính quyền Ottawa cũng thể hiện mong muốn từng bước ưu tiên Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng, kể cả thông qua việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm hoặc hợp tác về các vấn đề liên quan đến giáo dục, công nghệ, thông tin và truyền thông… Có thể thấy là cả hai nước đang gia tăng quan hệ kinh tế song phương. Tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng Canada coi Việt Nam là một nước trong ASEAN, trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, cần phải dựa vào trong tương lai, vừa về mặt an ninh, vừa về thương mại và kinh tế. RFI : Có thể thấy là Canada vẫn một mình tiến hành các hoạt động vì tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đưa ra nhiều tuyên bố chống lại các hành động đơn phương gây thêm căng thẳng ở trong vùng. Tại sao Canada không tham gia tuần tra chung với Mỹ trong khuôn khổ FONOP ? G.S. Eric Mottet : Đúng là Canada không tham gia các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải FONOP của Mỹ. Khi biết một chút về chính sách đối ngoại của Canada, chúng ta biết là đối với Ottawa, điều quan trọng là phải duy trì được chính sách, gọi là “lành mạnh” đối với chính sách của Mỹ. Họ sẽ không sao chép hay tham gia một cách triệt để vào mọi sáng kiến, kể cả về an ninh, của Hoa Kỳ. Ottawa chọn con đường riêng, độc lập với Washington, nên không tham gia các chiến dịch của Mỹ. Nhưng hiện tại, ở Ottawa đang diễn ra một cuộc tranh luận về việc tại sao Canada không tham gia và tại sao Canada nên tham giam vào chiến dịch FONOP do Hoa Kỳ chỉ huy ở Biển Đông. Hiện giờ, Ottawa vẫn chưa có câu trả lời chính thức nhưng dường như chính quyền Ottawa không muốn gây bất đồng. Thực ra là giữa Canada và Hoa Kỳ vẫn tồn tại bất đồng về ngả lưu thông ở phía tây bắc : Washington coi đó là tuyến đường hàng hải quốc tế, trong khi Ottawa khẳng định tuyến đường đó thuộc chủ quyền của họ. Và vì đã có một số tranh chấp hàng hải, Canada không muốn tham gia và tạo thêm tiền lệ với Mỹ. Tiếp theo, tôi cho rằng mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh vẫn còn nhiều khúc mắc, có thể vì thế mà Canada không muốn đối đầu thêm với Trung Quốc vì cần nhắc lại là quan hệ song phương vẫn rất xấu và không được cải thiện nhiều cho lắm. Theo tôi, Canada không muốn “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đã rất phức tạp và vẫn chưa thấy lối thoát. Ngoài ra, cũng cần phải biết là 70% người dân Canada ác cảm về Trung Quốc. Tôi nghĩ là Ottawa không muốn làm trầm trọng thêm quan điểm này trong dân chúng. RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, trường đại học Công Giáo Lille tại Pháp.  ***** (1) Theo tài liệu của chính phủ Canada liên quan đến chuyến hải hành năm 2020 của chiến hạm NCSM Ottawa ở Biển Đông được trang The Diplomat trích ngày 12/06/2021. (2) L'Indo-Pacifique et le grand rattrapage d'Ottawa, Radio-Canada, 29/01/2022.

Nằm nghe đọc truyện - Hathaya Audio
Gánh hàng hoa - Viết báo / Nhất Linh- Khái Hưng

Nằm nghe đọc truyện - Hathaya Audio

Play Episode Listen Later Feb 11, 2022 33:54


Một đêm mưa Hà Nội. Ngoài kia là giá lạnh ồn ào, trong này yên và ấm --- Liên hệ với mình: Email: Letitbechanradio@gmail.com Email mới: Namnghedoctruyen@gmail.com Các bạn có thể donate ủng hộ kênh qua CTK: BUI THI HA STK: 19036405400011 Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

TẠP CHÍ KINH TẾ
Công nghệ cao, rào cản Trung Quốc qua mặt nước Mỹ ?

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jan 4, 2022 9:25


Tăng trưởng chậm, mức sống của người dân Trung Quốc sa sút, nguy cơ những ông vua địa ốc vỡ nợ làm rung chuyển các sàn chứng khoán Hồng Kông hay Thượng Hải, dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán hai năm trước đây vẫn rập rình bùng lên trở lại : Những khó khăn đó liệu có đe dọa kế hoạch Made In China 2025, dùng công nghệ cao để thay thế Hoa Kỳ áp đặt luật chơi với thế giới ?   Đúng 20 năm trước, Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất địa cầu, trong ngót nửa thế kỷ, Trung Quốc trở thành mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ nhờ những thành công liên tiếp trong chiến lược phát triển công nghiệp, kinh tế, mậu dịch… Không chỉ hài lòng là công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã từng bước trở thành chủ nợ của toàn cầu, kể cả của nước Mỹ. Từ 2015 Bắc Kinh phát triển một vũ khí mới là công nghệ cao để soán ngôi Hoa Kỳ. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành một ngọn hải đăng trong rất nhiều lĩnh vực từ công nghệ thông tin thế hệ mới đến công cụ sản xuất công nghiệp tiến bộ nhất, từ công nghệ hàng không vũ trụ đến sinh  học, dược phẩm… Tham vọng đó nẩy sinh từ việc Bắc Kinh ý thức được rằng tăng trưởng bắt đầu bão hòa, và để giữ được vai trò đầu tàu, Trung Quốc « cần phải bảo đảm khả năng cạnh tranh trong thời đại công nghiệp mới ». Một sự chậm trễ tai hại Phát biểu nhân Đại Hội Đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017 ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến những mục tiêu « đẩy mạnh tiến trình đưa internet, dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo vào các hoạt động kinh tế » nhằm « đưa các ngành công nghiệp Trung Quốc lên đến tầm trung và cao cấp của chuỗi trị giá toàn cầu (..) đẳng cấp thế giới ». Có điều, trong chiến lược đó, Bắc Kinh đã để ngỏ một lỗ hổng lớn. Mathieu Duchâtel giám đốc khoa châu Á Viện Nghiên Cứu Montaigne- Paris giải thích trên đài RFI tiếng Pháp : Mathieu Duchâtel : « Kế hoạch Made In China 2025 dự trù ba năm nữa Trung Quốc tự chủ đến 70 % về nhu cầu tiêu thụ linh kiện bán dẫn. Với đà này, vào ngưỡng 2025 Trung Quốc mới chỉ có thể bảo đảm được chưa đầy 15 % nhu cầu của thị trường quốc gia cho dù Nhà nước đầu tư ồ ạt và đã có những định hướng rất rõ ràng để phát triển lĩnh vực này. Trung Quốc phải đối mặt với hiện tượng thiếu hụt linh kiện bán dẫn và đây là một nhược điểm của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Đương nhiên Mỹ khai thác điểm yếu đó của Trung Quốc để kềm hãm đà tiến của đối thủ. Dù vậy công nghệ bán dẫn là một thị trường rộng lớn và ngay trong lĩnh vực này Trung Quốc cũng đã nổi trội trên một vài điểm, tôi muốn nói đến trí thông minh nhân tạo chẳng hạn. Tựu chung Trung Quốc đang ấp ủ những tham vọng rất lớn nhưng đồng thời vẫn là một ông khổng lồ với nhiều nhược điểm mà những nhược điểm đó có thể bị các đối thủ khai thác trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng về mặt địa chính trị ». Đối với giáo sư Juliette Genevaz, đại học Lyon 3, sáng kiến được chủ tịch Trung Quốc đề xuất năm 2015 trước hết nhằm phát triển mạng lưới công nghiệp nội địa để giữ thế cạnh tranh.  Juliette Genevaz  : « Chiến lược được hình thành năm 2015 mang tên Made In China 2025 nhắm tới mục tiêu hội nhập kinh tế toàn cầu và trong sự hội nhập đó, Trung Quốc phải nắm lấy vai trò chủ đạo. Tuy nhiên trước tiên đây cũng là một kế hoạch công nghiệp hóa đất nước. Thuần túy về mặt công nghệ, Trung Quốc đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Cho đến nay công nghệ số chủ yếu phục vụ cho các cá nhân. Người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh với nhiều ứng dụng. Trên phương diện này họ đi trước cả dân cư ở nhiều nước phương Tây. Giờ đây thị trường phục vụ cho tư nhân đã bị bão hòa cho nên chiến lược số hóa của Trung Quốc hướng tới khu vực sản xuất công nghiệp. Trung Quốc đã và còn tiếp tục trở thành một nguồn cung cấp bình điện cho xe hơi trên thị trường nội địa và của thế giới. Đây là một lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn mà Trung Quốc đã làm chủ và rõ ràng, Made In China 2025 là một kế hoạch phát triển công nghiệp cho cả một quốc gia và điều đó còn quan trọng hơn cả ưu tiên về địa chính trị, mặc dù là hai vế này có thể đi chung với nhau như hai mặt của cùng một đồng tiền ». Công nghệ bán dẫn : tử huyệt của Trung Quốc Giám đốc chương trình nghiên cứu về châu Á Viện Montaigne, Mathieu Duchâtel, đi xa hơn khi cho rằng, công nghệ bán dẫn hiện nay là một trong những « tử huyệt » của Trung Quốc mà các đối thủ của ông khổng lồ châu Á này không ngần ngại khai thác để cản đường một đối thủ đáng gờm : Mathieu Duchâtel : « Quả thực là ngành sản xuất linh kiện bán dẫn Trung Quốc lệ thuộc vào các tập đoàn lớn của nước ngoài như là Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là của Mỹ. Điều đó lại càng đúng hơn đối với các loại chip trong các bộ nhớ. Dù vậy Trung Quốc cũng có những tập đoàn lớn ở cấp quốc gia và Bắc Kinh thực sự có tham vọng trở thành một trong những tên tuổi lớn trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực này. Trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là vẫn chưa làm chủ được công nghệ chip điện tử thuộc thế hệ tiên tiến nhất. Trung bình Trung Quốc cần 5 năm mới có thể bắt kịp Hoa Kỳ để sản xuất chíp cỡ từ 5 đến 7 nano : đó là những linh kiện cao cấp mà Trung Quốc chưa với tới. Sự chậm trễ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền công nghiệp chế tạo vũ khí của Trung Quốc, ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ và khoảng cách giữa Bắc Kinh với Washington đang ngày một lớn ». Mathieu Duchâtel phân tích thêm về những công cụ của Mỹ để giữ khoảng cách, đẩy Trung Quốc lại xa phía sau : Mathieu Duchâtel : « Chính sách của Mỹ là đi trước Trung Quốc từ hai đến ba thế hệ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và đương nhiên là Hoa Kỳ áp đặt điều kiện đó với các nhà cung cấp chip điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản. Washington sẽ dùng nguyên tắc ngoài lãnh thổ để áp đặt điều kiện với các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho Hoa Kỳ. TSMC đã và vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2021 nhưng chỉ là để sản xuất bọ điện tử thông dụng. Năm 2019 đã có lúc công ty Đài Loan này định cung cấp riêng cho Hoa Vi một gam sản phẩm riêng, và như vậy vừa là nhà cung cấp của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Thế nhưng dưới áp lực của Washington, TSMC đã từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng đó, ngừng giao du với Hoa Vi để tập trung vào thị trường Mỹ, ưu tiên cho một vài khách hàng như Apple. Sự thật là Hoa Kỳ có nhiều đòn bẩy để gây áp lực kể cả với các tập đoàn Hàn Quốc ». Nhược điểm xuất phát từ bên trong còn nguy hiểm hơn những đòn của Mỹ Tuy nhiên Trung Quốc đã chứng minh về khả năng đuổi kịp các nước công nghiệp tiên tiến nhất trong một thời gian ngắn kỷ lục, cho nên, trở ngại lớn nhất đe dọa tham vọng nổi lên như một cột trụ công nghệ mới của thế giới ngay từ 2025 xuất phát từ « bên trong » : đó là yếu tố dân số, về trình độ đào tạo nhân sự... Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel giải thích : Mathieu Duchâtel : « Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Trung Quốc thẩm định đang cần từ hai trăm đến ba trăm ngàn kỹ sư giỏi và có tay nghề cao để thực hiện kế hoạch Made In China 2025. Đây là một nhu cầu vô cùng to lớn và đang làm lộ rõ cùng lúc hai vấn đề. Thứ nhất là về chất lượng các chương trình giảng dậy và nghiên cứu của Trung Quốc : Đành là Bắc Kinh đầu tư nhiều vào các khâu nghiên cứu và phát triển nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Điều thứ hai là từ khi Mỹ, Nhật, châu Âu ngưng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, ngừng các chương trình trao đổi nghiên cứu và giảng dậy… Trung Quốc bị hụt hơi và điều này bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng bởi vì, như đã biết, công nghệ cao phục vụ cả ngành công nghiệp dân sự lẫn quân sự ».  Bước vào năm 2022, một cột mốc quan trọng trong lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc và đối với sự nghiệp cá nhân của ông Tập Cận Bình trước tham vọng lãnh đạo đất nước mãn đời, Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức mới. Thứ nhất là những vết hằn khủng hoảng y tế Covid-19 chưa tới hồi kết đè nặng lên đà tăng trưởng của Trung Quốc. Hiếm khi nào Bắc Kinh không thông báo mục tiêu tăng trưởng cho cả năm. Sau quý 1/2021 với các chỉ số cho thấy kinh tế phục hồi ngoài mong đợi (GDP tăng hơn 18 % so với cùng thời kỳ năm 2020) nhưng rồi, trong sáu tháng cuối năm 2021 tăng trưởng đã rơi xuống còn chưa đầy 5 %. Thu nhập của một phần lớn nhân công Trung Quốc sụt giảm trong lúc lạm phát tăng cao. Tháng 11/2021 thủ tướng Lý Khắc Cường báo động « một số những áp lực mới đè năng lên kinh tế Trung Quốc khiến chính phủ phải ban hành một số quyết định thích hợp để truy tri công việc làm cho nhân viên tại các công ty vừa và nhỏ ». Nói cách khác, Bắc Kinh chuẩn bị đối phó với một làn sóng thất nghiệp có nguy cơ bùng lên trong năm nay.  Họa vô đơn chí, nhưng Trung Quốc không là một ngoại lệ : các nhà máy tại công xưởng sản xuất của thế giới này hoạt động chậm hơn mong đợi. Một trong những lý do chính là thiếu năng lượng. Tình trạng này có nguy cơ kéo dài sau khi nhà cung cấp Indonesia vừa tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu than đá sang Trung Quốc. Giá xăng dầu, khoáng sản, lương thực thực phẩm trên thế giới tăng cao… Cơ quan môi giới chứng khoán Northeast Securities trụ sở tại New York dự phóng các phí tổn sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên trong năm nay, tăng trưởng chựng lại một cách lâu dài. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đã trở thành mọt trong những đầu tàu kinh tế của thế giới. Do vậy Bắc Kinh ho thì thế giới bị cảm lạnh và không ai quên rằng, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nếu gặp khó khăn, liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục mua vào công trái phiếu của Hoa Kỳ nữa hay không ? Nghịch lý ở đây là Trung Quốc và Mỹ là những đối thủ cạnh tranh từ về kinh tế đến thương mại, công nghệ và cả chiến lược, quân sự…  nhưng không chắc cỗ máy kinh tế của Trung Quốc bị đóng băng sẽ là một tin vui đối với Hoa Kỳ.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Bài học nào từ việc Trung Quốc trừng phạt Úc về thương mại

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Dec 14, 2021 9:05


Dùng đòn kinh tế uy hiếp các đối tác thương mại, Trung Quốc đi sai một nước cờ. Liên Âu rút tỉa được bài học nào từ kinh nghiệm của Úc ? Chuyên gia Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp Antoine Bondaz phân tích về những giới hạn trong chính sách của Bắc Kinh dùng sức mạnh thương mại để thuần phục đối phương. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ 2018 phần nào làm lu mờ chiến tranh mậu dịch mà Bắc Kinh đã khai hỏa nhắm vào một đồng minh thân thiết của Washington là nước Úc. Gần đây nhất Trung Quốc đang cân nhắc mở thêm một mặt trận mới với Canberra nhắm tới một tử huyệt của nền kinh tế trong vùng Thái Bình Dương này là các khoáng sản sắt. Sở dĩ Bắc Kinh còn đang cân nhắc được- thua trên hồ sơ này, do lệ thuộc đến 60 % vào sắt nhập tức Úc. Về phía Úc, thiệt hại cũng sẽ vô cùng to lớn : hàng năm Canberra xuất khẩu đến 80 tỷ đô la Úc, các loại khoáng sản sắt sang Trung Quốc và Úc không thể nhanh chóng tìm ra được những khách hàng khác để lấp vào chỗ trống mà Trung Quốc sẽ để lại.   Những hiềm khích chồng chất Trả lời đài RFI Việt ngữ, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp trước hết nhắc lại hiềm khích sâu xa khiến quan hệ thương mại giữa Canberra với đối tác thương mại quan trọng nhất, là Trung Quốc, xuống cấp tột đột từ khoảng 2017/2018 : Antoine Bondaz : « Quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc đã xấu đi từ nhiều năm nay và giai đoạn đầu năm 2020  là một bước ngoặt khi mà Bắc Kinh bắt đầu dùng đòn kinh tế uy hiếp đối phương (đại sứ Trung Quốc tại Canberra chính thức nêu lên 14 đòi hỏi với phía Úc). Trung Quốc khai thác thương mại và kinh tế như những công cụ để làm thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh của Canberra. Cụ thể hơn, Bắc Kinh ban hành một số biện pháp như là đánh thuế vào hàng Úc bán sang thị trường Trung Quốc. Hậu quả kèm theo rất rõ ràng. Trước đây, hơn 50 %  rượu vang xuất khẩu của Úc bán sang Trung Quốc, tỷ lệ này rơi xuống còn có 1 % vào tháng Giêng 2021. Dù vậy đây là một vấn đề đã nẩy sinh từ khá lâu nay. Chính xác hơn là kể từ khi Úc ý thức được rằng giao thương với Trung Quốc dẫn đến một số rủi ro. Vào khoảng 2017-2018 chính phủ ban hành một số đạo luật nhằm hạn chế mức độ can thiệp của nước ngoài vào đời sống chính trị tại Úc, tiếp theo đó là luật cấm các đảng phái chính trị nhận tài trợ từ phía các tổ chức nước ngoài. Bắc Kinh là mục tiêu chính Canberra nhắm tới. Tiếp theo đó Úc loại tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc khỏi các nhà thầu trang bị mạng 5G ». Trong bài viết mang tựa đề Kinh nghiệm của Úc trước các biện pháp trừng phạt Trung Quốc : bài học nào cho châu Âu ?, Antoine Bondaz đi sâu hơn vào chi tiết : trong giai đoạn 2000-2015, 80 % các nguồn tài trợ nước ngoài cấp cho các đảng phái chính trị tại Úc, là « tiền của Trung Quốc ». Từ sau luật ngăn chận ảnh hưởng của nước ngoài vào các hoạt động chính trị tại Úc năm 2018, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Canberra tiếp diễn trên các hồ sơ từ Tân Cương đến Hồng Kông. Một điều mà Trung Quốc khó có thể tha thứ cho Úc là Canberra, đầu 2020, đã tiên phong đòi Tổ Chức Y Tế Thế điều tra về nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch toàn cầu. Trừng phạt có chọn lựa Dù vậy thực tế không thể chối cãi là : « Tổng kim ngạch mậu dịch của Úc với Trung Quốc cao gấp 9 lần so với một đối tác thương mại quan trọng khác của Canberra là Mỹ ». Úc cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có lợi trong giao thương với Trung Quốc. Thặng dư mậu dịch của Úc với Trung Quốc năm ngoái lên tới 55 tỷ đô la Mỹ. Bất chấp các biện pháp trừng phạt đã được từng bước ban hành, năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát, gần 40 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc hướng về thị trường Trung Quốc.   Do vậy các biện pháp trừng phạt gây nhiều tổn thất cho cả đôi bên. Antoine Bondaz  « Có hai khía cạnh, tùy theo là nhìn từ phía Trung Quốc hay Úc. Các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh ban hành nhắm vào một số sản phẩn thiết yếu đối với bản thân kinh tế Trung Quốc như là than đá chẳng hạn. Ngừng nhập khẩu than của Úc đặt chính Trung Quốc vào tình trạng khan hiếm năng lượng mà chúng ta đã quan sát thấy trong những tháng gần đây. Cỗ máy sản xuất của Trung Quốc bị thiệt hại trực tiếp. Cùng lúc, Trung Quốc phải tăng công suất tại công trường khai thác than đá trên lãnh thổ. Còn nhìn từ phía Úc, đương nhiên kim ngạch xuất khẩu bị tác động. May mắn thay là trong thời gian qua, Canberra đã rất nhanh chóng tìm ra được những thị trường mới để phần nào thế vào chỗ trống Bắc Kinh để lại. Úc khai thác mạnh hơn các thị trường như là Nhật Bản, Đông Nam Á hay là Hàn Quốc và nhờ vậy tác động tiêu cực từ chính sách trừng phạt do Bắc Kinh ban hành được « pha loãng » hơn. Trung Quốc còn một đòn lợi hại chưa sử dụng đến đó là khả năng trừng phạt khoán sản của Úc xuất khẩu sang Trung Quốc. Một khi Bắc Kinh sử dụng đến biện pháp này, đây sẽ là một vố đau bởi vì Canberra khó có thể tìm được ngay một khách hàng nào để thay thế bởi vì không mấy ai có khả năng mua vào nhiều khoáng sản của Úc như là Trung Quốc ». Tuy nhiên cũng ông Bondaz cho biết thêm là các đòn trừng phạt của Trung Quốc « có tính toán » thí dụ như từ đầu năm 2019 Bắc Kinh cấm nhập khẩu than đá của Úc, Canberra thất thu khoảng ba tỷ đô la một năm khi để mất khách hàng quan trọng này. Trung Quốc cũng đã chọn giải pháp tăng thuế nhập khẩu hơn 200 % đánh vào rượu vang của Úc khiến các nhà sản xuất tại sứ sở của các chú Kangouru lao đao. Nhưng riêng một số lĩnh vực mang tính sống còn với cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, như là khoáng sản sắt chẳng hạn, bộ Thương Mại dường như đã tạm quên cho đến thời gian rất gần đây. Khi thương mại trở thành một vũ khí Câu hỏi kế tiếp liệu rằng, sau nhiều năm từng bước bắt chẹt nước Úc, Trung Quốc có đạt được những mục tiêu mong muốn hay không ? Trong mắt nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp thì câu trả lời là không vì nhiều lý do.     Antoine Bondaz: «Thoạt đầu đây không phải là một vấn đề thương mại, nhưng rồi cuộc đọ sức đã lan sang đến vế mậu dịch do Bắc Kinh dùng biện pháp o ép kinh tế, coi đây như một công cụ, nếu không muốn nói là một vũ khí, để phục vụ những mục tiêu chính trị. Dù vậy đây là một phương pháp hoàn toàn phản tác dụng. Thứ nhất, Canberra vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và thậm chí là đã tăng cường liên minh với các nền dân chủ khác trên thế giới, để cưỡng lại những áp lực của Trung Quốc. Điểm thứ nhì là chúng ta đã thấy, trong quá khứ, Trung Quốc đã từng ban hành các biện pháp phong tỏa kinh tế Hàn Quốc hồi năm 2016-2017 để trừng phạt Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ. Kinh tế Hàn Quốc vẫn bình yên và không bị ảnh hưởng gì từ những đòn trừng phạt đó của Bắc Kinh. Cuối cùng, dùng kinh tế và thương mại để uy hiếp các đối phương, chẳng những đã không đem lại kết quả mong muốn mà còn đẩy những quốc gia trong tầm ngắm của Bắc Kinh xa rời hơi nữa với Trung Quốc, độc lập hơn với công xưởng sản xuất của thế giới. Điều này đã được kiểm chứng qua trường hợp của Hàn Quốc, của Úc và giờ đây là kể cả với Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại Bruxelles đang chuẩn bị một loạt các công cụ để cưỡng lại những thủ đoạn dùng kinh tế, thương mại hay đầu tư để uy hiếp đối phương. Thật ra các biện pháp này nhắm đến cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Bởi vì dù là những đồng minh thân thiết, nhưng Mỹ đến nay vẫn dùng nguyên tắc ngoài lãnh thổ để trừng phạt châu Âu. Còn với Trung Quốc thì đã quá rõ ràng : sau việc Bắc Kinh đòi trừng phạt Litva, một thành viên của Liên Âu đã mở quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hơn bao giờ hết, chính sách đối phó với Trung Quốc lại càng mang tính thời sự hơn ». Bắc Kinh đi sai một nước cờ ? Riêng với nước Úc, giới quan sát đồng loạt nhận định rằng chính các đòn uy hiếp của Trung Quốc về nhiều mặt là mầm mống để liên minh quân sự AUKUS – Úc, Anh và Mỹ ra đời. Chiến thuật o ép các đối tác thương mại và kinh tế của Bắc Kinh càng là keo sơn gắn kết Úc với ba đối tác là Mỹ, Nhật và Ấn Độ của Bộ Tứ QUAD. Trước Úc, năm 2010 Trung Quốc đã bắt ngành xuất khẩu cá hồi của Na Uy trả giá đắt sau việc Hàn Lậm Viện tại Oslo trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh vì nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Hàn Quốc cũng đã bị Bắc Kinh thách thức vì quyết định xây dựng hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD. Gần đây hơn đảng Cộng Sản Trung Quốc trút cơn thịnh nộ lên chính quyền Litva, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, để phản đối Vilnius thiết lập bang giao với chính quyền Đài Loan. Giọng điệu của Bắc Kinh « càng lúc càng gay gắt » như Antoine Bondaz ghi nhận. Trung Quốc không chỉ đàn áp những tiếng nói bất đồng trong nước, không chỉ uy hiếp những cá nhân hay doanh nghiệp nước ngoài giao thương với Hoa lục mà còn trực tiếp đe dọa thẳng đến một « Nhà nước ». Trong lúc Bắc Kinh tăng tốc cỗ máy uy hiếp đó thì Liên Hiệp Châu Âu vẫn lúng túng đi tìm giải pháp « tốt nhất » để đối phó với áp lực của Trung Quốc. Có điều như Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nhấn mạnh, « Trung Quốc không phải là một siêu cường với sức mạnh vô song để không một ai có thể cưỡng lại nổi.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Dầu hỏa, tiền và vũ khí trong quan hệ Qatar với Mỹ và Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Nov 30, 2021 9:26


« Tương lai kinh tế đặt ở Trung Quốc » : Năm 2009 Cheikh Hamad ben Khalifa al Thani, cố lãnh đạo Qatar đã thấy rõ điều đó. Nhưng Doha vẫn lệ thuộc vào Hoa Kỳ về mặt an ninh để tự vệ trước những đối thủ trong khu vực như Ả Rập Xê Út hay Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung khiến bài toán của Doha thêm phần nan giải.   Tương tự như rất nhiều các đồng minh châu Á và châu Âu của Hoa Kỳ, chính quyền Doha rất sợ sẽ phải chọn đứng về phe nào khi đã mở rộng hợp tác với Trung Quốc về thương mại và thậm chí là cả trong lĩnh vực quân sự, nhưng an ninh lại hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Liệu Qatar có đang rời xa quỹ đạo của Mỹ để ngả vào vòng tay Trung Quốc hay không ? Chìa khóa tăng trưởng đặt tại Bắc Kinh Là một quốc gia với chưa đầy ba triệu dân, có diện tích bằng 1/3 so với Đài Loan, nhờ có dầu khí, (đem về đến hơn 60 % GDP và chiếm 85 % tổng kim ngạch xuất khẩu), Qatar thiết lập được kênh đối thoại đặc biệt với Trung Quốc. Tương tự như nhiều nước trong Vịnh Ba Tư, Qatar đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Bắc Kinh. Từ năm 2014 nhờ một hiệp định hợp tác, Trung Quốc được mời tham gia vào kế hoạch « Tầm Nhìn Quốc Gia Qatar 2030 ». Qua đó hai tập đoàn dầu khí PetroChina và Sinopec đầu tư, mở rộng các hoạt động tại mỏ khí đốt North Field của Qatar. Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Đông, Jean- Loup Samaan thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore và Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhấn mạnh đến sự gắn kết càng lúc càng chặt chẽ giữa Qatar và Trung Quốc về mặt thương mại và kinh tế. Ông cũng là tác giả bài tham luận mang tựa đề Qatar trước sự kình địch Mỹ-Trung : Thế lưỡng nan của một vương quốc trong vùng Vịnh, đăng trên trang mạng của IFRI tháng 11/2021. Jean-Loup Samaan : « Thoạt đầu, trao đổi chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực khí đốt. Doha là một trong những nguồn cung cấp quan trọng của Trung Quốc, bảo đảm khoảng 35 % nguồn khí đốt nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mậu dịch giữa Trung Quốc và Qatar, từng bước, mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Trung Quốc đầu tư vào Qatar, một số tập đoàn của Trung Quốc tham gia vào các công trình trùng tu cơ sở hạ tầng cho quốc gia trong vùng Vịnh này, nâng cấp các hải cảng và thậm chí Hoa Vi đang trở thành một trong những đối tác chính của Qatar để xây dựng hệ thống mạng 5G ». Từ 2000 đến 2020 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đang từ 50 triệu đô la nhảy vọt lên tới 10 tỷ. Bên cạnh vế mậu dịch, Doha và Bắc Kinh còn thúc đẩy quan hệ trong hai lĩnh vực khác là ngoại giao và quân sự. Lãnh đạo Qatar hiện nay, Cheikh Tamim ben Hamad al Thani lên cầm quyền năm 2013 cùng lúc với chủ tịch Tập Cận Bình và ông đã hai lần công du Bắc Kinh. Hợp tác quân sự Qatar-Trung Quốc Điều cộng đồng quốc tế ít biết đến hơn là hợp tác giữa Doha với Bắc Kinh về mặt quân sự. Năm 2017 ít lâu sau khi bị các nước láng giềng là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrain phong tỏa với lý do Qatar bao che cho quân khủng bố, Doha đã ký kết với Bắc Kinh một thỏa thuận « chống khủng bố ». Giới quan sát coi đây là một bước ngoặt quan trọng và là một tín hiệu mạnh. Song còn quá sớm để kết luận rằng Qatar ngả về phía Trung Quốc, kể cả về quân sự. Jean-Loup Samaan : « Hợp tác quân sự giữa hai nước đã bắt đầu có, nhưng vẫn còn ở mức độ khiêm tốn và chúng ta cần căn cứ vào những số liệu để thấy rõ được điều đó. Các dịch vụ mua bán trang thiết bị quân sự giữa Trung Quốc với Qatar trong 10 năm qua ước tính lên tới khoảng hơn một trăm triệu đô la. Ít hơn rất nhiều so với hàng ngàn tỷ đô la mà Doha chi ra để mua trang thiết bị quân sự của Mỹ hay của Pháp và thậm chí là cả của Nga. Ngay cả hợp tác với Nga cũng quan trọng hơn nhiều so với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên một số yếu tố khiến Washington không được thoải mái. Ví dụ như hồi năm 2017 chính quyền Doha đã phô trương tên lửa đạn đạo Trung Quốc và khi đó mọi người mới vỡ lẽ là Qatar đã âm thầm mua vũ khí Trung Quốc. Thứ nhất Qatar trang bị vũ khí của Trung Quốc và thứ hai là đã không hề thông báo trước với Washington. Về khối lượng, số vũ khí mua của Trung Quốc không nhiều nhưng thái độ úp mở đó của chính quyền Doha gây tranh cãi và đừng quên rằng kèm theo việc sắm vũ khí Trung Quốc còn có cả một thông điệp có lẽ Qatar muốn gửi tới Hoa Kỳ bởi vì một hợp đồng mua bán vũ khí không bao giờ là một cử chỉ hời hợt. Câu hỏi kế tiếp là sau Qatar liệu các quốc gia khác trong khu vực có chuyển sang trang bị vũ khí Trung Quốc hay không ». Trong bài nghiên cứu, đăng trên trang mạng của viện IFRI Jean-Loup Samaan nói rõ hơn : Doha mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại SY-400 của Trung Quốc tuy nhiên theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế SIPRI trong giai đoạn 2010-2020, Qatar mua vào 118 triệu đô la vũ khí của Trung Quốc. Con số này không thấm vào đâu với hơn 3 tỷ đô la với Mỹ trong cùng thời kỳ. 70 % vũ khí và trang thiết bị quân sự của Qatar là hàng « made in USA ». Nói cách khác, hợp tác quân sự giữa Qatar và Trung Quốc trước mắt mang tính tượng trưng. Tuy nhiêu câu hỏi đặt ra là cả Doha lẫn Bắc Kinh muốn gì và có thể cho rằng Qatar đang chuyển hướng lao vào quỹ đạo Trung Quốc hay không ? Jean-Loup Samaan : « Thực ra về phía Bắc Kinh, rõ ràng là Trung Quốc muốn bắt rễ vào Vịnh Ba Tư, khu vực từ trước đến nay vẫn được xem là sân sau của Hoa Kỳ. Thắt chặt quan hệ với Qatar cho phép củng cố thêm uy tín, mở rộng ảnh hưởng với khu vực mà ai cũng nghĩ là Trung Quốc không chen chân được tới. Nhìn từ phía Doha, cũng có nhiều lý do giải thích cho việc hợp tác, kể cả về quân sự với Bắc Kinh. Trước hết, Qatar trang bị tên lửa Trung Quốc có nghĩa là mua vào những loại vũ khí mà Mỹ, vì những lý do khác nhau, từ chối cung cấp cho quốc gia này và một số nước khác trong vùng Vịnh. Washington tránh xuất khẩu vũ khí cho nhiều nước Ả Rập do không muốn những loại vũ khí đó có thể đe dọa đến an ninh của Israel. Thành thử, nhập khẩu vũ khí Trung Quốc cũng có thể là một cách để cảnh cáo Hoa Kỳ rằng Doha có thể tìm được một giải pháp thay thế và giải pháp thay thế đó có thể là Trung Quốc. Đây là động lực thứ nhì khiến Qatar quay sang Bắc Kinh. Tuy nhiên khó khẳng định là Qatar đã nghiêng về phía Trung Quốc vì nhiều lẽ. Thứ nhất về mặt ngoại giao, Doha luôn tỏ ra rất thận trọng. Điều này đã được chứng minh qua những hồ sơ khác nhau. Thứ hai, Qatar vẫn nằm trong quỹ đạo của Hoa Kỳ. Đừng quên rằng đây là trung tâm của bộ chỉ huy Mỹ tại Trung Đông. Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Qatar trong thế quan sát : Xem Trung Quốc có đề xuất gì không về mặt quân sự trong bối cảnh Hoa Kỳ chủ trương ngừng đóng vai trò sen đầm thế giới. Điểm thứ nhì là bản thân Trung Quốc cũng rất thận trọng. Chưa bao giờ Bắc Kinh bày tỏ nguyện vọng thay thế Mỹ trong vùng Vịnh. Trung Quốc không muốn thay thế Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho các quốc gia trong vùng bởi đó là một nước cờ vừa tốn kém vừa đầy rủi ro. Điểm thứ ba nữa là Doha thừa biết Trung Quốc không phải là điểm tựa về mặt an ninh và cũng không thể trông chờ vào Bắc Kinh như là Qatar đang dựa vào Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Không có chuyện Trung Quốc điều quân sang vùng Vịnh trong trường hợp Qatar bị tấn công. Thành thử đây là một giai đoạn khá sôi động và rất thú vị để quan sát những chuyển biến trong quan hệ giữa Qatar với hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên theo tôi đến một lúc nào đó Doha sẽ phải chọn đứng về phía nào, không thể duy trì mãi thái độ mập mờ giữa hai đối tác chiến lược ». Trung Quốc chưa thể soán ngôi Hoa Kỳ Cũng trong bài nghiên cứu nói về thế đi dây của Qatar trong cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu, Jean-Loup Samaan đưa ra nhiều yếu tố cho thấy Qatar vẫn trong quỹ đạo của Mỹ. Trước hết về kinh tế, thương mại, đành rằng Trung Quốc đã trở thành đối tác hàng đầu, nhưng Mỹ vẫn là một « bạn hàng không hể thiếu » của Doha. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều với Mỹ năm 2019 đạt 7 tỷ đô la -với Trung Quốc là 10 tỷ. Kế tới, khác với Mỹ, Trung Quốc không chỉ trích Qatar vi phạm nhân quyền. Nhưng hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ là cái gai trong quan hệ ngoại giao giữa Doha với Bắc Kinh. Điểm thứ ba, như ông Samaan vừa giải thích, về mặt chiến lược và an ninh, Qatar biết rõ không thể trông cậy vào Trung Quốc. Cuối cùng, song song với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, Qatar liên tục thắt chặt quan hệ với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ. Năm 2013 Doha và Washington triển hạn thêm 10 năm Hiệp định hợp tác phòng thủ được ký nết năm 1992. Mỹ từ năm 2002 lập trung tâm chỉ huy tại Qatar và quốc gia vùng Vịnh này cũng là nơi hơn 10.000 quân nhân Mỹ đồn trú trong khuôn viên căn cứ không quân Al Udeid. Năm 2017 khi bị các nước láng giềng phong tỏa, Doha đã vững tâm nhờ có điểm tựa là Hoa Kỳ. Gần đây nhất cộng đồng quốc tế thấy rõ Qatar đóng vai trò then chốt trên hồ sơ Afghanistan cả về mặt ngoại giao lẫn hậu cần. Cũng căn cứ quân sự Al Udeid của Qatar là địa điểm đón hơn 40.000 người Mỹ và các cộng tác viên của Hoa Kỳ di tản khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021. Vào lúc Nhà Trắng dưới chính quyền Trump kỳ kèo đòi các đối tác quân sự đóng góp nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng với Mỹ, thì Doha dễ dàng đề nghị đài thọ toàn bộ khoản tốn kém 1,8 tỷ đô la để nâng cấp căn cứ không quân của Mỹ tại Al Udeid. Jean-Loup Samaan đại học Singapore và chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp kết luận : Doha không hề xa cách Washington để ngả về phía Bắc Kinh mà trái lại Qatar đã thắt chặt thêm quan hệ với Hoa Kỳ đặc biệt là trong giai đoạn từ 2017 đến 2021 khi chính quyền của ông Cheikh Tamim bị ba nước láng giềng chung quanh phong tỏa. Chính dưới áp lực của Mỹ mà Ả Rập Xê Út gần đây đã « miễn cưỡng » làm hòa với Qatar. Dù vậy tác giả bài nghiên cứu mang tựa đề Qatar trước sự kình nghịch Mỹ-Trung : thế lưỡng nan của một vương quốc trong vùng Vịnh  nhìn nhận khó thể đoán trước những thay đổi trong chiến lược của Qatar giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. « Một phần lớn câu trả lời tùy thuộc vào những cân nhắc tại Washington về chính sách của Mỹ tại Trung Đông ». Điều hiển nhiên nhất hiện tại là liên hệ ngày càng khắng khít giữa Qatar với Trung Quốc về kinh tế, đầu tư và thương mại. Kèm theo đó sẽ là những « ảnh hưởng về phương diện ngoại giao và quân sự » trong tương lai.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Trung Quốc chạy nước rút tìm kiếm « Chip nano »

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 26, 2021 9:21


Một con bọ nhỏ có thể khiến một ông khổng lồ bị tê liệt. Với diện tích chưa đầy 20% của tỉnh Quảng Đông, Đài Loan được tất cả các siêu cường kinh tế thế giới ve vãn vì nắm giữ một phần vận mệnh kinh tế toàn cầu nhờ vào những con bọ nano. Phúc hay họa cho Đài Loan trong cuộc tranh hùng Mỹ - Trung Quốc ? Bắc Kinh lệ thuộc vào « bọ » Đài Loan đến mức độ nào ? Trung Quốc – Đài Loan : Gã khổng lồ và những con bọ. Đây có thể là một câu chuyện ngụ ngôn về ông khổng lồ Trung Quốc đang ráo riết săn lùng những con bọ nano, tức chỉ bằng một vài phần ngàn của một mili-mét. Về phía Đài Loan, dù chỉ « bằng cái nắm cơm » nhưng hòn đảo này lại kiểm soát 50 % thị trường chip điện tử toàn cầu và đang dẫn đầu nền công nghệ bán dẫn trên thế giới. Gót chân Achille của ông khổng lồ Trung Quốc 370 tỷ đô la chip nhập khẩu, mỗi năm Trung Quốc mua bọ điện tử nhiều hơn là dầu hỏa. Tháng 5/2020 chính quyền Mỹ thời Donald Trump cấm tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC cung cấp một số « mặt hàng nhậy cảm » cho Trung Quốc, chính xác hơn là cho tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Một phần lớn các hoạt động Hoa Vi bị chựng lại : điện thoại di động với logo hình hoa sen kém hấp dẫn. Hoa Vi đột ngột bị « hất khỏi » thị trường điện thoại thông minh cao cấp. Đó mới chỉ là một thí dụ cụ thể trong số rất nhiều những thí dụ khác cho thấy chip điện tử « thế hệ mới » chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống hàng ngày của phần lớn nhân loại. Nguy hiểm đối với Trung Quốc là Đài Loan đang dẫn đầu ngành công nghệ bán dẫn, với mũi nhọn lợi hại nhất mang tên TSMC. Chỉ nội một tập đoàn này đem về một phần tư GDP cho Đài Loan. Ở vào thời điểm hiện tại, TSMC gần như độc quyền sản xuất bọ thu nhỏ dưới 7 nano, tức là dưới 7/1000 mili-mét. Mà đó lại là bộ não của những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất. Không có chip của TSMC thì không thể có iPhone 13. Tập đoàn Apple của Mỹ sở dĩ trong năm 2007/2008 đã bán ra được hơn 1,3 tỷ chiếc điện thoại thông minh với logo hình quả táo là nhờ bọ của Đài Loan. Trung Quốc ý thức rất rõ về vị trí chiến lược của Đài Loan không chỉ trên bàn cờ địa chính trị, mà cả về công nghệ mới. Trả lời đài RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Marc Julienne Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích về vị trí chiến lược của Đài Loan chỉ nhờ những « con bọ » rất, rất nhỏ. Marc Julienne : « Đài Loan là một quốc gia nhỏ bé mà bắt một ông khổng lồ như Trung Quốc phải phụ thuộc vào mình, đặt mình vào vị trí một đối tác không thể thiếu của rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, chỉ nhờ một vào một lĩnh vực. Rất nhiều nền kinh tế từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản đều muốn sử dụng công nghệ của Đài Loan. Gần đây Tokyo vừa loan báo TSMC mở một nhà máy tại Nhật Bản. Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội khối, Thierry Breton đang đàm phán với công ty Đài Loan này về một dự án công nghệ Nano trên lãnh thổ châu Âu. Cần nói thêm Liên Âu đang chậm trễ trong lĩnh vực này. Nhờ nắm giữ một công nghệ của tương lai, cho nên Đài Loan đang được tất cả các cường quốc công nghệ ve vãn ». Trung Quốc, « tòa nhà chọc trời xây trên cát » Năm 2019 sáng lập viên mạng xã hội Trung Quốc Tencent, ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma) đã không vòng vo nhận xét : Thiếu « bọ », Trung Quốc thống lĩnh thị trường máy móc điện tử nhưng thực ra chỉ là một « tòa cao ốc xây trên cát ». Phần lớn tivi, tủ lạnh, máy điều hòa … trên thế giới đều là hàng « made in China » nhưng Trung Quốc chỉ đủ sức tự cung cấp cho chưa đầy 16 % linh kiện bán dẫn cần thiết mà đấy lại là những con bọ « thô sơ » ở kích cỡ 20 nano. Nói cách khác, thiếu chip nhập từ nước ngoài - đứng đầu là Đài Loan và Hàn Quốc thì lập tức cả chuỗi sản xuất của Trung sẽ bị chựng lại ngay.  Thật ra Bắc Kinh biết rõ nhược điểm của mình hơn ai hết nên đã lao vào một cuộc chạy đua với thời gian : kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2021-2025  dự trù đầu tư gần 200 tỷ đô la với một mục tiêu rõ ràng và truyền thông Bắc Kinh nói đến một bước « Đại nhảy vọt của ngành công nghệ bán dẫn ». Nhưng theo hãng tin Bloomberg thì « kế hoạch kinh tế thứ 14 của Trung Quốc dành đến 1.400 tỷ đô la để phát triển chip điện tử thế hệ ba » bởi vì Bắc Kinh biết là bọ điện tử Trung Quốc đang bị các đối thủ Đài Loan và Mỹ bỏ lại phía sau từ « hai đến ba thế hệ » như phân tích của George Stieler, đồng sáng lập viên công ty tư vấn chuyên về thị trường điện tử Stieler Management Consulting, chi nhánh tại Thượng Hải. George Stieler nhắc lại kế hoạch đầy tham vọng mang tên Made in China 2025 đề ra mục tiêu, Trung Quốc tự sản xuất đến 70 % bọ điện tử để không lệ thuộc vào bất kỳ một nguồn cung cấp nào, nhất là vào Đài Loan. Bốn năm trước kỳ hạn đó, tỷ lệ tự túc đó mới chỉ chưa đầy 16 %. Thêm một bài toán khó cho Trung Quốc là đội ngũ nhân sự chưa sẵn sàng làm chủ công nghệ mới và việc đào tạo đòi hỏi thời gian.  Bản sao không bao giờ bằng được nguyên bản Lợi thế của Trung Quốc là có nhiều phương tiện tài chính và quyết tâm của Bắc Kinh gây dựng cho tập đoàn quốc gia SMIC để đuổi kịp ông vua công nghệ bán dẫn TSMC. Thế nhưng SMIC của Trung Quốc vẫn đang chậm trễ mất từ « hai đến ba thế hệ » bọ điện tử so với TSMC của Đài Loan. Chip của tập đoàn Trung Quốc này vẫn còn to -  14 nano, nghĩa là lớn tối thiểu là gấp đôi, so với của các đối thủ Đài Loan hay Hàn Quốc. Nói cách khác, « nghệ thuật sao chép chưa đủ trình độ và vẫn chưa thể sánh được với nguyên bản ». Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vào lúc xuất khẩu Đài Loan lệ thuộc đến 40 % vào Hoa Lục và đã có cả trăm ngàn doanh nghiệp Đài Loan mở cơ sở hoạt động tại Trung Quốc, bản thân TSMC có nhà máy và cơ sở tại Hoa Lục : liệu mức độ gắn kết giữa hai nền kinh tế một lớn - một bé đó có là công cụ để Bắc Kinh tận dụng và gây sức ép với nhà sản xuất chip điện tử Đài Loan hay không ?  Marc Julienne : « Bắc Kinh không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để gây sức ép : khi thì Trung Quốc dùng đòn kinh tế - chẳng hạn như là cấm nhập khẩu trái cây của Đài Loan vào Hoa Lục, lúc thì dùng đòn chính trị, hay quân sự với các chiến dịch uy hiếp Đài Loan trên không và trên biển. Riêng với TSMC, vấn đề không đơn giản, bởi vì công nghệ chip điện tử không lệ thuộc 100 vào Đài Loan. TSMC sản xuất chip nhưng lại sử dụng một số công nghệ của Mỹ. Linh kiện bán dẫn của Đài Loan một phần do các tập đoàn Hoa Kỳ thiết kế. Do vậy quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thuộc về Mỹ. Thành thử Trung Quốc có gây sức ép với TSMC hay với trên dưới 100.000 công ty Đài Loan ở Hoa Lục cũng vô ích khi mà TSMC không được phép xuất khẩu các sản phẩm làm ra cho Trung Quốc. Chính vì thế mà Hoa Vi gặp nhiều khó khăn ». Đằng sau các con số hàng ngàn tỷ đô la Trung Quốc dành để phát triển công nghệ bán dẫn, đơn giản là « chiến tranh lạnh về công nghệ cao » giữa Washington với Bắc Kinh. Trên mặt trận này, Đài Loan trở thành một lá chủ bài của cả Mỹ lần Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho rằng đây là một trong số rất nhiều những lý do khiến chính quyền Tập Cận Bình liên tục duy trì áp lực ở mức « cao chưa từng thấy » với Đài Loan từ hơn một năm qua. Marc Julienne​​​​​​​ : « Công nghệ bán dẫn khiến Đài Loan càng trở nên « hấp dẫn » trong mắt Trung Quốc và đó là một trong những động lực khiến thúc đẩy Bắc Kinh muốn nhanh chóng thâu tóm Đài Loan. Nhưng đó không là lý do duy nhất, bởi vì còn có những yếu tố về mặt lịch sử, về tư tưởng và ông Tập Cận Bình muốn khẳng định vị trí của mình phải là ngang với Mao Trạch Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh gần đây đã cứng rắn hơn bao giờ hết trên vấn đề Hồng Kông rồi kế tới là với Đài Loan. Tuy nhiên nhắc lại là trong quá khứ, khủng hoảng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã nhiều lần xảy ra. Có điều lần này, rõ ràng là Bắc Kinh liên tục duy trì áp lực ở mức rất cao đối với Đài Loan từ hơn một năm nay ». Xâm chiếm Đài Loan, một công đôi việc ? Vậy phải chăng vì 80 % bọ điện tử trong những máy móc thuộc dòng « công nghệ cao » chúng ta đang sử dụng đều có dấu ấn của Đài Loan cho nên một mặt Trung Quốc muốn nhanh chóng thâu tóm hòn đảo này, nhưng mặt khác TSMC và những con bọ nano cực nhỏ cũng là một dạng « bảo hiểm nhân thọ » cho một nước Đài Loan độc lập ?  Marc Julienne​​​​​​​ : ​​​​​​​« Tất cả mâu thuẫn trong trường hợp của Đài Loan nằm ở chỗ đó và đấy cũng chính là điều hết sức thú vị đối với giới quan sát. Qua Đài Loan là trường hợp của TSMC. Đài Loan và TSCM chiếm một vị trí quan trọng đến nỗi mà Trung Quốc có rất nhiều những lý do để thâu tóm cả hai. Nhưng cũng nhờ vị trí then chốt đó của Đài Loan và tập đoàn công nghệ bán dẫn này trên bàn cờ công nghệ quốc tế, và đối với cả một mảng công nghệ kỹ thuật số của các nền kinh tế phương Tây, của châu Á cho nên Trung Quốc không thể dễ dàng xâm chiếm Đài Loan, thâu tóm TSCM. Có khả năng là nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, sẽ không để Đài Loan rơi vào vòng kềm tỏa của Bắc Kinh, để rồi Trung Quốc làm chủ công nghệ bán dẫn ».     Tính toán chiến lược trên bàn cơ kinh tế Không chỉ có một mình Trung Quốc chạy đua tìm kiếm bọ nano. Ngày 14/10/2021 Tokyo thông báo dự án xây dựng nhà máy TSMC đầu tiên tại Nhật Bản. Xưởng sản xuất chip điện tử này sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu của các tên tuổi trong ngành công nghiệp Nhật Bản như Sony hay hãng xe Toyota. Báo chí tại Đài Bắc nói đến một khoản đầu tư 7 tỷ đô la Mỹ. Giới quan sát cho rằng thuyết phục được TSMC mở nhà máy trên lãnh thổ Nhật là một « thắng lợi lớn » của chính quyền Tokyo về mặt « chiến lược » trong bối cảnh từ « mùa xuân vừa qua, chính phủ đưa bọ nano vào danh sách những ưu tiên đối với an ninh quốc gia ». Điều đó có thể giải thích phần nào lập trường cứng rắn của Nhật Bản bảo vệ chủ quyền và an ninh cho Đài Loan trước các đòn uy hiếp của Bắc Kinh.  Trở lại với trường hợp của Trung Quốc, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện nghiên cứu Montaigne Paris được báo Les Echos trích dẫn nhấn mạnh công nghệ bán dẫn là lĩnh vực mà « khoảng cách giữa mục tiêu và tiềm lực thực sự của Trung Quốc còn rất lớn » ... và « hơn bao giờ hết tương lai của nền công nghệ cao Trung Quốc tùy thuộc vào những rào cản của Âu Mỹ ». Nhà nghiên cứu June Park, đại học George Washington nhi nhận « tại thủ đô Wahsington, nhiều người đã hiểu rằng, công nghệ bán dẫn là một yếu tố chiến lược để Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới. Đầu hàng trên mặt trận này sẽ là dấu chấm hết cho thời đại vàng son của Mỹ ».

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tạp chí tiêu điểm - Căng thẳng eo biển Đài Loan và cuộc chiến tranh giành di sản « Ngày 10/10 »

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Oct 21, 2021 9:35


Ngày 10/10/2021 đánh dấu 110 năm cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 tại Trung Quốc. Đó cũng là ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China – ROC), hay còn gọi là Đài Loan. Đối với Trung Quốc và Đài Loan, « Ngày hai số 10 » (double tenth day) còn là một diễn đàn quan trọng để chứng tỏ tính chính đáng của mỗi chế độ và cũng là dịp để báo hiệu cho một kỳ chính trị sắp tới từ bên này gởi đến bên kia. Cách Mạng Tân Hợi : Đảng Cộng sản Trung Quốc, người kế thừa hợp pháp ? Kể từ ngày bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến trở thành tổng thống Đài Loan năm 2016, chính sách về Đài Loan của Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn, vừa sử dụng áp lực ngoại giao vừa tăng cường răn đe quân sự. Bốn ngày đầu tháng Mười năm nay là một minh chứng. Nhân dịp lễ mừng quốc khánh, Trung Quốc cho điều gần 150 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Một con số kỷ lục chưa từng có. Đối với bà Gudrun Wacker, chuyên gia về châu Á, German Institute for International and Security Affairs, « nhát kiếm này của Trung Quốc là một thông điệp gởi đến Đài Loan, rằng nhìn vào cán cân sức mạnh giữa hai phía, thì việc đi đến thống nhất là điều tất yếu và sự phản kháng là vô nghĩa. » Nhưng vài ngày sau, nhà nghiên cứu Zhenze Huang, trên trang mạng The Diplomat ghi nhận bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « kỷ niệm 110 năm cuộc Cách Mạng Tân Hợi ngày 10/10/1911 » năm nay, có một giọng điệu đặc biệt chừng mực hiếm có, hạn chế đưa ra một hình ảnh diều hâu. Một mặt, Tập Cận Bình khẳng định chỉ có đảng Cộng sản Trung Quốc mới là người kế tục hợp pháp của cuộc cách mạng dân tộc do Tôn Trung Sơn khởi xướng. Mặt khác, ông cam kết thống nhất Đài Loan bằng « con đường hòa bình », trái với những lần tuyên bố trước đây cho rằng sẽ thống nhất Đài Loan bằng mọi giá kể cả « bằng sức mạnh quân sự ».   Điều gì khiến ông Tập Cận Bình thay đổi thái độ với Đài Bắc ? Giới quan sát cho rằng có nhiều lý do để giải thích. Thứ nhất, chiến lược hăm dọa quá đà của Bắc Kinh đã bị phản tác dụng. Sự việc đẩy người dân Đài Loan xa rời Hoa Lục hơn, cảm giác bài Trung Quốc tăng cao trong công chúng. Theo một thăm dò do Quỹ Tự do thực hiện, gần 77% số người được hỏi tự cho là « người Đài Loan », so với con số 7,5% cho mình là người Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ có hơn 11% số người được thăm dò là ủng hộ « thống nhất », so với gần 47% chủ trương « độc lập cho Đài Loan » và 26,4% kêu gọi « duy trì nguyên trạng ». Thứ hai, chính sách hung hăng của Bắc Kinh đối với Đài Bắc cũng đã làm thổi bùng lên những phản ứng mạnh mẽ, và trong chừng mực nào đó đã bị quốc tế hóa. Nhiều nước châu Âu trước đây có lập trường trung lập nay bắt đầu thoát ra khỏi sự im lặng. Cụ thể, Litva là nước thành viên đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu đã cho lập « văn phòng đại diện » mang tên Đài Loan, khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Paris gần đây còn gởi một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Bắc. Dù vậy, nhà nghiên cứu Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trên đài ARTE lưu ý trong mọi trường hợp điều đó không có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu có mối quan hệ bang giao với Đài Loan, công nhận Đài Loan, và có thể can thiệp quân sự khi có xung đột. Bởi vì, theo nhà nghiên cứu, « năng lực quân sự của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước thành viên cực kỳ thấp. Ngoại trừ Pháp, không một nước nào có thể triển khai lực lượng quân đội xa đến như vậy. (…) Trong vụ việc này, Liên Hiệp Châu Âu giữ một vai trò để can ngăn Trung Quốc và dự báo một cuộc xung đột. » Yếu tố thứ ba là đến từ Washington. Ông Zhenze Huang nhắc lại ngày 06/10/2021, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, chánh văn phòng phụ trách đối ngoại TW đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Zurich, Thụy Sĩ. Không như lần gặp thứ nhất tại Alaska hồi tháng Ba năm nay, lần này đôi bên đã có những cuộc « trao đổi đầy đủ, thẳng thắn và sâu rộng » về nhiều vấn đề liên quan đến những lợi ích chung của cả hai nước. Kết quả của cuộc gặp là lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến từ đây đến cuối năm 2021. Trong đà tích cực đó, bộ Tư Pháp Mỹ đúc kết một thỏa thuận liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi, từng bị cáo buộc có gian lận. Mạnh Vãn Châu được về nước mà không bị kết tội. Đối đầu quân sự Trung – Đài : Một thất bại ngoại giao của Mỹ ? Hơn nữa, Bắc Kinh dường như cũng đã có được một số nhượng bộ, cam kết từ phía Washington, vốn dĩ cũng muốn hạ nhiệt căng thẳng, duy trì sự ổn định tại vùng Đông Á. Chính quyền Biden không thể gánh lấy rủi ro đối đầu quân sự, vì đó cũng là một thất bại ngoại giao trong chiến lược mơ hồ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Theo ông Zhenze Huang, Washington dường như đã đưa ra điều kiện tiên quyết là Bắc Kinh nên kềm chế không kích động xung đột. Ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận ngầm về Đài Loan. Về điểm này, nữ chuyên gia người Đức Gudrun Wacker trên kênh truyền hình quốc tế Deutch Well của Đức, có giải thích thêm như sau : « Hoa Kỳ có nghĩa vụ chính thức là giúp Đài Loan tự vệ. Chính nhờ điều này mà mối quan hệ với Đài Loan được tồn tại. Mỹ với sự mơ hồ chiến lược của mình, luôn để ngỏ việc liệu họ có can thiệp hay không vì điều đó phụ thuộc vào kịch bản mà chúng ta đang thấy. Họ cố tình làm như vậy không phải để khuyến khích tinh thần hăng hái của phía Đài Loan. "Tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ chúng tôi, điều đó được đảm bảo". Hoa Kỳ không muốn gửi thông điệp ấy nhưng họ cũng cố gắng gửi một lời bảo đảm cho cả hai bên, nhất là với phía Trung Quốc, rằng họ thực sự không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và do đó, có một trò chơi mơ hồ và đảm bảo ở đây. » Đối nội và quan hệ xuyên eo biển : Cuộc đánh cược của Thái Anh Văn Ngược lại, ở phía bên kia eo biển, tổng thống Thái Anh Văn lại có bài phát biểu cứng rắn nhất trong « Ngày hai số 10 » đó. Ở cấp độ quốc tế, Thái Anh Văn nhấn mạnh đến tầm quan trọng hợp tác lẫn nhau với các nền dân chủ và nhiều tổ chức đa phương khác, bao gồm « G7, NATO, Liên Hiệp Châu Âu », để duy trì « hòa bình và an ninh tại eo biển Đài Loan ». Trong quan hệ xuyên eo biển, tổng thống Đài Loan đặc biệt nhiều lần nhắc đến con số 72 kể từ khi Trung Hoa Dân Quốc phải chạy sang đảo Đài Loan. Khi nói nhiều đến « 72 năm » hơn là « 110 năm », bà Thái Anh Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc Cách Mạng Tân Hợi đối với sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc và làm nổi bật lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc. Trong bài phát biểu, tổng thống Đài Loan đưa ra bốn cam kết : Duy trì một hệ thống hiến pháp tự do và dân chủ, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không phục tùng lẫn nhau, Kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Đài Loan, và Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc phải được quyết định theo ý nguyện của người dân Đài Loan. Nói một cách ngắn gọn, bài phát biểu của Thái Anh Văn mang hơi hướm của một phiên bản được nâng cấp về « mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với Nhà nước », như cố tổng thống Lý Đăng Huy từng đề xướng. Theo phân tích của nhà nghiên cứu Zhenze Huang, bài diễn văn này nhắm đến nhiều mục tiêu. Thứ nhất là nhằm củng cố vai trò lịch sử hàng đầu của phong trào đòi ly khai Đài Loan. Thứ hai, khi bằng cách đưa ra những yêu sách rõ ràng trong các vấn đề xuyên eo biển, Thái Anh Văn còn muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị của đảng Dân Tiến (DDP) trong đời sống chính trị Đài Loan. Do đó, cử chỉ này của bà Thái Anh Văn còn nhằm tối đa hóa số phiếu bầu cho đảng Dân Tiến bằng cách kích động tình cảm chống Trung Quốc và gây áp lực lên Quốc Dân Đảng, vốn dĩ luôn có lập trường không rõ ràng trong mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.   Về điểm này, nhà nghiên cứu chuyên gia Gudrun Wacker còn đưa ra một luận điểm thứ ba : Đó còn là một thông điệp gởi đến Hoa Kỳ. « Không chỉ vì các lý do chính trị trong nước và một tín hiệu cho Trung Hoa đại lục mà còn là một thông điệp cho Hoa Kỳ. Washington đôi khi nghi ngờ về khả năng Đài Loan thực sự sẵn sàng tự vệ. Bà ấy buộc phải có một lập trường cứng rắn. Tôi nghĩ họ không để bà Thái Anh Văn một lựa chọn nào nhưng bà ấy cũng sẽ không lèo lái mọi việc tiến triển đi đến hướng "chúng tôi tuyên bố độc lập" ». Dẫu sao thì luôn có một câu hỏi được đặt ra : Từ 30 năm qua, Bắc Kinh không ngừng hiện đại hóa quân đội với mục tiêu đầu tiên là nhắm vào hòn đảo ly khai. Xét về mặt tương quan lực lượng, Trung Quốc sẽ làm được điều này. Nếu xảy ra xung đột thật sự, Đài Loan có thể đẩy lùi một cuộc đổ bộ từ Trung Quốc hay không ? Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu và Chiến lược (FRS), cho rằng Bắc Kinh trước hết phải có được lời giải cho bài toán : Cái giá nhân mạng cho một chiến dịch quân sự như vậy là bao nhiêu ? Bởi vì, một trong những chiến lược của Đài Bắc là khiến Bắc Kinh phải trả một giá nhân mạng rất cao nếu tiến hành một cuộc chiến tranh chiếm đảo. « Bởi vì, Đài Loan có năng lực phòng thủ, có hệ thống phòng không, nhất là hệ thống chống tầu chiến. Hiện tại, trong tương quan lực lượng cho dù Trung Quốc có lợi thế, nhưng bất lợi cũng không hẳn nghiêng về Đài Loan. Điều đó không chỉ mang tính quân sự mà còn có cả vấn đề xã hội. Chiến lược của Đài Loan ngày nay là thể hiện rõ sự "bất diệt" với xã hội Trung Quốc ». Cuối cùng, nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý thêm, « ở đây còn có một điểm quan trọng : Đài Loan là một mô hình phản biện, đó là một xã hội đậm chất văn hóa Trung Quốc nhưng đã tự thân dân chủ hóa, chứ không phải bằng một sự can thiệp từ bên ngoài. Điều này đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc là không thể chấp nhận ! »

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Hoa Vi trả giá đắt cho cuộc chiến công nghệ dài hơi Mỹ-Trung

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Aug 17, 2021 9:34


Nhà Trắng đã đổi chủ, Hoa Vi vẫn chưa hết vận hạn. Là tủ kính công nghệ của Trung Quốc, tập đoàn viễn thông này là biểu tượng của cuộc đọ sức Mỹ-Trung về công nghệ cao. Trên mặt trận công nghệ viễn thông, Washington không chấp nhận để cho một đối thủ chiến lược là Bắc Kinh vươn lên ngang hàng. Sau bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2021, Donald Trump thất cử, sáng lập viên Hoa Vi, ông Nhậm Chính Phi, kỳ vọng mở lại « đối thoại mang tính xây dựng » với các đối tác Hoa Kỳ. Nhưng lập tức bà Gina Raimondo, người được tổng thống Joe Biden đề cử làm bộ trưởng Thương Mại, tháng 2/2021, đã dội một gáo nước lạnh khi tuyên bố bà « hiểu rằng một số công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách những thực thể có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đe dọa quyền lợi của nước Mỹ ». Đồng thời, trước mắt bà Raimondo « không có lý do gì » để chứng minh cho điều ngược lại. Thống lĩnh thế giới trong thời gian ngắn kỷ lục Câu hỏi đầu tiên là phải chăng hai đời tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp cùng chĩa mũi dùi vào Hoa Vi do tập đoàn Trung Quốc này đang dẫn đầu công nghệ mạng di động ? Trong chưa đầy 30 năm từ khi được thành lập, Hoa Vi đã qua mặt các đối thủ truyền thống như Nokia và Ericsson của châu Âu. Trước đây, với công nghệ 4G, Hoa Vi đã khẳng định vị trí của mình. Thế rồi hãng này trở thành tập đoàn số 1 trên thế giới trong lĩnh vực trang thiết bị viễn thông. Cần chú ý là Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ và thậm chí đang dẫn đầu thế giới trong một thời gian rất ngắn. Điều ngạc nhiên là phải đợi đến gần đây, từ khoảng năm 2018-2019 thì Hoa Vi mới được thế giới nhắc đến nhiều, cho dù từ đầu những năm 2000 giới trong ngành đã trông thấy những tiến bộ vượt trội của tập đoàn Trung Quốc và mọi người đã thấy trước là Hoa Vi sẽ dẫn đầu trong công nghệ 5G. Mỹ tăng thêm hỏa lực Mỹ cũng như châu Âu hoàn toàn không ngờ rằng mạng 5G chiếm một vị trí quan trọng tới mức độ nào đối với ngành viễn thông và mạng di động. Cũng không ai dự báo trước là Hoa Vi đã len lỏi vào các thị trường của phương Tây sâu như vậy. Tuy nhiên, tại Mỹ, Hoa Vi thường gặp nhiều trở ngại, bởi vì Washington luôn viện cớ luật an ninh quốc gia ra để cản đường tập đoàn Trung Quốc này.   Trong một bài tham luận trên báo Le Monde, Jean- François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, giải thích Hoa Vi tiếp tục là mục tiêu chính quyền Biden nhắm tới, do chủ đích của Hoa Kỳ là chiến lược « kềm tỏa Trung Quốc về mặt công nghệ mới ». Chiến lược này đã được hình thành từ trước khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. Vẫn theo ông Dufour, « hồi thứ nhất » trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về công nghệ đã nhen nhúm từ năm 2008 khi chính quyền Washington ngăn cản Hoa Vi mua lại một công ty của Mỹ. Đến năm 2015 khi Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng và công bố kế hoạch tự chủ về công nghệ « Made in China 2025 », thì Washington đã tăng thêm hỏa lực. Nắm bắt được nhược điểm của Hoa Vi nói riêng, của Trung Quốc nói chung là sự lệ thuộc vào chip điện tử và linh kiện bán dẫn của nước ngoài, Washington đã hạn chế rồi cấm hẳn các hãng Mỹ, như Qualcomm, Intel … cung cấp hàng cho các đối tác Trung Quốc, cấm luôn Hoa Vi sử dụng một số những dịch vụ phần mềm hay ứng dụng của Mỹ. Bên cạnh các biện pháp thuần túy về kinh tế đó, Hoa Kỳ còn sử dụng một vũ khí lợi hại khác khi xếp Hoa Vi vào danh sách « các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ». Trả lời đài truyền hình France 24, nhà báo Sébastien Dumoulin, phụ trách phần tin về công nghệ trên báo Les Echos, nhắc lại Hoa Vi tuy có nhiều hợp đồng giao dịch với các đối tác Mỹ, nhưng mỗi lần đại tập đoàn Trung Quốc này muốn mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ thì lại thất bại. Trên thực tế, Hoa Vi đã bị cấm cửa tại thị trường Mỹ từ năm 2012 : Hoa Kỳ không muốn sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Hình ảnh của tập đoàn trang thiết bị viễn thông này luôn bị gắn liền với một mối quan hệ mật thiết với đảng Cộng Sản Trung Quốc, với quân đội Trung Quốc. Sébastien Dumoulin cho biết : « Hoa Vi chưa bao giờ thuyết phục được các đối tác phương Tây là họ không có liên hệ gì với các giới chức chính trị Trung Quốc. Mỹ từ lâu nay vẫn ngăn cản Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Giờ đây đến lượt châu Âu, trong đó có cả Pháp. Lo lại càng lúc càng lớn về mối liên hệ giữa tập đoàn viễn thông Trung Quốc với đảng Cộng Sản Trung Quốc ».   Mỹ không cần có bằng chứng Còn theo Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, chính quyền Mỹ tấn công Hoa Vi một cách có bài bản và trên nhiều mặt, kể cả mặt trận ngoại giao. Cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ, ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn thuyết phục châu Âu loại Hoa Vi ra khỏi thị trường mạng di động 5G. Sébastien Dumoulin ghi nhận một điểm thú vị ở đây là Washington tấn công Hoa Vi, nhưng không cần đưa ra bằng chứng về liên hệ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này với guồng máy chính trị tại Bắc Kinh :  « Tập đoàn Trung Quốc này bị tấn công tứ phía và với mức độ nghiêm trọng hơn bất kỳ một hãng nào với tầm cỡ tương đương như Hoa Vi. Rõ ràng là có một sự cố ý muốn tiêu diệt tập đoàn này. Nhưng bên cạnh đó thì ngay cả phía Mỹ đến giờ phút này cũng chỉ đưa ra những lời cáo buộc về mối liên hệ giữa Hoa Vi với quân đội và đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng Washington không công bố bất kỳ một bằng chứng vững chắc nào về cáo buộc đó. Với tư cách là phóng viên đặc trách về mảng công nghệ mới của báo Les Echos, tôi thường xuyên có dịp dự các cuộc họp báo do chính phủ Mỹ tổ chức. Chính quyền Washington luôn giải thích vì sao cần giữ khoảng cách với Hoa Vi, hay vì sao phải loại tập đoàn Trung Quốc này khỏi các nhà thầu xây dựng mạng 5G … Nhưng bản thân các quan chức Mỹ cũng nhìn nhận rằng họ không có bằng chứng về nghi ngờ Hoa Vi bị guồng máy chính trị và quân đội Trung Quốc thao túng. Phía Mỹ chỉ nói một cách chung chung rằng việc nêu lên nghi vấn về mối liên hệ đó cũng đủ để loại Hoa Vi ra khỏi các dự án của phương Tây ».  Đương nhiên, công ty do ông Nhậm Chính Phi lập ra năm 1987 đã không thụ động trước những đòn trừng phạt tới tấp của Mỹ. Với một đội ngũ hơn 100.000 nhân viên về nghiên cứu và phát triển R&D, Hoa Vi tự thiết kế và sản xuất chip điện tử, thí dụ như nhờ vào chi nhánh Hisilicon. Giám đốc DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour, cho rằng, « chiến lược ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao không đánh gục được gã khổng lồ châu Á, nhưng đã gây khó khăn không ít cho Hoa Vi nói riêng, và cho công nghệ cao của Trung Quốc nói chung ». Một số nhà phân tích khác trong ngành còn đi xa hơn khi cho rằng Mỹ không muốn bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ cao và bằng mọi giá phải ngăn cản quốc gia châu Á này tiếp cận được những công nghệ mới. Trong trường hợp chiến lược này thành công, tức là Trung Quốc thực sự bị cô lập để phải tự tìm ra những giải pháp kỹ thuật cho riêng mình, thì « một thế giới lưỡng cực khác sẽ được hình thành ». Về điểm này, nhà báo Dumoulin của tờ Les Echos cho rằng chiến tranh công nghệ hiện nay giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới còn là một cuộc chiến về mặt ý thức hệ :   « Câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là liệu rằng Âu - Mỹ có muốn để cho một tập đoàn nước ngoài can thiệp vào hệ thống viễn thông mang tính sống còn trong tương lai của chính mình hay không. Bản thân tập đoàn đó lại gắn liền với một quốc gia và một hệ thống chính trị hoàn toàn khác biệt với mô hình của Âu, Mỹ. Trong trường hợp này, đằng sau Hoa Vi là Trung Quốc, mà Bắc Kinh lại hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống của Trung Quốc tốt hơn, hiệu quả hơn so với của phương Tây. Bản thân Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức về mặt ý thức hệ với các nền dân chủ phương Tây ».   Còn quá sớm để biết Mỹ có thành công hay không trong việc lôi kéo các đồng minh dân chủ về phía mình để cô lập Bắc Kinh qua một biểu tượng lớn là tập đoàn viễn thông Hoa Vi, nhưng vẫn theo Sébastien Dumoulin, trước mắt Washington đã ghi được một số bàn thắng : « Mỹ đã thành công trên hai điểm. Một là thuyết phục được một số đồng minh loại trừ hoặc giới hạn khả năng can thiệp của Hoa Vi vào mạng 5G. Số quốc gia ngả về phía Hoa Kỳ càng lúc càng đông. Anh, Úc hay Nhật Bản đã loại hẳn Hoa Vi ra khỏi kế hoạch xây dựng mạng 5G. Pháp thì đã hạn chế đáng kể khả năng để tập đoàn Trung Quốc tham gia vào tiến trình xây dựng mạng di động thế hệ mới. Thành công thứ hai của Hoa Kỳ là đã làm suy yếu đáng kể con chim đầu đàn trong ngành viễn thông của Trung Quốc : Mỹ đánh thẳng vào hai tử huyệt của Hoa Vi, đó là chip và linh kiện điện tử. Không có hai thứ này, Hoa Vi gần như không thể cung cấp trang thiết bị viễn thông cho khách hàng ».   Trong bảng tổng kết hoạt động của quý 2/2021, các sản phẩm của Hoa Vi kém sức hấp dẫn ngay cả trên thị trường điện thoại di động Trung Quốc. Trước đó, doanh thu của tập đoàn này trong quý 1/2021 giảm 16,5 % so với cùng kỳ năm 2020. Hai lý do giải thích cho sự tuột dốc này, một là sự tụt lùi của điện thoại cầm tay của Hoa Vi trên thị trường nội địa và hai là dư âm từ các biện pháp trừng phạt dưới thời Donald Trump.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Khủng hoảng Cuba : Tất cả bắt nguồn từ tình trạng đói kém

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jul 20, 2021 9:30


Một chục ngày sau cuộc xuống đường của người dân Cuba đòi « Tự do », « Chấm dứt chế độ độc tài », tình hình tạm thời lắng dịu trở lại. Hiện trạng này liệu sẽ kéo dài bao lâu khi mà Cuba đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kép : kinh tế và y tế ? Đổ lỗi cho chính sách cấm vận của Washington trong gần 60 năm qua làm kinh tế Cuba kiệt quệ có còn hiệu quả khi dân tình đói kém ?   Cách nay một năm rưỡi, không một chuyên gia về châu Mỹ La Tinh nào dám nghĩ đến kịch bản hàng ngàn người dân Cuba xuống đường ở thủ đô La Habana và nhiều thành phố lớn khác trên toàn quốc với những khẩu hiệu đòi giới lãnh đạo phải « ra đi ». Đa số người biểu tình là giới trẻ, giáo sư Janice Argaillot giảng dậy tại đại học Grenoble-Alpes đánh giá : Thông điệp ở đây là người dân đã mệt mỏi khi phải cống hiến cho Cách Mạng mà trong chiều ngược lại thì Cách Mạng không làm gì cho dân chúng. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà chính trị học Janette Habel, Viện nghiên cứu thuộc trường cao đẳng châu Mỹ La Tinh giải thích rõ hơn về phẫn nộ của người dân Cuba xuất phát từ tình trạng kinh tế tồi tệ trong nước : « Bối cảnh thật là khủng khiếp và nhẽ ra làn sóng phẫn nộ này đã phải bùng lên từ sớm hơn bởi vì toàn cảnh tại Cuba thật thê thảm. Cuba thiếu đủ mọi thứ từ lương thực đến thuốc men. Là một quốc gia có dầu hỏa nhưng Cuba lại liên tục trong tình trạng bị mất điện. Tại một xứ nóng, người ta cần có máy điều hòa, cần có tủ lạnh để bảo quản thức ăn, những đợt cúp điện kéo dài quả là tai hại. Cuba lâm vào một cuộc khủng hoảng do thiếu những mặt hàng thiết yếu nhất trong đời sống. Cần nói thêm đợt xuống đường hôm Chủ Nhật 11/07/2021 quy tụ rất nhiều thành phần trong xã hội : những người chống đối chế độ cũng có, những người không chống đối chế độ cũng có hay đơn giản là những người không còn chấp nhận đời sống quá cơ cực và sau cùng có cả một số thành phần ủng hộ Mỹ ». GDP giảm 11 % : Mức tệ hại nhất trong gần 30 năm qua Cuba phải nhập khẩu đến 70 % lương thực, thực phẩm để bảo đảm nhu cầu trong nước. Vấn đề đặt ra là công quỹ cạn kiệt. Du lịch và công nghiệp sản xuất đường mía là hai nguồn đem về thu nhập chính cho La Habana. Du lịch hoàn toàn sụp đổ vì đại dịch Covid-19 : trong năm 2020 du lịch Cuba chỉ « sống được » có trong ba tháng đầu năm.  Còn về ngành sản xuất đường thì Cuba đã bị mất mùa, sản xuất chỉ bằng 66 % so với một năm bình thường.   Tháng 12/2020 bộ trưởng Kinh Tế Cuba Alejandro Gil thông báo trong cả năm GDP giảm 11 %. Đây là mức tệ hại thứ nhì sau cơn ác mộng năm 1993 khi tổng sản phẩm nội địa giảm gần 15 % do Cuba mất điểm tựa là Liên Xô. Giải thích cho sự kém cỏi của nền kinh tế Cuba năm ngoái, Alejandro Gil nhìn nhận tình hình thêm đen tối do đại dịch Covid-19 đồng thời những khó khăn của La Habana xuất phát từ 2019 dưới tác động của các biện pháp trừng phạt chính quyền Donald Trump ban hành. Về điểm này chuyên gia về châu Mỹ La Tinh, Janette Habel tiếc là tổng thống Mỹ Joe Biden không xem Cuba là một ưu tiên : « Ở Mỹ một số đại diện cho những người Cuba nhập cư hiện diện ở Thượng Viện và Hạ Viện và số này từ lâu nay muốn lật đổ chế độ cộng sản ở La Habana. Họ chủ trương áp đặt các biện pháp trừng phạt để bóp ngạt kinh tế Cuba. Trong khi đó hòn đảo này chủ yếu sống nhờ du lịch. Từ gần hai năm nay, dịch Covid-19 khiến hoạt động này rơi xuống gần như là số không. Trước đó nữa chính quyền Trump đã gia tăng các biện pháp cấm vận Cuba. Trái với thời tổng thống Barack Obama, chính quyền Biden đến nay vẫn giữ nguyên 243 biện pháp trừng phạt La Habana của người tiền nhiệm ». Cuba nhanh chóng đổ tội cho Mỹ Phát biểu trên đài truyền hình về cuộc xuống đường rầm rộ của người dân Cuba, chủ tịch Miguel Diaz Canel một mặt nhìn nhận « kinh tế đất nước khó khăn » nhưng mặt khác đã vội vàng quy trách nhiệm cho các biện pháp cấm vận La Habana Mỹ liên tục áp dụng từ năm 1962. Không thấy lãnh đạo nước này nói đến những bất cập của mô hình kinh tế Cuba mà ở đó 85 % mọi sinh hoạt đều trong tay Nhà nước. Giới quan sát nêu bật hai trường hợp đặc biệt: Một là tình trạng đói kém tại Cuba hiện nay bắt nguồn từ chính sách thu mua nông phẩm gần như độc quyền của Nhà nước và hai là biện pháp cải cách chế độ tiền tệ. Hậu quả kèm theo là giá bánh mì trong 6 tháng qua đã đăt lên gấp 20 lần so với trước. Hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình cũng đã được nhân lên gấp 4 lần. Nhà nước ấn định lạm phát không được vượt quá ngưỡng 300 %. Vào lúc chủ tịch Cuba trực tiếp lên án « một nhóm người, phe chống đối cách mạng, những tên tay sai của Mỹ đã gián tiếp tổ chức cuộc xuống đường » vừa qua, chuyên gia Janette Habel, Viện nghiên cứu trường cao đẳng châu Mỹ La Tinh cho rằng chính quyền Cuba đã chọn giải pháp « dễ dãi », phủi tay về trách nhiệm của chính mình :  « Cuba là một hòn đảo nhỏ với 11 triệu dân, với những nguồn thu nhập hạn hẹp. Chủ yếu dùng năng lượng từ các lò nhiệt điện, tức là phải có đủ dầu do Venezuela viện trợ. Nhưng từ khi Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị thì nguồn cung cấp đó bị cắt đứt. Thêm vào đó là chính sách trừng phạt của Mỹ. Dù vậy điểm chính ở đây là người dân Cuba bất mãn vì đời sống đắt đỏ, họ bất mãn vì kinh tế kiệt quệ. Không thể cho rằng Washington giật dây, xúi dục dân Cuba xuống đường ». Đành rằng Washington đã ban hành lệnh cấm vận Cuba từ năm 1962 để trả đũa chính quyền Fidel Castro chiếm đoạt các doanh nghiệp của Mỹ tại Cuba, hay trừng phạt La Habana thắt chặt quan hệ với Matxcơva… Từ đó tới nay, Washington có lúc đã nới lỏng gọng kềm, nhưng chưa bao giờ dỡ bỏ các biện pháp « phong tỏa » Cuba, ngay cả trong giai đoạn « tan băng » dưới thời tổng thống Barack Obama. Quan hệ giữa La Habana với Washington đã xấu đi thêm dưới thời tổng thống Trump qua quyết định đưa Cuba vào danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Dù vậy, giáo sư Janice Argaillot đại học Grenoble- Alpes cho rằng khai thác tinh thần bài Mỹ của người dân Cuba với hy vọng xoa dịu công luận trong nước là một « sai lầm chiến lược » do thế hệ lãnh đạo hiện nay không có trọng lượng như những người từng trực tiếp tham gia vào cuộc Cách Mạng. Đó cũng là quan điểm của nhà chính trị học Janette Habel và bà Habel giải thích thêm vì sao lá bài « chống Mỹ » La Habana luôn sử dụng từ hàng chục năm qua « hết thiêng » : « Một mặt đúng là có một sự thay đổi về thế hệ lãnh đạo tại Cuba. Thế hệ đã làm nên cuộc Cách Mạng và có đủ tính chính đáng để điều hành đất nước thì ngay cả những người cuối cùng cũng đang lùi vào hậu trường vì tuổi tác. Thế hệ mới được đào tạo trong lò cộng sản Cuba thì không có đủ tính chính đáng, không có đủ uy thế và kinh nghiệm của những người đi trước. Thế hệ lãnh đạo mới đó cũng không có sức thu hút dân chúng như trước nữa. Thành thử họ đang bị mất hướng. Mặt khác, chính quyền hiện tại đang kiến tạo chính sách mới về mặt kinh tế nhưng bước chuyển đổi đó đẩy người dân vào cảnh khó khăn hơn, gây nên một sự bất bình đẳng lớn hơn. Chỉ cần nhìn vào chính sách tiền tệ của Cuba cũng đủ để minh họa cho tình thế bối rối của chính quyền La Habana. Thêm vào đó giờ đây dân Cuba có phương tiện để kết nối với thế giới bên ngoài. Dân chúng được tiếp cận với rất nhiều các nguồn thông tin khác nhau. Thậm chí có nhiều xu hướng chính trị đang được hình thành, và đó là điều làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị, xã hội, kinh tế tại Cuba ». Nga, Trung Quốc : những điểm tựa của Cuba Trong bài diễn văn cuối cùng ở cương vị lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba, tháng 4/2021 ông Raul Castro nêu bật hai vấn đề được coi là cần « giải quyết cấp bách » đó là mục tiêu « bảo đảm lương thực thực phẩm cho toàn dân Cuba » và ngăn chận những khía cạnh tiêu cực từ « các mạng xã hội ». Một chục ngày sau cuộc biểu bình hôm 11/07/20201 truyền thông quốc tế ghi nhận « tình hình lắng dịu », « Cuba tái lập trật tự » nhờ chặn mạng internet (do tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc cung cấp), nhờ « tịch thu điện thoại di động của những người biểu tình » và qua đó công an Cuba đã « nhận diện được nhiều người đã xuống đường hôm Chủ Nhật tuần trước » như ghi nhận của báo Le Figaro. Ngoài ra La Habana đã được nhiều nước bạn yểm trợ : từ Trung Quốc đến Iran từ Venezuela, Nga đến Bắc Triều Tiên. Một mặt trong mùa dịch Covid-19, Cuba gần như là điểm nghỉ mát dành riêng cho các du khách Nga. Mặt khác, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Hoa Kỳ tránh can thiệp vào Cuba và nếu thực sự muốn giúp đỡ La Habana thì theo Matxcơva, giải pháp tốt nhất là Washington nên dỡ bỏ lệnh cấm vận. Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Cuba, cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng « chính các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đẩy Cuba vào cảnh thiếu thuốc men và năng lượng ». Vào lúc mà chính quyền Biden tảng lờ kêu gọi của Cuba cải thiện quan hệ song phương, thì Trung Quốc xem Cuba là cánh cổng để tiến vào vùng biển Caribê và Trung Mỹ. Ngay sát cạnh cửa ngõ của Hoa Kỳ, từ năm 2017 Trung Quốc đứng đầu trong số các nhà đầu tư tại Cuba kể cả trong lĩnh vực hợp tác quân sự. Theo tiết lộ của báo Le Figaro ngày 19/07/2021, cách bang Florida của Hoa Kỳ chưa đầy 150 cây số, Cuba đã mở cửa cho Trung Quốc đặt radar theo dõi tại căn cứ quân sự Bejucal gần thủ đô La Habana.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Khi Trung Quốc mất vai trò công xưởng của thế giới

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jun 29, 2021 9:28


« Từ một vài năm nay, Trung Quốc không còn là nhà máy của thế giới (…) Xu hướng chung là sản  xuất tại chỗ để phục vụ thị trường địa phương ». Cyrille Coutansais, tác giả cuốn La (re)localisation du Monde ghi nhận như trên qua nghiên cứu nói về hiện tượng tái dịch chuyển các hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Trong cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả tháng 5/2021, Cyrille Coutansais, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hàng Hải (CESM), chuyên gia về kinh tế hàng hải, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris – Sciences Po, ghi nhận hai điểm then chốt. Rút khỏi Trung Quốc, một làn sóng ngầm Trước hết hiện tượng tái dịch chuyển các hoạt động công nghiệp, từ Trung Quốc đã được ghi nhận từ đầu những năm 2000. Đợt sóng ngầm đó đã dâng cao vào quãng 2012-2013 khi xung đột tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh và Tokyo bùng lên. Trung Quốc một mặt kích động quần chúng tẩy chay hàng Nhật, mặt khác ngưng cung cấp kim loại hiếm gây xáo trộn không ít trong các dây chuyền sản xuất từ trên xứ Hoa Anh Đào đến cả tại những nhà máy của Nhật ở Hoa Lục. Kế tới là chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump từ 2017 kêu gọi và khuyến khích các hãng Mỹ « quay lại Hoa Kỳ » tạo công việc làm « trên đất Mỹ cho người Mỹ ». Riêng tại Pháp, từ 2012 dưới thời tổng thống François Hollande, bộ trưởng đặc trách Công Nghiệp, Arnaud Montebourg, đã đưa ra khẩu hiệu « Made in France ». Từ đó tới nay, hiệu kim hoàn nổi tiếng Mauboussin chia tay với châu Á, đưa trở lại về châu Âu toàn bộ các hoạt động của mình, 70 % các sản phẩm làm ra được thực hiện trên đất Pháp. Một thí dụ tiêu biểu khác là hãng xe Solex của Pháp năm 1988 đóng cửa nhà máy tại Saint Quentin – vùng Aisne, miền đông bắc nước Pháp, để định cư tại Quảng Đông, tận dụng nhân công rẻ Trung Quốc. Gần 30 năm sau cũng tập đoàn nổi tiếng với những chiếc xe đạp này trở về lại Pháp, mở nhà máy ở Saint Lo, nhưng những chiếc xe đạp cổ điển được thay thế bằng xe đạp điện. Nhà máy ở Saint Lo vùng Manche (tây bắc nước Pháp) tuyển dụng 55 công nhân, sản xuất ba kiểu xe Solex khác nhau. Năm 2016, doanh thu của tập đoàn lên tới 11 triệu euro. Đại dịch Covid-19 chỉ là yếu tố gần đây nhất, rõ rệt nhất, thôi thúc các nước công nghiệp pháp triển đẩy mạnh chiến lược « hồi hương » một số các hoạt động công nghiệp, hoặc đi tìm những bãi đáp mới, tránh để tất cả trứng vào « một giỏ » là Trung Quốc. Điểm nổi bật thứ hai trong cuốn La (re)localisation du Monde là tiến trình « tái dịch chuyển » các hoạt động kinh tế cả trong lĩnh vực công nghiệp lẫn dịch vụ không chỉ là một khẩu hiệu suông. Trên đài RFI Pháp ngữ, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hàng Hải Pháp, Cyrille Coutansais giải thích : Cyrille Coutansais : « Giờ đây có thể tính đến khả năng tái dịch chuyển các cơ sở trở lại về các nước công nghiệp phát triển nhờ có những phát minh, những công nghệ mới. Những công nghệ mới đó đã bước vào giai đoạn chín muồi, hoạt động có hiệu quả. Ở đây tôi muốn nói đến công nghệ robot, đến trí thông minh nhân tạo càng lúc càng tiến bộ và tinh vi, hay đến máy in 3 chiều. Một thí dụ cụ thể là nhờ có máy in ba chiều mà tại Pháp chúng ta có thể sản xuất cánh quạt của các tàu chiến dò mìn với giá thành tương đương với giá sản xuất từ một nước có nhân công rẻ. Mười năm trước, đây là điều không tưởng. Tuy nhiên hiện tại vẫn còn một số lĩnh vực các nước chậm phát triển chiếm lợi thế, bởi vì công nghệ robot chưa thay thế được hết tất cả những công việc của công nhân trong mọi ngành nghề. Điển hình là trong ngành dệt may. Ngược lại công nghiệp xe hơi hay máy bay, phụ tùng sản xuất tại châu Âu hay tại một nước chậm phát triển, giá cả như nhau thôi ».   Nói cách khác, tại sao phải di dời sang đến tận Trung Quốc hay một quốc gia xa xôi nào khác khi mà trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp có điều kiện để « sản xuất bằng giá » ? Phải chăng vì vậy mà Trung Quốc nói riêng, châu Á nói chung, trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ? Theo thăm dò do quỹ đầu tư Capital Export và viện Opinion Way công bố hôm 28/06/2021, « xuất khẩu » không còn là một giấc mơ tuyệt đối trong mắt nhiều nhà sản xuất của Pháp. Châu Á không còn sức hấp dẫn lớn : 40 % những chủ doanh nghiệp được hỏi cho biết « không có ý định » đầu tư vào châu Á vì ba lý do : rủi ro khách hàng không thanh toán đúng hạn, mức độ kém tin tưởng vào thị trường cũng như các đối tác Á châu. Sau cùng là những biện pháp bảo hộ trá hình khiến các doanh nghiệp ngoại quốc bị giới hạn trên những thị trường địa phương và hàng loạt những rào cản từ về văn hóa, ngôn ngữ đến cung cách làm ăn của nhiều nước Á châu. Sản xuất và tiêu thụ tại chỗ nhờ một cuộc « cách mạng kép » Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế hàng hải Cyrille Coutansais, việc đưa các công xưởng trở lại về nguyên quán hay chuyển từ thị trường to lớn là Trung Quốc đến một nơi khác đã trở thành một điều cấp bách, do thái độ của người tiêu dùng. Cyrille Coutansais : « Chẳng những là giá thành như nhau, bất luận đó là một nước công nghiệp phát triển hay một nền kinh tế còn chậm tiến, quan trọng hơn nữa là điều đó đã trở thành thiết yếu. Bởi vì internet đã làm thay đổi toàn bộ cung cách của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có rất nhiều thông tin về mặt hàng mà họ muốn mua vào. Thí dụ như người ta muốn biết, sản phẩm được sản xuất từ đâu, món hàng đó có tôn trọng các chuẩn mực về lao động, về an toàn, về môi trường hay không… Tại châu Âu, những đòi hỏi về những tiêu chí nói trên ngày càng cao. Mua hàng giá rẻ không nhất thiết là một ưu tiên đối với tất cả mọi người.   Điểm thứ hai là người ta có thể mua hàng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và thời gian giao hàng cho người mua càng lúc càng được thu hẹp lại. Nói một cách dễ hiểu khi đặt mua hàng, không mấy ai còn kiên nhẫn đợi chờ. Điều đó có nghĩa là nếu khách hàng phải đợi lâu quá thì họ sẽ chuyển sang một nhà cung cấp khác, và nhà cung cấp mà không đáp ứng được tức thời, thì sẽ bị mất khách. Do vậy tốt hơn hết là sản xuất tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng tại chỗ ».    Vẫn tác giả cuốn La (re)localisation du Monde giải thích thêm vì sao Trung Quốc không còn hấp dẫn như 10, 15 năm về trước khi mà nhờ các phương tiện vận chuyển đường biển, Trung Quốc trở thành xưởng lắp ráp của thế giới trong mô hình mà Cyrille Coutansais gọi là một nền « kinh tế lego » :   Cyrille Coutansais : « Mô hình đó từng rất có lợi. Chẳng hạn như đặt mua một số phụ tùng của Trung Quốc, số khác của Brazil hay Hàn Quốc rồi chở tất cả về Trung Quốc để lắp ráp vì Trung Quốc có nhân công rẻ. Nhờ thế mà Trung Quốc mới được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Thế rồi những thành phẩm đó sẽ được đóng thùng, xuất khẩu ra khắp năm châu. Nhưng giờ đây, nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ nữa để tiếp tục thu hút các hãng nước ngoài mở thêm chi nhánh tại đây. Thêm vào đó Trung Quốc nói riêng, châu Á nói chung ngày nay đã tập trung quá nhiều một số lĩnh vực, mà tiêu biểu nhất là trong ngành công nghệ chip điện tử. Hơn một chục năm trước người ta còn thấy một vài tập đoàn của Âu Mỹ, nhưng giờ đây cả thế giới trông cậy vào môt vài đại tập đoàn như TSMC của Đài Loan, hay Samsung của Hàn Quốc. Với cái thế gần như độc quyền như vậy, giá chip điện tử tự động phải tăng lên. Câu hỏi đặt ra là tại sao không tái dịch chuyển những mảng công nghệ này về trở lại Âu-Mỹ ? Châu Âu hay Hoa Kỳ có thể làm được điều đó nhờ công nghệ 5G. Đây chính là một công cụ rất lợi hại cho phép sản xuất một khi đã có đơn đặt hàng. Đây mới chính là tâm điểm của sự đối đầu Mỹ-Trung. Làm chủ được mạng 5G tức là làm chủ được toàn bộ các hoạt động của nhà máy, làm chủ được quá trình sản xuất. Do vậy không thể giao phó cho bất kỳ ai thiết kế mạng 5G quốc gia ».   Điều này giải thích vì sao Mỹ rồi châu Âu muốn bảo vệ mạng internet thế hệ 5. Cyrille Coutansais phân tích tiếp : Cyrille Coutansais : « Đúng là bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng có lý do chính đáng để cản đường Hoa Vi. Vả lại chúng ta thấy là bản thân Trung Quốc cũng chỉ tin vào tập đoàn quốc gia là Hoa Vi trong việc thiết lập mạng internet thế hệ mới. Bắc Kinh biết rõ hơn ai hết đây là một khâu nhậy cảm với những tác động kèm theo quan trọng tới mức độ nào. Châu Âu may mắn có hai nhà cung cấp là Nokia và Ericsson và bản thân hai nhà cung cấp mạng 5G này có nhiều đối tác đáng tin cậy. Tôi nghĩ nên tin vào Nokia và Ericson thì hơn ».   Thời kỳ Trung Quốc là nhà máy của thế giới đã qua Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang đánh mất lá chủ bài quan trọng nhất để thu hút đầu tư nước ngoài. Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hàng Hải của Pháp không vòng vo « thời kỳ Trung Quốc là nhà xưởng của thế giới đã chấm dứt ». Cyrille Coutansais : « Từ một vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã không còn là công xưởng của thế giới. Khá nhiều lĩnh vực giảm bớt hoạt động tại Trung Quốc để phát triển ở những nơi khác. Thí dụ trong ngành dệt may, điểm đến giờ đây là Bangladesh hay Pakistan chứ người ta không còn tiếp tục mở thêm nhà máy tại Trung Quốc nữa. Bên cạnh đó, từ sau căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo đã mạnh mẽ khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp dời cơ sở sang Việt Nam, Ấn Độ … Các quốc gia này có nhân công rẻ hơn đồng thời Nhật Bản bớt bị lệ thuộc vào một nước lớn như là Trung Quốc. Hiện tượng này có trở nên rõ rệt hơn nữa sau đại dịch Covid-19 hay không ? Theo tôi, thế giới đang có khuynh hướng ‘sản xuất nơi nào để phục vụ thị trường nơi đó'. Các nhà máy ở châu Á để phục vụ người tiêu thụ Á châu, hãng xưởng ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu của thị trường của châu Mỹ. Các nhà máy tại châu Âu, và chung quanh Địa Trung Hải thì để phục vụ khách hàng của châu Âu. Đưa các nhà máy đến gần với người tiêu thụ là xu hướng chung ».

Khám Phá Lịch Sử | khamphalichsu.com
Vì sao người Hoa ở Việt Nam rất giàu nhưng lại ở nhà cũ tồi tàn?

Khám Phá Lịch Sử | khamphalichsu.com

Play Episode Listen Later May 27, 2021 4:03


Người ta nói người Hoa Chợ Lớn giàu nứt vách là chuyện có thật, nhưng điều kỳ lạ mà bạn có thấy được tại khu người Hoa ở Việt Nam là nhà cửa của họ lại rất cũ kỹ, không được chăm chút như người Việt mình.. Xem chi tiết: Người Hoa ở Việt Nam

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Độc lập với công nghệ phương Tây : Những giới hạn trong chiến lược của Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later May 25, 2021 9:03


Nhiều năm trước Liên Âu và Mỹ, Trung Quốc đã nhận thấy được mối nguy hiểm khi guồng máy sản xuất lệ thuộc từ nguyên liệu đến công nghệ của nước ngoài. Bắc Kinh đã có những bước chuẩn bị nào để độc lập với công nghệ của phương Tây và đã đạt đến đích hay chưa về tham vọng đuổi kịp các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới ? Vào những ngày đầu tháng Giêng 2020, đại dịch Covid-19 làm tê liệt cỗ máy sản xuất của Trung Quốc ảnh hưởng tới toàn thế giới. Đó là dấu hiệu làm lộ rõ nhược điểm của mô hình kinh tế toàn cầu hóa mà ở đó từ cái đinh ốc nhỏ cho đến khẩu trang, trang thiết bị y tế của Âu, Mỹ đều phải nhập từ Trung Quốc. Tầm nhìn xa  Nhưng không chỉ có phương Tây lo ngại trước sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp nước ngoài. Nhiều năm trước, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có cùng mối lo ngại, nhưng đó là mối lo lệ thuộc vào công nghệ mũi nhọn của phương Tây và đã từng bước lên kế hoạch để « cắt đứt » sự phụ thuộc đó. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse nhắc lại thế nào là một sự « độc lập về công nghệ » trong tầm nhìn của Bắc Kinh : « Theo định nghĩa của ngày hôm nay, đó là một sự đối nghịch với mô hình toàn cầu hóa trong lĩnh vực công nghệ. Có nghĩa là các siêu cường, điển hình là Trung Quốc, phải có khả năng tự lập để phát triển những công nghệ mới phục vụ cho guồng máy công nghiệp mà không cần dựa vào những quốc gia khác. Đây là một trong những mục tiêu chính mà Bắc Kinh theo đuổi từ nhiều năm qua. Dù vậy Trung Quốc còn lâu mới đến đích ». Rõ rệt nhất là từ năm 2015 Bắc Kinh đã công bố kế hoạch mang tên « Made in China 2025 » với một ý chính, đó là đến ngưỡng 2025 – tức chỉ trong 4 năm nữa, Trung Quốc phải đủ sức sản xuất những sản phẩm công nghệ cao ở trong nước và đó phải là những mặt hàng có giá trị ngang hàng với sản phẩm của Âu, Mỹ. Với kế hoạch này, Bắc Kinh theo đuổi hai mục tiêu : một là tránh để guồng máy kinh tế nội địa bị chao đảo vì « những yếu tố đến từ bên ngoài » - điều này đã được chứng minh khi mà chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump từ 2018 khởi động cuộc chiến thương mại, công nghệ nhắm vào Trung Quốc, và mục tiêu thứ nhì là tham vọng thách thức phương Tây, chinh phục thế giới kể cả trong những lĩnh vực « mũi nhọn » Câu hỏi kế tiếp: Một cách cụ thể Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm giảm bớt lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài như thế nào ? Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour trả lời : « Có thể nói đến ba giai đoạn chính : trước hết là quyết tâm độc lập với công nghệ của phương Tây đã thể hiện rất rõ trong thập niên 2000-2010. Khi đó Trung Quốc muốn thoát khỏi hình ảnh là công xưởng của thế giới để trở thành một dạng "phòng thí nghiệm" của thế giới, tức là nơi kiến tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Từ khi đó Trung Quốc đã muốn nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất. Kế tới, quyết tâm tách rời khỏi công nghệ của phương Tây lại càng thể hiện rõ rệt hơn từ năm 2015 khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025". Ở giai đoạn thứ ba bắt đầu từ 2018, tất cả bắt nguồn từ xung đột Mỹ-Trung về công nghệ. Chính xung đột đó lại càng củng cố thêm lập trường của Trung Quốc : Giới lãnh đạo Bắc Kinh thấy rằng họ đã bắt mạch đúng tình hình, có nghĩa là kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vào lúc Washington ban hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc thì đó cũng là thời điểm Bắc Kinh nhận thấy rằng hơn bao giờ hết cần phải tự lập về mặt công nghệ ».   Độc lập công nghệ phải là ưu tiên tuyệt đối Trong bài tham luận đăng trên báo Le Monde hôm 17/05/2021 chuyên gia kinh tế François Chimits, Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) đánh giá, từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành chích sách cải cách kinh tế, đảng Cộng Sản đã quan tâm đến « sự phụ thuộc » của Trung Quốc vào nước ngoài. Đầu tiên hết là sự phụ thuộc trong ngành xuất khẩu của nước này, kế tới là sự lệ thuộc vào các nguồn cung ứng nguyên liệu và năng lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa và giờ đây là sự phụ thuộc vào công nghệ cao của phương Tây. Ngay từ 2017 trong diễn văn trình bày kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, Tập Cận Bình đã nói tới « một mô hình phát triển mới » mà ở đó, như chuyên gia Pháp Chimits ghi nhận, « sự độc lập về mặt công nghệ được nâng lên thành một ưu tiên tuyệt đối ». Vậy để khắc phục sự chậm trễ về công nghệ và trong guồng máy sản xuất, Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể nào ? Jean-François Dufour đưa ra một con số cụ thể : chỉ riêng về phương tiện tài chính, quỹ China Integrated Circuit Industry Fund quản lý trên 50 tỷ đô la cho các dự án hiện đại hóa bộ mặt công nghiệp của Trung Quốc, để mua lại hay tham gia vào một số các hãng của Âu-Mỹ như trong các dự án hợp tác với hãng xe hơi điện Tesla của nhà tỷ phú Elon Musk, hoặc chen chân vào hội đồng quản trị của tập đoàn hóa chất Đức BASF : « Trung Quốc huy động rất nhiều các phương tiện tài chính để phát triển công nghệ phục vụ cho nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên hiện tại, có thể nói Bắc Kinh chưa đạt tới đích và mục tiêu còn xa vời bởi nhiều lý do. Một phần là do quá khứ lịch sử, Trung Quốc vẫn tiếp tục phải trả giá cho những năm tháng cuối dưới thời Mao Trạch Đông, với cuộc Cách mạng Văn Hóa. Từ đó tới nay, ngoại trừ một vài trường hợp rất đặc biệt như trong ngành công nghiệp không gian, còn với rất nhiều lĩnh vực khác, lịch sử gần như đã phải bắt đầu lại từ một tờ giấy trắng mới chỉ từ quãng 40 năm nay mà thôi. Trung Quốc do vậy luôn trong thế cần phải đuổi kịp các đối thủ quốc tế. Hiện tại ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là thu hẹp khoảng cách với các nền công nghiệp phương Tây và tập trung phát triển các phương tiện sản xuất tại chỗ, tức là có nhà máy sản xuất từ các phụ tùng đến thành phẩm và ít lệ thuộc vào nhập khẩu. Mục tiêu sau cùng là hoàn toàn độc lập về công nghệ, nhưng tôi nhắc lại là Trung Quốc hiện chưa đạt tới mục tiêu này ». Nói dễ hơn làm Trên thực tế với chiến lược « cai nghiện » công nghệ của phương Tây này, Trung Quốc nhắm tới nhiều mục đích cùng một lúc : đa dạng hóa và bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên liệu, về năng lượng, đồng thời qua đó mở rộng giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới, giảm thiểu mức độ lệ thuộc quá lớn vào những bạn hàng Âu, Mỹ. Về chính trị, chính sách này cho phép Trung Quốc lôi kéo thêm nhiều đối tác về phía Bắc Kinh. Tuy nhiên theo phân tích của giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, hiện tại những nỗ lực vượt bực đó của Trung Quốc chưa cho phép Bắc Kinh đạt đến mục tiêu sau cùng : đó là độc lập với công nghệ của phương Tây. Ngành công nghệ không gian là một ngoại lệ. Đâu là những trở ngại mà Trung Quốc sẽ phải vượt qua ? « Những trở ngại, như vừa nói trước mắt vẫn còn vướng mắc cái di sản của quá khứ. Lịch sử của nền công nghiệp Trung Quốc còn quá ngắn ngủi. Và giờ đây thách thức lớn nhất là cuộc chạy đua về công nghệ với Hoa Kỳ. Khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025" Washington thấy rõ những tham vọng to lớn của Trung Quốc muốn qua mặt nước Mỹ và có thể đe dọa đến vị thế áp đảo của Hoa Kỳ về kinh tế, về công nghệ. Từ khi đó chính quyền Mỹ dồn nỗ lực để kềm hãm đà phát triển của Trung Quốc. Tiêu biểu nhất là cuộc đọ sức về công nghệ bán dẫn nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Xung đột công nghệ Mỹ -Trung tập trung cả vào hồ sơ này. Hoa Kỳ cấm chuyển giao công nghệ với hy vọng những tiến bộ của Trung Quốc sẽ bị chậm lại. Washington biết rằng Bắc Kinh trông cậy vào công nghệ của phương Tây, coi đây là bàn đạp để trở thành một đối thủ cạnh tranh nặng ký của Hoa Kỳ kể cả trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn ». Kẻ trước người sau : Trung Quốc đã thấy trước những giới hạn của một mô hình kinh tế mà ở đó các chuỗi cung ứng và sản xuất của các quốc gia phụ thuộc quá lớn vào nhau. Giờ đây đến lượt Hoa Kỳ thức tỉnh trước những lỗ hổng trong mạng lưới công nghiệp của mình trước một đối thủ cạnh tranh càng lúc càng lớn mạnh như Trung Quốc. Châu Âu cũng đã nhận thấy là đã đến lúc cần « khẩn trương » giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là liên hệ thương mại trong tương lai giữa Trung Quốc và Âu - Mỹ thưa thớt hơn như ghi nhận của ông Sébastien Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII. Về phía Bắc Kinh giới chuyên gia cho rằng chỉ cần nhìn vào hai lĩnh vực công nghệ robot và bán dẫn cũng đủ cho thấy Trung Quốc vẫn cần hợp tác với phương Tây và đây cũng là điểm mạnh của Âu, Mỹ để mặc cả với Bắc Kinh trong những cuộc đàm phán sắp tới về chuyển giao công nghệ.

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tạp chí tiêu điểm - Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Apr 29, 2021 11:50


Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng. (Tạp chí phát lần đầu ngày 30/07/2020). Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, cục trưởng cục An Ninh Quốc Gia  (bộ Tư Pháp) John.C. Demers nêu rõ : « Văn phòng chưởng lý tòa sơ thẩm liên bang khu vực Đông Washington và cục An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An Ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…) Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ». Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo. Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả: « Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. » Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ? Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ». Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới. Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. » Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa. Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện. Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình. Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích : « Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ». Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu : « Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ». Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ? Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng. Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago. Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2. Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ». Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng. Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ? Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19. Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh. « Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại. Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc. Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ». Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

TẠP CHÍ VIỆT NAM
Tạp chí Việt Nam - Việt Nam khó cưỡng lại chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Play Episode Listen Later Apr 5, 2021 10:30


Là nơi xuất phát đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cung cấp vac-xin ngừa virus corona như một chính sách ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Nhưng Việt Nam đang cố cưỡng lại chính sách ngoại giao vac-xin này của Bắc Kinh, cho tới nay vẫn chưa dùng thuốc tiêm ngừa "made in China". Vấn đề là, về lâu dài, để có đủ vac-xin chích cho toàn dân, chính phủ Hà Nội chắc sẽ buộc phải nhập luôn cả vac-xin Trung Quốc. Mặc dù đã phê chuẩn tổng cộng 4 loại vac-xin, nhưng chính phủ Trung Quốc lại không vội vã chích ngừa Covid cho người dân nước họ. Tính đến tháng 3, chỉ mới có chưa tới 50 triệu dân Trung Quốc được tiêm chủng, tức chỉ khoảng 4% tổng dân số, so với tỷ lệ 19% ở Hoa Kỳ. Trung Quốc đã từng tuyên bố họ có thể sản xuất ít nhất 2,6 tỷ liều vac-xin trong năm 2021. Là nước sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu vac-xin nhiều nhất : 560 triệu liều, tức là một phần tư sản lượng quốc gia. Bắc Kinh đã ký hiệp định thương mại về cung cấp vac-xin với 27 quốc gia, tặng các liều vac-xin cho hơn 50 quốc gia. Theo tổng kết của hãng tin AP, Trung Quốc đã cam kết cung cấp tổng cộng nửa tỷ liều vac-xin cho hơn 45 quốc gia. Mục tiêu chính trị, ngoại giao, kinh tế Nhằm mục đích quảng bá cho vac-xin "made in China", gần đây Bắc Kinh còn đề nghị sẽ cho nhập cảnh dễ dàng đối với những du khách nào đã chích ngừa Covid-19 bằng một vac-xin của Trung Quốc. Như nhận định của chuyên gia Pháp về chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trả lời đài TV5MONDE ngày 27/03/2021, một mặt cố làm cho mọi người quên đi trách nhiệm của họ trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, mặt khác, Bắc Kinh "kể từ nay tìm cách lợi dụng đại dịch để thúc đẩy ngoại giao y tế nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế". Theo nhận định của nhật báo Anh The Guardian ngày 27/03/2021, chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc đang bị quốc tế chỉ trích, vì việc cung cấp thuốc tiêm ngừa kèm theo nhiều điều kiện và bị xem như là một công cụ để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị. Ấy là chưa kể những cáo buộc rằng kiều dân Trung Quốc tại những nước nhận vac-xin "made in China" đã được ưu tiên chích ngừa. Cũng theo đài TV5MONDE, đa số các liều vac-xin xuất khẩu là sang châu Phi. Vào lúc mà Mỹ và châu Âu đang phải lo chích ngừa cho dân của họ và chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo, dĩ nhiên là các nước châu Phi rất hoan nghênh món quà "made in China" này. Trung Quốc nay đã cung cấp thuốc tiêm ngừa Covid cho 17 nước châu Phi, chủ yếu là loại vac-xin Sinopharm. Vac-xin này có ưu điểm là vừa rẻ tiền, vừa dễ lưu giữ, vì chỉ cần được giữ với độ lạnh từ 2 đến 8 độ, tức là trong những tủ lạnh thường, chứ không phải trong những tủ đá cực lạnh, như với các loại vac-xin Pfizer/BioNtech và Moderna. Vac-xin "made in China" ở Đông Nam Á Chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc cũng có vẻ thành công đối với các nước Đông Nam Á. Theo The Guardian, Bắc Kinh đã hứa tặng thuốc tiêm ngừa cho các nước Brunei, Cam Bốt, Lào và Miến Điện. Philippines, tuy đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng đã được tặng hơn 600.000 liều, trước khi đặt mua 25 triệu liều. Indonesia thì đã mua hơn 150 triệu liều vac-xin Sinovac, Sinopharm và CanSino. Malaysia, Thái Lan cũng đã đặt mua vac-xin Trung Quốc. Nói chung, các nước Đông Nam Á tiếp nhận chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc như thế nào, trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/03/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết: "Hiện tại đã có rất nhiều nước ở Đông Nam Á phê duyệt và bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc, nhất là Indonesia. Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt ... đều đã triển khai sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Kể cả Philippines, nước có quan hệ khá là căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, cũng đã duyệt sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc. Nhìn rộng ra hơn, chúng ta thấy có một số khác biệt trong thái độ đối với vac-xin Sinovac ở cấp độ chính phủ và cấp độ người dân. Chẳng hạn như Philippines, chính phủ đã phê duyệt sử dụng đại trà vac-xin Sinovac, tuy nhiên đa số người lại ngờ vực và không muốn được chích bằng vac-xin này. Singapore thì mặc dù chưa phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc và cũng chưa có đề nghị gởi vac-xin này sang Singapore, nhưng Trung Quốc đã chủ động gởi một lô vac-xin Sinovac cho Singapore cách đây hai tháng, hàm ý hối thúc Singapore phê duyệt sử dụng vac-xin này. Singapore là một quốc gia phát triển và có tiêu chuẩn rất cao về an toàn y tế, cho nên nếu Singapore phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc thì uy tín của loại vac-xin này sẽ tăng lên trên thế giới. Cùng quan điểm thận trọng như Singapore thì có Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam cũng chưa phê duyệt sử dụng vac-xin nào của Trung Quốc cả. " Ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc nhìn chung có một số bước tiến trong khu vực. Tuy nhiên, những bước tiến này không đồng đều và vẫn gặp phải một số trở ngại đáng kể. Ngay trong người dân Trung Quốc cũng có rất nhiều người e ngại về sự an toàn và hiệu quả của vac-xin Trung Quốc, thì cũng dễ hiểu khi các quốc gia khác hay người dân ở các quốc gia khác không tin tưởng vào các loại vac-xin này." Riêng tại Philippines, công luận đã tỏ ra quan ngại khi thấy có 400.000 liều vac-xin CoronaVac mà Trung Quốc tặng đã được đưa đến nước này vào ngày 24/03, chỉ một ngày sau khi Manila vừa lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Phó chủ tịch Hạ Viện Philippines Rufus Rodriguez đã yêu cầu làm sáng tỏ một điều: chính phủ có đã “ đổi chác ” gì với Trung Quốc hay không khi nhận món quà tặng này, bởi vì thời điểm tặng vac-xin trùng hợp với việc Trung Quốc đưa tàu xâm nhập lãnh hải của Philippines? Nhưng ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khẳng định là hai vấn đề này không có liên hệ gì với nhau. Việt Nam: Cưỡng lại trong bao lâu? Còn Việt Nam thì đang cố cưỡng lại chính sách "ngoại giao vac-xin" của Trung Quốc, nhưng trong bao lâu nữa? Với chưa tới 3000 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong cho tới nay, theo các số liệu chính thức, Việt Nam hiện chưa phải gấp rút chích ngừa Covid-19 như nhiều nước khác. Nhưng để có thể mở cửa biên giới trở lại đón khách nước ngoài, về lâu dài, Việt Nam cũng phải làm sao tiêm phòng cho toàn dân. Việt Nam đã khởi động chiến dịch chích ngừa từ ngày 08/03 với 117.600 liều vac-xin AstraZeneca nhận được vào tháng trước trong khuôn khổ chương trình COVAX. Nhưng chương trình này đang bị chậm trễ đối với toàn bộ các nước, kể cả Việt Nam. Cho nên, ngoài AstraZeneca, Việt Nam sau đó đã phải cấp phép cho vac-xin Sputnik V của Nga. Vì sao cho tới nay Hà Nội vẫn chưa muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích : "Có lẽ là do Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc dập dịch vào năm ngoái, cho nên các giới chức Việt Nam có phần nào đây hơi chậm trễ so với các nước khác trong việc ký các hợp đồng mua vac-xin và triển khai sử dụng vac-xin. Chỉ tới khoảng tháng 1, tháng 2 vừa rồi, khi dịch bùng lên trở lại, tôi mới thấy có sự cấp bách trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với vac-xin. Điều này cũng dẫn tới việc là Việt Nam chưa xét duyệt nhiều loại vac-xin, cho tới nay chỉ mới phê duyệt hai loại vac-xin AstraZeneca và Sputnik V của Nga. Ngoài lý do có sự chậm trễ, còn có lý do về sự an toàn. Các dữ liệu về vac-xin Trung Quốc thì không minh bạch, đầy đủ, cho nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở để phê duyệt loại vac-xin này. Hôm nay (31/03/2021), bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long có đề nghị là Trung Quốc nộp đơn đăng ký để cho các loại vac-xin này được kiểm tra và phê duyệt sử dụng ở Việt Nam. Ngoài ra cũng có những người nói đến lý do tâm lý bài Trung Quốc, e ngại Trung Quốc, hay lý do nhạy cảm về chính trị. Cũng có thể như thế, nhưng tôi nghĩ lý do quan trọng nhất đó là sự an toàn. Nếu trong thời gian tới các loại vac-xin của Trung Quốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả, thì Việt Nam sẽ sử dụng vac-xin này. Nếu như các nước khác đã sử dụng được, thì Việt Nam không có lý do gì để từ chối, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng rất cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, để có thể sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương và du lịch." Để có đủ thuốc tiêm ngừa cho dân số gần 100 triệu, Việt Nam hiện đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp vac-xin Covid-19. Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 25/03, cho đến nay, Việt Nam "đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vac-xin và đã có cam kết cung ứng trong khuôn khổ chương trình COVAX từ nhà sản xuất vac-xin AstraZeneca và vac-xin Sputnik V của Nga". Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang "khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc". Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm của bộ Y Tế Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu đẩy mạnh việc nhập vac-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác kể cả AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna và cả Sinovac của Trung Quốc. Như vậy là không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ buộc phải nhờ đến vac-xin của Trung Quốc, trong khi chờ hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển vac-xin "made in Vietnam", theo dự kiến sẽ được sử dụng vào năm tới. Về khả năng này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định : " Trung Quốc đang gia tăng áp lực với các nước khác để đẩy nhanh chiến dịch "ngoại giao vac-xin" của họ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép. Trong khi Việt Nam đã phê duyệt các vac-xin khác rồi mà các dữ liệu của vac-xin Trung Quốc chứng minh là an toàn và hiệu quả mà Việt Nam không sử dụng, thì Việt Nam sẽ rất là khó ăn, khó nói với Trung Quốc. Điều mà chúng ta phải xem xét sau đó là ngay cả khi chính quyền Việt Nam đã phê duyệt cho sử dụng các vac-xin Trung Quốc thì thái độ của người dân Việt Nam sẽ như thế nào. Điều này sẽ là một thách thức đối với chính phủ Việt Nam, bởi vì ở Việt Nam, tâm lý thận trọng và e ngại các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thì rất phổ biến. Trong bối cảnh đó, cũng sẽ có rất nhiều người ngần ngại hoặc không muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nếu họ không có nhu cầu đi sang Trung Quốc hoặc không cảm thấy có rủi ro cao để chích." Nói chung công luận Việt Nam vẫn nghi kỵ các sản phẩm của Trung Quốc và chính phủ vẫn dè chừng đồng chí phương Bắc. Vào năm 2019, Việt Nam đã từng loại tập đoàn viễn thông Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phát triển mạng di dộng 5G, do những lo ngại về an ninh quốc gia.

VOV - Sự kiện và Bàn luận
VOV - Câu chuyện thời sự: "Đặc khu tri thức": Hội tụ tinh hoa Việt – Hiện thực hóa “Khát vọng 2045”

VOV - Sự kiện và Bàn luận

Play Episode Listen Later Mar 29, 2021 25:20


- Những ngày này, cụm từ “Khát vọng 2045” được nói tới rất nhiều. Không chỉ là quyết tâm nơi lãnh đạo Chính phủ - trên hết, đó là một chủ trương nhận được sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn xã hội. Hành trình 25 năm nữa – ¼ thế kỷ, chúng ta có thể biến khát vọng này trở thành hiện thực như thế nào, theo cách thức nào, vững chãi tới đâu? Mỗi người sẽ có cách tiếp cận-hình dung riêng, nhưng tựu chung, chúng ta đều hiểu: đất nước đang rất cần những hiền tài – cần nguyên khí quốc gia “phát lộ”, và quan trọng là có thể hội tụ vào những thời điểm đất nước đang có những bước đà-hanh thông nhất. PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore bàn luận về nội dung này. Chủ đề : Đặc khu tri thức, Hội tụ tinh hoa Việt, Khát vọng 2045 --- Support this podcast: https://anchor.fm/vov1sukien/support

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Tự chủ về công nghệ, nỗi ám ảnh của Trung Quốc

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 23, 2021 9:34


Chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ thông qua kế hoạch kích cầu 1.900 tỷ đô la vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19, Quốc Hội Trung Quốc « nhất trí » về kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu rõ ràng nhất trong kế hoạch 5 năm sắp tới là « sự tự chủ về công nghệ cao », thoát khỏi vòng kềm tỏa của Mỹ. Bị chiến tranh công nghệ Mỹ -Trung ám ảnh, ngân sách dành riêng cho khâu nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc dự trù đạt ngưỡng 500 tỷ đô la tức là hơn hẳn so với khả năng của Mỹ trong tài khóa 2018 và con số này sẽ cao gấp 10 lần so với khả năng của Pháp trong ngân sách 2017. Kế hoạch phát triển kinh tế cho giai đoạn 5 năm sắp tới của Trung Quốc có gì mới ? Đâu là những tính toán của Bắc Kinh? Trung Quốc sẽ phải vượt qua những thách thức nào để giành lấy phần thắng trong cuộc tranh hùng với Mỹ về công nghệ cao ? RFI mời giáo sư kinh tế Jean – François Huchet, trường Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO trả lời các câu hỏi trên. Ngày 11/03/2021 Quốc Hội Trung Quốc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025) trong « một môi trường quốc tế càng lúc càng bất thuận lợi » như ghi nhận của Mark Williams, cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, sau khi chính quyền Biden đã xác định đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc là « thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XIX ».   Bốn cột trụ cho một kế hoạch 5 năm Vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình duy trì mục tiêu « nhân lên gấp đôi thu nhập đầu người vào ngưỡng 2035 so với thời điểm 2011 ». Ngân hàng Pháp Société Générale không ngạc nhiên khi thấy những từ khóa như « chuỗi cung ứng, tự chủ công nghệ, kinh tế xanh và tiêu thụ nội địa » chiếm nhiều chỗ trong kế hoạch 5 năm vừa được các đại biểu Trung Quốc thông qua nhân lễ bế mạc kỳ họp thứ 4, khóa 13 của Quốc Hội. Để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, văn bản này ghi rõ « dành ưu tiên tuyệt đối » cho lĩnh vực « nghiên cứu và phát triển R&D. Ngân sách dự trụ « tăng thêm hơn 7 % mỗi năm từ nay đến 2025 ». Như vậy trong 5 năm sắp tới, lĩnh vực R&D của Trung Quốc sẽ có trong tay gần 500 tỷ đô la để hoạt động, theo thẩm định của hãng thông tấn Mỹ Bloomberg. Từ y khoa đến thám hiểm không gian hay nghiên cứu đại dương, từ công nghệ bán dẫn đến công nghệ sinh học, đều sẽ phải có « những bước đột phá » như tham vọng đã được thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra hôm 11/03/2021. Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Jean François Huchet, trường Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO - Paris trước hết đánh giá về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 như sau : « Đây là một kế hoạch nhắm tới những mục tiêu kinh tế lâu dài với cột mốc quan trọng là năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trung Quốc muốn ngang hàng với những nền kinh tế phát triển, cho dù mới chỉ ở cấp thấp nhất trong số những nước giàu. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đề ra những chỉ tiêu trong ngắn hạn và trong số này, sự tự chủ về công nghệ mới là một ưu tiên. Từ nhiều năm qua Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án theo hướng này. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, rồi thêm vào đó là kinh tế khó khăn toàn cầu, Bắc Kinh lại càng phải tăng tốc các các chương trình phát triển công nghệ cao. Trung Quốc đã rút ra được hai bài học từ những khó khăn của tập đoàn viễn thông Hoa Vi và trông thấy rõ mức độ lệ thuộc của mình vào công nghệ bán dẫn, vào linh kiện điện tử cao cấp của Mỹ. Vả lại, chúng ta thấy rõ xung đột thương mại Mỹ-Trung đã chuyển sang thành xung đột về công nghệ giữa hai ông khổng lồ của thế giới này. Trung Quốc sẽ tăng tốc các kế hoạch để thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Khuynh hướng này sẽ càng được đẩy mạnh trong dài hạn ». Phát triển « xanh » và « sạch » ? Bắc Kinh cũng đã đặc biệt quảng bá nhiều cho các mục tiêu phát triển « sạch » với những mục tiêu như « giảm thiểu cường độ sử dụng năng lượng, giảm cường độ các-bon, giới hạn việc sử dụng năng lượng hóa thạch » … Nhưng trong tháng 2/2020 chính Bắc Kinh đã công bố một chỉ thị kêu gọi « tăng cường tỷ lệ của các nhà máy nhiệt điện » trên bàn cờ năng lượng quốc gia như ghi nhận của Trung Tâm Nghiên Cứu về Năng Lượng và Không Khí Sạch CREA trụ sở tại Helsinki-Phần Lan. Bên cạnh đó, một giải pháp khác nhằm giảm bớt mức độ thải khí gây ô nhiễm đã được Bắc Kinh tính đến đó là chiến lược phát triển các dịch vụ để thay thế phần nào các hoạt động sản xuất công nghiệp. Về điểm này giáo sư Huchet, thận trọng đồng thời ông lấy làm tiếc là tương tự như khẩu hiệu « Phát triển xanh và sạch », mục đích lấy sức tiêu thụ nội địa làm lực đẩy khó có thể hoàn thành chừng nào ở Trung Quốc còn thiếu vắng một chính sách mang tính xã hội quy mô như ở những nền dân chủ. Giáo sư Jean-François Huchet phân tích : « Đúng là Trung Quốc chú trọng vào việc phát triển các dịch vụ và điều này đã được ghi thành văn kiện kết thúc khóa họp Quốc Hội. Tuy nhiên kế hoạch phát triển cho 5 năm sắp tới nhấn mạnh đến mục tiêu duy trì các cơ sở công nghiệp trên lãnh thổ quốc gia nhằm tránh lập lại sai lầm của Âu Mỹ. Phương Tây đã để cho các nhà máy di dời cơ sở sản xuất đến những nước nghèo có nhân công rẻ. Bắc Kinh chủ trương hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp - chủ yếu là để giảm thiểu các tác động dây chuyền gây ô nhiễm cho môi trường … Ngoài ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 cũng có một khác biệt quan trọng so với trước đây đó là chính quyền trung ương không còn nêu ra một mục tiêu tăng trưởng cố định bắt buộc phải đạt được bằng mọi giá. Đương nhiên Bắc Kinh vẫn hướng tới một tỷ lệ tăng trưởng 6 % nhưng nếu như GDP trong năm nay tăng chậm hơn một chút thì cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm. Điều đó có nghĩa là chính quyền Trung Quốc bắt đầu chú trọng nhiều hơn về chất lượng thay vì số lượng. Sau cùng văn bản chính thức đã nhắc lại ưu tiên phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Dù vậy theo chỗ tôi biết, Bắc Kinh tuyệt nhiên không đả động đến các biện pháp hỗ trợ xã hội với quy mô như những gì các nền dân chủ phương Tây hay Nhật Bản đã làm sau Thế Chiến Thứ Hai. Tôi không thấy Trung Quốc đề xướng một chính sách xã hội đầy tham vọng, có lẽ do chính quyền không muốn khu vực sản xuất phải chia sẻ gánh nặng đó ». Bóng dáng Hoa Kỳ trong kế hoạch của Bắc Kinh Vẫn theo giáo sư Jean-François Huchet, thực chất của vấn đề là trong tất cả những mục tiêu kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2021-2025 đều tiềm ẩn cuộc đọ sức với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới khi mà đầu tư của phương Tây vào Hoa Lục cạn dần, cho dù là trước mắt Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ các kế hoạch kích cầu liên tiếp của Mỹ để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 : « Đây là một câu hỏi thú vị do kế hoạch kích cầu của Mỹ chắc chắn là sẽ có lợi cho một số ngành nghề ở Trung Quốc đặc biệt là cho những nhà sản xuất đồ tiêu dùng. Trong lĩnh vực này thì Trung Quốc hoạt động rất tốt. Có nguy cơ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ gia tăng, qua đó nhập siêu của Hoa Kỳ với đối tác châu Á này cũng tăng mạnh. Dù vậy từ hơn một năm nay, Mỹ và trong một chừng mực nào đó là châu Âu cũng đã ý thức là không thể tiếp tục để bị lệ thuộc vào một đối tác quan trọng như là Trung Quốc. Công luận kỳ vọng nhiều là chính quyền Biden sẽ tiếp tục chiến lược đưa các cơ sở của Mỹ về nguyên quán. Điều đó không có nghĩa là tất cả tập đoàn đa quốc gia phương Tây đang hoạt động tại Hoa Lục sẽ đóng cửa để đi tìm một bãi đáp khác. Tôi chỉ muốn nói là Trung Quốc không còn là nơi duy nhất tập trung thu hút đầu tư của ngoại quốc như hiện tại. Một trong những bài học chính từ khủng hoảng y tế lần này là mức độ lệ thuộc quá lớn của Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vào các cơ sở sản xuất Trung Quốc. Sự lệ thuộc về công nghệ đó dẫn đến một sự lệ thuộc luôn cả về mặt địa chính trị. Nhưng cũng cần lưu ý là trong ngắn hạn, Trung Quốc không bị ảnh hưởng gì nhiều. Về lâu dài, đây lại là một chuyện khác và có thể là đầu tư của Âu - Mỹ sẽ loãng ra hơn và được phân tán ra khu vực nhiều hơn ».   Tuy nhiên, giáo sư Huchet viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương đã nêu lên hai yếu tố trong cuộc đọ sức với siêu cường kinh tế số 1: thứ nhất là lợi thế của Bắc Kinh và thứ hai là nguy cơ bắt đảng Cộng Sản Trung Quốc phải xét lại những ưu tiên trong chiến lược phát triển lâu dài. Trước hết Jean-François Huchet nói về những phương tiện tài chính « khổng lồ » tưởng chừng vô hạn của một ông khổng lồ châu Á : « Trung Quốc có những phương tiện tài chính khổng lồ nhờ tỷ lệ tiết kiệm rất cao trong nước. Dòng tư bản đó đổ về các ngân hàng mà hệ thống ngân hàng tài chính thì được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Nhờ vậy trung ương có thể hoạch định các chính sách đầu tư tùy theo những ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Thêm vào đó Trung Quốc cũng là trong những nền kinh tế hiếm hoi không bị bội chi ngân sách nhờ vậy mà Bắc Kinh có thể dễ dàng huy động vốn vào bất kỳ lĩnh vực nào, đương nhiên là kể cả trong lĩnh vực quân sự, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo, điện tử hay viễn thông … Họ đầu tư rất nhiều - mức độ hiệu quả lại là một chuyện khác. Nhưng phải nhìn nhận rằng đây là những lợi thế rất quan trọng của Bắc Kinh mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Bắc Kinh biết khai thác những lợi thế đó, kể cả về mặt địa chính trị để thương lượng với phần còn lại của thế giới trong thế thượng phong để đạt được những gì họ mong muốn ».   Thế còn nhược điểm của Trung Quốc thì sao ? Giáo sư ean – François Huchet nhận định : « Gót chân Achille  của kinh tế Trung Quốc chính là hệ thống tài chính. Hiện tại chủ đề này ít được đề cập đến nhưng đây là mối lo chính của các nhà kinh tế tại Bắc Kinh. Vấn đề nằm ở chỗ từ lâu nay Trung Quốc coi trọng ổn định về mặt xã hội hơn là sự ổn định về tài chính. Để có được sự ổn định xã hội đó, Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều vốn và cũng đã có thể dễ dàng giải ngân mà không mấy bận tâm về tính hiệu quả nhờ Bắc Kinh nắm giữ hệ thống ngân hàng trong tay. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc đã có được những thành tích tăng trưởng trong nhiều năm trung bình là từ 8 đến 10 % một năm. Khi mà cỗ máy kinh đang vận hành tốt thì không hề hấn gì. Nhưng khi GDP chỉ còn tăng 6 % một năm, việc quản lý các khoản nợ nần chồng chất đã khó khăn hơn một chút, và đến khi tăng trưởng tuột dốc thêm nữa thì cả mô hình đó bị đe dọa. Cần nhắc lại là Trung Quốc đã nhiều lần suýt bị khủng hoảng tài chính : năm 1994-1995 tình thế đã được cứu vãn nhờ có tỷ lệ tăng trưởng cao. Kịch bản này lại suýt xảy ra trong giai đoạn 2009-2013 nhưng rồi ông khổng lồ châu Á này cũng cưỡng lại được. Nhưng chưa thể nói là Trung Quốc được thanh thản và chúng ta cần theo dõi nhược điểm này !»

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Chiến tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung thời Biden

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Nov 10, 2020 9:25


« Tạm dừng leo thang về thương mại, nhưng trên mặt trận công nghệ, dưới thời tổng thống Biden giao tranh sẽ có phần quyết liệt hơn », mà đấy chỉ là « một phần trong cuộc đọ sức dài hơi » giữa Washington và Bắc Kinh. Trên đây là nhận định của hai chuyên gia Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse và Jean-François Huchet, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt.   Một tuần lễ sau ngày bầu cử đẩy chính trường Mỹ vào nhiều biến động, tiến trình chuyển giao quyền lực đang gặp nhiều trắc trở. Nhưng điều đó không ngăn cản tổng thống tương lai của Hoa Kỳ bắt tay vào việc chuẩn bị điều hành đất nước. Về đối ngoại, tất mọi chú ý tập trung vào quan hệ trong bốn năm sắp tới giữa hai siêu cường kinh tế của toàn cầu. Tất cả các nhà quan sát quốc tế đều đưa ra một nhận định chung : « Nhà Trắng có thể đổi chủ, Mỹ vẫn sẽ cứng rắn với Trung Quốc », do từ trọng lượng kinh tế đến ưu thế công nghệ và những tham vọng trên biển của Bắc Kinh đều đe dọa đến những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.   Trong cuộc vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ứng viên Donald Trump đã khai thác lá bài « Biden là người của Trung Quốc » và trong trường hợp đối thủ của ông bên đảng Dân Chủ thắng cuộc, thì « Trung Quốc sẽ làm chủ nước Mỹ ». « Khác lọ, cùng một nước » Đó là khẩu hiệu tranh cử của ông Trump : tấn công vào mối quan hệ cá nhân khá tốt giữa ông Joe Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn có từ khi ông Biden còn là phó tổng thống Hoa Kỳ dưới chính quyền Obama. Lập luận tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa này quên mất rằng, chỉ riêng về công nghệ cao, ngay từ năm 2012, Hoa Vi đã bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Còn tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo ý thức được rằng Washington sẽ không có một sự thay đổi « 180 độ » trong chính sách về Trung Quốc, bởi « trước Donald Trump, Obama đã cứng giọng với Bắc Kinh ». Có nhiều dấu hiệu báo trước đường lối cứng rắn của chính phủ Mỹ sắp tới với đối thủ thương mại quan trọng này. Tuy nhiên phương pháp của của Joe Biden sẽ có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm. Trả lời đài RFI Việt Ngữ, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương, giáo sư chuyên về Trung Quốc Jean- François Huchet phân tích về bang giao giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống Biden : Jean-François Huchet : «  Trong đối thoại Mỹ-Trung, sợi dây đang căng sẽ được chùng xuống, ít ra là về hình thức. Khó lường trước phản ứng của ông Donald Trump. Còn ông Joe Biden lịch sự hơn, đối thoại sẽ suôn sẻ hơn, và điều quan trọng đối với Bắc Kinh là họ trông thấy ở Biden một đối tác đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, về thực chất, tôi cho rằng sẽ có một sự tiếp nối trong chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ đều có cùng quan điểm : Bắc Kinh là một đối thủ của Mỹ, Trung Quốc là một siêu cường và là một mối đe dọa về mặt chiến lược. Nói cách khác, quan hệ Mỹ -Trung sẽ tiếp tục căng thẳng, không chỉ về  thương mại hay trên vế công nghệ ». Riêng trên hai hồ sơ thương mại và công nghệ, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean-François Dufour nhận xét như sau về hai hồ sơ đang được rất quan tâm này : Jean-François Dufour : « Thường rất khó và tế nhị khi đưa ra các dự phóng, tuy nhiên theo tôi có hai khuynh hướng tương đối hiển nhiên liên quan đến hai khía cạnh trong quan hệ Mỹ- Trung. Trước hết, về chiến tranh thương mại, chúng ta có thể chờ đợi căng thẳng sẽ giảm cường độ. Có nghĩa là đôi bên sẽ ngừng ban hành thêm các biện pháp áp thuế nhập khẩu và có thể là Washington, cũng như Bắc Kinh, sẽ xóa bỏ bớt một số các hàng rào quan thuế đã được dựng lên trong hai năm vừa qua. Quyết định này là tất nhiên thôi, bởi vì chính sách áp thuế và các biện pháp bảo hộ chính quyền Trump ban hành đã không đem lại kết quả mong muốn : các tập đoàn Mỹ không ồ ạt trở về nguyên quán ; hàng Trung Quốc thì vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Mỹ, cán cân thương mại của Hoa Kỳ vẫn bị thâm hụt. Trong những điều kiện đó, gần như chắc chắn là đôi bên phải tính tới giải pháp bình thường hóa quan hệ.   Nhưng song song với hồ sơ này, cạnh tranh về mặt công nghệ - mà thật ra thì đây mới là vế quan trọng hơn cả về mặt chiến lược - một cách cơ bản, không có dấu hiệu giảm căng thẳng. Bởi vì sao ? Mỹ và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đối đầu công nghệ từ trước khi Trump xuất hiện trên chính trường. Đành rằng tổng thống Trump vỗ ngực tự nhận là đã khơi mào cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, nhưng điều đó không đúng với sự thật. Những biện pháp đầu tiên cấm Hoa Vi đầu tư vào Mỹ đã được ban hành từ nhiệm kỳ đầu 2008-2012. Cuộc chạy đua về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trận đấu dài hơi. Tôi không nghĩ là chính quyền Biden tới đây sẽ thay đổi chính sách này. Trên mặt trận công nghệ tình hình vẫn sẽ căng thẳng ». Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse,  giải thích có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm đình chiến trên mặt trận thương mại, ngưng các biện pháp áp thuế trừng phạt lẫn nhau. Nhưng liệu công luận Mỹ vốn đã quen với các lập trường bảo hộ của chính quyền Trump có dễ chấp nhận chủ trương hòa hoãn hơn của tân chủ nhân Nhà Trắng về mặt thương mại ?    Jean-Franois Dufour : « Đó chính là một trong những điểm nút khó tháo gỡ trong hồ sơ này. Cái khó ở đây là chính quyền Biden phải giải thích với công luận vì sao chọn giải pháp giảm căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, như vừa nói, điểm chính là các biện pháp bảo hộ không hiệu quả. Tăng thuế nhập khẩu bất lợi cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Còn các doanh nghiệp Mỹ thì càng lúc càng lo ngại khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, viễn cảnh kinh tế phải phục hồi sau giai đại dịch Covid-19 lại càng khiến chính quyền Biden tính đến khả năng xoa dịu căng thẳng thương mại với Trung Quốc ». Xung khắc Mỹ -Trung : Vấn đề cốt lõi vẫn nguyên vẹn Tuy nhiên, ngay cả trên vế mậu dịch, lĩnh vực được cho là có triển vọng giảm căng thẳng hơn cả, cũng còn nhiều mâu thuẫn mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Giáo sư Jean-François Huchet, giám đốc viện INALCO đi xa hơn khi cho rằng Donald Trump đã vĩnh viễn thay đổi quan điểm của Mỹ về Trung Quốc : Jean-François Huchet : « Về sự can thiệp của nhà nước vào guồng máy kinh tế, trên vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Joe Biden rất cứng rắn trên tất cả những điểm này và thái độ cứng rắn đó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Nói cách khác, Nhà Trắng đổi chủ, nhưng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên các lĩnh vực này thì không. Cho tới nay giới quan sát luôn ghi nhận có một khác biệt rõ rệt giữa một bên là các khẩu hiệu tranh cử và bên kia là chính sách được thực hiện một khi ứng cử viên tổng thống Mỹ bước vào Nhà Trắng. Nhưng với Donald Trump thì không. Đó là một sự thay đổi lớn. Ông này đã làm đúng những gì đã cam kết. Do vậy khó có thể hình dung là  quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ hữu hảo trở lại như dưới thời các tổng thống Clinton, Bush hay Obama. Bởi cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Thêm vào đó chúng ta biết đảng Dân Chủ và cá nhân ông Biden chú trọng nhiều vào vế nhân quyền, hơn hẳn với chủ trương của chính quyền Trump trong bốn năm vừa qua. Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt với Hồng Kông, chính sách hù dọa Đài Loan của Hoa Lục hay các biện pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cường : Tất cả những yếu tố này không cho phép chúng ta nghĩ rằng Bắc Kinh và Washington dễ dàng và nhanh chóng sưởi ấm quan hệ. Dù vậy đôi bên có thể đối thoại trên nhiều lĩnh vực khác như chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân …  hay tìm được đồng thuận về các định chế đa quốc gia như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Tổ Chức Y Tế Thế Giới . Nhưng chắc chắc là mối bang giao sẽ không được thuận thảo như đời các đời tổng thống trước Donald Trump » Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo mô tả dưới chính quyền Biden, đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington tựa như một « bàn tay sắt trong chiếc găng nhung » : Biden không có những tuyên bố ồn ào như ông Trump, nhưng trong cuộc vận động lần này, ê kíp của ông Biden đã hứa hẹn « huy động cộng đồng quốc tế để gây sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc ». Trong bài tham luận đăng hồi tháng 3/2020 vào lúc virus corona bắt đầu hoành hành trên lãnh thổ Hoa Kỳ, ứng viên Biden chủ trương « Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc » và « phương pháp hiệu quả nhất để vượt qua thách thức này là thành lập một mặt trận với các đồng minh và đối tác để đương đầu với những hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ». Liên minh chống Trung Quốc Đối với Trung Quốc, chính quyền Trump có khuynh hướng đơn phương tung đòn tấn công trước, rồi mới vận động các đồng minh của Hoa Kỳ đứng về phía mình. Ngược lại, Joe Biden tham khảo ý kiến đồng minh trước để khẳng định vai trò đầu tầu của Mỹ trước khi tung đòn. Một cố vấn của ông Biden được hãng tin Anh Reuters trích dẫn cho biết, một khi bước vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ thảo luận với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, trước khi quyết định về chính sách áp thuế nhắm vào hàng Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Mỹ đặc trách về các hồ sơ thương mại, Wendy Cutler, tin rằng « chính sách của Biden về Trung Quốc sẽ dễ đoán hơn và mang tầm cỡ chiến lược hơn ». Về phần cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á dưới chính quyền Obama, Kurt Campbell, vài ngày trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ông nay phân tich : cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết để xua tan suy nghĩ của Trung Quốc về một nước Mỹ đang « nhanh chóng suy đồi ».   Tổng thống Donald Trump đã vĩnh viễn khép lại hai thập niên quan hệ hữu hảo Mỹ- Trung khi trực tiếp xem Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược. Gần như chắc chắn người kế nhiệm ông tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra. Cuộc đọ sức giữa hai siêu cường kinh tế của toàn cầu sẽ còn dài và bắt buộc từ các đại tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ và cả thế giới phải xét lại chiến lược phát triển với Trung Quốc.    

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tạp chí tiêu điểm - « America First ! » của D.Trump hay chính sách đề cao lợi ích của Mỹ ?

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Oct 29, 2020 10:27


Ngày 03/11/2020, người dân Mỹ bầu chọn một tổng thống mới giữa hai ứng viên là Donald Trump – tổng thống sắp mãn nhiệm thuộc phe Cộng Hòa – và Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, thuộc đảng Dân Chủ. Đây cũng là dịp để điểm lại chính sách đối ngoại của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Một nhiệm vụ mà giới quan sát đánh giá là không kém phần cam go Mỗi tổng thống, khi kết thúc một nhiệm kỳ đều muốn để lại một dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Với người tiền nhiệm Barack Obama, người ta có thể nói đến « học thuyết Obama » được thể hiện rõ ở ba sự kiện tập trung chủ yếu trong nhiệm kỳ thứ hai : Từ chối oanh kích Syria năm 2013 sau vụ chế độ Damas dùng vũ khí hóa học tấn thường dân ; Khởi động bình thường hóa quan hệ với Cuba vào cuối năm 2014 và Ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna tháng 7/2015. Thế còn Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì sao ? Nhiều nhà quan sát cho rằng thật hoài công tìm thấy một sự gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của Donald Trump. Quả thật, ngoài một số suy nghĩ ám ảnh cá nhân, ông Donald Trump dường như không đề xuất một chính sách đối ngoại nào thật sự. Bốn năm ông Trump ngự trị ở Nhà Trắng là bốn năm thế giới hồi hộp theo dõi những dòng tweet nhắn, những tuyên bố trái ngược trong cùng một hồ sơ quốc tế cũng như là giữa ông với các cố vấn. Đó cũng là bốn năm nền ngoại giao Mỹ bị mô tả là « hỗn loạn » và « bốc đồng ». Đối ngoại và Đối nội phải là « một » ! Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng sẽ thật là sai lầm khi nói là Donald Trump không có một chính sách đối ngoại cụ thể. Nhà báo Renaud Girard, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Le Figaro năm 2019 từng khẳng định nền ngoại giao của Trump tựu chung ở cụm từ : Mục tiêu tái tranh cử ! Mục tiêu này của ông được xoay theo bốn trục chính : Bổ nhiệm người vào Tòa án Tối cao, Di dân, Đối nội và Đối ngoại. Từ bốn điểm này, người ta thấy rõ là mỗi quyết định, mỗi tuyên bố của ông Trump đều có cùng một đích ngắm duy nhất : Cử tri Mỹ. Dĩ nhiên, mối bận tâm bầu cử, ở một số thời điểm cụ thể nào đó trong nền ngoại giao Mỹ, đều có thể nằm trong số các tiêu chí để ra quyết định, nhưng Donald Trump là một vị tổng thống sử dụng thường xuyên, có hệ thống, yếu tố hướng nội này. Do vậy, theo quan điểm của bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc nghiên cứu văn phòng cố vấn German Marshall Fund of the United States, chi nhánh tại Paris, trên đài France Culture, đây chính là một điểm gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của Donald Trump: « Ông Trump liên kết được các phát biểu của mình với chính trị trong nước. Ông ấy cuối cùng đã xích lại gần hơn với người dân Mỹ, đã tìm được một cách thức mới để nói những vấn đề quan hệ quốc tế và vai trò của Mỹ với người dân. Ông thực hiện điều đó sao cho những thách thức quốc tế phải được hiểu rõ trên bình diện chính trị trong nước. » Cách thức này đã được nguyên thủ Mỹ thể hiện rất rõ trong ba hồ sơ quốc tế lớn : Bắc Triều Tiên, Afghanistan và Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Barhein. Dù rằng kết quả đạt được từ ba hồ sơ đó còn phải được đánh giá lại, nhưng đối với nguyên thủ Mỹ, hình ảnh đưa ra có tầm quan trọng lớn và có sức biểu tượng cao, bởi vì đó còn là một thông điệp mà Donald Trump muốn gởi đến cử tri Mỹ : « Quý vị thấy đó, tôi đã làm được điều mà những người tiền nhiệm không làm được ! » Những tuyên bố thiếu nhất quán ? Không hẳn là thế ! Nhiều nhà quan sát cho rằng Donald Trump có một sự kiên định đáng nể trong việc thể hiện lập trường. Trong suốt các cuộc vận động tranh cử năm 2016, và trước đó trong những lần phát biểu trước công chúng những năm 1980, cũng như là khi đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump không ngừng tấn công các định chế, các tổ chức đa phương quốc tế. Nguyên thủ Mỹ muốn đoạn tuyệt với « nguyên trạng » hiện nay. Ông đặt lại vấn đề ý tưởng « chủ nghĩa ngoại lệ » từng được ví như là một trong những công cụ tạo nên « quyền lực mềm » của Mỹ. Trong nhãn quan của chủ nhân Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã bị các nước đồng minh lường gạt, toàn cầu hóa gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ trích những người tiền nhiệm đã để cho những nước khác lợi dụng sự hào phóng của Mỹ và thiếu tôn trọng nước Mỹ. Tất cả những điều đó đã góp phần làm suy yếu nước Mỹ trên thế giới. Do vậy, nước Mỹ dưới thời Donald Trump không tìm cách bảo vệ một trật tự và những giá trị tự do mà chỉ đơn giản bảo đảm thế ưu việt quân sự và kinh tế trước các đối thủ. Điều gây lo ngại cho các đối tác quốc tế chính là tính cách khó lường, một nét đặc trưng của chính quyền Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ lần lượt đơn phương đưa ra các quyết định « trên phương diện đối ngoại bất kể đó là về Iran, Syria, Afghanistan, hay như thoái lui khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí..., mà không tham vấn bất kỳ đồng minh nào và ưu tiên chủ nghĩa đơn phương hay song phương qua việc chọn một kiểu ngoại giao gây sốc, trực diện như trong trường hợp Bắc Triều Tiên », theo như phân tích của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ thuộc German Marshall Fund. Một sự tiếp nối Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà quan sát, đường lối đối ngoại này của ông Donald Trump phần nào cũng cho thấy rõ có sự thay đổi cách nhìn về thế giới của đảng Cộng Hòa trong bốn năm qua. Các cuộc tranh cãi đã diễn ra trong nội bộ đảng Cộng Hòa về một số chủ đề đối ngoại cho dù đó là vấn đề cuộc chiến thương mại, thái độ cứng rắn với Trung Quốc hay triệt thoái quân khỏi nhiều chiến trường thời kỳ hậu 11/09/2001. Bởi vì, theo đánh giá của chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer « đôi khi chính đảng Cộng Hòa cũng muốn chứng tỏ là còn ‘diều hâu’ hơn cả Donald Trump đối với Trung Quốc, Nga, với các đồng minh châu Âu đặc biệt là trong vấn đề công nghệ như vụ mạng 5G, Hoa Vi… ». Mặt khác, giới phân tích ghi nhận dù có những sự đoạn tuyệt với các nền ngoại giao truyền thống từ phương pháp, cách tổ chức nhân sự hay trong phong cách lãnh đạo, nhưng chính sách đối ngoại của Donald Trump vẫn có một sự tiếp nối trong một số vấn đề do có sự đồng thuận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, khi quan sát giai đoạn Obama/Trump và hậu Trump thì người ta thấy rõ « ông Donald Trump đã thúc đẩy nhanh rất nhiều khía cạnh chính sách đối ngoại của Obama trong nhiều hồ sơ, từ ‘xoay trục sang châu Á’, các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ và theo một cách nào đó, một giọng điệu cứng rắn hơn đối với các đồng minh, nhất là đồng minh châu Âu trong hồ sơ Afghanistan. Vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí cũng không phải là mới, ông Trump chỉ làm phồng to vấn đề lên vì chưa có một đời tổng thống nào làm cả. Do vậy, nếu ông Biden có đắc cử, ông ấy sẽ thực hiện cùng một kiểu áp lực. » Thế nên, vẫn theo quan điểm của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, bất kể ai là người đắc cử, trong một số hồ sơ, chủ nhân Nhà Trắng tương lai vẫn duy trì cùng một đường lối. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp diễn. Thời kỳ dễ dãi với Trung Quốc đã qua. Đối với bà Alexandra de Hoop Scheffer, ở đây có một điểm lý thú : Chính Donald Trump là người đưa ra bảng tổng kết về điều được gọi là « di sản của chiến tranh lạnh », hậu quả của sự lơ là và quá ngây thơ từ những vị tổng thống tiền nhiệm cũng như nhiều nước phương Tây, tạo đà thuận lợi cho Trung Quốc đi lên thành cường quốc, mà sai lầm lớn nhất là cho phép Bắc Kinh được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng « mong muốn ‘thanh toán’ sự kế thừa đó khi nói rằng ‘‘quý vị thấy đó, chúng ta đã quá chú tâm vào việc phô trương sức mạnh, nhất là quân sự Mỹ trên nhiều mặt trận và trong thời gian này chúng ta đã để cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và trỗi dậy như là một trong những siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ’’.» Trung Quốc, Nga và EU : Quan hệ Đối tác – Đối thủ ? Nếu với Trung Quốc là một đối thủ, Donald Trump đã có những lời lẽ gay gắt, thì với châu Âu dù là đồng minh, nguyên thủ Mỹ cũng không nhẹ nhàng hơn. Vì sao Donald Trump có thái độ cứng rắn, nghiêm khắc trong khi mà châu Âu có thể có một vai trò có lợi cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ? Về điểm này, giới quan sát tại Pháp đều có chung một nhận xét : Không riêng gì Donald Trump, từ đời các tổng thống tiền nhiệm, Hoa Kỳ luôn duy trì một thái độ mâu thuẫn với Liên Hiệp Châu Âu. Đó vừa là một đồng minh trong một số hồ sơ quốc tế lớn nhưng cũng vừa là một đối thủ cạnh tranh, thế nên phải luôn tìm cách gây chia rẽ. Chỉ có điều khác với những người tiền nhiệm, quan điểm này được ông Donald Trump thể hiện một cách công khai, đôi khi có phần thô bạo khi đánh giá « Liên Hiệp Châu Âu như là một đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác. Đó còn là một kẻ thù của Mỹ, thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc », theo như giải thích của bà Alexandra de Hoop Scheffer. Vậy còn trong mối quan hệ Nga-Mỹ thì sao ? Nhà Trắng mỗi khi đổi chủ đều tuyên bố phải « Reset - làm lại từ đầu » mối quan hệ song phương giữa hai nước. Donald Trump không là một ngoại lệ, thậm chí ông có nhiều phát biểu rất thân thiện với Nga nhưng mối quan hệ vẫn luôn trong trạng thái băng giá. Về điểm này, nhà nghiên cứu về Mỹ thuộc German Marshall Fund trước hết nhìn nhận cũng giống như với Trung Quốc, đây là những mối quan hệ phức tạp. Bởi vì, « đó vừa là một đối tác trong một số chủ đề, một đối tác ràng buộc như trong một số mặt trận ví dụ Syria, Libya hay ở Trung Phi, khu vực mà Nga đang trở thành một tác nhân cực kỳ quan trọng. Nhưng trên bình diện chiến lược, địa chính trị đó còn là một đối thủ. Làm thế nào tìm được một chính sách có thể cân bằng giữa hai khía cạnh này là một điều cực kỳ phức tạp.(…) Những kiểu mối quan hệ này, thật sự mang tính đối ngẫu : Đối tác – Đối thủ, rất là khó xử lý. Thế nên, người ta mới có điều gọi là một sự tách bạch trong quan hệ với những nước này. Chúng ta phải hợp tác với họ trong một số chủ đề chiến lược, môi trường, nhưng đồng thời phải đối đầu với họ trong một số hồ sơ khác. » Từ những phân tích trên, bà Alexandra de Hoop Scheffer tóm tắt như sau về chính sách « America First ! » của Donald Trump : « America First ! Đó là một chính sách làm rõ các lợi ích của Mỹ. Nghĩa là một nước Mỹ không úp mở, công khai bảo vệ các lợi ích của mình trên hết. America First cũng chính là một nước Mỹ luôn tìm cách đối thoại hay đàm phán lại những thỏa thuận không chỉ với các đồng minh mà cả với những đối thủ chừng nào nước Mỹ vẫn luôn là một cường quốc hàng đầu. Những gì chúng ta thấy hiện nay là gì ? Nước Mỹ hiện vẫn là một siêu cường quân sự, nhưng trên nhiều lĩnh vực khác để có thể là một cường quốc kinh tế, công nghệ thì chính ở đó Hoa Kỳ bị cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí bị Trung Quốc qua mặt. Điều này dẫn đến những hốt hoảng, phải thương lượng và đàm phán lại với những nước như vậy. »

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Quan hệ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Những bức tường thành khó vượt qua

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 20, 2020 9:03


Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ đe dọa tham vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhưng đó không phải là trở ngại duy nhất. Bắc Kinh giành sân lấn đất vào những vùng vốn Ankara coi là sân sau của mình. Đôi bên có nhiều mâu thuẫn về địa chính trị và công luận của hai phía đều không mấy có thiện cảm về mối đối tác Trung –Thổ.   Trong tạp chí của RFI ngày 13/10/2020 Tolga Bilener, tác giả bài nghiên cứu « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » đăng trên mạng của IFRI, Viện Quan Hệ Quốc Pháp số ra tháng 10/2020, đã trình bày về tầm mức quan trọng gắn kết kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc nhưng đồng thời nhận định đây cũng là một mối giao thương bất tương xứng. Tiếp tục cuộc phỏng vấn chuyên gia Tolga Bilener, phần hai tạp chí Kinh tế tập trung phân tích những trở lực trong mối hợp tác giữa « một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới ». Trung Quốc hiện là một trong ba đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và vì những động lực khác nhau, đôi bên đều có tham vọng mở rộng thêm nữa mối quan hệ đó. Tuy nhiên, nhiều ví dụ cụ thể cho thấy còn quá nhiều những giới hạn để có thể nói đến một trục « Ankara-Bắc Kinh ». Thứ nhất chính quyền hai nước tuy đã đầu tư nhiều vào các chương trình du lịch thế nhưng người Trung Quốc tới nay vẫn không mặn mà với các dự án tham quan Thổ Nhĩ Kỳ và số ít sang được đến Thổ thì vấp phải sự chống đối của không ít người dân xứ này. Đây là hậu quả trực tiếp từ các biện pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo như ghi nhận của Tolga Bilener. Ở chiều ngược lại, dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tẩy chay một đất nước đàn áp người Hồi giáo, muốn gột tẩy những nét đặc thù văn hóa của thiểu số Duy Ngô Nhĩ.   Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí Trung Quốc Thí dụ thứ nhì minh họa cho khó khăn trong quan hệ kinh tế Thổ-Trung là các kế hoạch mua bán vũ khí Trung Quốc : Đối thoại giữa các giới chức quân sự hai nước đã được thiết lập từ đầu thập niên 1990. Năm 1997, Ankara đặt mua 97 tên lửa đạn đạo tầm ngắn B-611 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trang bị vũ khí cho một thành viên NATO. Thực ra hợp đồng mua bán vũ khí với Trung Quốc nhanh chóng đụng phải những giới hạn. « Mùa hè năm 2013 trong bối cảnh căng thẳng với các đối tác phương Tây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chọn mua hệ thống phòng không của Trung Quốc HQ-9, trị giá 3,8 tỷ đô la ». Hai lý do dẫn tới sự lựa chọn này đó là giá cả phải chăng so với tên lửa của Âu, Mỹ và tập đoàn Trung Quốc CPMIEC bằng lòng chuyển giao công nghệ cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều mà đến nay các nhà sản xuất phương Tây luôn luôn từ chối Ankara. Viễn cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí của Trung Quốc là một gáo nước lạnh đối với toàn Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Sau hai năm đàm phán, cuối cùng Ankara từ bỏ kế hoạch mua tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo. Chuyên gia giảng dậy tại đại học Galatasaray, Istanbul, Tolga Bilener không ngần ngại cho rằng chính quyền Erdogan đã dùng lá bài Trung Quốc để gây áp lực với phần còn lại trong NATO. Dự án trang bị tên lửa Trung Quốc này tuy bất thành nhưng là điểm khởi đầu thể hiện quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng các mối quan hệ.đối tác ra bên « ngoài khu vực các nước phương Tây ». Bằng chứng rõ rệt nhất là năm 2017 Ankara đặt mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga và lần này chính quyền Erdogan « phớt lờ những áp lực và cảnh cáo của các đồng minh trong gia đình NATO ». Trung Quốc mở mặt trận công nghệ số Về phần mình, Trung Quốc đã nhanh chóng khép lại chương mua bán vũ khí để chiêu dụ Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực công nghệ mới khác với tầm chiến lược quan trọng không kém : Tolga Bilener : « Điểm đáng chú ý ở đây là một thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hợp tác với Bắc Kinh. Chỉ riêng về mặt phát triển công nghệ số chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ dựa và Trung Quốc để thiết lập toàn bộ mạng internet 5G. Ngoài ra đôi bên đang phát triển nhiều dự án xây dựng những thành phố thông minh tức là sử dụng các công nghệ kết nối và phương tiện truyền thông nhằm cải thiện các dịch vụ trong thành phố… Thêm vào đó, như đã đề cập đến với RFI lần trước, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí địa lý rất thuận lợi về mặt chiến lược. Bắc Kinh  thấy rõ đây là một mắt xích quan trong của Con Đường Tơ Lụa Mới ». Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » tác giả đi sâu thêm vào chi tiết : « Tháng 1/2019 tập đoàn viễn thông Turkcell đạt thỏa thuận với Hoa Vi về cơ sở hạ tầng xây dựng mạng internet 5G trên toàn lãnh thổ từ nay đến 2021 (…) dự án này nằm trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới (…) Ngoài ra ngay từ 2009 Hoa Vi đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại Istanbul, đây là trung tâm lớn nhất ở ngoài Hoa lục ». Về phần các dự án xây dựng những « thành phố thông minh » Ankara xem đây là đòn bẩy cho quan hệ kinh tế song phương trong giai đoạn 2020-2023. Với dự án này Thổ Nhĩ Kỳ mua những trang thiết bị điện tử để theo dõi từ xa, thiết bị kết nối, biến những thành phố Thổ Nhĩ Kỳ thành những « nơi an toàn ». Sau cùng, trong một lĩnh vực còn khá mới là các hoạt động mua bán trên mạng, nhà phân phối Alibaba đã thâu tóm 75 % đối tác Trendyol để kiểm soát luôn thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Trở ngại khó vượt qua :  Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ Tuy nhiên trong mối quan hệ « đối tác chiến lược » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vẫn âm ỉ một ngòi nổ : đó là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Tôn giáo và ngôn ngữ là hai sợi chỉ đỏ kết nối cộng đồng thiểu số này sống tại vùng tự trị Tân Cương với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đầu thế kỷ XX đã có một số người Duy Ngô Nhĩ sinh sống trên đất Thổ và theo nhà nghiên cứu Bilender, Bắc Kinh  luôn « để mắt đến hoạt động của vài chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ » Dù không đông lắm nhưng, những người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại này lại « rất năng động về mặt chính trị và gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ » Do vậy : « yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn hiện diện trong phương trình của mối bang giao Trung Quốc –Thổ Nhĩ Kỳ ». Thông tin về những hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ngày càng nhiều : từ các vụ cưỡng bức lao động đến các trại « huấn nghệ » giam giữ cả triệu người vô tội vạ và gần đây nhất là nghiên cứu về chính sách triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ khiến hồ sơ vốn đã rất nhậy cảm này càng thêm « nóng bỏng ». Nhìn rộng ra hơn yếu tố địa chính trị càng lúc càng chi phối quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Tolga Bilener trước hết tập trung vào « cái gai Duy Ngô Nhĩ » đang đâm thẳng vào cả hai phía Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ   Tolga Bilener : « Đầu tiên hết là yếu tố đối nội. Phải công nhận về mặt chính trị, chính sách của Trung Quốc về người Duy Ngô Nhĩ là một trở lực đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Không nhất thiết phải đi quá sâu về lịch sử, chỉ cần nhìn lại thời điểm từ thế kỷ 19, đã có một mối liên hệ giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ.  Yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn luôn hiện diện trong đối thoại Ankara –Bắc Kinh. Thế nhưng đối với Trung Quốc đây là một vấn đề thuộc về ‘an ninh quốc gia’ và Bắc Kinh luôn rất khó chịu khi Ankara đề cập đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó những cáo buộc lên án Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số này là một vấn đề mà Ankara không thể làm ngơ, bởi nó động chạm trực tiếp đến bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên chính quyển Erdogan luôn trong thế làm xiếc đi dây, vì họ thừa biết rằng đây là một chủ đề nhậy cảm đối với Bắc Kinh và muốn tránh để vấn đề Duy Ngô Nhĩ phương hại đến quan hệ kinh tế song phương. Nói cách khác hai vế ngoại giao và kinh tế ở đây song hành với nhau. Chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh như một lớp sóng ngầm. Vì những lý do tôn giáo, vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa, công luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan tâm đến số phận của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tựu chung đây là một chủ đề rất nhậy cảm đối với cả hai bên. Theo một cuộc thăm dò, công luận Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Không hiểu liệu những nỗ lực của ngoại giao Trung Quốc có cho phép đảo ngược tình huống trong những năm sắp tới hay không ». Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đàn áp người Tân Cương, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng để ý đến số phận người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và đòi đưa quan sát viên đến vùng tự trị tây bắc Trung Quốc này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể im lặng trên hồ sơ này để tránh làm phật lòng đối tác thương mại lớn của mình là Bắc Kinh. Tác giả Tolga Bilener ghi nhận là đã xa rồi cái thời kỳ mà ông Recep Tayyp Erdogan ở cương vị thủ tướng, năm 2009 mạnh mẽ lên án Bắc Kinh « tiến hành gần như một cuộc diệt chủng » nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trong tay chính quyền cũng rất kín đáo trên hồ sơ này. Tranh giành ảnh hưởng khu vực Bên cạnh cái gai nhức nhối nhất đối với cả hai bên là chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương, còn có nhiều xung khắc về quyền lợi cả về ngoại giao, chiến lược, kinh tế giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông, Trung Á và cả châu Phi như giải thích của nhà nghiên cứu Bilener :  Tolga Bilener : « Nhìn rộng ra hơn, ở tầm mức khu vực, quyền lợi của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đôi khi mâu thuẫn với nhau. Thí dụ như trên hồ sơ Syria, quan điểm của Ankara và Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược nhau. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cạnh tranh về kinh tế đối với khu vực Trung Á và kể cả tại châu Phi. Từ gần một chục năm nay Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, đặc là tại các nước Phi châu Hồi giáo. Sau cùng ở cấp quốc tế, đừng quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, của Ủy Hội Châu Âu và Ankara có tham vọng ra nhập Liên Hiệp Châu Âu. Khi mà Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nguyện vọng xích lại gần với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thì nước này chỉ được công nhận với tư cách là quan sát viên. Thành thử chúng ta thấy rõ những giới hạn trên con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau ». Một thăm dò dư luận được Bắc Kinh công bố hồi năm 2012 cho thấy chỉ có 17 % những người được hỏi có cái nhìn « tốt » về Thổ Nhĩ Kỳ và lời giải thích kèm theo là Ankara quá thân với Mỹ, đồng thời công luận Trung Quốc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một phần « trong vấn đề Tân Cương ». Trong chiều ngược lại, theo báo cáo của viện thăm dò Mỹ Pew hồi năm 2019 chỉ có có 37 % những người được hỏi có « thiện cảm » với Trung Quốc, 44 % xem đây là một « mối thù nghịch » với lý do chính là chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh và hàng « made in China » thường đồng nghĩa với hàng rẻ tiền kém chất lượng. Cuối cùng một thăm dò khác do chính Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cho thấy chỉ có 11,8 % các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ xem Trung Quốc là « bạn » và 48,7 % nhìn ông khổng lồ châu Á này như một « một đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ ».

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ : Tham vọng và giới hạn

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Oct 13, 2020 10:58


Giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ bị đặt trước nhiều thách thức và giới hạn. Ankara là một mắt xích quan trọng của dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh. Còn Trung Quốc là ngõ thoát trước những khủng hoảng triền miên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh truyền thống Âu, Mỹ. Tuy nhiên hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ là cái gai không bên nào có thể nhượng bộ để đạt đến một mối quan hệ hoàn hảo. Trên đây là những ý chính được nhà nghiên cứu Tolga Bilener, giảng dậy tại đại học Galatasaray – Istanbul nêu bật trong tham luận mang tựa đề “Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế”. Bài viết được đăng trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI số ra tháng 10/2020. RFI xin giới thiệu công trình nghiên cứu này với phần phỏng vấn tác giả để hiểu rõ hơn về những tham vọng giữa “một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới”. Viện IFRI đăng bài viết của nhà nhiên cứu Bilener trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ lúc thì châm ngòi, khi thì can thiệp vào các xung đột trên thế giới từ ở Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và tiến sâu đến tận sân sau của Nga trong vùng Kavkaz. Trong phần mở đầu bài nghiên cứu, Tolga Bilener nhắc lại Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO - từ năm năm 1952. Ba năm trước đó Ankara đã gia nhập Ủy Hội Châu Âu. Do vậy lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình là một thành công lớn về mặt ngoại giao của Trung Quốc và để đạt được mục tiêu này Bắc Kinh đã dùng đòn kinh tế để thuyết phục Ankara. Công việc này không quá khó khi mà Thổ Nhĩ Kỳ “liên tiếp trải qua nhiều khủng hoảng với NATO và châu Âu”, đủ để giới phân tích tự hỏi liệu rằng Thổ Nhĩ Kỳ trong tay tổng thống Erdogan “có còn là thành viên của NATO và Ủy Hội Châu Âu nữa hay không ?” Trung - Thổ : trọng lượng bất tương xứng Điều dễ hiểu là càng lạnh nhạt với Âu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ càng vồ vập với ông khổng lồ châu Á Trung Quốc. “ Ankara không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắc nhở Bắc Kinh là Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia tăng và đa dạng hóa các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế” như giải thích của nhà nghiên cứu Tolga Bilener với RFI Việt ngữ : Tolga Bilener : “Yếu tố kinh tế là một ưu tiên trong quan hệ Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ. Một cách tổng quát thì từ gần một chục năm nay, Trung Quốc đã trở thành một trong ba đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí năm 2016-2017 Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trong số các đối tác kinh tế của  Ankara. Trong khi đó cho đến tận năm 2010 đôi bên chỉ là những đối tác đứng hàng thứ yếu của nhau. Trung Quốc quan tâm đến các nguồn khoáng sản của Thổ. Trong chiều ngược lại Ankara cần tất cả các mặt hàng tiêu dùng sản xuất từ Trung Quốc, từ hàng điện tử đến điện thoại di động hay hàng dệt may. Năm 2010 đôi bên nâng tầm mức quan hệ lên hàng chiến lược. Ông Erdogan khi đó ở cương vị thủ tướng, đề ra mục tiêu tổng trao đổi mậu dịch hai chiều phải đạt được 100 tỷ đô la vào ngưỡng 2020. Trên thực tế mục tiêu đó còn rất xa vời, bởi vì tổng kim ngạch thương mại Trung-Thổ hiện chỉ dao động từ 21 đến 22 tỷ đô la mà thôi, tức chỉ bằng 1 phần 5 so với mục tiêu đầy tham vọng như Ankara và Bắc Kinh đã đề ra ban đầu. Cần nói thêm là Thổ luôn trong thế nhập siêu so với Trung Quốc và thâm thủng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc ngày càng lớn. Chính sự bất cân đối này là nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế song phương”. Như với hầu hết phần còn lại của thế giới, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Bắc Kinh. Hàng và nhân công rẻ của Trung Quốc lấn át mạng lưới công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, tác giả nhận định, trong vỏn vẹn một thập niên, Trung Quốc đang từ một vị trí “thứ yếu” đã nhảy vọt lên thành “một trong ba khách hàng và nguồn cung cấp quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ thua có Đức và Nga, hai đối tác thương mại truyền thống của Ankara. Một cách cụ thể mỗi bên tìm kiếm những gì ở đối phương để tạo đà cho phát triển thương mại ? Tolga Bilener  “Phải nhìn nhận rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, về mặt ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ không là một ưu tiên  Tuy nhiên Ankara là một mắt xích quan trọng bởi đây là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Hơn thế nữa với 83 triệu dân, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có sức hấp dẫn lớn. Sau cùng về mặt địa lý Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên ba châu lục và hiển nhiên là một chiếc cầu nối Đông - Tây  đồng thời là nhịp cầu để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Yếu tố sau cùng này càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara trông đợi vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong những năm gầy đây kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ, thất nghiệp tăng cao … Ankara cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sản xuất phục vụ thị trường nội địa của Thổ”. Vỡ mộng Trung Hoa Thế nhưng càng giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ càng nhận lấy phần thua thiệt : những hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ không dồi dào như Ankara mong đợi. Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ phải đợi nhiều năm mới được cấp giấy phép để xuất khẩu nông phẩm sang Trung Quốc. Tolga Bilener đơn cử những thí dụ cụ thể như là phải mất đến 6 năm Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép xuất khẩu trái anh đào (cerise) sang Trung Quốc trong lúc thủ tục hành chính để xuất khẩu chanh, thịt gà hay quả lựu sang thị trường rộng lớn nhất thế giới vẫn còn trong vòng đàm phán. Ở chiều ngược lại điện thoại di động Made in China hay bàn là, máy hút bụi, tivi quần áo, … của Trung Quốc không gặp trở ngại nào trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn đến số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt rễ vào Thổ Nhĩ Kỳ : tính đến đầu năm nay đã có khoảng 1.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại quốc gia nằm trên ba châu lục này. Đổi lại, có chưa đầy 100 hãng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Hoa lục.   Ankara ngậm bồ hòn làm ngọt Ngay cả về đầu tư Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cũng đang thất vọng : chính quyền Erdogan trông đợi vào “các nguồn đầu tư nước ngoài và muốn đẩy mạnh xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng nhất là trong bối cảnh những năm gần kinh tế khá ảm đạm, tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái là 0,9 % không đủ sức tạo việc làm cho 12 % dân số trong tuổi lao động đang bị thất nghiệp”. Không có phép lạ nào cho phép nâng tổng đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ lên thành 6 tỷ đô la vào năm 2021 như mục tiêu đã đề ra, do ở thời điểm hiện tại thì con số này mới chỉ là 3 tỷ đô la mà thôi. Nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ, Bilener đặc biệt lưu ý rằng, 3 tỷ đô la đó có được là nhờ “các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ” trong mục tiêu xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Tập đoàn hàng COSCO năm 2015 đã chi ra 940 triệu đô la để mua lại 2/3 cổ phần để được quyền khai thác cảng Kumport, hải cảng lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa Istanbul. Cũng COSCO đã nhòm ngó đến những hải cảng khác như Mersin Candarh hay Filyos Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến các quặng mỏ, tài nguyên thiên nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ hay trông thấy ở quốc gia với 83 triệu dân này một thị trường tiềm năng để mua vào hàng rẻ của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một sân chơi mới cho các tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng Trung Quốc, với những dự án xây dựng các tuyến đường xe lửa nối liền hai miền đông và tây trên quê hương của ông Erdogan. Tất cả các lĩnh vực từ năng lượng đến tài chính, viễn thông của Thổ Nhĩ Kỳ đều có sức hấp dẫn lớn. Hoa Vi đã dễ dàng chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng mạng 5G cho quốc gia này. Kể cả ông vua trong lĩnh vực mua bán trên mạng Alibala cũng đã bắt rễ sâu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Bức tường thành Duy Ngô Nhĩ Nhà nghiên cứu Bilener ghi nhận : “kể từ khi ông Tập Cận Bình khởi xướng dự án Con Đường Tơ Lụa mới năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia. Chính quyền nước này xem đây là cơ hội để thu hút đầu tư trực tiếp của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ”. Recep Tayyip Erdogan tháng 5/2017 sang tận Bắc Kinh để trực tiếp trình bày với Tập Cận Bình về quan tâm của Ankara đối với kế hoạch kết nối Trung Quốc với toàn thế giới cũng như tầm mức quan trọng về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực trải rộng từ “Đông Địa Trung Hải đến Biển Đen từ vùng Balkan đến Kavkaz và cả Trung Á”. Thêm một dấu hiệu cho thấy Ankara đặt vế kinh tế lên trên hết trong quan hệ với Bắc Kinh đó là việc chỉ định một doanh nhân chứ không phải một nhà ngoại giao chuyên nghiệm làm đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Kinh. Nhưng bên cạnh tính toán thuần túy kinh tế yếu tố địa chính trị cũng quan trọng không kém như Tolga Bilener giải thích với RFI tiếng Việt : Tolga Bilener  “Thổ Nhĩ Kỳ muốn có các đối tác thương mại đa dạng hơn và bên cạnh đó cũng muốn mở rộng mạng lưới đối tác cả về mặt ngoại giao. Hai động lực thúc đẩy Ankara đi đến quyết định đó : một là để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các đối tác truyền thống là châu Âu và Mỹ ; thứ hai là để tìm kiếm các thị trường mới. Hiển nhiên Trung Quốc là một yếu tố không thể bỏ qua. Thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chính quyền Erdogan đã tăng tốc trong việc đẩy mạnh quan hệ với Bắc Kinh xuất phát từ chỗ Thổ Nhĩ Kỳ đã và còn đang trải qua các cuộc khủng hoảng triền miên với các nước phương Tây. Tình hình thế giới mà càng bất ổn và bất định chừng nào thì Ankara lại càng phải trong thế đi dây, tìm cho mình một thế cân bằng trên bàn cờ địa chính trị. Trong hoàn cảnh đó các quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á mà đứng đầu là Trung Quốc, đương nhiên có sức hấp dẫn rất lớn trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ”. Có điều chính sách đàn áp của Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ ở vùng tự trị Tân Cương càng lúc càng đẩy Ankara vào thế kẹt, và Thổ Nhĩ Kỳ khó nuốt trôi viên thuốc đắng này. Tổng thống Erdogan đã khó xử, và bằng chứng cụ thể là ông đã vắng mặt ở thượng đỉnh Một vành đai Một con đường năm 2019 cũng tổ chức tại Bắc Kinh  mà chỉ cử bộ trưởng Giao Thông đến dự. Đây là một tín hiệu cho thấy Ankara vẫn trông đợi vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.   Trong tạp chí kỳ tới RFI sẽ cùng với nhà nghiên cứu Tolga Bilener đại học Galatasaray, Istanbul tiếp tục tìm hiểu thêm về những giới hạn trong bang giao kinh tế  giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mà ở đó trở ngại lớn nhất trong số những bất đồng về ngoại giao và chính trị là vấn đề Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

TẠP CHÍ VIỆT NAM
Tạp chí việt nam - Biển Đông : Lợi - thiệt gì nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa PCA ?

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Play Episode Listen Later Oct 12, 2020 9:41


Những đòi hỏi của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông ngày càng bị nhiều nước phương Tây lên án vì trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Điều này cho thấy các nước không chấp nhận việc Trung Quốc ngang nhiên khống chế, gia tăng quân sự hóa vùng biển được coi là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Ngoài phản đối của những nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, lần đầu tiên Washington chính thức công bố “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” vào ngày 13/07/2020. Tiếp theo, Úc vào ngày 23/07 và ba nước châu Âu, Pháp, Đức và Anh vào ngày 16/09, đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc xác định những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Bối cảnh hiện nay có thuận lợi cho Việt Nam nếu tính đến việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ? Việt Nam sẽ được gì, mất gì nếu kiện ? Hà Nội có sẵn sàng nhân nhượng để lập mặt trận chung với Philippines đối phó Trung Quốc không ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon, Pháp, tiếp tục trả lời một số câu hỏi của RFI. Tạp chí Việt Nam hôm nay, 12/10/2020, giới thiệu Phần 2 - "Biển Đông : Lợi - thiệt gì nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa PCA ?". ***** RFI : Chúng ta đã đề cập phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 tác động như thế nào đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Giả  sử Việt Nam kiện những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế, Việt Nam có thể phản đối những điểm nào ? Laurent Gédéon : Cần phải nhắc lại một điểm thú vị, đó là dù không trực tiếp cùng Philippines tham gia kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2013, nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 05/12/2014, Việt Nam đã đệ trình lên Tòa một bản tuyên bố quyền lợi. Trong văn bản rất quan trọng này, Việt Nam yêu cầu Tòa PCA cân nhắc đến lập trường của Việt Nam ở bốn điểm. Thứ nhất là Hà Nội chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong thủ tục được tiến hành. Thứ hai, Việt Nam yêu cầu các lợi ích và quyền lợi của mình được bảo tồn trong quá trình xét xử vụ kiện. Thứ ba, Việt Nam ghi nhận rằng Philippines không yêu cầu Tòa PCA xem xét những vấn đề không thuộc thẩm quyền phán xét của Tòa, trong đó có vấn đề chủ quyền. Thứ tư, Hà Nội tái khẳng định bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong « đường 9 đoạn ». Bản tuyên bố quyền lợi này cũng nêu rõ rằng Việt Nam tuyên bố không một thực thể nào mà Philippines nêu trong đơn kiện có thể tạo các quyền hàng hải ở ngoài phạm vi 12 hải lý, nói một cách khác là chỉ liên quan đến vùng lãnh hải (12 hải lý) quanh mỗi thực thể. Cuối cùng, Việt Nam yêu cầu được nhận tất cả mọi bản sao tài liệu được sử dụng trong tiến trình trọng tài. Chúng ta thấy là năm 2014, Việt Nam đã tự can dự vào phạm vi tranh chấp có thể sẽ được đệ trình bởi vì Hà Nội đã chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực, tiếp theo là ngầm chấp nhận quyết định là không một thực thể nào hình thành được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và cho thấy là Tòa PCA không thể ra phán quyết về chủ quyền. Đó là những điểm mà Hà Nội chấp nhận đối với quần đảo Trường Sa, tương tự đối với Hoàng Sa. Nếu Việt Nam kiện những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực, theo ý kiến của tôi, Hà Nội có thể kiện ở hai điểm. Thứ nhất là những yêu sách lãnh hải của Trung Quốc nằm trong « đường 9 đoạn », cũng như khả năng yêu cầu Tòa PCA tái khẳng định tính chất bất hợp pháp của « đường 9 đoạn » này. Thứ hai, Hà Nội có thể yêu cầu Tòa lên án những hành động lấn chiếm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì bản đồ « đường 9 đoạn » do Bắc Kinh tự vẽ chồng lấn rất lớn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. RFI : Giả sử Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra phán quyết, phán quyết này sẽ tác động như thế nào đến những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ? Laurent Gédéon : Dựa vào những gì chúng ta vừa đề cập, sẽ không có hệ quả trực tiếp do thông thường Tòa Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền phán quyết về chủ quyền, vì thế chủ đề này sẽ vẫn tạm gác đó trong lúc chờ giải pháp chính trị. RFI : Ngày 13/07/2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ đề cập trực tiếp về những tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một lợi thế cho Việt Nam, hay ngược lại ? Laurent Gédéon : Có thể là có lợi nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Mỹ vì người ta vẫn thấy tính trung lập ban đầu của Mỹ về vấn đề quần đảo Trường Sa, cũng như Hoàng Sa, dần dần bị suy yếu. Cho đến năm 2020, Hoa Kỳ vẫn nói là không tuyên bố về vấn đề chủ quyền mà chỉ tuyên bố về nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải. Thế nhưng, vào ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, cũng như chủ quyền đối với các quần đảo là bất hợp pháp. Ông Pompeo cũng kêu gọi áp dụng phát quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ phát biểu về vấn đề chủ quyền. Nếu thêm những tuyên bố của Úc và Đức về vấn đề Biển Đông, có thể nói là trong bối cảnh mới này, Việt Nam có thể có lợi khi tái kích hoạt khía cạnh pháp lý và viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế về tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, hiện tại, bối cảnh trở nên thuận lợi bởi vì có ít nhất hai lý do, ngoài những yếu tố vừa nêu liên quan đến lập trường của Mỹ. Lý do thứ nhất là hiện giờ vị thế của Bắc Kinh đang suy yếu, cả về kinh tế lẫn hình ảnh. Về kinh tế, cuộc chiến thương mại gây thiệt hại rất nhiều cho Trung Quốc và tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bị tác động do những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thêm vào đó, phải kể đến các biện pháp của Washington chống tập đoàn công nghệ Hoa Vi (Huawei) : cấm thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là Hoa Vi bị cấm tham gia thị trường 5G ở châu Âu, cũng như là nhiều yếu tố khác. Hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới cũng bị xấu đi rõ rệt do các biện pháp trấn áp người biểu tình Hồng Kông, rồi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thêm vào đó là những nghi ngờ về nguồn gốc của virus corona, cũng như cách xử lý dịch của Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt. Yếu tố thứ hai là trên thế giới, vấn đề chủ quyền hàng hải ngày càng được các nước liên quan chú ý, lấy ví dụ tranh chấp giữa Pháp và Madagascar về quần đảo Eparses ở Ấn Độ Dương, hay tranh chấp giữa Pháp và đảo Maurice về đảo Tromelin. Qua đó, chúng ta thấy là không gian biển và sự phân chia chủ quyền giữa các nước hiện trở thành một mối bận tâm ngày càng lớn vì những thách thức địa chiến lược cũng như lợi ích địa-kinh tế. Trong bối cảnh chung đó, có lẽ Việt Nam sẽ quan tâm đến việc thể hiện thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trước cơ chế tài phán liên chính phủ, như Tòa Trọng Tài Thường Trực. Tuy nhiên, theo những điểm được nêu ở trên, trước khi tiến hành, Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ các câu hỏi muốn Tòa trả lời, bởi vì chúng ta đã thấy là trong phán quyết năm 2016, Tòa PCA đã trả lời một phần liên quan đến lập trường của Việt Nam khi bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, tương tự với một vài điểm trong lập trường của chính Việt Nam. RFI : Như vậy, Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về mặt pháp lý nếu có thêm đơn kiện của Việt Nam ? Laurent Gédéon : Theo tôi, lợi ích của việc viện đến một tòa án như vậy có lẽ là để tái khẳng định phán quyết lên án của Tòa PCA đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, như vậy gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong trường hợp này, Việt Nam cần tiếp tục đối thoại với Philippines và tránh đối đầu với Manila, bởi vì điều này cho phép hình thành một mặt trận ngoại giao, được củng cố hơn, thông qua các quyết định theo luật pháp quốc tế, và làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh. Điều này có nghĩa, theo tôi, dường như rất khó tìm ra được một giải pháp mà không phải đàm phán lâu dài trong bối cảnh Mỹ-Trung hiện rất căng thẳng. Người ta có thể hình dung ra là tình hình này trở nên xấu đi, theo hướng dẫn đến một cuộc xung đột công khai, ít nhiều giới hạn về quy mô, và có thể dẫn đến giả thuyết là Bắc Kinh rút lui, mở đường tiến cho các nước đối lập với Trung Quốc ở Biển Đông. Dĩ nhiên trường hợp như vậy, được cho là mang lại kết quả tích cực, sẽ buộc Bắc Kinh phải xem lại những yêu sách độc quyền và mở đường cho đối thoại trực tiếp. Nhưng để đạt được điều này, các tác nhân khác cũng phải đánh giá sự cạnh tranh giữa họ với nhau. Vì thế, căn cứ vào vấn đề những lợi ích đang bị đe dọa, vào số lượng phản ứng liên quan, có lẽ là hợp lý khi nghĩ rằng chỉ có thể tìm ra được các giải pháp trên cơ sở đàm phán đa phương và nhân nhượng - một kiểu nhân nhượng có thể thực hiện được, cũng như tính đến việc phân chia các vùng biển ở Biển Đông theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có nghĩa là những vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước liên quan. Trong trường hợp này, một phần các đảo của nước này có thể sẽ nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và quy chế của một số vùng khác cần được đàm phán. Chúng ta cũng có thể hình dung ra biện pháp đồng quản lý một số vùng biển và thực thể. Nhưng trong mọi trường hợp, thì vẫn có khả năng tìm ra được một giải pháp, dù là trong giả thuyết một cuộc xung đột vũ trang buộc một hoặc nhiều nước phải rút lui, hoặc trong trường hợp tự nguyện thương lượng. Tuy nhiên, giả thuyết thứ hai, về thương lượng, liên quan chặt chẽ đến việc Trung Quốc thay đổi lập trường. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc có sẵn sàng, hay có bị buộc phải thay đổi lập trường về Biển Đông hay không. RFI : Philippines yêu cầu đưa phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào đàm phán COC. Điểm này tác động thế nào đến lập trường của Việt Nam ? Laurent Gédéon : Vấn đề Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) khá là tế nhị so với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biên Đông (DOC năm 2002),  Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ mang tính ràng buộc đối với tất cả các bên. Có lẽ vì lý do đó mà COC tiêu tốn rất nhiều thời gian đàm phán ở cấp ASEAN và thực sự không có nhiều tiến triển về vấn đề này. Phía Philippines hoàn toàn có lợi nếu phán quyết của Tòa PCA được đưa vào Bộ Quy tắc Ứng xử nhưng hẳn Trung Quốc sẽ phản đối vì không có lợi cho Bắc Kinh. Về phía Việt Nam, có lẽ Hà Nội sẽ ủng hộ Philippines. Có thể về mặt ngoại giao, Việt Nam có lợi khi dựa nhiều hơn vào Philippines, tương tự như Manila dựa vào Hà Nội để cùng tăng cường lập trường của nhau. Nhưng điều này cũng có nghĩa là Việt Nam, đến lúc đó, có lẽ phải chấp nhận nguyên tắc nhân nhượng. Vì có được một mặt trận chung với Philippines, cũng như nếu Hà Nội chấp nhận đưa phán quyết của Tòa PCA vào đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thương lượng về quần đảo Trường Sa, trong khi lập trường ban đầu của Việt Nam, hiện vẫn được Hà Nội khẳng định, là toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Việt Nam. Qua tất cả những yếu tố trên, có thể cho rằng sẽ có khả năng đàm phán và có thể là Việt Nam chấp nhận lùi một bước trong lập trường của mình về vấn đề này. RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp. ***** Phần 1- Biển Đông: Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA và tác động đến Việt Nam

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Công nghệ cao : ARM vũ khí mới của Hoa Kỳ

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Sep 22, 2020 9:37


Kiểm soát công nghệ của thế kỷ 21 để triệt hạ Trung Quốc, đặt châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc vào thế “chư hầu” : Phải chăng Washington đang đạt gần đến đích sau vụ một công ty Mỹ thâu tóm một tập đoàn của Anh từ tay một nhà đầu tư Nhật Bản ? Ngày 13/09/2020 Nvidia thông báo chi ra 40 tỷ đô la để mua lại ARM từ tay chủ nhân là Softbank. ARM, Nvidia hay Softbank là ba cái tên xa lạ với hầu hết người tiêu dùng trên thế giới nhưng lại không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Mẫu số chung của ba tập đoàn nói trên là những con bọ chíp và họa đồ GPU đã trở thành “con tim và khối óc” của điện thoại di động, máy vi tính, máy chơi game và tất cả dụng cụ kết nối. Một vụ Big Bang trong thế giới công nghệ Có ít nhất ba yếu tố để quan tâm tới vụ công ty ARM của Anh một lần nữa đổi chủ. Nhà đầu tư Softbank năm 2016 mua lại công ty thiết kế bọ chíp này của Anh với giá 32 tỷ đô la và có lãi 8 tỷ khi bán lại cho tập đoàn Mỹ Nvidia bốn năm sau. Lý do ARM, trụ sở đặt tại Cambridge nơi được mệnh danh là thung lũng công nghệ của nước Anh, trong năm 2019 đã thiết kế 22,8 tỷ con bọ cho khách hàng ở khắp 5 châu trong đó có những tên tuổi lớn của Mỹ như chính bản thân Nvidia, hay Apple, Qualcomm, và các hãng khác trên thế giới như Hoa Vi, Samsung, Nokia … Bọ của ARMS nổi tiếng là hiệu quả và ít hao tốn năng lượng. Một lợi thế khác của tập đoàn Anh giúp cho Softbank lời 8 tỷ đô la trong 4 năm là “thế trung lập” của ARM nhờ vậy mà công ty này vẫn thịnh vượng trong cuộc chiến công nghệ giữa hai ông khổng lồ thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Vậy Nvidia có lợi gì khi mua lại ARM ? Đang dẫn đầu thị trường họa đồ GPU cho máy tính điện tử, không có Nvidia không thể có hình ảnh trên máy tính, điện thoại và cũng không thể có các trò chơi điện tử. Công ty Mỹ có trụ sở tại Santa Clara bang California này đang kiểm soát đến 80 % thị phần trên thế giới nhờ là một trong những tên tuổi hiếm hoi có thể xử lý cùng lúc “hàng tỷ dữ liệu”. Nhưng Nvidia nhìn xa hơn nữa và trông thấy những lợi thế một khi làm chủ được ARM : thứ nhất, củng cố thêm thế thượng phong trong hai lĩnh vực khác đó là trí thông minh nhân tạo (AI) và các data center tức là những trung tâm lưu trữ và xử ký các dữ liệu cho khách hàng, thứ hai, hãng Anh sẽ là một loại “vũ khí” giúp Nvidia qua mặt luôn cả một số đối thủ Mỹ như Intel hay AMD. ARM vũ khí hay cánh tay nối dài của Mỹ Lý do thứ nhì để chú ý đến vụ tập đoàn thiết kế bọ điện tử Anh một lần nữa đổi chủ là nhà đầu tư Nhật Bản Softbank không can thiệp vào các hoạt động vào chiến lược phát triển hay chính sách thương mại của ARM. Với Nvidia thì khác. Trả lời RFI Việt Ngữ chuyên gia về công nghệ mới Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, giảng dậy tại trường quân sự Saint-Cyr Coëtquidan giải thích về khác biệt giữa Softbank và Nvidia khi cùng muốn làm chủ ARM : Julien Nocetti : “ARM là một trong những tập đoàn có giá trị cuối cùng của Anh Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Tới nay công ty này vẫn trụ lại được trên vương quốc Anh cho dù đã bị tập đoàn Softbank của Nhật mua lại 100 % vốn từ năm 2016. Trong bốn năm qua tập đoàn Anh này vẫn làm chủ công nghệ của mình, vẫn giữ được công việc làm cho người Anh. Việc hãng của Mỹ Nvidia mua lại là một bước ngoặt quan trọng. Công nghệ ARM đang có trong nay mai sẽ bị dời sang Hoa Kỳ hay sang một quốc gia thứ ba nào đó, theo tôi là điều khó tránh khỏi. Ít nhất là một phần các hoạt động của ARM sẽ bị ảnh hưởng. Từ các nguồn nhân lực của ARM đến kỹ thuật rất cá biệt của công ty này đều do Mỹ kiểm soát. Đây thực sự là một mối đe dọa đến sự tự chủ về công nghệ của Vương Quốc Anh nói riêng, của châu Âu nói chung. Điều mâu thuẫn ở đây là chính phủ Anh đã phản ứng rất muộn màng. Luân Đôn gần như thờ ơ khi Nvidia bắt đầu thông báo kế hoạch mua lại ARM từ hồi tháng 7 vừa qua. Phải đợi đến khi ván gần như đã đóng thuyền thì chính giới và báo chí mới quan tâm đến hồ sơ nhậy cảm này. Điều đó thể hiện sự thờ ơ và chậm trễ của toàn châu Âu trong lĩnh vực công nghệ cao”. Thất bại ê chề của châu Âu Lý do thứ ba vụ ARM – Nvidia gây chú ý liên quan đến tính độc lập của châu Âu với Hoa Kỳ. Tập đoàn Mỹ trong tay chủ tịch tổng giám đốc Jen Hsun Huang tuy cam kết duy trì mô hình phát triển của ARM, và nhất là sẽ “tiếp tục đối xử một cách bình đẳng để phục vụ tất cả các khách hàng”, “duy trì các cơ sở và trung tâm nghiên cứu của ARM tại Cambridge”. Nhưng không có gì bảo đảm rằng Nvidia sẽ không giữ một số công nghệ của ARM cho riêng mình để thống lĩnh công nghệ AI hay quản lý dữ liệu. Đó là chưa kể kinh nghiệm cho thấy những hứa hẹn ban đầu từ phía các công ty muốn thâu tóm đối phương thường xuyên thường là “lời nói gió bay”. Chính đồng sáng lập viên ARM, Hermann Hauser đã lên tuyến đầu chống lại kế hoạch bán tập đoàn công nghệ bán dẫn uy tín nhất của vương quốc Anh cho Nvidia. Ông báo trước một “thảm họa” đối với nhân viên ARM và nhất là với ảnh hưởng của vương quốc Anh trong thế giới công nghệ mới. Chuyên gia Julien Nocetti xem thương vụ này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy cả Luân Đôn lẫn Bruxelles đều đang đầu hàng trên mặt trận công nghệ cao, tự đặt mình vào thế “chư hầu” của Mỹ : Julien Nocetti : “Chủ quyền về mặt công nghệ của châu Âu thực ra đã gặp trở ngại ngay từ đầu. Vố này chỉ là một đòn mới tấn thêm vào tham vọng đó của châu Âu mà thôi. Chúng ta biết rằng giới lãnh đạo châu Âu, Ủy Ban Châu Âu, liên tục nói tới một chiến lược tự chủ về mặt kỹ thuật số, về công nghệ cao … Nhưng rõ ràng lời nói không đi đôi với việc làm. Về mặt công nghiệp, kinh tế, chính trị và chiến lược, đây thực sự là một thất bại. Ngay cả về mặt biểu tượng, đây cũng là một thất bại ê chề. ARM là một con chim đầu đàn trong một lĩnh vực rất đặc biệt nhậy cảm liên quan đến chip điện tử, đến công nghệ bán dẫn. Với cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi nhẽ ra đó phải là một bài học thức tỉnh châu Âu. Chúng ta thấy công nghệ bán dẫn mang tính chất chiến lược cao độ và tương lai mạng 5G tùy thuộc vào những sản phẩm này tới mức độ nào. Vậy mà châu Âu vẫn để ARM lọt vào tay Mỹ. Nvidia mua lại tập đoàn của Anh sẽ cho phép Hoa Kỳ cầm dao đằng chuôi về mặt địa chính trị, địa chiến lược và giờ đây là cả về địa-kinh tế nữa. Washington chận trước các nước cờ của các tập đoàn Trung Quốc, đồng thời thách thức luôn cả châu Âu”. Đồng sáng lập viên ARM Hermann Hauser, một tiếng nói có uy tín tại vương quốc Anh, trong một bản kiến nghị kêu gọi chính quyền của thủ tướng Boris Johnson can thiệp bởi viễn cảnh Nvidia dời cơ sở của ARM sang Hoa Kỳ là điều “không tránh khỏi”. Luân Đôn “sẽ tính sao nếu như mỗi khi ARM ký hợp đồng với khách hàng đều phải hỏi ý Washington trước đã ?” Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, về công nghệ Mỹ-Trung hiện nay, “thế trung lập” của ARM có còn được bảo đảm khi đã thuộc về Mỹ ? Đó là chưa kể  một khi thủ tục hoàn tất, Hoa Kỳ sẽ độc quyền kiểm soát ba hãng lớn nhất trên thế giới trong ngành công nghệ bán dẫn : Nvidia, AMD và Intel. Chuyên gia Julien Nocetti trông thấy trước hậu quả tương lai từ việc ARM đổi chủ : Julien Nocettti : "Hậu quả về ngắn và trung hạn theo tôi sẽ hết sức lớn. Thương vụ này cộng thêm với những tuyên bố đột ngột và thô bạo của tổng thống Trump là một đòn đau tấn vào dây chuyền cung ứng toàn cầu. Mỹ ngày càng khẳng định logic đối đầu giữa một bên là công nghệ của Hoa Kỳ và bên kia là công nghệ của Trung Quốc. Rõ ràng là Mỹ đi theo chủ trương bảo hộ và khái niệm « địa – kinh tế » đang hình thành. Nhà Trắng có một tầm nhìn về lâu về dài, không chỉ để nhắm vào Trung Quốc mà để triệt hạ luôn cả các đối thủ tiềm tàng khác của Hoa Kỳ, cho dù là tổng thống Trump thường có những tuyên bố đôi khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Lập luận bảo vệ công việc làm cho 6.700 nhân viên ARM trên lãnh thổ Anh hay lá bài “chủ quyền quốc gia về mặt công nghệ cao” không có sức thuyết phục bằng 40 tỷ đô la Nvidia chịu xuất hầu bao để mua lại công ty bán dẫn số 1 này của Anh Quốc. Thêm vào đó Julien Nocetti lưu ý ngay cả chính phủ Anh cũng khó có thể ngăn chận thương vụ giữa ARM- Nvidia và Softbank bỏi vì ARM là một công ty tư nhân, vốn lại thuộc về một ông chủ Nhật Bản và bên mua vào là Mỹ. Rõ ràng là Mỹ đã có chính sách rất bài bản về giữ thế thượng phong trên tất cả mọi phương diện, mà ở đây là về mặt công nghệ cao. Trong khi đó thì châu Âu tuy nói rất nhiều về tham vọng “tự chủ về kỹ thuật số” nhưng cả Luân Đôn lẫn Bruxelles đều đã để một trong những công ty hàng đầu của mình lọt về tay Hoa Kỳ. Đành rằng Anh Quốc và châu Âu đang bị dịch Covid-19 chi phối và số tiền 40 tỷ đô la là rất lớn, hiếm một công ty hay một quỹ đầu tư nào tại Lục Địa Già dễ dàng bỏ ra. Thế nhưng vào lúc Liên Âu bơm thêm hàng ngàn tỷ euro để kích cầu khắc phục hậu quả virus corona gây nên, khó có thể tin rằng, châu Âu không có phương tiện tài chính để giữ ARM trong tầm kiểm soát của mình. Giải thích duy nhất về chiến lược của Liên Âu trong lĩnh vực công nghệ mới được giới trong ngành đưa ra là các nhà lãnh đạo châu Âu “bị cận thị” và đã không rút tỉa được bài học nào từ các đòn Washignton đang tấn vào Hoa Vi hay ZTE, từ thế áp đảo tuyệt đối của các đại tập đoàn Mỹ GAFAM.

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tạp chí tiêu điểm - Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Jul 30, 2020 11:50


Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng. Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, cục trưởng cục An Ninh Quốc Gia  (bộ Tư Pháp) John.C. Demers nêu rõ : « Văn phòng chưởng lý tòa sơ thẩm liên bang khu vực Đông Washington và cục An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An Ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…) Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ». Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo. Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả: « Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. » Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ? Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ». Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới. Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. » Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa. Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện. Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình. Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích : « Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ». Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu : « Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ». Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ? Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng. Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago. Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2. Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ». Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng. Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ? Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19. Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh. « Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại. Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc. Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ». Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

TẠP CHÍ VIỆT NAM
Tạp chí việt nam - Việt Nam : Đối tác châu Á quan trọng của Anh Quốc hậu Brexit

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Play Episode Listen Later Jul 27, 2020 9:32


Việt Nam là một đối tác quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh sau khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc điện đàm ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã khẳng định với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh niềm tin vào mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ còn được tăng cường và mở rộng trong thời gian tới. Cuộc điện đàm được tổ chức sau đúng một ngày bệnh nhân phi công người Anh về đến Luân Đôn sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài việc cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã hỗ trợ chữa cho các công dân Anh bị nhiễm virus corona và chúc mừng Việt Nam ứng phó thành công với dịch Covid-19, ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh đến tiềm năng quan hệ ngoại giao song phương, trong đó có hai lĩnh vực quan trọng : kinh tế - thương mại và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Vương quốc Anh là nhà đầu tư lớn thứ 15 vào Việt Nam. Trên trang The Diplomat ngày 30/04/2020, Thoi Nguyễn nhận định việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Anh mở rộng thị trường ngoài khu vực truyền thống. Trước hết là Việt Nam, với gần 98 triệu dân, trở thành một điểm đầu tư lý tưởng. Ngoài ra, Anh Quốc cũng muốn gia nhập Hiệp Định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu, mà Việt Nam, Canada, Úc và New Zealand nằm trong số 11 nước tham gia. Thông qua Việt Nam, Anh Quốc còn hy vọng thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, mà Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên năm 2020. Về vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải, Anh Quốc, thông qua lời ngoại trưởng Dominic Raab, tái khẳng định ủng hộ duy trì hòa bình, an ninh và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Quan hệ song phương Việt-Anh phát triển như thế nào ? Triển vọng hợp tác trong tương lai ra sao ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn anh Thoi Nguyễn, cộng tác viên báo The Diplomat, tại Luân Đôn. ***** RFI : Thưa anh Thoi Nguyễn, trong cuộc điện đàm ngày 13/07 vừa qua, ngoại trưởng hai nước Anh và Việt Nam đã tỏ ra hài lòng về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh trong 10 năm gần đây. Xin anh giải thích về mối quan hệ song phương này. Brexit có tác động đến mối quan hệ này không ? Thoi Nguyễn : Mối quan hệ song phương giữa Anh và Việt Nam đã có được những bước phát triển vượt bậc. Việc bộ trưởng Ngoại Giao Anh Raab đánh giá cao cuộc điện đàm với bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh vào ngày 13/07 vừa qua thể hiện Anh Quốc coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và những bước tiến vượt bậc trong thời gian qua. Theo quan điểm của tôi, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cho thấy Anh Quốc mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu Brexit. Vào tháng 07/2019, bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thăm Anh Quốc, và việc chọn Luân Đôn là địa điểm tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nước ngoài vào Việt Nam thể hiện hợp tác thương mại và tài chính giữa Việt Nam và Anh Quốc ngày càng tăng cường. Anh Quốc rất ủng hộ Việt Nam thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài FDI. Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Anh trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Thái Lan, về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 0,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Quan hệ thương mại song phương đạt 4,53 tỷ USD (2,09%) trong năm 2019. Về đầu tư, đến hết tháng 08/2019, Vương quốc Anh đã có 366 dự án đầu tư với số vốn 3,64 tỷ USD, đứng 15/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Hàng năm có rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở Anh. Anh hỗ trợ các nỗ lực nâng cao trình độ cho các giáo viên dạy tiếng Anh và Chiến lược dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh tầm nhìn 2020 của Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp tất cả ở nhiều lĩnh vực. Anh đang tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu dịch vụ tài chính, công nghệ, giáo dục : ba lĩnh vực mạnh nhất của Anh. Brexit chỉ mới xảy ra khi quan hệ giữa hai nước phát triển. Brexit là một điểm khởi đầu mới của nước Anh và cơ hội cho những mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Anh, theo quan điểm của tôi sẽ sáng sủa hơn sau Brexit. RFI : Ngoại trưởng Anh nhắc đến thỏa thuận thương mại đang được hai bên đàm phán. Nếu được ký kết, thỏa thuận này có ý nghĩa như nào đối với Luân Đôn và Hà Nội ? Luân Đôn cũng cho biết muốn tham gia hiệp định CPTPP, Việt Nam có thể giúp gì được Anh trong hồ sơ này ? Thoi Nguyễn : Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và đang nhắm tới các thị trường mới đặc biệt ở Châu Á-Thái Bình Dương, thông qua chiến lược toàn cầu. Brexit có thể mở ra cơ hội mới cho Anh. Bộ trưởng của Khối Thịnh Vượng Anh Mark Field cho rằng Anh Quốc đang tìm cách để tham gia Hiệp Định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận hai vai trò kép, vừa là ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vừa là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này chứng tỏ rằng Việt Nam là một nước đang có vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng trong khu vực. Thông qua chính sách ngoại giao rộng mở, Anh muốn Việt Nam hỗ trợ Anh tham gia Hiệp định thương mại tự do này. Nhật Bản, một thành viên của CPTPP đã lên tiếng ủng hộ Anh Quốc tham gia, tại sao Việt Nam lại không ? Tuy nhiên, theo tôi, sẽ mất rất nhiều thời gian để Anh Quốc chính thức tham gia khối thương mại tự do này. RFI : Về mặt an ninh quốc phòng, có thể nói Anh là một bên năng động tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc rất hiếu chiến đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển này. Anh Quốc có thể tiếp tục tham gia không, trong khi mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang căng thẳng trong hồ sơ Hoa Vi và Hồng Kông ? Thoi Nguyễn : Gần đây Trung Quốc rất hung hăng ở Biển Đông, mặc dù bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 và mối quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng về luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh đã áp đặt tại đặc khu này. Vào đầu tháng 04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đánh chìm vài tàu đánh cá Việt Nam; gần nơi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước gần quần đảo Hoàng Sa. Căng thẳng cứ tiếp tục leo thang đã khiến Mỹ điều hai tàu chiến sân bay USS Bunker Hill và USS Barry tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đang tiến hành tập trận chung tại Biển Đông. Anh Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ và bất hòa với Trung Quốc trước đây. Tất nhiên, Anh sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải để thách thức những tuyên bố bất hợp pháp đó, và sẽ tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh Quốc đã xem xét lại hồ sơ Hoa Vi (Huawei) một cách cứng rắn và nghiêm túc sau khi Washington ban hành lệnh trừng phạt. Vì vậy tôi không ngạc nhiên gì về việc Anh cấm Hoa Vi tung ra hệ thống mạng công nghệ 5G ở nước này, mặc dù nhiều nhà phân tích dự đoán việc trì hoãn dự án mang 5G của Hoa Vi sẽ khiến nền kinh tế Anh Quốc thiệt hại hơn 2,5 tỷ USD. RFI : Về vấn đề người Việt Nam nhập cư trái phép, liệu có thay đổi nào trong hồ sơ này sau khi Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ? Thoi Nguyễn : Anh Quốc đã rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, và điều đó để lại nhiều bất ngờ cho nhiều nhà phân tích, bình luận và chính trị ở châu Âu. Trong những ngày tháng đầu trong cuộc vận động rời khỏi khối Liên Hiệp Châu Âu, Boris Johnson, nguyên thị trưởng thủ đô Luân Đôn, dẫn đầu bên « Rời » đã nắm được thị hiếu và nguyện vọng của người người bỏ phiếu ; bất mãn với bộ máy quan liêu và công chức ở Bruxelles. Đặc biệt, bên « Rời » lấy chủ đề người nhập cư ra là đề tài chủ yếu để Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Họ đã vận động giỏi và thành công. Theo nhiều nhà quan sát đánh giá, chính phủ Anh hiện tại của đảng Bảo Thủ do thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo có theo đuổi chủ nghĩa dân túy và thành viên nội các toàn là người có ý tưởng chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh nghiêm túc và ngăn ngừa những người nhập cư trái phép. Vì thế, tôi nhận định rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong vấn đề người nhập cư, đặc biệt người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh. Hơn nữa, sự kiện đau buồn 39 người Việt chết trong chiếc xe tải đông lạnh vào tháng 10/2019 là một hồi chuông cảnh báo cho những nhà chức trách Anh xem lại vấn đề nhập cư trái phép và cải cách hệ thống tị nạn trong thời gian tới. Gần đây, bộ trưởng Nội Vụ Piri Patel đã thảo luận với người đồng nhiệm Pháp Gérald Darmanin để đưa ra những biện pháp cứng rắn, ngăn ngừa người nhập cư bất hợp pháp vượt biên từ Pháp qua Anh. Hai bên đã ký một thỏa thuận thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo, tập hợp dữ liệu về các băng đảng tội phạm chịu trách nhiệm cho người vượt biên qua Anh trái phép. Vì thế, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới. Chính phủ Anh cũng đang hợp tác với chính phủ Việt Nam để ngăn ngừa những người bất hợp pháp từ Việt Nam qua Anh. Hàng năm, chính phủ Anh có tài trợ các dự án, các chương trình để cho người Việt nhận thức về nạn buôn người, những trẻ em ở tuổi vị thành niên qua Anh đi làm. Theo tôi được biết, qua báo đài và tin tức, chính phủ Anh đang cố gắng hỗ trợ về mặt tài chính, kinh tế, cũng như là những biện pháp kỹ thuật để cho chính phủ Việt Nam có thế chống đối nạn buôn người và nạn nhập cư bất hợp pháp qua bên Anh. RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn anh Thoi Nguyễn, cộng tác viên báo The Diplomat, tại Luân Đôn.

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tạp chí tiêu điểm - Trung Quốc và phương Tây : « Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Play Episode Listen Later Jul 23, 2020 11:02


Trung Quốc đang là tâm điểm của mọi căng thẳng với phương Tây. Chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh mở nhiều mặt trận đối đầu với Mỹ, Canada, Úc, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, kể cả với Ấn Độ vì những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cuộc chiến 5G còn làm cho mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây thêm phần gay gắt. Phải chăng chiến tranh lạnh mới, như người ta dự đoán từ nhiều năm, giờ đã khai diễn? Trung Quốc đe bên ngoài để « rắn » bên trong Những căng thẳng ngoại giao do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây ra vẫn còn chưa tạm lắng, và bất chấp những cảnh báo của nhiều nước phương Tây về những hậu quả có thể có cho Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh kiên quyết áp đặt luật an ninh mới lên đặc khu hành chính này. Phương Tây dồn dập lên án Trung Quốc đã vi phạm cam kết « Một quốc gia, Hai chế độ » do chính Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc trao trả thuộc địa năm 1997. Úc, Canada và Anh Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu. Căng thẳng còn gia tăng thêm một nấc khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đi xa hơn với những tuyên bố cứng rắn, cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng 3,5 triệu km2 mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines… là « bất hợp pháp ». Trước đó, quân đội Trung Quốc còn đối đầu với Ấn Độ ở vùng cao nguyên Ladakh, trên dãy Himalaya. Những cuộc va chạm đẫm máu đã làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ ở cả hai phía. Ông Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo Paris, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài RFI, nhận định rằng những sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để khẳng định thế cường quốc:  « Chúng ta hoàn toàn trong một logic chiến tranh, nghĩa là lợi dụng dịch Covid-19, chúng ta thấy là tầu chiến Trung Quốc đối đầu với tầu chiến Đài Loan, hay như quý vị đã biết cách đây ba tuần hay một tháng, nhiều cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chỉ là một vài yếu tố trong nhiều yếu tố khác. Quả thật chính quyền Trung Quốc đã trở nên cực đoan hơn và điều này được thể hiện bằng một quyết định về mặt tư pháp là áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia. Đạo luật này trên thực tế còn vượt ngoài khuôn khổ Hồng Kông, được áp đặt cho cả nước Trung Quốc. Vì sao ? Bởi vì những gì truyền thông phương Tây chưa nói hết chính là Trung Quốc, do đại dịch Covid-19, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Thế nên chính quyền Bắc Kinh tìm cách ngăn ngừa mọi mầm mống phản đối trong những tuần hay những tháng sắp tới. » Hoa Vi : Tai mắt bên ngoài cho chính phủ Trung Quốc ? Cuộc chiến 5G mà Hoa Vi – Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc – trong tầm ngắm, còn làm cho cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Giới quan sát không ngần ngại ví cuộc đối đầu này như là một cuộc "chiến tranh lạnh mới". Nước Anh, dưới áp lực của Mỹ, sau một thời gian do dự đã quyết định đi theo các nước còn lại trong nhóm Five Eyes (Anh, Úc, Canada, New Zealand, Mỹ), gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi dự án phát triển mạng 5G, được cho là có một vai trò chiến lược cốt lõi cho các nền kinh tế trong tương lai. Nước Pháp trong thế « đu dây » thì tuyên bố nhẹ nhàng hơn « không hoàn toàn cấm Hoa Vi », nhưng không triển hạn giấy phép tạm thời từ 3-8 năm cho những hãng khai thác viễn thông nào đã sử dụng các trang thiết bị của Hoa Vi. Vì sao như vậy ? Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Hoa Vi có tham gia vào các hoạt động dọ thám cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông Emmanuel Lincot, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Atlantico, nhắc lại trong một bài viết đăng hồi tháng 11/2018, tờ The Australian dẫn một số nguồn tin từ các cơ quan tình báo Úc xác nhận Hoa Vi đã cung cấp mã khóa và các dữ liệu đăng nhập cho cơ quan tình báo Trung Quốc, cho phép họ thâm nhập vào một « hệ thống mạng nước ngoài ». Những cáo buộc mà bà Chunyan Li, sáng lập viên Feida Consulting, trong chương trình Tranh Luận của kênh truyền hình quốc tế France 24, đã mạnh mẽ phản bác, cho rằng vụ việc đã bị chính trị hóa: « Tôi cho rằng đằng sau những quyết định này còn có một thách thức chính trị giữa các nước khác nhau. Bởi vì quốc gia nào cũng có các cơ quan tình báo riêng của mình, và chẳng qua là nước này có nhiều phương tiện hơn nước khác mà thôi. Trên các kênh truyền thông phương Tây, người ta nghe nói nhiều về Hoa Vi, họ cáo buộc Hoa Vi có hoạt động dọ thám hay nhiều vấn đề an ninh khác nữa. Nhưng cho đến tận lúc này, người ta cũng chưa có được một bằng chứng nào về mối lo đó. Nếu chúng ta có thể nói đến các vụ Snowden, Facebook…, liệu các doanh nghiệp Mỹ có mang lại nhiều an toàn và có sẽ trấn an chúng ta được về tính bảo mật các dữ liệu hơn là các hãng Trung Quốc hay không ? Tôi nghĩ là câu trả lời không dễ chút nào, tuyệt đối là sẽ không rõ ràng. Theo tôi, vụ việc này đã bị chính trị hóa. » Ba lý do Ông Bruno Tertrais, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cũng trong chương trình Tranh Luận của France 24, không đồng tình với quan điểm của bà Chunyan Li. Ông đưa ra ba lý do giải thích cho sự quay ngoắc 180° của chính phủ Luân Đôn đối với Hoa Vi: « Thật ra theo tôi, có ba lý do để giải thích cho thái độ quay ngoắc 180° của nước Anh. Thứ nhất, không nên bỏ qua bối cảnh. Chúng ta nói nhiều đến Hồng Kông. Đặc khu hành chính này là một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm đối với Anh Quốc. Chúng ta biết rõ là Vương Quốc Anh đã có phản ứng nhanh chóng sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua, nhanh hơn rất nhiều so với các nước còn lại của châu Âu. Và điều đó đã tạo ra một bối cảnh bất lợi cho các mối quan hệ với Bắc Kinh. Lý do thứ hai mang tính chính trị, nhưng theo nghĩa an ninh mạng. Nói một cách khác, đấy không chỉ đơn giản là một nguy cơ gián điệp, các cơ quan điều phối viễn thông của Anh Quốc đánh giá là các trang thiết bị của Hoa Vi chưa đủ bảo đảm về an ninh, nếu phải trao cho Hoa Vi chiếc chìa khóa 5G của nước Anh. Yếu tố thứ ba, và tôi chỉ xếp yếu tố này vào hàng thứ ba, quả thật đó còn vì mối quan hệ với Mỹ, và ở đây đúng là một quyết định chính trị, và có thể bàn cãi thêm. Có thể là hơi thực dụng, nhưng dẫu sao đó cũng là một quyết định chiến lược – chính trị. Ngay khi Hoa Kỳ đã chọn một hướng đi, Vương Quốc Anh cho rằng đi theo cùng một hướng với Hoa Kỳ chưa hẳn là tồi. » Theo phương Tây, việc Hoa Vi có liên kết với các hoạt động của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc là chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong một chế độ độc tài do Đảng-Nhà Nước kiểm soát, ranh giới giữa lĩnh vực dân sự và quân sự gần như là không có. Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục Châu Á cho nhật báo Công Giáo La Croix, cũng trên kênh France 24 nhận xét thêm rằng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông còn làm gia tăng thêm nỗi ngờ vực về mối liên hệ giữa Hoa Vi với chế độ cộng sản Trung Quốc: « Con virus này đã là một chiếc máy gia tốc thảm hại cho Hồng Kông, bởi vì Trung Quốc đã thật sự gia tăng gây áp lực. Dịch Covid-19 đồng thời cũng làm gia tăng mối nghi kỵ từ thế giới phương Tây : Úc, New Zealand, Canada… về những phương thức vận hành của Trung Quốc. Đối với vụ Hoa Vi, cần phải cẩn trọng trong các cuộc đối đầu, bởi vì nếu công khai chỉ trích Hoa Vi, quý vị có thể bị kiện về tội vu khống. Ở đây, doanh nghiệp Trung Quốc đương nhiên trong tình trạng hiện nay còn có nghĩa vụ phải tuân thủ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc nữa. Và nếu chính quyền nước này đòi phải cung cấp bất kể gì đi chăng nữa, thì doanh nghiệp này buộc phải thực hiện mệnh lệnh này. » Chip bán dẫn : Đòn giáng « chí tử » của Mỹ nhắm vào Hoa Vi ? Đại dịch Covid-19 đã làm cho phương Tây mở mắt trước mối họa của chế độ độc tài Trung Quốc và các nước châu Âu bắt đầu có những phản ứng mạnh. Cuộc chiến 5G này còn thêm phần gây cấn khi hãng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufactoring Company) – hãng sản xuất con chip bán dẫn điện tử hàng đầu thế giới – ngày 16/07/2020 thông báo trước mối nguy bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu ngưng nhận đơn đặt hàng cung cấp chip điện tử cho Hoa Vi kể từ trung tuần tháng 5. Nếu như trên đài France 24, bà Chunyan Li không ngớt lời ca ngợi kỳ tích của Hoa Vi, bỏ xa các nước khác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông từ 2-3 năm, thì quyết định này của TSMC đang đe dọa đến sự sống còn của Hoa Vi, bởi vì nguồn cung ứng thay thế là rất hiếm. Theo báo Pháp Le Monde ngày 21/07/2020, ngoài TSMC, trên thế giới hiện chỉ có Samsung là đủ khả năng sản xuất loại chip điện tử Kirin dùng để sản xuất các loại điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 thông báo trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng các linh kiện của Mỹ để bán cho Hoa Vi. Giải pháp duy nhất cho Hoa Vi là quay về với hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) ở trong nước. Thế nhưng, công nghệ của hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc này chỉ có khả năng khắc những con chip silicium có độ mỏng 14 nanomet so với những con chip mỏng 5 nanomet của Đài Loan và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bị chậm đến 4 năm. Như để chặn mọi đường tiến của Hoa Vi, chính quyền Donald Trump còn gây áp lực với Hà Lan để hãng ASML không bán cho SMIC của Trung Quốc các loại máy móc tân tiến nhất để khắc những loại chip điện tử thế hệ mới. Câu hỏi lớn nhất hiện nay : Hoa Kỳ còn những chiêu bài nào để chống Hoa Vi ? Liệu rằng với những đòn này, Hoa Kỳ cũng như phương Tây có chặn được tham vọng Made in China 2025, theo đó 80% các sản phẩm trong mười lĩnh vực chủ chốt sẽ phải được sản xuất ở Trung Quốc ?

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Bị loại khỏi mạng 5G của Anh, Hoa Vi chờ thời

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jul 21, 2020 9:28


Loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ 5G của Anh là một quyết định dứt khoát về chính trị của Luân Đôn, nhưng Bắc Kinh và tập đoàn viễn thông hàng đầu này của Trung Quốc biết « chờ thời ». Trên đây là phân tích của chuyên gia về an ninh mạng Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI. Ngày 14/07/2020, Luân Đôn viện lý do an ninh chính thức thông báo loại Hoa Vi ra khỏi mạng viễn thông thế hệ mới 5G. Từ đầu 2021, chính phủ Anh sẽ cấm mua thiết bị của Hoa Vi. Tất cả các trang thiết bị có mang nhãn hiệu Hoa Vi đã được cài đặt trên lãnh thổ Anh từ gần hai chục năm nay sẽ phải được dỡ bỏ trước năm 2027. Mới tháng Giêng vừa qua, chính quyền của thủ tướng Boris Johnson còn đồng ý để cho Hoa Vi tham gia đến 35 % vào các chương trình xây dựng mạng 5G của  Anh. Ba tuần trước quyết định dứt khoát nói trên, Hoa Vi vừa được giấy phép mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D tại South Cambridgeshire, ngay nơi được mệnh danh là Silicon Valley của Anh, cách thủ đô Luân Đôn khoảng hơn một giờ lái xe. Trong giai đoạn một của dự án, tập đoàn Trung Quốc dự trù đầu tư 1 tỷ bảng Anh, xây dựng cơ sở hơn 4.500 mét vuông, nơi hàng ngày sẽ có từ 300 đến 400 nhân viên lui tới. Một khi đi vào hoạt động trung tâm này sẽ trở thành « trụ sở của Hoa Vi trong lĩnh vực kết hợp công nghệ điện tử và cáp quang », như chính giải thích của phó chủ tịch Hoa Vi, Victor Zhang.    An ninh, tấm bình phong che đậy áp lực của Mỹ ? Vậy đâu là những động lực thúc đẩy quyền của thủ tướng Boris Johnson thay đổi ý kiến về Hoa Vi ? Lý do thứ nhất là an ninh, như điều đã được bộ trưởng Anh đặc trách về Văn Hóa và Công nghệ Số, Oliver Dowden giải thích khi thông báo quyết định cấm cửa Hoa Vi. Từ cuối 2019, chính Mỹ đã ráo riết gây áp lực với Luân Đôn và cảnh cáo nội các Johnson về nguy cơ Hoa Vi là tai mắt của Trung Quốc. Thế nhưng lập luận đó chưa đủ thuyết phục Anh Quốc đoạn tuyệt với Hoa Vi. Bằng chứng rõ rệt nhất là mới chỉ sáu tháng trước đây, nội các Boris Johnson đã cho phép Hoa Vi tham gia vào mạng 5G với hai điều kiện : một là sự phần đóng góp đó không được vượt ngưỡng 35 % và hai là không sử dụng thiết bị Hoa Vi « trong những khâu nhạy cảm nhất ». Thế nhưng việc Hoa Kỳ ngày càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Hoa Vi khiến Luân Đôn thay đổi chiến lược. Theo lời bộ trường Dowden, Hoa Vi một khi bị cấm dùng linh kiện của Mỹ sẽ phải cầu viện đến những nguồn cung cấp khác, đến những « công nghệ khác không đáng tin cậy ». Đó là một vấn đề đối với an ninh của bản thân nước Anh, như bộ trưởng Dowden ghi nhận. Áp lực chính trị nội bộ và cái giá phải trả Chính trị nội bộ Anh là lý do thứ hai khiến chính quyền Johnson thay đổi ý kiến về Hoa Vi, như phân tích của chuyên gia Nick Witney thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Châu Âu (European Council on Foreign Relations). Nghi ngờ Trung Quốc quản lý kém cỏi dịch Covid-19 để virus corona lan rộng ra toàn cầu, rồi luật an ninh quốc gia bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông, thuộc địa cũ của nước Anh, khiến tinh thần bài Trung Quốc tại Anh dâng cao. Áp lực của một nhóm nghị sĩ từ chính đảng Bảo Thủ đòi thủ tướng Boris Johnson phải có thái độ dứt khoát hơn với Trung Quốc ngày càng lớn. Có điều, như chính Luân Đôn đã nhìn nhận, loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ 5G có nghĩa là Anh Quốc sẽ chậm trễ trong việc triển khai mạng viễn thông đời mới và tốn kém phụ trội ước tính lên tới khoảng 2 tỷ bảng Anh. Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về an ninh mạng, Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI, giải thích thêm về những thử thách cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị đang chờ đợi Downing Street sau quyết định chia tay với Hoa Vi: « Hiện tại phần lớn các tập đoàn viễn thông Anh đều đã làm ăn với Hoa Vi. Có đến hai phần ba cơ sở hạ tầng viễn thông của British Telecom sử dụng thiết bị Hoa Vi cho các công nghệ 2 và 4G. Một phần ba hệ thống của nhà cung cấp mạng Vodafone cũng là của Hoa Vi. Nói chung, Anh Quốc lệ thuộc nhiều vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Khi Anh Quốc chuẩn bị phát triển mạng 5G, điều đó không có nghĩa là xóa đi tất cả để làm lại từ đầu, mà chỉ là nâng cấp những gì đã có sẵn. Thí dụ như dùng lại ăng –ten hay băng tần, thiết bị thu và phát sóng ... Quyết định phải dỡ bỏ hoàn toàn trang thiết bị của Hoa Vi, để sử dụng cơ sở hạ tầng của các đối tác khác, sẽ đặt ra vấn đề là tất cả các trang thiết bị đời mới, đời cũ có phù hợp để sử dụng cùng lúc với nhau hay không. Hơn nữa, dẹp bỏ hẳn mọi thiết bị Hoa Vi sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian với những chi phí tốn kém rất lớn. Ai đài thọ khoản phụ trội đó ? Đây là một quyết định mang tính chính trị đang gây căng thẳng giữa chính quyền của thủ tướng Boris Johnson với chính các tập đoàn viễn thông Anh ». Loại Hoa Vi rồi thì Anh Quốc có giải pháp thay thế nào khác hay không ? Julien Nocetti trả lời : « Chắc chắn là không thể trông chờ gì vào công nghệ của Mỹ, bởi vì trong lĩnh vực này Hoa Kỳ chưa hoàn toàn làm chủ tất cả các khâu của công nghệ 5G. Điều đó có nghĩa là Luân Đôn bắt buộc phải quay sang hai tập đoàn châu Âu là Ericsson và Nokia. Về mặt kỹ thuật, hai tập đoàn này đủ sức giúp Anh Quốc phát triển mạng lưới công nghệ thông tin thế hệ mới, nhưng thiết bị của hai tập đoàn châu Âu này đắt hơn nhiều so với của Hoa Vi. Phía Trung Quốc cố tình giữ giá rất thấp để đánh bại các đối thủ cạnh tranh.Tôi không dám chắc là Nokia và Ericsson sẽ giảm giá để tranh thủ được thêm thị trường Anh ». Một vố đau với Hoa Vi Dẫu sao đối với con chim đầu đàn trong ngành viễn thông Trung Quốc, việc bị loại khỏi thị trường Anh, dù mới chỉ là thông báo cho tới thời điểm này, cũng là một vố đau. Chính quyền Bắc Kinh một mặt tố cáo Luân Đôn « quỳ gối trước Hoa Kỳ », mặt khác đe dọa kiện Nokia và Ericsson, nếu Anh chọn hai tập đoàn châu Âu này để thế vào chỗ của Hoa Vi. Thế còn đối với bản thân Hoa Vi thì sao ? Chuyên gia Julien Nocetti viện IFRI của Pháp phân tích về nước cờ mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã hoạch định từ trước:    " Hoa Vi đã hiện diện từ lâu nay tại Vương quốc Anh, từ 20 năm nay, nếu tôi nhớ không nhầm. Đối với tập đoàn Trung Quốc này, Anh là đầu cầu trên con đường chinh phục các thị trường ở phương Tây, cho phép Hoa Vi thâm nhập các nước tư bản và cắm rễ vào châu Âu. Vì thế Hoa Vi đã đầu tư rất nhiều vào Anh Quốc, mở trung tâm nghiên cứu và kể cả một đơn vị chuyên về an ninh mạng. Chắc chắn là Hoa Vi đã thất vọng. Nhưng quyết định của Luân Đôn chưa chắc đã chận đứng tham vọng châu Âu của công ty Trung Quốc này. Bởi thứ nhất, 2027 là thời hạn khá dài, có thể có nhiều thay đổi về chính trị từ nay tới đó. Thứ hai nữa là Hoa Vi chắc chắn đã bắt đầu tính tới công nghệ của thế hệ tiếp theo, tức là mạng 6G và tập đoàn này sẽ dùng lợi thế đó của mình để thuyết phục phương Tây. Điểm thứ ba, là tới nay Pháp hay Đức không chịu nhiều áp lực của Mỹ như là Anh và đó là điều mà Hoa Vi cực lực khai thác. Chúng ta biết các nền dân chủ phương Tây cứ bốn hay 5 năm lại bầu cử một lần, các quyết định chính trị qua đó có thể thay đổi rất nhanh. Bắc Kinh cũng như tập đoàn Hoa Vi đều hiểu được điều này và thậm chí xem đấy là một trong những yếu tố trong chính sách của mình. Thành thử, theo tôi, ở thời điểm này, Hoa Vi vừa cố gắng giữ khoảng cách tối đa với chính quyền Trung Quốc, vừa tránh những tuyên bố dao to búa lớn với các nước phương Tây, để chờ thời. Song song với việc đó thì Hoa Vi đã có những chuẩn bị cho những nước cờ tiếp theo sau. Gió sẽ xoay chiều Quyết định loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ viễn thông của Anh vừa được thông báo chắc chắc không phải là tiếng nói sau cùng, hay là dấu chấm hết khép lại 2 thập niên Hoa Vi hiện diện tại Vương quốc Anh. Với tương lai bất định của Brexit và khủng hoảng kinh tế dịch Covid-19 gây nên, không chắc Luân Đôn sẽ đi đến cùng trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về mặt kinh tế và thương mại. Cũng cầm chắc rằng cả Bắc Kinh lẫn Hoa Vì đều không xem thông báo của bộ trưởng Oliver Dowden vừa qua là một quyết định kiểu « ván đã đóng thuyền », nhất là khi hồ sơ nhậy cảm này bao gồm cả nhiều yếu tố từ kinh tế, chính trị, cho đến chiến lược, an ninh … Một số nhà quan sát đã nêu lên khả năng Luân Đôn sẽ lại thay đổi ý kiến nếu như Nhà Trắng đổi chủ sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 tới đây.  

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc : Nói dễ, làm khó

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jul 7, 2020 9:01


Dùng đòn kinh tế để trả đũa Bắc Kinh sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung là một bàn thua được báo trước đối với chính quyền New Delhi. Trên đây là nhận định của nhà báo Patrick de Jacquelot, nguyên là phóng viên của báo kinh tế Les Echos tại Ấn Độ về chiến dịch vận động quần chúng « tuyên chiến » với hàng Made in China. Chỉ vài giờ sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung trong vùng thung lũng Ladakh trên dãy Himalaya, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các công ty và hàng Trung Quốc. Rồi lời nói đi đôi với hành động : Hình ảnh một cư dân tại bang Gujarat liệng màn hình tivi Made in China qua cửa sổ đã được truyền thông Ấn Độ loan tải ra khắp thế giới. Tại thủ đô New Delhi, một quan chức địa phương trên mạng xã hội Whatsapp « tuyên chiến » với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Một viên tướng về hưu xem việc tẩy chay hàng Trung Quốc là hình thức cụ thể nhất để « tấn công vào cột sống » của nước láng giềng muốn xâm lấn lãnh thổ của Ấn Độ. Cố gắng trả đũa để giữ thể diện quốc gia ? Về mặt chính thức, hai tuần sau vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya, New Delhi tìm nhiều cách để « trả đũa » Bắc Kinh. Biện pháp thứ nhất là ban hành lệnh cấm người dân Ấn Độ sử dụng 59 ứng dụng do các tập đoàn Trung Quốc cung cấp, trong lúc 65 % điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chỉ riêng ứng dụng chia sẻ video như TikTok cũng của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ và đây cũng là thị trường lớn nhất của TikTok ngoài Hoa lục.  Kế tới là việc tăng cường các hàng rào thuế quan nhắm vào 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Modi cũng đã « mạnh mẽ khuyến khích » cơ quan Nhà nước « giảm mức độ lệ thuộc » vào hàng Trung Quốc. Cổng mua bán trên mạng Government E-market của Nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp ghi rõ xuất xứ những mặt hàng bán ra ở địa chỉ này. Gần như cùng lúc, New Delhi tăng tốc thắt chặt luật đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là nhằm cản đường các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở thêm địa bàn trên xứ sở của Bollywood. Cũng chính quyền của thủ tướng Narendra Modi kêu gọi các tập đoàn viễn thông Ấn Độ « tránh » mua trang thiết bị của Hoa Vi. Một phương tiện khác nữa cho phép Ấn Độ « thọc gậy bánh xe » nước láng giềng là kéo dài thủ tục hành chính ở hải quan mỗi khi hàng của Trung Quốc cập các cảng Ấn Độ trước khi được chuyển đi tiếp sang một quốc gia thứ ba. Hiệu quả nào khi đang lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc về nhiều mặt ? Câu hỏi đặt ra liệu Ấn Độ có đủ sức dùng đòn kinh tế trả đũa Trung Quốc vụ giao tranh đẫm máu, cướp đi sinh mạng 20 quân nhân Ấn Độ ở đường biên giới chung giữa hai nước hay không ? RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà báo độc lập Patrick de Jacquelot của báo Asialyst. Ông từng là thông tín viên thường trực của nhật báo kinh tế Les Echos tại New Delhi trong nhiều năm. "Trao đổi mậu dịch Ấn-Trung cho đến năm 2019 là như sau : Ấn Độ xuất khẩu 16,3 tỷ đô la sang Trung Quốc và mua vào 65,3 tỷ hàng Trung Quốc. Như vậy Ấn Độ bị thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc gần 50 tỷ đô la và đó là một số tiền rất lớn. Nhìn qua, có vẻ như việc tẩy chay hàng Trung Quốc có hại cho phía Bắc Kinh. Sự thật hoàn toàn ngược lại bởi vì 14 % hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc. Trong chiều ngược lại thì Ấn Độ chỉ chiếm có từ 1 đến 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Thành thử Ấn Độ có tẩy chay hàng Trung Quốc đi chăng nữa, cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc không hề hấn gì bởi thị trường Ấn Độ không chiếm một vị trí quá lớn trong số những khách hàng của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, nếu Trung Quốc ngưng mua hàng của Ấn thì các công ty Ấn Độ sẽ rất kẹt". Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của Ấn Độ chỉ sau có Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Về thương mại, hai nước đông dân nhất địa cầu này rất cần lẫn nhau vậy về mặt cơ cấu đôi bên trao đổi với nhau những gì ? Patrick de Jacquelot đi sâu thêm vào chi tiết. "Có thể nói Ấn Độ chủ yếu bán nguyên liệu cho Trung Quốc và mua vào những mặt hàng có giá trị gia tăng. Thí dụ như bán sắt cho Trung Quốc nhưng mua vào thép, mua vào đồ điện và máy móc, vi tính… mà Trung Quốc làm ra. Những mặt hàng đó tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của mỗi người dân Ấn Độ. Nhìn đến công nghệ cao, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ. 80 % trang thiết bị năng lượng mặt trời của Ấn Độ được mua từ Trung Quốc ; 40 % trang thiết bị điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc và ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ lệ thuộc đến 25 % vào phụ tùng của Trung Quốc. Nói cách khác, cho dù là một ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng nếu không có Trung Quốc thì sẽ không có xe hơi Ấn Độ". Thỏa mãn niềm tự hào dân tộc Theo quan điểm của nhà báo Jacquelot, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ nhằm mục đích xoa dịu công luận Ấn Độ phẫn nộ vì cái chết của 20 người lính ở biên giới Ấn - Trung. Ông giải thích tiếp :   "Chẳng vậy mà từ khi New Delhi kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, chỉ trong vỏn vẹn khoảng một chục ngày, chính phủ đã hai lần nới lỏng biện pháp trả đũa Bắc Kinh gây hấn ở biên giới Ấn Trung. Hôm 30 tháng 6 chính quyền Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhắm vào các sản phẩm cần thiết nhất trong ngành dược phẩm. Tuy rằng đây là một công nghệ xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ nhưng các hãng dược phẩm Ấn lại lệ thuộc đến 60 % vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Cùng một ngày New Delhi cũng đã rút lại biện pháp đòi trừng phạt các tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Ấn Độ làm ăn với Trung Quốc. Các tên tuổi như Samsung, Honda hay Toyota bị đưa vào danh sách này nhưng trừng phạt các tập đoàn nói trên thì chính nền công nghiệp của Ấn Độ bị thiệt hại trước hết". Từ công nghệ cao cho đến dược phẩm và ngay cả những mặt hàng điện tử thông dụng nhất, hay đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đều cần Trung Quốc. Nhà báo Patrick de Jacquelot nhấn mạnh kinh tế không là yếu tố gây căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh. Xung đột giữa hai ông khổng lồ châu Á này nằm ở vế ngoại giao và tranh chấp lãnh thổ : "Vấn đề cốt lõi không nằm trong địa hạt kinh tế, mà xung đột Ấn - Trung thuộc về phạm trù ngoại giao và nhất là tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc hoàn toàn không có tranh chấp về kinh tế hay thương mại. Nếu như trong những ngày sắp tới New Delhi và Bắc Kinh thu xếp được với nhau để làm dịu tình hình, thì sẽ không còn mấy ai chú ý tới kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc nữa. Ngược lại, nếu tình hình xấu đi thêm Ấn Độ bắt buộc phải cứng giọng hơn nữa. Nhưng như tôi vừa trình bày, khả năng hành động của New Delhi về mặt này rất hạn hẹp. Về kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc đang cần lẫn nhau. Ấn Độ cần hàng của Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng không thể bỏ qua".      Tranh chấp lãnh thổ và lợi ích kinh tế  Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 máu lại đổ vì xung đột ở đường biên giới. Nhưng căng thẳng Ấn - Trung thì từ hơn 50 năm qua vẫn âm ỉ. Tình hình đã căng lên trở lại từ đầu tháng 5/2020 và đỉnh điểm là đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 khi hàng trăm binh lính đôi bên lao vào một trận giáp lá cà. Chuyên gia quân sự Abhijit Iyer Mitra thuộc Viện Nghiên Cứu về Hòa Bình và các cuộc Xung Đột  (IPCS) của Ấn Độ lưu ý tình hình tại biên giới Ấn - Trung nóng lên đúng vào lúc New Delhi vừa cấp giấy phép cho một tập đoàn Úc khoan ba đường hầm lớn trong khu vực thung lũng Ladakh, đồng thời chính quyền cũng đã bật đèn xanh cho các dự án xây dựng hơn 60 trục lộ dài tổng cộng hơn 3.300 cây số dọc theo đường biên giới Ấn - Trung. Tất cả các dự án đó cho phép Ấn Độ mở rộng cơ sở hạ tầng tại một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược này đối với Bắc Kinh. Đành rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có hiềm khích về kinh tế hay thương mại, nhưng dự án của New Delhi phát triển vùng thung lũng Ladakh tại một địa điểm nhậy cảm trên dãy Himalaya phần nào châm ngòi cho xung đột đẫm máu hôm 15/06/2020. Vấn đề còn lại là đôi bên liệu sẽ có dừng lại đúng lúc trước khi bước qua lằn ranh đỏ của một sự can thiệp quân sự hay không ?

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Nhật khẳng định vị trí trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jun 23, 2020 9:36


Covid-19 thách thức nỗ lực của thủ tướng Abe sưởi ấm quan hệ với đối tác thương mại quan trọng nhất là Trung Quốc. Tokyo có những lợi thế nào để duy trì được vị trí thứ ba trên bàn cờ kinh tế thế giới giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid-19 ? RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Céline Pajon, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI. Nhật Bản vốn đã trong thế bị động vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nay có nguy cơ bị virus corona cướp đi 20% GDP trong năm 2020. Từ 2019 các doanh nghiệp Nhật lao đao sau mỗi đợt Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc. Đến tháng 5 vừa qua, Nhật Bản chính thức lâm vào suy thoái, dưới tác động kép của dịch Covid-19 và biện pháp tăng thuế TVA từ 8 lên 10% kể từ mùa thu năm ngoái. Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu giảm mạnh. Chỉ số tin tưởng của các doanh nghiệp rơi xuống mức thấp nhất từ hơn một chục năm qua. Thêm vào đó là Thế Vận Hội Tokyo 2020 bị dời sang năm tới. Thiệt hại về tài chính qua đó không biết đâu mà lường. Theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Nhật, GDP trong quý 1/2020 giảm 3,4%. Lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm đi mất 1/3 do tác động đại dịch hoành hành trên toàn cầu, kinh tế Nhật Bản và của thế giới bị phong tỏa trong nhiều tuần lễ. Trong bối cảnh ảm đạm đó, chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe đã ban hành hai gói hỗ trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ đô la, tương đương với 40% GDP của nền kinh tế thứ ba trên thế giới này. Theo giới phân tích, mặc dù bị công luận trong nước chỉ trích là đã chậm ban hành các biện pháp chống dịch, Nhật Bản cũng từng trong hoàn cảnh thiếu hụt về khẩu trang như Trung Quốc và các nước phương Tây, nhưng nhìn chung, Tokyo đã  nhanh chóng khống chế được đà lây lan của virus corona với số ca tử vong rất thấp. Nhờ ghi được những bàn thắng quan trọng về mặt y tế, Nhật Bản củng cố thêm vai trò và uy tín sau đại dịch lần này. Đây là một bàn thắng quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm một thế đứng trên sân khấu chính trị và bàn cờ thương mại quốc tế giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. Nếu như Washington là điểm tựa về chiến lược và an ninh của Nhật Bản, thì ngược lại Bắc Kinh là đối tác không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của Tokyo. Ngoại giao kinh tế, lá chủ bài của Tokyo Trong một bài phân tích mang tựa đề « Nhật Bản đang trở lại sân khấu chính trị quốc tế ? » hôm 04/06/2020 trên trang mạng của nhà xuất bản Areion24 News, chuyên về địa chính trị, chuyên gia về Nhật Bản Céline Pajon thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp – IFRI đưa ra một số nhận định chính như sau : Covid-19 càng chứng minh Nhật Bản là một đối tác đáng tin cậy của thế giới, là một đối tác quan trọng của các nhà đầu tư quốc tế ngoài Trung Quốc. Virus corona càng cho thấy chiến lược của Tokyo nhằm « tạo một môi trường thuận lợi cho Nhật Bản trên trường quốc tế » là thượng sách. Có điều đại dịch lần này đẩy lùi viễn cảnh Nhật –Trung sưởi ấm quan hệ, mà đỉnh điểm là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình được dự trù vào tháng 4/2020. Chuyến đi Nhật rất được chờ đợi này của lãnh đạo Trung Quốc đã bị hoãn lại vô hạn định. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Nhật Bản thuộc viện nghiên cứu Pháp IFRI, Céline Pajon trước hết nhắc lại chiến lược đối ngoại của Tokyo, trong quá khứ đã liên tục dùng kinh tế để mở rộng ảnh hưởng : Céline Pajon: Nhật Bản đã khẳng định vị trí trên trường quốc tế sau Thế Chiến Thứ Hai chủ yếu qua con đường ngoại giao và kinh tế. Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, qua các chương trình viện trợ phát triển. Đến năm 1990, Tokyo trở thành nhà tài trợ số 1 trên thế giới. Nhờ lá bài này Nhật Bản đã thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á, rồi Nam Á. Đây chính là phương tiện cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản chinh phục các thị trường ở hải ngoại. Một trong những thị trường đầu tiên Nhật Bản dễ dàng chinh phục là Trung Quốc, kế tới mới đến lượt các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1990 trở đi, Nhật Bản bị cả đồng minh Hoa Kỳ lẫn các đối tác thương mại châu Âu chỉ trích ít tham gia vào công cuộc gìn giữ an ninh và hòa bình cho thế giới. Kết hợp An ninh và Kinh tế  Gần với chúng ta hơn, Nhật Bản trong giai đoạn ổn định về chính trị hiếm có từ năm 2012 khi ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền. Ông chủ trương phát huy nhã quan của Nhật Bản về trật tự thế giới, đẩy mạnh vai trò của Tokyo trong bối cảnh hiềm khích Mỹ-Trung gia tăng. Hai bằng chứng cụ thể nhất minh họa cho chính sách này là khái niệm thành lập một vùng « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở » cũng như qua vai trò của Tokyo với hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Céline Pajon trong bài tham luận không quên nhắc lại rằng, các nước cờ của chính quyền Abe đều theo đuổi mục đích làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bà giải thích thêm với RFI Việt Ngữ : Céline Pajon: Năm 2016, thủ tướng Shinzo Abe chủ trương xây dựng một vùng « Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Ít khi nào Nhật Bản đưa ra những khái niệm to tát như vậy. Đây là một ngoại lệ và chiến lược này bao gồm nhiều vế. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đề ra những mục tiêu như  đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng giữa các thành viên trong vùng, mở rộng mạng kết nối, nói một cách dễ hiểu là phát triển mạng internet và công nghệ số trong khu vực. Về mặt an ninh, Tokyo tăng cường khả năng phòng thủ trên biển và quyền tự do giao thông hàng hải. Chiến lược của thủ tướng Abe mở rộng tử Ấn Độ Dương đến Biển Đông, bao gồm luôn cả một số vùng ở bờ tây Châu Phi. Song song với những bước vừa nêu ,chúng ta đã thấy Nhật Bản thay thế vai trò đầu tầu của Mỹ để cứu hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi TPP. Nói cách khác, hai vế chiến lược và kinh tế đi liền với nhau trong nhãn quan của thủ tướng Abe. Vẫn theo chuyên gia về Nhật Bản Céline Pajon, chính sách đối ngoại của Tokyo rất thực tiễn cho dù Nhật Bản luôn trong thế đi dây giữa một bên là đồng minh chiến lược và bên kia là đối tác không thể thiếu về kinh tế và thương mại :   Céline Pajon: Nhật Bản không thoải mái chút nào và luôn tìm một thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Về mặt an ninh, Tokyo lệ thuộc vào Washington, thế nhưng kinh tế Nhật lại tùy thuộc vào Trung Quốc. Thành thử chính quyền Abe luôn phải tìm những giải pháp thỏa hiệp giữa một bên là an ninh, chiến lược và bên kia là quyền lợi kinh tế. Đừng quên rằng Nhật và Trung Quốc có nhiều bất đồng, kể cả tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Đông. Nhưng Tokyo vẫn nỗ lực sưởi ấm quan hệ với Bắc Kinh, cho dù đấy chỉ là một sự hòa hoãn bề ngoài. Cần nói thêm là chính quyền Abe rất thực tiễn và luôn xem phát triển kinh tế là một ưu tiên với Trung Quốc. Sức mạnh của Nhật sau Covid-19 Đành rằng, Covid-19 đã buộc phải hủy chuyến công du đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tokyo sau nhiều năm quan hệ song phương nguội lạnh. Nhưng trong mắt bà Pajon, quan hệ Nhật Trung rất phức tạp. Bắc Kinh đấu dịu vì tình thế và nhất là phải tìm một ngõ thoát trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa tới hồi kết. Nhưng tất cả những hiềm khích sâu xa giữa đôi bên, từ tranh chấp chủ quyền biển đảo, đến chủ đề nhậy cảm như quá khứ lịch sử, vẫn nguyên vẹn. Đó là chưa kể Tokyo đã mở rộng liên minh với cả từ Ấn Độ đến Úc … để làm đối trọng với Trung Quốc. Có điều như ghi nhận của chuyên gia IFRI, Nhật Bản cũng có « hướng đi riêng », không để hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ, hay đơn thuần là « cái loa » phóng thanh của Washignton : Céline Pajon: Với dịch Covid-19 lần này, Nhật Bản không thể phục hồi nếu không trông cậy vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta thấy rõ là về mặt công nghệ cao, Tokyo hoàn toàn ngả về phía Hoa Kỳ, đặc biệt là trong cách đối phó với Hoa Vi. Ngược lại chính phủ Nhật đã vô cùng thận trọng khi cần lên tiếng về luật an ninh Hồng Kông. Nhật Bản đã pha loãng tiếng nói của mình trong khuôn khổ tuyên bố chung của nhóm G7, tránh làm phật lòng Trung Quốc. Đây cũng là điểm mạnh của Nhật để giữ uy tín và vị trí của mình trên sân khấu quốc tế. Điều đó không cấm cản thủ tướng Shinzo Abe ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 vừa bùng phát ở Vũ Hán đã khẳng định « giảm bớt mức độ lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc » và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản di dời cơ sở khỏi Hoa Lục. Việt Nam, Philippines hay Ấn Độ là những bãi đáp được xem là có nhiều tiềm năng. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, chuyên gia Céline Pajon cho rằng, từ trước Covid-19, Nhật Bản đã thắt chặt quan hệ với các đối tác trong khu vực này cả về mặt an ninh lẫn kinh tế. Ba nước được quan tâm hơn cả là Việt Nam Philippines và Indonesia … Theo bà, Covid-19 không làm thay đổi chiến lược đó của Nhật Bản, đồng thời Tokyo có nhiều lợi thế để tiếp tục là một « cực » của thế giới trong tương lai.   Céline Pajon: Đòn bẩy kinh tế vẫn còn tính thời sự trong khuôn khổ chiến dịch vùng Ấn Độ Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». Chủ yếu là qua các dự án đầu tư của Nhật vào cơ sở hạ tầng. Cho dù ngân sách có bị sút giảm do tác động dịch Covid-19, Tokyo vẫn cố gắng hết sức và huy động các doanh nghiệp tư nhân để hiện diện ở nhiều nơi trong vùng. Kế tới Nhật Bản cũng đã mở rộng quan hệ đối tác với những nước như Úc hay Liên Hiệp Châu Âu. Vai trò của Nhật đã được củng cố thêm sau đại dịch. Tokyo chứng tỏ là một đối tác đáng tin cậy của thế giới và luôn chủ trương một thế giới đa cực. Về những nhược điểm của Nhật, dân số đang bị lão hóa và tăng trưởng sa sút vì virus corona là hai điểm chính. Nhưng trên mặt công nghệ cao thì Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế và nhất là Tokyo đang tập trung vào việc phát triển công nghệ tương lai.    Trong lúc Trung Quốc thâu tóm Biển Đông, thị uy trên Biển Hoa Đông, muốn kiểm soát luôn cả rặng Himalaya, chiến lược kết hợp kinh tế và chiến lược để củng cố vùng Ấn Độ Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » mang tính thời sự hơn bao giờ hết, và như chuyên gia Céline Pajon kết luận : Đây luôn là kim chỉ nam trong chính sách của Shinzo Abe. Covid-19 không làm thay đổi mục tiêu đó.  

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Liên Âu trước thách thức chủ quyền công nghệ và công nghiệp

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jun 16, 2020 9:30


Virus corona là cú hích thúc đẩy Bruxelles khẩn trương « giành lại chủ quyền » và « độc lập » cả từ công nghiệp, đến y tế và nhất là công nghệ cao. Dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt trang thiết bị, bảo hộ, dụng cụ y tế làm lộ rõ nhược điểm trong mô hình phát triển của Liên Hiệp Châu Âu. Trong gần hai tháng mùa xuân năm 2020, Pháp thiếu đủ mọi trang thiết bị y tế để đối phó với dịch Covid-19. Nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu từ Ý đến Tây Ban Nha, Pháp và cả Đức cùng nhiều nước Đông Âu đã phải ồ ạt nhập từ găng tay đến khẩu trang y tế của Trung Quốc. Việc Bruxelles ráo riết thúc đẩy kế hoạch phát triển một cách độc lập, đặc biệt là trong các ngành y dược là điều hiển nhiên. Phải chăng vì thế mà trong bài diễn văn tuyên bố giành được thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến chống virus corona hôm 14/06/2020, tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần nhấn mạnh Pháp cần đẩy mạnh đầu tư để có hẳn một chiến lược phát triển không lệ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào ngoài Liên Hiệp Châu Âu ít nhất trên bốn phương diện, « công nghệ cao, kỹ thuật số, công nghiệp và nông nghiệp », « củng cố một khối châu Âu độc lập » là điều cấp bách hơn bao giờ hết ? Một khái niệm ra đời trước Covid-19 Công bằng mà nói, Paris cũng như Liên Âu không đợi virus corona cảnh tỉnh về mức độ lệ thuộc vào một số nền kinh tế khác trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Ngày 07/02/2020 trong bài diễn văn đọc trước các thực tập sinh khóa 27 trường võ bị Ecole de Guerre, tổng thống Macron đã tuyên bố, cùng với « sức mạnh quân sự, sự tự chủ về kinh tế về công nghệ kỹ thuật số là những yếu tố bảo đảm cho một khối Liên Âu độc lập » . Một tuần lễ trước khi nước Pháp ban hành lệnh phong tỏa, tại Bruxelles, Ủy Ban Châu Âu trình bày chiến lược công nghiệp chung cho Liên Âu với mục tiêu « củng cố mức tự chủ về công nghiệp và trong những lĩnh vực chiến lược, đối phó với cạnh tranh gay gắt ở cấp quốc tế ». Để đạt đến đích, 27 thành viên châu Âu xác định được ba ưu tiên : nâng cao năng suất, tăng trưởng nhưng không gây thêm hiệu ứng nhà kính tàn phá môi trường, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển công nghệ kỹ thuật số. Ủy viên châu Âu đặc trách về thị trường nội địa Thierry Breton trong buổi giới thiệu với báo chí về chiến lược phát triển công nghiệp châu Âu cho giai đoạn 5 năm sắp tới đã lưu ý rằng « châu Âu phải luôn rộng mở nhưng sẽ không ngây thơ (…) và ở đó cạnh tranh phải được bình đẳng ». Theo giới phân tích, lời lẽ này nhắm vào những « tập đoàn cá mập của cả Trung Quốc lẫn của Mỹ ». Riêng đối với nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, trong bài tham luận đăng trên trang mạng của quỹ này hôm 19/05/2020, ông đã đặc biệt chú ý đến yếu tố « độc lập về mặt công nghệ của châu Âu ». Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia Darnis nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu của Pháp trong lĩnh vực này. « Quyền tự chủ về mặt công nghệ là một khái niệm xuất phát từ Pháp dưới thời tổng thống Jacques Chirac, đầu những năm 2000. Ban đầu khái niệm này chủ yếu bao hàm các lĩnh vực công nghệ không gian và quốc phòng. Trong một thời gian dài chỉ thỉnh thoảng người ta mới nhắc đến chiến lược tự chủ về công nghệ. Nhưng gần đây, ngày càng có nhiều lãnh đạo châu Âu quan tâm đến chủ đề này. Từ đó một số dự án chung châu Âu đã được cho ra đời. Điển hình là chương trình phát triển hệ định vị qua vệ tinh Galileo của châu Âu. Hồ sơ này lại càng được tăng tốc trong những tuần qua. Dịch Covid-19 cho thấy hơn bao giờ hết châu Âu cần phải độc lập về mặt công nghệ và ai cũng ý thức được điều đó ». Đến thời tổng thống Macron, điện Elysée đặt khả năng phòng thủ, sự tự chủ về kinh tế và về kỹ thuật số ngang hàng với nhau. Công nghệ cao và an ninh  Có ba thí dụ cụ thể gần đây nhất cho phép trả lời câu hỏi đơn giản: châu Âu định nghĩa như thế nào về quyền « tự chủ công nghệ và công nghiệp ». Thứ nhất, khi virus corona mới chỉ khoanh vùng ở Vũ Hán rồi Trung Quốc, nhiều nhà máy của tập đoàn sản xuất xe hơi Pháp Renault ở mãi tận Rumani hay Slovenia đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc hay làm việc bán thời gian vì phụ tùng từ Trung Quốc không chuyển sang kịp, làm gián đoạn chu kỳ sản xuất xe hơi mang nhãn hiệu Renault hay Daccia cũng thuộc về nhóm này. Các hãng xe của Đức cùng cảnh ngộ. Điều này thể hiện nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu khi không làm chủ toàn bộ dây chuyền cung ứng.   Thí dụ thứ hai, khi dịch bùng phát tại châu Âu, kể từ tháng 3/2020 hình ảnh Âu, Mỹ giành giật nhau những lô khẩu trang made in China, những chuyến bay chở trang thiết bị bảo hộ y tế từ Trung Quốc trở về được xem như thể vừa thực hiện một nhiệm vụ phi thường đã thực sự ám ảnh công luận châu Âu. Hai năm trước đó nhà máy sản xuất khẩu trang y tế Plaintel, vùng Côtes d’Armor – tây bắc nước Pháp, đã phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ, giá thành quá cao so với khẩu trang nhập từ Trung Quốc.   Thí dụ thứ ba cho thấy Pháp nói riêng và Liên Âu nói chung cần làm chủ các công nghệ kỹ thuật số vào lúc đã có đến 75-80% nhân viên tại nhiều công sở phải làm việc từ nhà trong thời gian các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được ban hành trên toàn quốc. Làm chủ được các cơ sở hạ tầng trong ngành công nghệ cao, viễn thông trong hoàn cảnh đó, như ghi nhận của chuyên gia Jean-Pierre Darnis, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp liên quan trực tiếp đến an ninh và sự sống còn của hơn 500 triệu dân trong Liên Hiệp Châu Âu:  « Rõ rệt nhất là châu Âu ngày càng quan tâm đến công nghệ kỹ thuật số, đến vấn đề quản lý một cách an toàn các dữ liệu cá nhân của các công dân châu Âu, các dữ liệu của các tập đoàn công nghiệp châu Âu. Liên Âu đã quá lệ thuộc vào các tập đoàn quản lý dữ liệu của nước ngoài. Dịch Covid-19 lần này cho thấy an ninh của Liên Hiệp Châu Âu tùy thuộc vào chiến lược tự chủ về công nghệ. Với khủng hoảng y tế lần này, rõ ràng là châu Âu không làm chủ hết tất cả các công đoạn từ việc thu thập cho đến quản lý các dữ liệu, để rồi ảnh hưởng luôn cả tới mặt y tế. Công nghiệp dược phẩm châu Âu đã phụ thuộc vào Trung Quốc. Cũng chính sự cạnh tranh của Trung Quốc là cú hích. Liên Âu thấy rõ là cần phải tự chủ hơn trong rất nhiều lĩnh vực, từ điện lực đến công nghệ không gian, từ quốc phòng đến viễn thông và đương nhiên là cả ngành dược phẩm, trang thiết bị y tế, đó là chưa kể tới hệ thống cung cấp lương thực thực phẩm. Có rất nhiều lĩnh vực đang mở ra trước mắt ».  Trên đài RFI Việt ngữ nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis lưu ý nếu như trong vế công nghiệp, châu Âu thận trọng với Trung Quốc thì ngược lại Mỹ mới là yếu tố đầu tiên thức tỉnh Bruxelles về nhu cầu độc lập trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số. Năm 2013, nước Đức, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, đã rúng động trước những tiết lộ từ Edward Snowden, theo đó « tai mắt của Mỹ » đã lọt vào đến tận bên trong nội các của thủ tướng Merkel, bản thân thủ tướng Đức cũng trực tiếp bị dọ thám. Theo chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược này của Pháp, đây là một khúc quanh quan trọng vì « liên quan đến từ quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận đến quyền lực chính trị của toàn khối Liên Âu ». Thách thức kép Gần đây hơn, tranh luận lại dấy lên trước dự án triển khai mạng 5G mà ở đó vai trò của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi thực sự là một thử thách kép đối với châu Âu : một là thách thức bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạ tầng cung cấp mạng, thu thập và quản lý các dữ liệu, và hai là bảo đảm một thế độc lập của Liên Hiệp Châu Âu giữa hai ông khổng lồ trong ngành là Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc các thành viên trong Liên Âu và cả Ủy Ban Châu Âu đều mạnh dạn thông báo những kế hoạch đầu tư tái thiết kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis cho rằng đây là thời cơ để « một số những tập đoàn công nghệ cao của Liên Âu cất cánh » : « Từ khóa ở đây là sự "tự chủ về công nghiệp" : trong quá khứ, châu Âu đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong các khâu từ thu thập đến quản lý các dữ liệu cá nhân và các dữ liệu công nghiệp. Nhưng từ tháng 2 vừa qua, Bruxelles đã nhận thấy rằng kết hợp công nghệ cao với việc quản lý các dữ liệu công nghiệp sẽ cho phép châu Âu có khả năng cạnh tranh rất lớn, kể cả với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Lấy thí dụ trong khủng hoảng Covid-19 lần này, nếu chúng ta có những dữ liệu về y tế ở cấp châu Âu, thì sẽ phân phối dụng cụ y tế, thuốc men cho các thành viên một cách hiệu quả hơn, chính sách dự báo sẽ chính xác hơn... Công nghệ data đó sẽ có lợi cả cho ngành bào chế thuốc, cho các bệnh viện, các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế. Ngay cả trong mục tiêu đối phó với đại dịch, làm chủ công nghệ số và các dữ liệu đang là chìa khóa để châu Âu độc lập về đủ mọi mặt ». Jean-Michel Dalle, giáo sư đại học Sorbonne, giám đốc điều hành trung tâm đào tạo trong lĩnh vực công nghệ mới Agoranov trên báo kinh tế Les Echos (ngày 16/06/2020) không ngần ngại cho rằng sau đại dịch Covid-19 nhân loại đang bước vào thời đại của « deeptech »  nghĩa là thời đại thuộc về « những công nghệ tiên tiến nhất và một số ít những tập đoàn, những tác nhân tham gia vào những công trình đó ». Khủng hoảng y tế còn chưa tới hồi kết năm nay cho thấy Pháp nói riêng, châu Âu nói chung « rõ ràng là không thể tự chủ nếu không kiểm soát được một số công nghệ ». Hiềm nỗi, trên mặt trận này theo giáo sư Dalle, Mỹ và Trung Quốc đang đi trước Liên Hiệp Châu.  Gần 70 năm sau ngày Cộng Đồng Than và Thép Châu Âu ra đời, đã đến lúc thành lập một « Cộng Đồng Châu Âu về deeptech (…) đây là điều mang tính sống còn » vì nếu không, chẳng bao lâu nữa châu Âu sẽ « mất tự do chọn lưa » khi phải dựa vào công nghệ của các nước bên ngoài mà trước mắt là Mỹ và Trung Quốc.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - 2020, cơ hội để kinh tế Đài Loan thoát Trung Quốc ?

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jun 9, 2020 9:17


Dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liệu có là động lực đẩy kinh tế Đài Loan tách xa hơn với Trung Quốc và làm tiêu tan chiến lược của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thôn tính Đài Bắc ? Thành tích y tế của Đài Loan chống virus corona khiến quốc tế chú ý nhiều đến hòn đảo nhỏ bé, chỉ cách Hoa lục có một eo biển 180 cây số. Báo chí phương Tây không ngớt ca ngợi Đài Bắc phản ứng nhanh và hiệu quả ngay từ khi dịch Covid-19 mới chớm bùng lên tại Vũ Hán, nhờ vậy, tương tự như tại Hàn Quốc, Đài Loan không phải áp dụng biện pháp phong tỏa làm gián đoạn các sinh hoạt kinh tế của 24 triệu dân. Virus corona không để lại tì vết cho Đài Loan Không chỉ thành công về mặt y tế khống chế dịch bệnh, mà dường như virus corona để lại rất ít tì vết kinh tế đối với « ông khổng lồ » công nghệ điện tử của thế giới này. Luôn bị Bắc Kinh xem là một tỉnh của Trung Quốc, Đài Loan là một trong số những « đại cường » kinh tế của châu Á, là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản. « Công nghệ điện tử » là lá bùa hộ mệnh của Đài Loan. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, một mình Đài Loàn kiểm soát 50 % thị trường thế giới, đem về 1/4 GDP cho hòn đảo này. Nhờ lĩnh vực này mà người lao động Đài Loan gần như không biết đến hai chữ thất nghiệp kể cả dưới tác động virus corona đem lại. Tăng trưởng của Đài Loan trong sáu tháng đầu 2020 không suy sụp. Phép lạ đó có được chủ yếu là nhờ một số tập đoàn Đài Loan, điển hình là Foxconn hay TSMC đang nắm giữ một phần lớn vận mệnh rất nhiều những tập đoàn công nghệ viễn thông kể cả của Mỹ lẫn Trung Quốc như giải thích của thông tín viên đài RFI Adrien Simorre từ Đài Bắc : "Ban đầu Đài Loan chuyên gia công cho các tập đoàn ngoại quốc, cho phép số này giảm các chi phí sản xuất. Nhưng với thời gian, công nghiệp của Đài Loan ngày càng tăng cấp, chen chân vào những lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn cao hơn. Trong những thập niên 1990-2000,  Đài Loan đẩy mạnh đầu tư vào Hoa lục, mở nhà máy tại Trung Quốc để tận dụng nhân công rẻ, và sản xuất với một quy mô lớn. Thí dụ như tập đoàn Foxconn hiện đang tuyển dụng hơn 1 triệu nhân viên ở Hoa lục. Trong khi đó, trên lãnh thổ Đài Loan, gần như không còn những cơ xưởng sản xuất máy vi tính cá nhân. Các nhà máy tại Đài Loan tập trung vào mảng linh kiện bán dẫn cao cấp".  Nắm giữ « chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21 » Đành rằng 80 % các phụ tùng trong điện thoại thông minh lưu hành trên thế giới đều có dấu ấn của Đài Loan, nhưng  phó chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Pháp tại Đài Bắc, Denis Forman, trên đài RFI lưu ý rằng, chiến lược phát triển công nghiệp của Đài Loan không được cân đối như của Hàn Quốc bởi : thứ nhất, ngoài lĩnh vực công nghiệp điện tử, đặc biệt là trên thị trường bán dẫn, chẳng mấy ai nhắc nhiều đến xe hơi hay các hãng đóng tàu Đài Loan. Thứ hai nữa, Đài Loan chỉ là một nhà cung cấp không thể thiếu của những tên tuổi từ Apple đến Hoa Vi nhưng lại không có những sản phẩm đã hoàn tất để đến tay người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất Đài Loan lệ thuộc vào các khách hàng nước ngoài và rất dễ bị động. Denis Forman nói rõ hơn về thế thượng phong của Đài Loan trong một lĩnh vực mà ông xem là « chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21 » : "Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực tin học. Tháng 3/2020, chỉ số ngoại thương của Đài Loan vẫn tăng so với cùng thời kỳ năm ngoái, cho dù cả thế giới bị đóng băng vì virus corona. Thành tích đó có được là nhờ xuất khẩu về điện tử. Thế mạnh của Đài Loan là đã nắm giữ một lĩnh vực then chốt. Chúng ta biết thị trường này đang phát triển và sẽ còn phát triển mạnh trong những năm sắp tới, với công nghệ 5G. Thí dụ như tập đoàn TSMC hiện đang là một trong hai nguồn cung cấp hàng đầu của thế giới, cùng với Samsung. Hai đại gia này bỏ lại rất xa các đối thủ khác ở phía sau, kể cả các tập đoàn Mỹ".    Tuy nhiên, thành công đó có được một phần nhờ vào hàng loạt các công xưởng của Đài Loan xây dựng tại Hoa lục. Nhiều tập đoàn, đứng đầu là Foxconn, đã mở những nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc để có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của hàng trăm khách hàng trên thế giới. Mathieu Duchâtel, giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện nghiên cứu Montaigne Paris, phân tích : "Đúng là Đài Loan đã tận dụng nhân lực dồi dào và nhân công rẻ của Trung Quốc để đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Thế nhưng, sản phẩm làm ra là để phục vụ các tập đoàn viễn thông và công nghệ cao như Apple của Mỹ hay Hoa Vi của Trung Quốc. Hãng Foxconn hay ông khổng lồ TSMC chẳng hạn hoàn toàn bị lệ thuộc vào hai khách hàng quan trọng nhất này. Đây chính là điểm yếu của mô hình Đài Loan. Chỉ cần Apple chọn một đối tác Trung Quốc để sản xuất tai nghe cho điện thoại iPhone cũng đủ để Foxconn trong thế bị động."    Yếu tố Trump Trong chiến lược phát triển đó, Đài Loan đã không ngờ đến « yếu tố Hoa Kỳ » và chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Càng gần cuối nhiệm kỳ chính quyền Trump càng quyết tâm ngăn chận Trung Quốc làm chủ những công nghệ cao, để trở thành những đối thủ cạnh trực tiếp với Mỹ. Những tập đoàn như TSMC hay Foxconn có hai khách hàng quan trọng nhất là Trung Quốc và Mỹ  lâm vào thế giữa hai làn đạn và bài toán càng thêm nan giải vì không thể thiên về một phe nào trong lúc chỉ riêng Hoa Vi mua vào 14 % hàng của TSMC ; hãng Mỹ Apple là 10 % và 60 % doanh thu của tập đoàn bán dẫn Đài Loan này lệ thuộc vào các khách hàng Mỹ. Đoán trước được cuộc đọ sức Mỹ-Trung có chiều hướng gia tăng, Đài Loan đã tự lo thân : trước dịch Covid-19, yếu tố Hoa Kỳ thúc đẩy Đài Bắc khuyến khích các doanh nghiệp di dời cơ sở khỏi Hoa lục trước hết là để tránh các đòn thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng Made in China. Giám đốc khoa châu Á viện nghiên cứu Montaigne Paris, Mathieu Duchâtel nhận định : "Chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn nắm bắt cơ hội cả về mặt chính trị lẫn thương mại để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên thật ra ngay từ khi các doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu di dời cơ sở sản xuất sang Hoa lục, thì chính quyền Đài Bắc luôn chủ trương giữ khoảng cách với Bắc Kinh, nhưng đôi khi đã gặp nhiều trở ngại, bởi vì Trung Quốc có quá nhiều lợi thế trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan. Nhưng ở thời điểm này, gió đã xoay chiều, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Đài Loan trở về nguyên quán, hoặc di dời cơ sở sang những quốc gia khác,hay xích lại gần với Mỹ và các hãng xưởng đã chóng thích nghi với tình huống, khi hướng tới đầu tư vào Việt Nam, Ấn Độ hay Hoa Kỳ, hoặc quay lại về Đài Loan".   Từ tháng 7/2019 chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đã có hẳn một kế hoạch giúp đỡ các công ty Đài Loan trở về nguyên quán (giảm thuế doanh nghiệp, cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, nới lỏng thủ tục tuyển dụng lao động nhập cư…). Tính đến tháng 5/2020 biện pháp này đã thuyết phục được 189 hãng đầu tư trở lại vào Đài Loan 23 tỷ đô la. Cùng thời kỳ, tổng đầu tư của Đài Loan vào Hoa lục giảm 50 % so với hồi năm 2018.   Cơ hội thoát Trung Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan đó là chưa kể Washington phá vỡ tham vọng của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thâu tóm Đài Loan. Mathieu Duchâtel giải thích : "Trung Quốc có hẳn chính sách chiêu dụ đầu tư của Đài Loan vào hoa Lục. Hiện tại có 2 triệu người Đài Loan làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 200 tỷ đô la một năm. Có mối liên hệ rất chặt chẽ trong ngành công nghệ điện tử, viễn thông của hai bên bờ eo biển Đài Loan. Kể cả trong chiến lược phát triển mạng 5G, cho tới rất gần đây, yếu tố chính trị chỉ có một chỗ đứng rất nhỏ trong các dự án hợp tác. Thế nhưng gần đây đã nảy sinh “yếu tố Hoa Kỳ” muốn ngăn cản Trung Quốc làm chủ một số những lĩnh vực công nghệ cao. Chính điều này đã buộc các tập đoàn Đài Loan đứng đầu là TSMC phải xét lại chiến lược phát triển, có nghĩa là vừa phải xích lại gần hơn với Mỹ. Ít ra là trong mảng công nghệ bán dẫn, Đài Loan không có thể còn tiếp tục trông cậy nhiều vào các đối tác Trung Quốc như từ trước tới nay nữa".   Xoa dịu Trump để tiếp tục làm ăn với Trung Quốc ? Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Foxconn cách nay hai năm và giờ đây đến lượt tập đoàn TSMC thông báo kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ đô la, mở nhà máy ngay tại Hoa Kỳ và tạo công việc làm cho dân Mỹ ? Trung tuần tháng 5/2020 TSMC rầm rộ thông báo kế hoạch đầu tư 12 tỷ đô la, mở cơ sở sản xuất bọ điện tử cao cấp tại bang Arizona, tạo công việc làm cho 1.600 người lao động Mỹ. Chương trình sẽ được khởi công vào sang năm và nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2024. Arizona luôn là một trong những bang có lá phiếu quyết định trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã rất hài lòng với dự án này. Có điều giới trong ngành đặt câu hỏi phải chăng trong tâm bão chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, TSMC tìm kế hoãn binh để  mặc cả với chính quyền Trump ? Tập đoàn Đài Loan này đầu tư vào Mỹ để đổi lại chờ đợi Nhà Trắng nới lỏng lệnh cấm giao dịch với Hoa Vi, đối tác nặng ký của TSMC. Tạp chí công nghệ điện tử EETimes của Mỹ trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư 12 tỷ đô la nói trên thuần túy mang tính chính trị. Nhìn vấn đề dưới góc độ lợi nhuận, năng suất thì dự án tại bang Arizona hoàn toàn không có cơ sở để được cho ra đời. Đó là chưa kể đến khả năng kế hoạch đầu tư vào Mỹ chết yểu vì với lý do « tình hình trên thị trường đã thay đổi ». Đây là kịch bản đang manh nha tại bang Wisconsin : Foxconn thông báo đang gặp nhiều trở ngại cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD tại Mỹ đã được khởi động từ năm 2018. Chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt trong buổi đặt viên đá đầu tiên cho công trình.   Thách thức đặt ra cho kinh tế Đài Loan là giữ được thế cân bằng tránh để mất một trong hai khách hàng nặng ký là Mỹ và Trung Quốc. 

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Thương mại Mỹ - Trung : Virus corona đổ thêm dầu vào lửa

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later May 19, 2020 9:34


Covid-19 cướp đi hào quang kinh tế của Hoa Kỳ và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu mà Trung Quốc đang là một mắt xích quan trọng bậc nhất. Bắc Kinh khó có thể tôn trọng thỏa thuận thương mại bán phần Mỹ-Trung, Washington càng có cơ hội thúc đẩy trở lại chiến tranh mậu dịch. Mục miêu lần này là triệt tiêu thế thượng phong của một số tập đoàn công nghệ cao Trung Quốc. Chiến tranh lạnh Mỹ - Trung không có dấu hiệu « tan băng ». Dịch Covid-19 đang làm suy yếu thêm thỏa thuận ngừng chiến song phương trên mặt trận mậu dịch ký kết ngày 15/01/2020. Cả Washignton lẫn Bắc Kinh cùng lớn tiếng đe dọa đối phương chấm dứt đối thoại. Mỹ dồn hỏa lực tấn công Về mặt chính thức, cho đến ngày 08/05/2020 đôi bên cùng tuyên bố tạo « điều kiện thuận lợi thực thi thỏa thuận sơ bộ nhằm đạt được những kết quả tích cực về kinh tế và thương mại », chấm dứt cuộc đọ sức kéo dài từ tháng 3/2018. Chỉ một tuần sau đó, tại Mỹ, dịch Covid-19 đẩy thêm vài triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp, những khó khăn kinh tế chồng chất đe dọa thêm khả năng tái đắc cử của Donald Trump, Nhà Trắng dường như đã thay đổi hẳn quan điểm. Trên đài truyền hình Fox News, Donald Trump dọa Trung Quốc « phải mua (hàng Mỹ), nếu không chấm dứt thỏa thuận », Washington sẽ « đánh thuế vào các doanh nghiệp Mỹ nếu số này sản xuất hàng ở nước ngoài » thậm chí là cũng có thể « cắt đứt giao thương » với Bắc Kinh, tránh được thâm hụt mậu dịch « 500 tỷ đô la ». Sau nhiều lần ca ngợi « bạn hiền » Tập Cận Bình, giờ đây nguyên thủ Mỹ tuyên bố « hiện tại không muốn nói chuyện » với lãnh đạo Trung Quốc. Cùng lúc, ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh đến sự cần thiết cấp bách để Hoa Kỳ « độc lập về mặt kinh tế », đầu tiên hết là chấm dứt sự lệ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào khiến Mỹ dồn dập tấn công Trung Quốc ở vào thời điểm này ? Trả lời RFI Việt ngữ nhà nghiên cứu Jean-François Boittin, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) và Trung Tâm  Nghiên Cứu Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) của Pháp, cho rằng Covid-19 đang đặt ra một thách thức rất lớn cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc do vậy đôi bên cùng vừa phải đối phó với khủng hoảng, vừa tìm cách đổ lỗi cho đối phương để « chạy tội » với công luận trong nước : Jean-François Boittin : « Có hai chuyện liên hệ chặt chẽ với nhau trong câu hỏi này. Một mặt là nghi ngờ về khả năng của Trung Quốc tôn trọng những cam kết thương mại đã thông qua với Hoa Kỳ hồi tháng Giêng năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cũng đang bị dịch Covid-19 làm chao đảo. Đành rằng Bắc Kinh cố gắng đưa ra những dấu hiệu cho thấy kinh tế đang từng bước phục hồi, nhưng trên thực tế, bài toán nan giải hơn nhiều. Mặt khác, về phía Hoa Kỳ, chính giới Mỹ và cả chính quyền Trump liên tục có những phản ứng gay gắt với Bắc Kinh, thành thử quan hệ thương mại song phương không được suôn sẻ. Chúng ta có thể đoán một cách dễ dàng là Washington tìm một lối thoát, chuyển hướng bực tức của công luận Mỹ sang phía Trung Quốc, để mọi người quên bớt là chính quyền Trump đã có những chậm trễ và xử lý kém cỏi dịch bệnh lần này. Cả hai yếu tố vừa nêu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung, cả về chính trị lẫn thương mại, đều khá phức tạp trong ít nhất là từ nay cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 năm nay ». Vài ngày trước lễ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 13 Quốc Hội Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Bắc Kinh nên tranh thủ khủng hoảng kinh tế trong thời điểm này để « đàm phán lại » với Mỹ về thỏa thuận  thương mại mậu dịch bán phần, theo đó Trung Quốc đã cam kết mua vào 200 tỷ đô la hàng của Mỹ từ nay đến năm 2022 và đổi lại Washington ngừng các biện pháp đánh thuế nhập khẩu vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Vì sao Bắc Kinh muốn đàm phán lại với Mỹ ? Chuyên gia Jean-François Boittin làm việc tại thủ đô Washington cho rằng câu trả lời của ông không sắc bén bằng các đồng nghiệp đang công tác tại Bắc Kinh, dù vậy virus corona đặt cả cỗ máy kinh tế đồ sộ của Trung Quốc trước thử thách : Jean-François Boittin : « Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Trung Quốc khó có thể giữ được những cam kết với Mỹ trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Theo thống kê từ cả hai phía, trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ so với phía bên kia - đều giảm sụt. Có hai yếu tố giải thích cho sự giảm sụt này : Một là Trung Quốc giảm mua hàng của Mỹ vì những lý do nhất thời thí dụ như giảm mua đậu tương của Hoa Kỳ mà thay vào đó là mua đậu tương của Brazil, bởi vì Brazil được mùa và bán nông phẩm với giá rẻ. Nhưng nghiêm trọng hơn là hiệu ứng về lâu về dài. Thí dụ Trung Quốc cam kết mua thêm máy bay Boeing, nhưng trong bối cảnh hiện tại, toàn bộ ngành giao thông hàng không bị tê liệt vì virus corona thì làm sao Bắc Kinh có thể đặt mua thêm máy bay Mỹ được ? » Theo thống kê của bộ Thương Mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong tháng 4/2020 giảm 11,1%. Như vậy, Trung Quốc còn đang « đứng rất xa », mục tiêu tăng 6% kim ngạch nhập khẩu với Hoa Kỳ trong năm 2020 như tinh thần của thỏa thuận thương mại bán phần Mỹ - Trung ký kết vào tháng Giêng vừa qua. Áp thuế : Bản cũ soạn lại ? Cũng trong cuộc nói chuyện trên đài truyền hình được ông ưa chuộng nhất, Fox News vào tuần trước, nguyên thủ Mỹ một lần nữa lại dùng đòn thuế khóa để dọa Trung Quốc nhưng theo chuyên gia Jean-François Boittin, đây là một biện pháp khó khả thi : Jean-François Boittin : « Đành rằng đây là một đe dọa từng được tổng thống Donald Trump nêu lên nhưng vấn đề đặt ra là cho đến nay, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc bán cho các tập đoàn sản suất của Hoa Kỳ. Washington liên tục dùng đòn này từ đầu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiện tại, cho dù đôi bên đã đạt được thỏa thuận bán phần để tạm ngừng chiến, nhưng một số các biện pháp trừng phạt đó vẫn tồn tại. Nếu lại dùng tiếp thủ thuật này, Nhà Trắng bắt buộc phải áp thuế trên các mặt hàng được sử dụng đại trà ở Mỹ. Những nạn nhân đầu tiên sẽ là người tiêu dùng và giới tiểu thương, các dây chuyền phân phối ở Hoa Kỳ. Có điều vì Covid-19 hàng loạt các cửa hàng đã phải đóng cửa, nhân viên bị mất việc. Do vậy, tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đồng nghĩa với việc đánh thẳng vào túi tiền, vào sức mua của các hộ gia đình Mỹ, gây thêm khó khăn cho các cửa hàng ở Hoa Kỳ. Vài tháng trước bầu cử không chắc chính quyền Trump dám sử dụng chiêu bài này. » Mục tiêu triệt thoái công nghệ cao của Trung Quốc Thực ra Donald Trump nhắm tới việc « đánh thuế các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở hải ngoại » và theo ông, một tập đoàn như Apple chẳng hạn, hoàn toàn có khả năng « làm ra sản phẩm 100% » từ trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuyên bố này không hơn không kém là một « lời tuyên chiến » nhắm vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà ở đó Trung Quốc đang chiếm một vị trí « trung tâm ». Mỹ không chỉ khai mào một cuộc khẩu chiến, chính quyền Trump một lần nữa, tấn công vào « điểm nhạy cảm » nhất của Bắc Kinh là tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Bộ Thương Mại ngày 15/05/2020 thông báo: cấm tất cả các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho Hoa Vi trên thế giới sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ. Thực ra, từ một năm nay, lệnh cấm chỉ liên quan đến các nhà sản xuất Mỹ như Intel, AMD, Qualcomm... nhưng lần này quyết định nhằm « bóp nghẹt » con chim đầu đàn của nền công nghệ high-tech Trung Quốc được áp dụng luôn cả  đối với các nhà cung cấp cho Hoa Vi như Samsung của Hàn Quốc hay STMicroelectronics, Infineon của châu Âu. Mỹ đang kiểm soát 50% thị trường bán dẫn của thế giới, và phần lớn các công nghệ cũng như phần mềm các hãng của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan và châu Âu đang sử dụng đều có dấu ấn của các tập đoàn Mỹ. Cũng cần nói thêm là từ trước khi Nhà Trắng viện lý do an ninh trừng phạt Hoa Vi, thì tập đoàn do một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc sáng lập này đã tự lo thân, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn nước ngoài. Hoa Vi đầu tư cho công ty con là HiSilicon. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn IC Insights, nhờ Hoa Kỳ, trong vỏn vẹn 1 năm, HiSilicon đang từ hạng thứ 15 đã chen được vào danh sách 10 nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới. Đối với Nhà Trắng, việc cả Hoa Vi lẫn HiSilicon vẫn bình an và thậm chí là còn phát triển mạnh hơn so với một năm trước đây là một mối đe dọa đối với « an ninh và chính sách đối ngoại » của Hoa Kỳ như bộ trưởng Thương Mại Mỹ, Wilbur Ross đã giải thích. Đây mới là cốt lõi trong hồi thứ nhì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đương nhiên ở góc đài bên kia, Bắc Kinh hứa hẹn « trả đũa » đích đáng những ai động chạm vào quyền lợi kinh tế của Trung Quốc. Ở đây rõ ràng là dù có dịch Covid-19 hay không thì mục tiêu của Mỹ vẫn là bóp chết đà vươn lên của công nghệ cao Trung Quốc để bảo đảm thế thượng phong của các tập đoàn Hoa Kỳ. Điều đó không cấm cản, virus corona càng đe dọa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump, chủ nhân Nhà Trắng càng có những tuyên bố quyết liệt nhắm vào Bắc Kinh. Tác động thực sự của những khẩu hiệu bài Trung Quốc đó ra sao ? Đấy lại là một chuyện khác. Thành phần cử tri Mỹ trung thành với Donald Trump không nhất thiết phải hiểu được rằng cả Washington lẫn Bắc Kinh vào thời điểm này chẳng có lợi ích gì khơi lại ngọn lửa chiến tranh thương mại. Rõ rệt nhất là vào lúc Donald Trump dọa « cắt đứt giao thương » với Trung Quốc, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Larry Kudlow cũng trên Fox News, đã xoa dịu căng thẳng, qua tuyên bố « thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vẫn còn hiệu lực và Bắc Kinh đang cố gắng tôn trọng những điều đã cam kết » với Hoa Kỳ. Để đáp lễ, Trung Quốc lập tức công bố danh sách những mặt hàng Mỹ được miễn thuế nhập khẩu. Trên mặt trận thương mại, virus corona tạo thêm cơ hội để Mỹ - Trung gay gắt hơn với nhau nhằm ghi điểm với công luận trong nước. Dịch Covid-19 không hề làm xáo trộn chiến lược về lâu dài của cả Washington lẫn Bắc Kinh để làm bá chủ thương mại quốc tế.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Trang thiết bị y tế, Trung Quốc khởi động lại cỗ máy xuất khẩu

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 31, 2020 7:45


Trang thiết bị y tế là chìa khóa cho phép ngành xuất khẩu Trung Quốc bật dậy sau giấc ngủ đông virus corona. Chính quyền của ông Tập Cận Bình chứng minh rằng thế giới vấn « nghiện » hàng Trung Quốc. Trên đây là phân tích của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp. Vào lúc Âu Mỹ khốn khổ vì thiếu khẩu trang và máy trợ thở, truyền thông tại Bắc Kinh rầm rộ đưa tin những chuyến máy bay chở đầy ắp hàng made in China đã đáp xuống các phi trường quốc tế. Đấy là những kiện hàng chính quyền Trung Quốc « gửi tặng », của hãng điện thoại Xiaomi hay của nhà tỷ phú chủ nhân Alibaba, của một giáo hội công giáo nào đó ở Trung Quốc gửi tới nhằm giảm bớt áp lực virus corona gây nên.   Ý, Pháp, Tây Ban Nha cùng nhiều nước đông Âu đã nhận khẩu trang sản xuất từ Trung Quốc. Nhà tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, ông chủ Alibaba tặng không cho Hoa Kỳ một triệu khẩu trang made in China  mà không thấy chính quyền Trump phản đối vì « cạnh tranh bất bình đẳng ». Ngày 12/03/2020, chuyến bay đầu tiên từ Tứ Xuyên đáp xuống Roma với khoảng một chục bác sĩ và y tá. Cùng với kinh nghiệm dập dịch tại Hồ Bắc còn có cả 2 triệu khẩu trang y tế bình thường, 100.000 khẩu trang cao cấp, 50.000 kit xét nghiệm, và 1.000 máy hô hấp. Trước đó một tuần lễ, hãng điện thoại Xiaomi trên Facebook thông báo gửi vài chục ngàn khẩu trang sang Ý để cảm ơn nước này đã mở rộng vòng tay cho Xiaomi vào Ý hoạt động. Với Paris, Bắc Kinh cũng đã có cử chỉ hào phóng tương tự. Tân Hoa Xã đưa tin ngày 18/03/2020 Trung Quốc gửi tặng Pháp 1 triệu khẩu trang, nhưng không thấy nhắc lại rằng trước đó đúng một tháng Pháp đã chuyển 17 tấn trang thiết bị y tế đến Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng không nhắc tới 55 tấn hàng mà Liên Âu đã gửi sang quốc gia châu Á này. Rất nhiều quốc gia khác, từ Iran đến Philippines hay Ba Lan đều mang ơn Bắc Kinh khi nhận được tiếp tế vài chục ngàn khẩu trang.  Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique) nhấn mạnh, các cử chỉ hào phóng đó của Bắc Kinh trước hết bao hàm một ý nghĩa chính trị rất lớn. Trung Quốc tìm cách xóa tội đã ỉm thông tin về tầm mức nguy hiểm của virus corona chủng mới, để rồi, cả thế giới rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình muốn ghi một bàn thắng quan trọng với công luận trong nước rằng Trung Quốc không chỉ giúp đỡ các nước chậm phát triển, mà ngay cả những nền công nghiệp hàng đầu của thế giới, như Ý hay Pháp trong câu lạc bộ G7 cũng phải chịu ơn Bắc Kinh. Dù vậy giới quan sát đặt nhiều nghi vấn về lòng tốt của Trung Quốc. Trên báo L’Obs (ngày 27/03/2020) nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Lyon nêu thẳng vấn đề : những lô hàng của Trung Quốc chở sang châu Âu là hàng biếu hay là hàng xuất khẩu ? Về điểm này chuyên gia Antoine Bondaz trả lời : "Có hai loại hàng được chuyển đến châu Âu : hàng tặng không và hàng xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc hay các quỹ từ thiện, các nhà mạnh thường quân Trung Quốc tặng không cho châu Âu khẩu trang. Nhưng đại đa số còn lại là hàng Trung Quốc bán cho châu Âu. Madrid đặt mua hơn 500 triệu khẩu trang y tế, 1.000 máy trợ thở. Đây là một thương vụ xuất nhập khẩu bình thường, nhưng lại rất quan trọng ở hai điểm. Thứ nhất châu Âu đang có nhu cầu rất lớn về trang thiết bị y tế, về quần áo bảo hộ, về khẩu trang và máy hô hấp... Châu Âu không có khả năng đáp ứng nhu cầu đó thành thử ra Trung Quốc lợi dụng thời cơ mở rộng thị phần. Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc sản xuất trung bình 20 triệu khẩu trang một ngày, giờ đây công suất đạt 120 triệu. Điểm thứ nhì cần lưu ý là Trung Quốc bắt buộc phải khởi động lại cỗ máy xuất khẩu. Giờ đây nhu cầu lớn nhất tập trung vào trang thiết bị y tế. Hơn thế nữa, khủng hoảng y tế lần này là một cơ hội đối với các tập đoàn Trung Quốc. Thí dụ, Alibaba đề nghị một phương pháp đọc ảnh  X quang qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hoa Vi thì đã tăng tốc các dịch vụ internet cho phép ngày càng nhiều các công ty trên thế giới hội họp qua video". Nói cách khác, Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc may khẩu trang y tế, hay cung cấp quần áo bảo hộ mà còn đang chứng minh thế thượng phong của các doanh nghiệp nước này trong lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho y tế. Một điểm khác nữa Antoine Bondaz, thuộc quỹ FRS của Pháp, đã nêu với RFI Việt ngữ đó là với dịch Covid-19 lần này, Bắc Kinh còn đang tìm cách quảng bá với phương Tây ngành y học cổ truyền Trung Quốc, Ông lưu ý : "đừng quên rằng dược phẩm đông y chiếm một phần quan trọng trong ngành công nghệ bào chế thuốc của nước này (…) Sau khi đã chinh phục nhiều nước Đông Nam Á , Bắc Kinh muốn từng bước thâm nhập vào châu Âu".    Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới Điều không thể chối cãi là trong chưa đầy mười tuần, Bắc Kinh đã đảo ngược thế cờ. Cuối tháng 2, "khả năng sản xuất tăng thêm 450%" như báo Libération (ngày 20/03/2020) ghi nhận. Trang mạng của bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận : "Trung Quốc cung cấp đến 95% khẩu trang y tế loại được sử dụng trong các phòng mổ và 60 % khẩu trang thông dụng cho thế giới". Đâu là phép lạ cho phép Trung Quốc kiểm soát gần hết khẩu trang của thế giới ? Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích : "Từ cuối tháng Giêng, Bắc Kinh đã huy động tất cả các cơ quan chính phủ, từ cấp Đảng đến các bộ, các công ty nhà nước để nâng cao khả năng sản xuất khẩu trang. Đúng là vào thời điểm đó và kể cả một hay hai tuần lễ đầu tháng 2, Trung Quốc thiếu khẩu trang y tế trầm trọng và phải nhập của châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã gửi 55 tấn hàng sang giúp Trung Quốc. Nhưng trong hai tháng qua, Bắc Kinh đã tạo tất cả điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để khắc phục thiếu sót đó và Trung Quốc đã vượt qua được khó khăn này. Điểm thứ ba nữa là ngay cả các tập đoàn trong những lĩnh vực khác cũng chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Từ thời điểm đó, Bắc Kinh huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu nội địa, và kế tới là hướng tới xuất khẩu. Tập đoàn BYD trong ngành xe hơi chuyển sang sản xuất 5 triệu khẩu trang y tế một ngày. Trong khi đó tại Pháp, phải vất vả lắm mới có được 1 triệu khẩu trang một ngày". Trong lúc trên toàn nước Pháp có bốn nhà cung cấp khẩu trang, thì tại Trung Quốc giờ đây đang có trên 3.000 hãng xưởng lao vào cuộc. Ngoài hãng xe BYD như Antoine Bondaz vừa nêu, tập đoàn hóa dầu China Petroleum and Chemical Corporation đã đầu tư 25 triệu euro chỉ để sản xuất khẩu trang y tế. Để đối phó với đại dịch, các chính phủ từ Anh tới Mỹ và của Liên Âu "tổng động viên" khu vực sản xuất tiếp tay với những chiến sĩ áo trắng đang trên tuyến đầu. Theo quan điểm của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, đây là thời điểm để châu Âu định nghĩa lại về chính sách công nghiệp, xét lại xem rằng y tế có thuộc phạm trù "chiến lược hay không". "Điểm then chốt ở đây đã được thể hiện rất rõ qua khủng hoảng lần này, đó là mức độ lệ thuộc của dây chuyền cung ứng và sản xuất tại châu Âu vào Trung Quốc. Châu Âu thừa nhân công để cũng có thể may hàng chục triệu khẩu trang như Trung Quốc nhưng đôi khi không có đủ nguyên liệu, không đủ máy may… Đó là điều châu Âu bắt buộc phải rà soát lại, phải xác định đâu là những lĩnh vực "chiến lược", y tế có nằm trong danh sách đó hay không. Thậm chí câu hỏi này còn liên quan luôn cả đến chủ quyền quốc gia nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dẹp bỏ mô hình kinh tế toàn cầu". Chuyên gia Pháp kết luận : Covid-19 đang cho phép ông Tập Cận Bình làm sống lại dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 tưởng chừng bị virus corona hạ gục. Trong cuộc điện đàm hôm 16/03/2020 với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, nguyên thủ Trung Quốc đã đề cập tới khả năng Roma và Bắc Kinh cùng nhau xây dựng một "Con Đường Tơ Lụa Y Tế".

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - 5G : Pháp, lá chủ bài của Hoa Vi để chinh phục châu Âu

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Mar 10, 2020 9:46


Hoa Vi vừa rầm rộ khai trương một cửa hàng ngay tại khu tam giác vàng Paris. Trước đó cũng tập đoàn viễn thông Trung Quốc này thông báo dự án xây dựng nhà máy đầu tiên của Hoa Vi ở hải ngoại và địa điểm được chọn là nước Pháp. Hoa Vi đang trong tầm ngắm của Washington, liệu Paris có thể giúp tập đoàn Trung Quốc này phá được vòng vây của Mỹ và đẩy mạnh những nước cờ tại châu Âu ? Sau Milano, Madrid và Barcelona hay Vacxava, Hoa Vi vừa mở thêm một cửa hiệu cao cấp tại khu sang trọng bậc nhất của Paris. Đối diện với nhà hát Opéra Garnier là logo khổng lồ của tập đoàn Trung Quốc. Cách đó không xa là tủ kính của hãng điện thoại Mỹ Apple. Trải rộng trên 850 mét vuông, có lối vào uy nghi và những kệ trưng bày có nét rất « Pháp » với nào là smartphone, máy tính bảng, màn hình tivi, máy tính cá nhân để bàn, và cả bàn chải đánh răng, đồng hồ kết nối … Chủ tịch Hoa Vi đặc trách khu vực châu Âu Walter Ji không giấu diếm : cửa hàng vừa được khai trương trên đường Capucine phải là « tủ kính » của tập đoàn và báo trước là cuối 2020 hay đầu năm 2021, một cửa hàng thứ nhì « cùng standing » với của Paris sẽ được khai trương tại thành phố Lyon. Cuối tháng 02/2020, vào lúc Trung Quốc còn bị tê liệt gần như hoàn toàn vì dịch Covid-19, phó tổng giám đốc Hoa Vi tại Pháp rầm rộ thông báo ngay tại thủ đô Paris kế hoạch « mở nhà máy Hoa Vi đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đầu tư trước mắt là 200 triệu euro, đem lại 500 công việc làm trên đất Pháp và trong tương lai nhà máy có khả năng sản xuất ra tới 1 tỷ euro trang thiết bị điện tử một năm ». Một trong những mục tiêu của dự án là « đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro dây chuyền cung ứng bị gián đoạn ». Mở rộng địa bàn tại Pháp Tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi sáng lập đang tăng tốc đầu tư vào Pháp trong bối cảnh dưới áp lực của chính quyền Trump, điện thoại Hoa Vi sẽ kém hấp dẫn trước nguy cơ không còn có thể sử dụng hệ điều hành Android của Google. Nhưng quan trọng hơn nữa là từ tháng 05/2019 Washington viện lý do an ninh đòi cấm cửa Hoa Kỳ với tập đoàn bị cho là gần gũi với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Không chỉ có thế. Chính quyền Trump liên tục vừa dụ, vừa dọa các đồng minh của Mỹ, đứng đầu là châu Âu, loại Hoa Vi ra khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G. Thị trường mạng 5G châu Âu mới là mục đích Hoa Vi nhắm tới. Trong bối cảnh đó giới quan sát cho rằng, kế hoạch thiết lập « nhà máy sản xuất đầu tiên của Hoa Vi ngoài lãnh thổ Trung Quốc » là một màn « mỹ nhân kế » để Hoa Vi thuyết phục Pháp, thành viên quan trọng bậc nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, về chiến lược phát triển mạng viễn thông thế hệ mới trên Lục Địa Già. Trước mắt, dự án của Hoa Vi tại Pháp mới chỉ được biết qua vài ba con số như phó tổng giám đốc Hoa Vi tại Pháp vừa nêu. Không có thêm thông tin về thời điểm dự án sẽ được khởi động cũng như về địa điểm Hoa Vi sẽ chọn để mở nhà máy. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, vùng Alsace, miền đông bắc nước Pháp có nhiều triển vọng, nhưng về mặt chính thức tập đoàn Trung Quốc chưa đưa ra một quyết định nào. Tại Paris, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đã vội vã cải chính là « chiến lược bắt rễ vào Pháp của Hoa Vi không mảy may làm thay đổi chính sách của Pháp trong việc phát triển mạng điện thoại 5G, và mục tiêu bảo vệ an toàn và an ninh mạng » khi chọn các nhà cung cấp. Cần nhắc lại là sau Anh Quốc, Liên Âu, Pháp chính thức tuyên bố không loại Hoa Vi ra khỏi danh sách các nhà thầu đồng thời nâng cao « khả năng phòng thủ ». Tuy nhiên, Cơ quan đặc trách về hệ thống an ninh và thông tin của Pháp ANSSI chuẩn bị ra quyết định về vị trí cụ thể của Hoa Vi trong toàn cảnh viễn thông thế hệ mới tại Pháp. Lập trường chính thức của Bruxelles là không nghe theo Mỹ để cấm Hoa Vi nhưng « tập trung bảo mật mạng 5G ». Phương tiện để « hút » thông tin Theo quan điểm của chuyên gia Gilles Babinet, cố vấn về công nghệ kỹ thuật số cho viện nghiên cứu Montaigne của Pháp, nếu dầu hỏa là mạch sống của thế kỷ 20 thì thế kỷ 21 là thời đại của data tức là những dữ liệu được vận chuyển qua mạng di động không dây. Đồng thời chuyên gia Pháp lưu ý rằng, data được ví như xe hơi còn mạng viễn thông là xa lộ. Đường càng rộng, càng tốt, xe chạy càng nhanh. Nhưng không có gì cấm cản nhà cung cấp mạng « đột nhập » vào hệ thống 5G của bất kỳ một quốc gia nào vào bất cứ thời điểm nào. Chuyên gia Gilles Babinet nêu đích danh Trung Quốc : « Đặc điểm của hệ thống 5G là cho phép kết nối tất cả những dữ liệu ở khắp mọi nơi. Điều đó vừa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đồng thời mở ra viễn cảnh bùng nổ những vật dụng kết nối. Theo nghiên cứu, chỉ trong vòng từ 5 cho đến 7 năm nữa, sẽ có khoảng 100 tỷ đồ vật kết nối, chứa đựng không biết bao nhiêu những dự liệu ở bên trong. Những vật dụng kết nối này được đặt trong những nhà máy, trong những dây chuyền sản xuất... Trong tương lai, mỗi nhà máy sẽ có từ 1 đến 2 triệu vật dụng kết nối và tất cả sẽ dùng mạng 5G. Nhà thiết kế mạng bất kỳ lúc nào cũng có thể đột nhập hệ thống hạ tầng cơ sở để trích xuất những dữ liệu cần thiết. Không có gì cấm cản Trung Quốc có thể làm chuyện đó. Mọi người còn nhớ, năm 2015 khi Nga mở chiến dịch tấn công tin học vào nhà máy điện của Ukraina, tất cả mọi hoạt động tại quốc gia này đều đã bị chựng lại ». Mạng 5G không chỉ liên quan tốc độ vận chuyển các dữ liệu hay thông tin. Ở đây còn đặt ra vấn đề an ninh mạng như chuyên gia Babinet vừa giải thích. Ông báo trước nguy cơ một thiết kế mạng lập ra những « ngõ thoát hiểm » và những dữ liệu cần bảo mật cũng có thể bị thất thoát bằng những « cánh cổng thoát hiểm đó » : « Bất kỳ một nhà cung cấp hạ tầng cơ sở mạng nào khi thiết kế mạng viễn thông, cũng đều dự trù những "ngõ thoát hiểm". Chỉ có nhà cung cấp đó mới biết được những ngõ thoát hiểm được đặt ở đâu và cũng chỉ có họ mới có chìa khóa để kiểm soát những ngõ thoát hiểm ấy. Nói cách khác, các nhà mạng biết hết tất cả các ngõ ngách mạng viễn thông của khách hàng. Hiện tại trên thị trường có ba công ty cung cấp mạng 5G đó là Hoa Vi, Nokia và Ericsson. Khác biệt ở đây là Hoa Vi rất gần gũi với chính quyền Trung Quốc và ở Trung Quốc không có gì bảo đảm cho tính độc lập của Hoa Vi với Bắc Kinh. Do vậy, nhiều quốc gia, đứng đầu là Mỹ, cho rằng chúng ta không thể tin tưởng vào Hoa Vi, trao trọn từ kinh tế cho đến những lĩnh vực mang tính chiến lược, và cả những dữ liệu về y tế, xã hội … cho một đại tập đoàn mà chúng ta biết rằng tập đoàn đó lại có quan hệ mật thiết với một chế độ toàn trị ». 5G cho phép xử lý khối dữ liệu lớn hơn và nhanh hơn và được coi là yếu tố cơ bản cho việc phát triển các công nghệ kết nối mới. Hoa Vi hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Liên Hiệp Châu Âu ý thức được rằng lợi ích kinh tế và địa chính trị là hai mặt của cùng một đồng tiền. Ngày 10/10/2019 Bruxelles nêu bật một số « đe dọa có thể nhắm vào hệ thống mạng 5G », « khả năng của một số quốc gia hay các nhà cung cấp mạng tiến hành các đợt tấn công liên tiếp và tinh vi đe dọa đến an ninh » mạng điện thoại di động của châu Âu. Dù vậy Liên Âu không dám mạnh tay gạt hẳn Hoa Vi khỏi chiến lược phát triển mạng viễn thông đời mới. Cuối tháng Giêng 2020, Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo kêu gọi các thành viên « đưa ra những các hạn chế liên quan đến nhà cung cấp được coi là có rủi ro cao », tránh dùng các trang thiết bị của các nhà cung cấp thuộc diện này trong những lĩnh vực « quan trọng và nhậy cảm ». Thông báo không chủ trương « cấm » Hoa Vi tham gia vào mạng 5G của châu Âu. Cũng chuyên gia Gilles Babinet viện Montaigne- Paris giải thích với RFI vì sao từ Anh cho đến Pháp và cả Liên Hiệp Châu Âu cùng lấn cấn vì Hoa Vi : « Ở cương vị của một Nhà nước, chúng ta đang đứng trước một mâu thuẫn rất lớn. Một bên là những cơ hội về kinh tế rất lớn khi phát triển hệ thống 5G. Uy tín, hình ảnh của một quốc gia càng được tô điểm thêm với mạng viễn thông thế hệ mới. Trong trường hợp của Anh Quốc chẳng hạn, thì đây là một cơ hội rất lớn. Nhưng bên kia là những tính toán về địa chiến lược. Luân Đôn vùa chia tay với châu Âu đang cần có những điểm tựa mới. Nước Anh trông đợi nhiều vào việc đẩy mạnh thêm nữa quan hệ với Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng không thể làm phật lòng Trung Quốc nếu cấm cửa Hoa Vi. Cần nhắc lại rằng Hoa Vi đã bắt rễ được vào châu Âu là nhờ đã hợp tác với tập đoàn viễn thông British Telecom của Anh cách nay đã 15 năm ». Không có lửa sao có khói ? Thái độ thận trọng của phương Tây đối với Hoa Vi không phải là vô cớ. Mọi người con nhớ sáng lập viên tập đoàn này xuất thân từ quân đội. Quỹ đầu tư tài trợ cho Hoa Vi trực tiếp được đặt trong tay đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt kỹ thuật, trong quá khứ nhiều lần trang thiết bị của Hoa Vi đã gặp sự cố và tập đoàn này đã mất nhiều tháng để điều chỉnh và khắc phục được những sự cố đó. Pháp không là cổng vào duy nhất Thực ra trước Paris, Hoa Vi từng đem những dự án bạc triệu ra để chiêu dụ châu Âu. Năm 2019, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã đề cập đến ít nhất năm trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Lan, Anh, Pháp Đức và Ba Lan. Vào lúc Hoa Vi thông báo dự án đầu tư 200 triệu euro tại Pháp, tờ báo mạng của Mỹ Politico, nổi tiếng là thân cận với Nhà Trắng, trích dẫn lời một đại diện của Hoa Vi tại châu Âu đã không vòng vo tuyên bố : « Không có chuyện một công ty đầu tư cả tỷ bạc vào một quốc gia khi biết trước là sẽ bị chính quyền nơi đó hắt hủi ». Pháp không là cổng vào châu Âu duy nhất của Hoa Vi. Tháng 3/2019 Hoa Vi trực tiếp gửi thư yêu cầu thủ tướng Mark Rutte triệu tập một cuộc họp để bàn về những dự án đầu từ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc, về « vai trò trong tương lai của Hoa Vi » tại Hà Lan. Cũng tập đoàn Trung Quốc này có dự án thành lập một trung tâm an ninh mạng tại Ba Lan. Có điều như bộ trưởng Ba Lan đặc trách về công nghệ kỹ thuật số, Marek Zagorski, cho biết : phía Trung Quốc chỉ nêu lên vấn đề nhưng chưa đưa ra bất kỳ một thông cáo chính thức nào. Trước mắt để giành được thị trường 5G của châu Âu bằng mọi giá, Hoa Vi từ cuối 2018 đã khánh thành một trung tâm nghiên cứu về an ninh mạng tại Bonn - Đức, và một trung tâm thứ nhì tại ngay thủ đô của Liên Hiệp Châu Âu là Bruxelles cách nay đúng một năm. Ở hậu trường công tác lobby của Hoa Vi tại các cơ quan chính thức của Liên Hiệp Châu Âu và tại mỗi nước thành viên trong khối châu Âu cũng đang hoạt động « rất hiệu quả »!

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Thương mại Mỹ-Trung : 18 tháng so găng, Trump được gì ?

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jan 21, 2020 8:17


Donald Trump và Tập Cận Bình tạm khép lại cuộc đọ sức trên bàn cờ thương mại. Ở hiệp 1, Washington thắng Bắc Kinh 1-0. Để đổi lấy nhiều hợp đồng, tổng thống Trump tạm từ bỏ tham vọng đòi Trung Quốc ngừng gây cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. Trên đây là phân tích của Jean François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA – Chine Analyse. Ngày 21/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos,Thụy Sĩ lần thứ 50 trong thế thượng phong. Tuần trước Washington và Bắc Kinh vừa ký kết hiệp định thương mại phần 1, tạm gác lại cuộc chiến kéo dài từ gần hai năm qua. Ngày 15/01/2020 tại Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào "hiệp định đình chiến" về thương mại. Tổng thống Donald Trump đánh giá đây là một "thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc, một bước tiến hướng tới mô hình trao đổi mậu dịch công bằng". Với công luận trong nước và nhất là thành phần cử tri ủng hộ ông, Donald Trump đã ghi được một bàn thắng quan trọng và rõ rệt nhất là việc ép buộc Trung Quốc mua thêm gần 200 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai năm, 2020 và 2021. RFI Việt ngữ liên lạc với chuyên gia Jean-François Dufour, giám đốc điều hành DCA - Chine Analyse, cơ quan chuyên cố vấn cho các doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào Trung Quốc. Ông không chút nghi ngờ về thắng lợi của Donald Trump trong ngắn hạn. "Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn có thể nói Mỹ đã ghi được một bàn thắng vì Bắc Kinh đã có những bước nhượng bộ quan trọng. Cụ thể nhất và cũng là điều dễ đo lường nhất đó là việc Trung Quốc cam kết mua thêm gần 200 tỉ đô la hàng của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Điểm đáng chú ý ở đây là trong số các mặt hàng Trung Quốc sẽ mua của Mỹ gồm đương nhiên là có nông phẩm, có năng lượng và nhất là hàng công nghiệp. Hai lĩnh vực công nghiệp của Mỹ được Trung Quốc chiếu cố là công nghiệp sản xuất máy bay và xe hơi. Trung Quốc mua thêm hàng của Mỹ là một thắng lợi của chính quyền Trump. Nhưng nhìn xa hơn thì chúng ta thấy là ở giai đoạn 2, phần thắng rõ ràng là thuộc về phía Bắc Kinh. Mỹ tạm thời từ bỏ mục tiêu đòi Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, như đã biết đây mới chính là cội nguồn dẫn đến cuộc đọ sức song phương từ gần hai năm qua. Mùa xuân 2018 chính quyền Trump đòi Bắc Kinh ngưng trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, ngưng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Các vấn đề này có được nhắc đến trong văn bản thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng không mang tính ràng buộc. Tất cả những vấn đề nhậy cảm này được gác lại để chờ tới giai đoạn 2 của đàm phám Mỹ-Trung". Như vậy là Washington gián tiếp công nhận mô hình kinh tế của Trung Quốc mà ở đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong lúc đây là một trong những nguyên nhân được Nhà Trắng nêu lên khi khiêu chiến với Bắc Kinh. Giám đốc cơ quan tư vấn DCA –Chine Analyse phân tích tiếp : "Mâu thuẫn ở đây là với thỏa thuận vừa ký kết lần này, Hoa Kỳ rõ ràng yêu cầu Nhà nước Trung Quốc cam kết nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng của Mỹ. Như vậy có nghĩa là Washington công nhận mô hình kinh tế của Trung Quốc mà ở đó Đảng và Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo. Kim ngạch nhập khẩu do chính quyền Bắc Kinh ấn định chứ không do thị trường định đoạt. Chỉ nội yếu tố này cũng đủ cho thấy Trung Quốc mới thực sự giành phần thắng trong cuộc đọ sức về thương mại lần này. Mỹ đồng ý ngưng đòi Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế và để đổi lại thì Bắc Kinh nhập khẩu thêm hàng Mỹ". Với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa rồi, tổng thống Trump còn ghi thêm nhiều bàn thắng quan trọng khác. Trước hết ông đặt đối phương, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thế khó xử. Bởi Washington tiếp tục áp thuế 25 % vào 2/3 hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ và thứ hai là Hoa Vi, con chim đầu đàn trong ngành viễn thông Trung Quốc vẫn trong tầm ngắm của Nhà Trắng. Chính vì hai điểm này, mà một vài tuần lễ trở lại đây, nguyên thủ Trung Quốc không còn hô hào "đương đầu với Mỹ bằng mọi giá" trong lúc báo chí ở Bắc Kinh đã khá kín đáo và thận trọng về thỏa thuận được ký kết tại Washington hôm 15/01/2020. Thắng lợi không nhỏ khác của chính quyền Trump là Washington đã bắn đi một tín hiệu mạnh với các đối tác và đối thủ thương mại khác của Hoa Kỳ : trật tự thương mại và luật chơi trong lĩnh vực này vẫn trong tay của Mỹ. Ngay cả trước một đối thủ nặng ký như Trung Quốc mà Nhà Trắng còn áp đặt được một số điều - ít ra là về hình thức cho tới thời điểm này, thì phần còn lại của thế giới từ Liên Hiệp Châu Âu đến Nga hay hai quốc gia sát cạnh Hoa Kỳ là Canada và Mêhicô, cũng như hai đồng minh của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đều nên cân nhắc kỹ những đòi hỏi Chú Sam. Dù vậy, đi sâu hơn vào vấn đề, giới phân tích đồng loạt nói tới một "hiệp định ngừng bắn với nhiều lỗ hổng" và tệ hơn nữa, Hoa Kỳ không hề tôn trọng luật cạnh tranh của thị trường, như chuyên gia Jean - François Dufour phân tích : "Tôi cho rằng, câu hỏi then chốt nằm ở phía Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, mà đó là một điều bình thường, thì liệu rằng Trung Quốc có thể mua thêm vào tới 200 tỉ đô la hàng hóa chỉ của riêng Mỹ trong 2 năm hay không ? Đương nhiên, Trung Quốc cần mua hàng của thế giới, nhưng khi mua thêm 200 tỉ đô la hàng Mỹ, Trung Quốc sẽ phải bỏ rơi một số bạn hàng khác. Thí dụ như mua thêm dầu khí của Mỹ thì Bắc Kinh sẽ lơ là với Nga và các nguồn sản xuất ở Trung Đông. Nông sản Mỹ sẽ lấn át các nhà cung cấp ở châu Mỹ Latinh, như Brazil. Thế rồi khi cam kết mua thêm hàng công nghiệp của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ phần nào quay lưng lại với châu Âu. Nếu thỏa thuận vừa ký kết hôm 15 tháng Giêng tại Washington được tôn trọng, châu Âu sẽ thiệt thòi trong vụ này". Dẫu sao, thỏa thuận mậu dịch tạm thời này cho thấy, tổng thống Trump là một lãnh đạo rất thực tế. Ông đón nhận việc chính quyền Trung Quốc tự ý cam kết mua thêm 200 tỉ đô là hàng Mỹ như một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đọ sức với Tập Cận Bình cho dù điều đó đi ngược lại với "tự do thị trường". Khi đưa hai lĩnh vực hàng không và xe hơi vào thỏa thuận với Trung Quốc, Nhà Trắng tìm cách cứu tập đoàn Boeing đang gặp khó khăn và rất cần đến các khách hàng Trung Quốc. Tương tự như vậy, mức độ lệ thuộc của nền công nghiệp xe hơi Mỹ và thị trường rộng lớn nhất thế giới là Trung Quốc ngày càng lớn. Bên cạnh đó, Washington chơi trò "cầm dao đằng chuôi" với Bắc Kinh như giải thích của giám đốc cơ quan tư vấn DCA- Chine Analyse : "Tôi thấy phía Mỹ đã rất khôn ngoan trong vụ này, nghĩa là vẫn giữ một số phương tiện để duy trì áp lực để tiếp tục điều đình với Trung Quốc. Mỹ vẫn có thể hủy thỏa thuận này bất cứ lúc nào (ít ra là về bề ngoài). Thành thử đây mới chỉ là một "hiệp đình ngừng bắn" chứ chưa thể nói tới hòa ước lâu dài. Tuy nhiên, các bên mất gần hai năm để đạt tới thỏa thuận giai đoạn 1 và ở đây, Trung Quốc đã đem túi tiền ra nhử Mỹ. Nhưng tôi chờ đợi là đàm phán về hồi thứ nhì sẽ gay go hơn nhiều, nhất là khi Washington động chạm đến chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các doanh nghiệp, đến vai trò của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, đến phần chuyển giao công nghệ và gắn liền vế kinh tế với an ninh quốc gia. Dù vậy, do bận tranh cử Donald Trump tạm thời ngưng đánh thuế thêm vào hàng Trung Quốc và đẩy tất cả những vấn đề khó khăn nhất sang giai đoạn 2".

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - 2020 đau đầu vì thương chiến Mỹ-Trung và Brexit

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Jan 7, 2020 9:18


Năm 2020, quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn sẽ còn nhiều sóng gió, nhưng lần này tập trung vào cuộc đàm phán gay go về mối quan hệ tương lai giữa Liên Âu với một thành viên cũ trong gia đình sau khi nước Anh chính thức ra đi. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ còn nhiều pha trồi sụt và thế giới sẽ tiếp tục trả giá trước những đòn bất ngờ từ phía hai ông khổng lồ của thế giới. Đúng ngày Thứ Sáu 13/12/2019, Nhà Trắng ồn ào thông báo đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc sau 18 tháng « chiến tranh ». Tiếp theo đó, từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ đến Nhà Trắng đều nói đến một « thỏa thuận quan trọng và quy mô » và văn bản này sẽ được nguyên thủ hai nước phê chuẩn vào đầu tháng Giêng năm 2020. Trước mắt văn bản này chưa được công bố đầy đủ cho báo chí. Chỉ biết là từ hơn ba tuần qua, Bắc Kinh đã thông báo tạm giảm thuế nhập khẩu nhắm vào 850 mặt hàng nhập từ Mỹ kể từ ngày 01/01/2019. Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm sắp tới, điều này cho phép Mỹ thu hẹp thâm hụt ngân sách với đối tác thương mại châu Á. Ngoài ra, Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh rằng cùng thời gian, Trung Quốc sẽ mua vào thêm 32 tỷ nông phẩm của Mỹ. Bắc Kinh thận trọng hơn qua lời bộ trưởng Tài Chính Lưu Côn khéo léo nhắc lại rằng « nhập khẩu của Trung Quốc tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ nội địa ». Dù vậy, cả phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều ít đi sâu vào chi tiết hai đòi hỏi chính của Washington : một là Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp nước này, tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty của Trung Quốc và các tập đoàn nước ngoài, và hai là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngưng đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ cao của Hoa Kỳ. Cho dù Mỹ và Trung Quốc rộng rãi thông báo về những thành tích đạt được qua thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng hiệp hội bảo vệ tự do mậu dịch Americans for Free Trade, được hãng tin Bloomberg trích dẫn lưu ý rằng « khoảng 83% cái giá phải trả do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây nên vẫn tồn tại » cho dù Washington và Bắc Kinh đã đồng ý về « thỏa thuận mậu dịch Giai Đoạn 1 ». Trả lời đài RFI Tiếng Việt, Jean-François Boittin, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế Thông Tin Quốc Tế của Pháp (CEPII) dứt khoát loại trừ khả năng thỏa thuận sơ bộ Mỹ-Trung về mậu dịch cho phép chấm dứt xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. « Tôi cho rằng thứ nhất, chúng ta phải đợi có được văn bản chính thức thì mới có thể đánh giá về tầm mức của thỏa thuận Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được. Thứ hai là trong mọi trường hợp, đây chỉ là một lệnh "hưu chiến" tạm thời và rất khó đoán được là sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Chắc chắn là cuộc chiến thương mại không khép lại với thỏa thuận mới đạt được. Điểm thứ ba là cả đôi bên đều đang chịu áp lực rất lớn để đạt đến một thỏa hiệp dù là tạm thời, mà phía Mỹ gọi là một đồng thuận trong Giai Đoạn 1. Phía Trung Quốc thì cần có thỏa thuận vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp trở ngại. Còn đối với Nhà Trắng, một năm trước bầu cử tổng thống chính quyền Trump bắt buộc phải khoe thành tích. Đặc biệt là cần thuyết phục Trung Quốc mua vào nông phẩm của Hoa Kỳ, bởi vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh nhất đến giới nông gia Mỹ. » Đương nhiên đối với ông Tập Cận Bình, thỏa thuận hôm 13/12/2019 là một tin vui, tối thiểu là trên hai điểm : Thứ nhất thỏa thuận « hưu chiến » dù chỉ tạm thời, được thông báo vào lúc các thống kê dồn dập cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang thật sự hụt hơi. Thậm chí tập đoàn ngân hàng Nhật Nomura dự báo tình hình trong năm 2020 sẽ còn « xấu đi thêm ». Tuy là thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc đã tăng chứ không giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ trong năm 2019 giảm 23%. Điểm thứ nhì khiến ông Tập Cận Bình có thể thanh thản được một chút đó là nhờ có thỏa thuận dù chưa được chính thức ký kết, nhưng hôm 15/12/2019, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng né được một đợt đánh thuế mới của chính quyền Trump, đồng thời Washington đã giảm một nửa mức thuế nhắm vào 120 tỷ đô la hàng « Made in China » bán sang Mỹ. Nhưng không chỉ có phía Trung Quốc hài lòng. Ngay cả các tập đoàn Mỹ cũng đã thở phào nhẹ nhõm với thỏa thuận Giai đoạn 1 vừa nêu. Chuyên gia Jean-François Boittin giải thích : « Đương nhiên tại Washington mỗi người nhìn vấn đề tùy theo quan điểm chính trị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy xung đột về thương mại với Trung Quốc khiến mức đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ bị đóng băng trong cả năm 2019. Ngành sản xuất ngừng các dự án đầu tư vào máy móc, ngưng các kế hoạch về địa ốc. Thành thử khu vực sản xuất và công nghiệp bị tác động mạnh. Điều trớ trêu là ông Trump khi ban hành hàng loạt các biện pháp tăng thuế vào hàng hóa Trung Quốc là để giúp công nghiệp của Mỹ phục hồi. Nhìn tới các hộ gia đình, cho tới nay, giới này tương đối được bảo vệ. Bởi vì các doanh nghiệp Mỹ hứng chịu các khoản tăng thuế nhập khẩu để giữ khách hàng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận sơ bộ vừa qua, thì ngày 15 tháng 12, Washington đánh thuế thêm vào 160 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc và trong số này bao gồm các mặt hàng đồ điện tử, máy tính, điện thoại thông minh và đồ chơi điện tử... và như vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của các hộ gia đình. » Điều không thể chối cãi là bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chỉ số chứng khoán và thị trường lao động tại Hoa Kỳ năng động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jean-François Boittin lưu ý rằng chính quyền Trump đánh thuế hàng Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp Mỹ thì bị « lãnh đủ ». « Có một điều rất rõ ràng là chính quyền tăng thuế và bên phải gánh chịu các khoản thuế đó là các công ty Mỹ, là người tiêu dùng ở Mỹ, chứ không phải như những gì tổng thống Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại rằng các tập đoàn Trung Quốc phải trả giá. Bên cạnh đó, cốt lõi của xung đột Mỹ-Trung không phải là thương mại, mà đây thực sự là một cuộc đọ sức về công nghệ cao. Tôi muốn nói tới các tập đoàn ZTE và Hoa Vi. Chính quyền Trump đang làm tất cả để chận đường Hoa Vi trên lãnh thổ Hoa Kỳ và kể cả tại châu Âu. » Theo một nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Liên bang New York cùng hai viện đại học Princeton và Colombia thực hiện, trung bình trong năm 2019, xung đột về thương mại Mỹ-Trung cướp mất 831 đô la của mỗi hộ gia đình cho cả năm. Điều đáng chú ý là, có lẽ không liên quan nhiều đến chiến tranh thương mại, tinh thần bài Trung Quốc ở Mỹ trong năm vừa qua thực sự gia tăng. Jean-François Boittin, thuộc CEPII, ghi nhận : « Nhìn chung, tinh thần bài Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Mỹ. Phần lớn công luận Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. Theo thăm dò gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew Research, trong vòng một năm, tỷ lệ số người bài Trung Quốc đang từ 47% nhảy vọt lên thành 60%. Cũng có một số người quan niệm rằng, Trung Quốc bội bạc, bởi vì quốc gia đông dân này ngày nay trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới một phần là nhờ được Mỹ giúp đỡ. Đây cũng là quan điểm được trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương nêu lên trong một bài phát biểu hôm 12/12/2019. » Brexit : Đường còn dài Từ hơn ba năm qua, nước Anh chưa bao giờ cận kề với Brexit như từ ngày 12/12/2019. Giành được đa số áp đảo tại Nghị Viện, thủ tướng Boris Johnson rộng đường áp đặt lộ trình chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Không còn trở ngại nào ngăn cản vương quốc Anh ra đi vào cuối tháng Giêng 2020. Với 365 trên tổng số 650 ghế, dự luật về Brexit của thủ tướng Johnson sẽ được thông qua vào ngày 09/01/2020 sau ba lần điện Westminster xem xét văn bản về thỏa thuận chia tay. Dù vậy, cột mốc 31/01/2020 chưa phải là điểm đến cuối cùng trong tiến trình Brexit. Đó sẽ là điểm khởi đầu cho một chuỗi dài những vòng đàm phán về quan hệ tương lai giữa Vương Quốc Anh với 27 đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian 47 năm chung sống. Đâu sẽ là vai trò, trọng lượng của Luân Đôn trên các phương diện từ kinh tế, mậu dịch, ngoại giao và quân sự với Bruxelles ? Có một điều chắc chắn là sau bầu cử hồi tháng 12/2019, cử tri Anh đã tạo thế mạnh cho thủ tướng Boris Johnson để đàm phán với châu Âu. Ngược lại về phía Bruxelles, nếu như trong ba năm qua, Liên Âu đã đặc biệt bày tỏ đoàn kết trong hồ sơ Brexit, không có gì bảo đảm rằng trong giai đoạn đàm phán sắp mở ra với nước Anh, 27 thành viên còn lại trong Liên Âu sẽ phá rào tìm kiếm lợi thế tốt nhất khi nói chuyện với Luân Đôn. Thí dụ, ưu tiên của nước Đức sẽ là về công nghiệp, trong lúc Pháp đặt trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan hay Tây Ban Nha quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu phát triển dịch vụ với nước Anh kể từ ngày 31/12/2020 - thời điểm mà trên nguyên tắc Bruxelles và Luân Đôn chấm dứt đàm phán, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

TẠP CHÍ VĂN HÓA
Tạp chí văn hóa - Cà phê Việt, vỉa hè Paris

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Play Episode Listen Later Dec 13, 2019 9:11


Một bức tường vàng trông loang lổ, chồng chéo những quảng cáo khoan cắt bê tông cùng số điện thoại, bên tường đối diện là những chiếc mũ bảo hiểm và trang phục của Grab, rồi những chiếc ca, chiếc cốc thời bao cấp. Thoạt nhìn cứ ngỡ đang bước vào một quán cà phê ở Hà Nội, nhưng lại nằm giữa quận 11 Paris nhộn nhịp với những nhà hàng, quán bar, cà phê của giới trẻ. Một điểm hẹn mới cho những người con xa xứ hàn huyên bên cốc cà phê đậm chất Việt, như tâm sự của Phạm Loan Kim, một Việt kiều, sinh viên trường Paris Business School (EBS) : « Em không ngờ nhìn quán như ở Việt Nam, ở Hà Nội, được ngồi ở vỉa hè, uống cà phê đúng kiểu Việt Nam, được ăn hạt hướng dương, uống cà phê trứng, rất giống cà phê Việt Nam. Đối với em, hương vị khá là giống. Nó hơi khác một chút tại vì phải làm cho hợp khẩu vị của người Pháp cho nên nó hơi mạnh hơn một chút. Cốc cũng bé hơn vì bên Pháp, họ toàn uống cà phê trong cốc rất bé, chứ không giống ở Việt Nam, lâu lâu cho thêm nhiều đá, cho thêm nhiều kem. Ngoài ra, hương vị rất giống tại vì là cà phê của Việt Nam, cho nên đối với em đó là cà phê chính hiệu, giống Việt Nam thật ». Đậm chất cà phê Việt ở Paris Câu chuyện về Vỉa hè Cà phê (16 rue Daval, 75011 Paris) bắt đầu từ một cặp vợ chồng Hoa-Việt. Trong suốt 10 năm, chàng trai theo cô gái về thăm gia đình ở Việt Nam. Tống Văn Phú khám phá món cà phê vỉa hè Hà Nội độc và lạ, nên muốn mang chút không khí đó sang Paris, một mảnh đất cũng nổi tiếng về cà phê : « Chúng tôi muốn đem lại trải nghiệm có được ở Hà Nội. Có nghĩa là mang lại bầu không khí, sự thân thiện qua việc ngồi ghế đẩu. Chúng tôi cũng muốn tái hiện lại những chi tiết nhìn thấy ngoài phố, như bức tường mầu vàng có vẻ rêu phong kia, chúng tôi bắt chước và in lên đó những số điện thoại quảng cáo thông tắc bể phốt, như ở Hà Nội. Chúng tôi cũng treo những chiếc mũ bảo hiểm của những người giao hàng Grab. Có rất nhiều yếu tố, mà nếu như ai đó đã đến Việt Nam, sẽ thấy ở trong quán ». Mai Phương, cô chủ quán luôn tươi cười niềm nở, cho biết muốn mang và chia sẻ với cộng đồng người Việt tại Paris những kỉ niệm tích góp suốt 20 năm ở Hà Nội : « Từ bé đến lớn em đã quen với những quán cà phê đường phố, với những chiếc ghế đỏ rất thấp, kể cả không có bàn, khi mình ăn hoặc uống, cũng chỉ có những chiếc ghế đó thôi. Lúc chúng em làm cà phê thì muốn làm cho mọi người nhìn thấy, mọi người nhớ đến Việt Nam ngày xưa, chỉ có những chiếc ghế nhỏ như thế. Nói thật là để mang sang đây toàn bộ ghế nhựa thì không thể, tại vì người Tây cũng khác mình, người ta quá cao to, quá nặng nên em chỉ mang một số ghế nhựa sang, còn tất cả ghế gỗ trong cửa hàng là được đặt ở bên Pháp để mọi người thoải mái hơn và chắc chắn hơn ». Nâu đá, đen đá, sinh tố…, khách hàng vẫn có thể vẫn tìm thấy trong những nhà hàng Việt, nhưng một cốc cà phê trứng đậm chất Hà Nội, một cốc cà phê cốt dừa, có lẽ ngon nhất vẫn là ở Vỉa hè Cà phê, tí tách trong tiếng cắn hạt hướng dương. « Chú của vợ tôi có một cửa hàng cà phê ở Việt Nam, anh Tống Văn Phú giải thích. Chúng tôi học nghề từ ông trong khoảng 2 tuần. Trong thời gian này, chúng tôi làm việc trong cửa hàng của ông, học đúng những công thức pha chế của ông. Chúng tôi không thay đổi gì hết, ngay cả vị cà phê, chúng tôi cũng cố giữ nguyên vị, có nghĩa là loại cà phê rất mạnh và hòa quyện với sữa đặc. Chúng tôi muốn thực hiện triệt để ý tưởng này. Vì thế, chúng tôi cũng làm những món đồ uống đậm chất Việt nên mọi loại cà phê pha chế theo kiểu Việt Nam đều được pha từ cà phê Việt. Chúng tôi may mắn có một người bạn là nhà cung cấp cà phê và họ nhập cà phê hạt từ Việt Nam và rang xay tại Pháp cho chúng tôi ». Địa điểm của giới trẻ Paris biết và từng đến Việt Nam Khác với những quán cà phê vỉa hè Paris có bàn sắt đen, ghế mây, Vỉa hè Cà phê chỉ có ghế đẩu, bàn mây, ngả lưng vào tường, ngắm người qua lại. Điểm khác biệt lại thu hút sự tò mò của người qua đường. Mai Phương giải thích : « Từ lúc chúng em mở cửa hàng, người Pháp đến quán không hề sốc một chút nào. Họ rất vui vẻ, rất tò mò. Có nhiều khách từng đi Việt Nam rồi, đã thử ngồi trên những chiếc ghế thấp ở Việt Nam, nên họ rất vui tìm lại được cảm giác như ở Việt Nam. Còn những người mới đến thì cũng rất tò mò bởi vì thực sự ở Paris, chưa có chỗ nào có những chiếc ghế thấp như thế. Cũng có nhiều người đi qua lại nghĩ là cửa hàng mở ra cho trẻ con vì tất cả bàn ghế là quá thấp ». Những buổi chiều tan ca, những ngày cuối tuần, Vỉa hè Cà phê tấp nập khách qua lại. Hết chỗ, họ sẵn sàng chờ hoặc mua cà phê đứng uống bên ngoài. Còn với Loan Kim, nữ sinh viên Paris, quán trở thành nơi gắn kết tình bạn : « Em là người sinh ở bên Pháp, dần dần càng lớn, em mới bắt đầu chơi với người Việt nhiều hơn, rồi có nhiều bạn người Việt ở bên Pháp hơn. Cho nên khi phát hiện ra quán này, tụi em rất thích vì tụi em ở nhà rất bé, tự nhiên có một chỗ để tụ tập, uống cà phê với nhau, nói chuyện rất vui. Em nghĩ là tụi em từ hôm bắt đầu tụ tập ở Vỉa hè Cà phê, có thể tụi em gắn kết với nhau nhiều hơn, tại vì chơi ở nhà nhau cũng khó, không phải ai cũng rảnh, làm xong thì phải dọn dẹp. Còn đến đây, mỗi người mua một cốc nước, một cốc cà phê, có nhiều bạn của em đến từ trưa, chờ tụi em đến chiều tối đi học đi làm về, cho nên là có gắn bó hơn ». Vỉa hè Cà phê cũng trở thành nơi thử nghiệm của một nhóm đam mê về cà phê, nơi đánh thức cảm nhận về hương vị của một số loại cà phê, nơi giải đáp những thắc mắc, như tại sao cà phê đắng... Cà phê của workshop được pha theo cách cổ, bằng bình siphon, như những ống thí nghiệm, hoặc trong nhiều loại dụng cụ khác nhau, để cuối cùng, những người tham gia tự pha chế một tách cà phê riêng thể hiện đúng tính cách của mình. Ngoài mong muốn trở thành nơi tập trung mang tính chất cộng đồng, Vỉa hè Cà phê cũng rất chú ý đến vấn đề môi trường. Mai Phương giải thích : « Từ đầu mở ra, cửa hàng đã áp dụng luôn là toàn bộ ống hút của cửa hàng là dùng ống hút thủy tinh và đồ uống mang đi sẽ được dùng ống hút giấy. Cửa hàng không dùng đồ nhựa. Chúng em cũng biết là mình phải thay đổi toàn bộ cách sống, cách hoạt động, không nên dùng đồ nhựa. Nên cửa hàng cố gắng áp dụng từ đầu, triệt để luôn, bây giờ hay về sau thì cũng không dùng đồ nhựa trong cửa hàng ». Một buổi chiều thứ Bẩy, trời Paris bắt đầu se lạnh, nhưng khách hàng vẫn túc tắc đến. Đa số là sinh viên, họ đi làm thêm về, muốn sưởi ấm cùng ly cà phê nóng và trong hơi ấm giữa những người con xa nhà. *** Bài hát được sử dụng trong tạp chí : Hanoï (2015) của nữ ca sĩ La Grande Sophie.

TẠP CHÍ KINH TẾ
Tạp chí kinh tế - Phát triển mạng 5G: Châu Âu có sự lựa chọn nào khác ngoài Hoa Vi?

TẠP CHÍ KINH TẾ

Play Episode Listen Later Dec 10, 2019 9:19


Để phát triển mạng điện thoại di động thế hệ 5, châu Âu vừa "cần" và vừa "ngại" Hoa Vi. Châu Âu tránh nêu đích danh Hoa Vi nhưng báo động các trang thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này có thể là một mối đe dọa đối với an ninh của mạng 5G trên Lục Địa Già. Hoa Vi là một trong những đề tài mà thủ tướng Anh đã đề cập đến với tổng thống Mỹ bên lề thượng đỉnh NATO (04/12/2019) tại Luân Đôn. Từ tháng 5/2019, khi chính quyền Trump tuyên chiến với tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987, Hoa Kỳ liên tục thúc ép ba đồng minh thân thiết nhất trong Liên Hiệp Châu Âu là Anh, Pháp, Đức tẩy chay Hoa Vi. Ngày 10/10/2019 Bruxelles công bố một báo cáo nêu bật một số "đe dọa có thể nhắm vào hệ thống mạng 5G", "khả năng của một số quốc gia hay các nhà cung cấp mạng tiến hành các đợt tấn công liên tiếp và tinh vi đe dọa đến an ninh" mạng điện thoại di động của châu Âu. Dù vậy, Liên Âu đang cân nhắc việc hợp tác với Hoa Vi để phát triển hệ thống viễn thông đời mới. Anh, Pháp và Đức đang bị giằng co giữa một bên là mối liên minh chiến lược và quân sự với Washington và bên kia là những lợi ích về thương mại với Bắc Kinh. Đề cao cảnh giác nhưng không cấm cửa Hoa Vi Trước mắt, lập trường chung của châu Âu là một mặt kêu gọi "đề cao cảnh giác" trước nguy cơ trang thiết bị 5G do có thể bị "một số Nhà nước hay các nhà cung cấp mạng" sử dụng như những con ngựa thành Troie, dùng để dọ thám đối phương. Nhưng đồng thời từ Luân Đôn đến Berlin hay Paris đều tuyên bố "không cấm cửa Hoa Vi". Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số, Julien Nocetti, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI nhấn mạnh đến thế kẹt của châu Âu trên hồ sơ nhậy cảm này : "Cho đến nay Liên Hiệp Châu Âu chưa quyết định dứt khoát về trường hợp Hoa Vi. Nhưng đã nhiều lần Ủy Ban Châu Âu thảo luận và nghiên cứu kỹ hồ sơ này. Đặc biệt là trong những tháng gần đây, câu hỏi Bruxelles có nên cấm cửa Hoa Vi hay không gây nhiều tranh cãi giữa các thành viên, đặc biệt là tại Anh và Đức". Riêng với nước Anh, hồ sơ Brexit khiến bài toán càng thêm nan giải. Nước Anh sắp chia tay với châu Âu và sẽ cần có những điểm tựa vững chắc như là Mỹ và cả Trung Quốc. Ông Julien Nocetti giải thích tiếp : "Cái khó đối với Luân Đôn là nước Anh bị giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ. Với Trung Quốc thì lợi ích quan trọng nhất là thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh Brexit. Đồng thời, Vương quốc Anh lại có một mối quan hệ rất đặc biệt với Hoa Kỳ, chủ yếu là về an ninh và chiến lược. Đó là chưa kể Luân Đôn cũng sẽ rất cần đến Washington trong giai đoạn hậu Brexit". Tại Berlin, Hoa Vi cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Đức có mối quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Điều đó không cấm cản Washington cho đặt máy nghe lén điện thoại của thủ tướng Merkel. Đồng thời, trong số các lãnh đạo phương Tây, bà Angela Merkel là một trong những người thường xuyên công du Trung Quốc nhất. Chuyên gia Pháp Nocetti nhấn mạnh đến mức độ gắn bó chặt chẽ giữa công nghệ của Đức với Trung Quốc. Điều đó khiến vấn đề bảo vệ an ninh mạng trong quan hệ với đối tác châu Á này lại càng lớn : "Trong trường hợp của Đức, vấn đề càng phức tạp hơn. Giám đốc ngành tình báo cho rằng, trang thiết bị của Hoa Vi chưa chắc đã "nguy hiểm" hơn so với của Mỹ. Ngược lại, thủ tướng Merkel luôn thiên về phía Washington. Tuy nhiên, từ năm 2013 sau vụ tai tiếng Mỹ nghe trộm điện thoại của bà Merkel, Berlin thận trọng hơn với đồng minh Hoa Kỳ. Cùng lúc, về thương mại và công nghiệp, các tập đoàn của Đức vừa cần đến các đối tác Trung Quốc vừa lệ thuộc vào các hãng của Trung Quốc. Nguy cơ ở đây là nếu ngả về phía Hoa Vi, Berlin sẽ làm Washington phật lòng và lại càng tăng thêm mức độ lệ thuộc vào các đối tác Trung Quốc. Dù vậy, tới nay Đức cũng chưa đưa ra quyết định sau cùng là có nên hay không chọn Hoa Vi làm đối tác để phát triển hệ thống 5G". Riêng Paris, cho đến đầu tháng 12/2019, Pháp tuyên bố "không nhất thiết phải theo đuôi Hoa Kỳ loại Hoa Vi khỏi các dự án xây dựng mạng điện thoại đời mới" nhưng đồng thời Pháp, cách nay vài tháng, vừa thông qua một bộ luật nhằm nâng cao khả năng bảo đảm mức độ an toàn cho mạng 5G, nhưng tránh không nêu tên bất kỳ một nhà cung cấp nào. Cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, ông Julien Nocetti, hơi ngạc nhiên về thái độ "kín đáo" của chính phủ Pháp : "Lập trường được giữ khá kín của Pháp khiến không ít người ngạc nhiên. Về thực chất, Paris luôn tỏ ra gần với quan điểm của Washington, dù không cực đoan như Mỹ. Hiện tại, Pháp nói là không loại Hoa Vi, đồng thời kêu gọi tăng cường các chuẩn mực về an ninh mạng và nhất là giành quyền kiểm soát khâu quan trọng nhất trong tiến trình phủ sóng 5G". Mỹ chơi trò đánh hỏa mù ? Nói cách khác, trước mắt, Hoa Vi vẫn tự tin là đủ sức thuyết hục châu Âu không về hùa với Mỹ để loại tập đoàn Trung Quốc này. Nhất là ngay cả chính Washington, sau khi Nhà Trắng viện lý do an ninh quốc gia, "cấm các công ty Mỹ mua trang thiết bị của Hoa Vi và ZTE", thì trong sáu tháng qua, cũng Washington đã ba lần tạm hoãn lệnh trừng phạt tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Nhưng điều đó không cấm cản chính quyền Trump vì muốn triệt hạ Hoa Vi đã ngỏ ý "hỗ trợ" hai tập tập đoàn châu Âu là Nokia và Ericsson về mặt tài chính như tin được tờ báo Financial Times loan tải. Vẫn theo tờ báo tài chính này, một số quan chức Mỹ cho rằng "cần tạo điều kiện" để có một sự "cạnh tranh" trên thị trường cung cấp mạng 5G trong lúc mà từ "nhiều năm qua, Hoa Vi đã được Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc dễ dàng cấp tín dụng để trở thành một ông khổng lồ trong ngành viễn thông của thế giới". Cần biết rằng China Development Bank là ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc. Báo Financial Times không quên nhắc lại rằng, Ericsson vừa phải nộp phạt hơn 1 tỷ đô la cho chính phủ Mỹ trong khuôn khổ cuộc điều tra về tội hối lộ, cạnh tranh bất bình đẳng để giành được thị phần tại Việt Nam, Trung Quốc và Djibouti trong thời gian từ năm 2000 đến 2016. Thực lực của châu Âu ? Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Liên Hiệp Châu Âu thể trông cậy vào hai con chim đầu đàn trong ngành viễn thông của mình là Nokia và Ericsson mà không cần đến Hoa Vi của Trung Quốc hay không ? Chuyên gia Pháp, Julien Nocetti trả lời : "Trong ngắn hạn, châu Âu không thể đoạn tuyệt với Hoa Vi. Đây là kịch bản không thực tế chút nào. Liên Hiệp Châu Âu có nhiều lá chủ bài để phát triển mạng 5G, có một số các công ty đã làm chủ trong lĩnh vực này. Tôi muốn nói tới Nokkia và Ericsson. Châu Âu vừa có các chuyên gia, vừa làm chủ kỹ thuật này. Tuy nhiên, đừng quên rằng ngay cả các tập đoàn châu Âu là Nokia và Ericsson cũng đang có nhiều dự án với các đối tác Trung Quốc. Một ngày nào đó, các công ty này tính chuyện thay thế Hoa Vi, thì lập tức Bắc Kinh sẽ trả đũa". Nhược điểm của châu Âu là vấn đề tài chính, như giải thích của ông Nocetti, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp : "Nói về phương tiện cần được huy động, quan trọng nhất là vế tài chính. Đây là cốt lõi của vấn đề và cũng là nhược điểm của châu Âu. Chúng ta thấy rằng, để phát triển mạng công nghệ thông tin đời mới, ngân sách của một vài quốc gia trong Liên Âu là không đủ". Qua hồ sơ phát triển công nghệ điện thoại 5G, châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, rõ ràng là đang bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. Trớ trêu hơn cả là châu Âu hay Pháp, Đức, trong một thời gian dài đã dẫn đầu các công nghệ từ tin học đến viễn thông. Châu Âu đã có rất nhiều lá chủ bài trong tay, từ nhân lực đến kỹ thuật, nhưng chỉ vì thiếu đoàn kết để có được một chiến lược phát triển chung, để rồi Trung Quốc giành lấy được thế thượng phong. Giờ đây, trên bàn cờ 5G, châu Âu đang bị dồn vào thế thủ. Nếu có tham vọng thoát khỏi cảnh trên đe dưới búa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Bruxelles cần "nhanh chóng hành động mà không được phép đi sai một nước cờ", như kết luận của chuyên gia về an ninh mạng, công nghệ kỹ thuật số, Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế - IFRI.